Chúng tôi đang ăn cơm, cha con ông già quẩy gánh ngang qua. Cô gái lấy các đồ tiếp tế để lại chỗ chúng tôi. Anh Hoành xua tay bảo:
- Đồng bào đem đi, ở đây bộ đội có rồi.
Ông già nói:
- Chút xíu thôi mà. Bộ đội vô nam chiến đấu đánh Mỹ diệt Ngụy, bà con góp phần ủng hộ đó.
Huyện đội củng cố lực lượng, đánh tiếp trận 2. Hin chân đau cùng anh Hoành, Năm Thắm trực chiến súng Đại liên. Tôi và anh Hoàn bổ sung cho đội du kích.
Lợi dụng chiều mưa to, chúng tôi khoác ni lông, đội nón trà trộn với dân đi làm chiều về. Lính gác của địch mất cảnh giác, chúng tôi vào ấp chót lọt.
18 giờ tối 09/4/1971, tối nhập nhoạng, sáng rạng đông là hay xảy ra binh đao chiến sự. Tôi bám sát 9 Thương vượt qua mấy hàng rào cây chè dây, men theo bờ vườn qua một xóm chừng 10 nóc nhà, đến sát trại lính có sân tập cột cờ và dãy nhà ăn của quân Bảo an.
Chúng tôi chia làm 3 Tiểu đội, 2 Tiểu đội tiến công và 1 Tiểu đội tiếp ứng. Khẩu trung liên RPD của anh Hoàn đặt sau bờ đất, trong bụi cây ô rô. Chín Thương lệnh B41 phát hỏa, Tám cao kều bắn một quả vào nhà chỉ huy. Nhà lợp tranh tre cháy bùng lên. Anh Hoàn bắn Trung liên vào nhà ăn. Súng AK, AR15, M79 của du kích nổ ran…
Quân địch chết và bị thương một số, thằng sống đạp nhau mà chạy. Chín Thương lệnh cho 1 du kích tiếp cận cột cờ, hạ cờ ngụy, kéo cờ giải phóng. Ba Răng Vổ xông vào đốt nhà ăn. Tôi thấy mé ngoài có những phi xăng, téc xăng nằm ở hầm đất lộ thiên liền bắn mấy điểm xạ AK; lửa cháy tràn lan, khói lên ngút trời.
Quân địch chạy khỏi ấp kêu pháo bắn rồi tổ chức đánh quật lại. Hai bên bắn nhau đến 20 giờ đêm. Hai Trung đội 1 và 3 đánh vào doanh trại của Đại đội lính Cộng hòa. Hai bên bắn nhau đến 40 phút thì 1 Đại đội quân ngụy thuộc Tiểu đoàn biệt động số 2, đóng ở đồi 100 phía Đông Nam ấp Hòa Nha, chia làm 2 mũi đánh vào phía sau lưng quân ta. Dương Đông, kích Tây đều không dứt điểm được. Sáu Tân, trợ lý Huyện đội lệnh các mũi rút lui.
Tôi xem đồng hồ, lúc này là không giờ 25 phút đêm, rạng 10/4/1971.
Trung đội 2 chúng tôi chạy lạc vào các xóm. Quân ngụy hò reo 4 phía:
- Bắt giết hết Cộng sản, không để một tên chạy thoát!
Tôi thấy vậy chui vào một bụi cây trâm bầu. Quân địch, 1 Trung đội chạy qua trước mặt. Tôi nhìn quanh, đồng đội chẳng thấy ai, tiến thoái lưỡng lan, không biết cả đường về. Gần đấy có mấy nhà dân, lợi dụng khói lửa, tôi tiến đến một khu vườn cây ăn trái nấp trong bụi chuối đầu nhà.
Mãi nửa đêm, mới thấy người đàn bà mở cửa đi ngoài. Tôi chớp thời cơ đột nhập vào, núp sau cánh cửa buồng nghe ngóng. Người đàn bà vào nhà đóng cửa và hỏi:
- Con Ba đã ngủ chưa?
- Con chưa ngủ, đánh nhau ra răng má?
Chỉ thấy cháy nhà, cháy kho xăng ở ngoài đồn binh. Cộng sản đột vô, hai bên bắn nhau đạn nổ quá trời, tiếng quân reo dậy đất, không hiểu chết chóc ra răng? Không rõ thằng Ba nhà ni có mệnh hệ chi?
Tiếng một người đàn ông:
- Khôn sống, mống chết, có phước thì qua. Lạy trời, lạy chúa ban phước cho thằng Ba nhà ni thoát hiểm.
Người đàn bà đi lấy hương đốt cắm lên bàn thờ và nói:
- Ông làm ấp trưởng, sớm mai quận về liệu mà bẩm báo xuôi nghe, ấp úng thì toi mạng liền đó. Người đàn gạt đi:
- Đàn bà thì biết chi chuyện Quốc gia!
Tôi chột dạ nghĩ bụng: Hỏng rồi, tự dưng mình chui vào rọ. Chui đâu không chui lại chui vào nhà một Nguỵ quyền! Chuyến này không khéo chết không có chỗ chôn, cửa đã đóng rồi, làm sao đây?
Ngoài đồn binh súng vẫn nổ, cối vẫn bắn. Tôi đơn phương độc mã không người tiếp cứu, lúc này mới thấy cần đồng đội hơn. Nghĩ chưa ra kế, 36 kế chuồn là thượng sách. Nhưng cửa đóng then cài, chạy ra thì ăn đạn của lão già, chết không kịp ngáp, đành tới đâu hay tới đó.
Tôi đã đánh dư trăm trận, tên đạn bời bời như đi vào chỗ không người, khẩu súng trong tay đã từng một viên đạn một quân thù, tiêu diệt hàng trăm tên địch, chẳng lẽ hôm nay mệnh đã hết phải bỏ xác xa trường hay sao? Thôi thì một liều ba bảy cùng liều. Thèm thuốc không dám hút. Mà tôi đang mót tiểu, căng hết bọng đái. Đành liều quay vào tường tè ra góc nhà…
Người con gái kêu:
- Mùi chi mà khó ngửi má?
Bà má kêu:
- Chu cha, ai vừa tè ra nhà nớ, nước tiểu mới hăng xè. Ông sợ tè cả ra đó phải không?
Ông chồng cáu:
- Tầm bậy nào! Thế thì con Ba ở lì trên giường ni chẳng lẽ có kẻ đổ nước tiểu vô à? Bay châm đèn coi thử đi!
Cô gái châm đèn, vừa soi vừa ngửi, vì càng dô buồng càng khai. Chiếc đèn dầu khuya đi khắp một vòng trong buồng. Khi cô vòng lại tôi lẻn ra sau. Vừa đi cô vừa lầu bầu:
- Kỳ thiệt! Không thấy chi mà mùi khai nồng nặc?
Bà má nói:
- Tự nhiên thấy đói bụng, còn Ba có chi đem tau eng (ăn)?
- Hồi tối còn mấy đĩa bánh xèo đó. Ba má dậy eng.
Ông già gạt đi:
- Má con mi đói thì cứ ăn.
- Thì ông dậy mà uống mấy xị rượu cho đỡ sợ.
Ông lão không nói gì. Mùi nước mắm, bánh xèo làm tôi chảy nước miếng. Hai người đàn bà ăn xong rồi, vẫn còn một đĩa để trên bàn đậy lại.
Bà má nói:
Thôi gắng ngủ cho khỏe, hơi đâu mà lo chuyện Quốc gia
Thêm vài câu kẻ nói đi, người nói lại, rồi căn nhà im hẳn.
Tiếng ngáy đều đều, tôi kẹp súng lần mò đến bàn nhấc chiếc rổ, lấy đĩa bánh quay lại buồng, cài cửa lại và ngồi ăn. Thèm thuốc quá, tôi móc túi lấy thuốc rê, vê một mồi nhưng không dám châm lửa, đành bỏ miệng nhấm nháp, nuốt nước cho cay đỡ buồn ngủ.
Trời sáng 10/4/1971, cô gái vào buồng, mở cửa hông được kêu lên:
- Ai cài cửa làm chi má?
- Mi chứ bộ ai vào nhà này.
- Con hổng chốt mà.
Tôi sợ họ đi báo lính thì nguy, nên quyết định phải khống chế ngay. Tôi khẽ rút chốt cửa, cô gái đẩy đánh ầm, ngã vào nhà. Tôi túm cô gái quát:
- Im thì sống, la thì chết, chống lại bắn bỏ nghe!
Cô gái run rẩy, miệng lắp bắp:
- Ông, ông là Việt Cộng?
Tôi đẩy cô gái ra nhà, gằn giọng quát:
- Yên cầu cả nhà ngồi im tại chỗ, ai chống cự hoặc chạy tôi bắn chết liền.
Vợ chồng ông lão không dám ngẩng mặt lên, nằm mọp trên giường, chắp tay vái:
- Xin ông tha chết chúng tôi chưa làm chuyện gì thất đức cả.
- Ông làm Ấp trưởng mà không phải ác ôn sao?
Ông già thanh minh:
- Dạ dạ, thiệt tình tôi chưa giết người bao giờ.
- Biết ma nào ăn cỗ. Hãy mang vũ khí nộp ra đây.
- Dạ, tôi không có vũ khí.
- Làm Ấp trưởng thời loạn mà không có súng thì lạ, ấp úng ăn đạn ngay giờ.
- Dạ xin ông đừng bắn, tôi xin nộp hết ạ!
Ông già đứng dậy định đi. Tôi gạt đi:
- Ngồi im, nhúc nhích tôi bắn què cẳng đó. Bà già vô lấy đi, giở giọng là 2 cái mạng chết trước hiểu không.
Bà già đến sau ban thờ, đem ra nào súng AR15, súng ngắn côn bát, đạn dược và 6 trái lựu đạn Mỹ... Tôi hỏi:
- Còn gì không?
- Dạ hết rồi ạ.
Nếu tôi khám nhà còn, vũ khí thì cha con các ngươi khó còn người cúng cơm đâu. Cả hai ông bà già đều dạ và gật đầu lia lịa.
Tôi lấy súng lục côn bát đeo vào lưng, cài thêm lựu đạn đặc kín quanh người, súng AR 15 để bên cạnh. Rồi bảo:
- Hãy nghe đây: Nội không xuất, ngoại không nhập, nếu có chuyện thì ngày hôm nay, tháng này sang năm sẽ là ngày giỗ đầu của cả nhà này đó.
Vợ chồng ông lão dạ dạ rối lên. Tôi nói thêm:
- Các người cần biết: Hôm nay coi như không có chuyện gì xảy ra; nếu con trai các ngươi đem lính về đây tiết lộ ta ở nhà này thì 3 cái mạng sẽ đi chầu Diêm vương trước đó.
Ba người mặt cắt không ra máu. Bà già ngồi chắp tay niệm Phật: Nam mô Quan thế âm bồ tát cứu khổ, cứu nạn”. Tôi lên đạn đánh “roạt”, cả nhà giật bắn người.
Tôi cầm lựu đạn sách súng vào buồng nói, bà già ngồi cửa canh chừng, lính mà qua đây thì liệu mà ăn nói, không để tên nào vào. Tính mạng cả nhà là do bà quyết đó. Bà già “dạ dạ” cầm ghế ra cửa ngồi canh.
Lúc này tôi được tự do hút thuốc.
Gần 9 giờ trưa 10/4/1971, tôi ra lệnh, nhà 3 người thay nhau, chỉ một người được đi vệ sinh còn 2 người phải ngồi tại chỗ, không được đi khỏi phạm vi đất nhà mình. Nếu một người bỏ trốn thì phải đền 2 mạng, ai vi phạm bắn bỏ.
Cả nhà dạ ran lên. Bà già nói:
- Ông giải phóng, tôi đi chụm cơm nghe?
- Bà cứ làm việc bình thường. Nhưng chỉ được đi trong sân, trong bếp không được ra ngõ.
Bà già đi chụm lửa, vặt cà nấu cơm rồi vặn cổ con gà mái ấp. Xong việc, bà già bưng mâm cơm đặt lên bàn kêu:
- Mời ông già, con Ba và ông giải phóng qua eng cơm.
Tôi nói luôn:
- Cả nhà ăn đi, rồi đem cơm lại đây cho ta. Nếu bỏ độc dược ta chưa chết hẳn bắn chết cả nhà đó.
Bà già có vẻ đã bình tĩnh hơn:
Dạ không dám. Thề có Phật tổ Quan Thế âm Bồ tát, nếu chúng tôi làm chuyện độc ác thì thiên lôi đánh cả bầy.
Ông già kêu:
- Đem cho ông Giải phóng sị rượu.
- Các ngươi định phục rượu ta say, rồi trói ta đem nộp lĩnh thưởng phải không?
- Chúng tôi đâu dám có ý đó.
- Nếu vậy thì đem lại đây
Cô con dâu bưng mâm cơm, một bát thịt gà kho, 1 tô cà sáo với liễn cơm, xị rượu.
Ăn xong, mắt tôi cứ díp lại, lâu lâu lại lăn đùng ra. Tôi lại vấn thuốc hút, chỉ cần sơ xuất một chút là toi mạng. Bữa đánh cầu Chìm bị quân Mỹ vây hãm ở hang Lâm Tây còn có người thay nhau mà ngủ, nay một mình chiến đấu có phần lạnh lưng, hở sườn. Tôi bảo:
- Tất cả nghe rõ đây: Ai ngồi đâu cứ ở đó, không để sợ hãi lộ trên nét mặt; nếu có người vào phải bình tĩnh không được ấp úng, lúng túng mà làm hỏng việc của ta. Các ngươi không động đến ra thì ta cũng không động đến các ngươi. Đêm nay ông già và cô gái đưa ta ra khỏi ấp đến giữa cánh đồng Hòa Nha, Lâm Phụng ta sẽ tha cho cha con ngươi về. Nếu đưa ta vào ổ phục kích hoặc chỗ địch đóng quân thì 2 cái mạng người sẽ về với diêm vương trước.
Bà già thưa:
- Dạ đâu có, nhà tôi toàn người lương thiện, từ xưa ông bà đến giờ chưa ai làm điều thất đức, tuy có làm việc cho Quốc gia, song cái bụng vẫn hướng về Cách mạng. Thằng Ba con trai tui đi lính Cộng hòa, làm sĩ quan thiệt đó nhưng cùng không bao giờ đi lùng bắt Cộng sản, không hại dân, hại nước. Hồi 1969, Mỹ bắt được cán bộ du kích 7 người cả thảy, giữa khuya thằng con trai tôi gác thấy địch tra tấn dã man, nên mới nén cởi trói thả hết, chỉ đường dô tuốt lên trên, để mọi người đi xa mới nổ súng báo động. Lần đó, tụi chúng phạt con trai tui bắt lao công, cắt lương 6 tháng. Ông già nhà tui ông làm Ấp trưởng chạy chọt lo lót các cửa hết cả vạn đồng con trai tui mới được hồi phục. Ông tuy rứa, chứ hiền khô.
Mắt tôi cứ díp vào, buồn ngủ rũ, hết dụi mắt lại vấn thuốc hút. Sang chiều, mót đi cầu, tôi kêu cô gái đem bô lại đây. Ông già hiểu ý bảo con dâu lấy chiếc thùng đạn đại liên ở gầm giường. Cô gái đẩy vô buồng, trong có cả giấy vệ sinh. Ngoài trời máy bay, cối pháo, tiếng bom gầm, đạn nổ, người kêu. Con bò buộc ở vườn rống lên liên hồi, chó sợ tiếng nổ nằm chúi mũi gầm rường run như cầy sấy, lợn kêu, gà cộc tác, buồn vô hạn.
Tôi viết: Bao giờ ôi biết bao giờ/ Cho ta lại đứng trên bờ đê cao/ Đồng xưa Xóm cũ năm nào/ Lấy rươi giấm rạm mò ngao hàng ngày/ Bao giờ cho hết máy bay/ Hết quân cướp Mỹ đến ngày hồi hương.
Gần tối, cơm nước rồi, tôi dựa tường hút thuốc, lúc này là 17 giờ tối ngày 10/4/1971. Một tên lính ngụy từ ngoài ngõ đi vào; thắt lưng lựu đạn, súng côn quay, tay sách AR15 đi thẳng vào nhà kêu:
- Chu cha, mệt hung!
Vợ chồng ông già đưa mắt nhìn nhau. Người con gái run như nhái dập, líu lưỡi:
- “Ăn, ăn..” Ba, giờ này sao mới dề? Trông hết nổi, đạn bom thế có sao không?
- Hồi hôm phía Cách mạng đánh ấp. Ông bà nhà ni linh thiêng thiệt, sắp nhậu bữa chiều thì tui có lệnh đi công cán, phải bỏ cơm không ăn. Tui gặp mấy cha trên quận báo cáo tình hình chiến sự, xin quân Mỹ và Pắc Chung Hi chi viện rồi gặp mấy thằng bạn đổ cho một bữa say mèm, đó chả phải cái phước nhà ni sao. Nếu ở nhà trực ban không chừng bữa ni gặp ông bà nội rồi cũng nên.
Quốc gia tử nhiều hông? - Bà già hỏi.
- Nhiều lắm. 38 tiểu tử, 1 trung tử, 12 thương, bên Việt Cộng không thấy rớt lại xác chết nào, ở hiền gặp lành. - Viên sĩ quan nói.
Từ lúc viên sĩ quan vào nhà, mũi súng AR15 của tôi không lúc nào rời khỏi bụng người lính Cộng hòa ấy. Nếu có sự là tôi nổ luôn.
Bà già bình tĩnh, đưa mắt ra hiệu nhìn ông già và bảo:
- Ông lão tính sao cho lẹ, hãy nói rõ cho thằng Ba rõ chuyện để nó tính cho êm; không khéo thì thịt nát, xương tan cả lút.
Ông già hiểu ý gật đầu, đốt hương cắm lên bàn thờ, vừa lạy vừa nói:
- Xin Cách mạng tha tội cho thằng con trai tôi, nó cũng không đến nỗi nào. Xin ông Giải phóng đừng giết nó. Vợ chồng già chỉ có con độc nhất, nếu có mệnh hệ gì thì 2 cái thân này cũng đi tong. Tôi sẽ bảo nó đưa ngài ra khỏi trùng vây…
Viên sĩ quan Nguỵ trố mắt, đứng như trời trong, nhìn cha mình nói trước bàn thờ.
- Ba má, có chuyện chi mà kinh khủng dậy?
- Hồi hôm, có người phía bên tê dô đánh ấp lạc qua đây bị hãm đến giờ chưa thoát ra được. Mi có cách chi đưa ông ấy ra khỏi nơi tử địa mà không liên lụy đến nhà ta không?
Viên sĩ quan mặt hết tái, lại xanh hỏi lại:
- Vậy giờ, ổng đang ở mô?
- Mi đang trước mũi súng của ổng đó.
Viên sĩ quan Nguỵ ngồi phịch xuống ghế, lặng người đi một lát, rồi run run nói với cô gái:
- Em mở dương lấy cho anh bộ đồ lính, cả mũ, dưa dô cho ảnh thay.
Tôi mặc bộ đồ lính ngụy ra ngoài áo bà ba, đội mũ phớt.
- Mời anh hai Giải phóng ra đây – Viên sĩ quan ngụy nói.
Tôi cầm súng tư thế chiến đấu, tự tin từ buồng đi ra…
- Em đưa anh qua trạm gác đầu ấp. Từ đó, anh cứ nhằm đường mà đi lên rừng là an toàn rồi.
Không được. Tôi yêu cầu cả ông già và cô Ba cùng đi nữa mới yên tâm.
Em nói thật đó. Em bảo đảm không có chuyện gì mà.
Tôi lắc đầu, kiên quyết và dứt khoát:
- Ai biết ma đau mắt. Anh hãy tháo hết đạn ở súng ra. Toàn bộ vũ, khí đạn dược, dây lưng, súng lục để lại. Chỉ được mang súng không có đạn. Ông già đi thứ nhì, cô Ba đi cuối. Nếu dọc đường lật lọng, tôi sẽ bắn ngay. Khẩn trương, chần trừ hỏng việc.
Cả nhà cùng dạ ran.
21 giờ tối 10/4/1971, viên sĩ quan Ngụy dẫn tôi đi theo đường Công Hương để ra đường Tiểu lộ Lâm Tây.
Lúc này các nhà dân đều đóng cửa, ánh đèn dầu hắt qua khe mờ nhạt. Quanh đó một vài con chó sủa không ra tiếng, chỉ nghe hực hực rồi chạy mất.
Tiếng ĩnh ương, chão chuộc trong bụi kêu sao mà buồn thế. Tôi theo cha con người lính qua một vạt sắn lên Tiểu lộ, chạy qua ấp thì gặp một tốp lính ngụy đi tuần.
- Anh Hai bình tâm nha, mọi chuyện đã có em.
Lính đi tuần quát rồi soi đèn pin. Thấy vậy, Ba Hớp kêu to:
- Tao đây tụi bay. đưa ông già và dợ về bên ông nhạc, sợ Việt cộng đánh ấp như hồi hôm.
Bọn lính đi tuần nhao nhao:
- Sợ chi, Việt Cộng mà phải đi lủi, đi chui cha nội?
- Tính trước thì hơn.
Không tên nào để ý, mặc cho chúng tôi đi.
Qua đầu ấp có điếm canh, lại có 2 tên lính gác hỏi:
- Đi mô giờ này Trung úy?
- Ta đưa ông già và dợ qua bên ông nhạc.
- Cẩn thận nghe Trung úy.
Ông già đưa cho 2 tên lính gác bao thuốc quân tiếp vụ.
- Các chú vất vả quá, xài tạm cho đỡ buồn ngủ.
- Cảm ơn ông Ấp trưởng.
Vậy là chúng tôi đi chót lọt.
Đến một gò đất giữa đồng. Viên sĩ quan Ngụy nói:
- Từ đây lên danh không có lính gác. Tuy vậy trên đường đi anh Hai vẫn phải cảnh giác. Gia đình chỉ có thể đưa anh đến đây thôi, không thể đi xa hơn nữa.
Trước khi chia tay, tôi nói nhanh:
- Thành thật xin lỗi ông bà và cô chú Ba về chuyện vừa qua.
Ông già xua tay:
- Lỗi lầm chi, chiến tranh mà. Nếu tôi mà như anh Giải phóng trong tình huống đêm cũng làm vậy thôi. Nếu sau này hết chiến tranh, anh nhớ về đây để chúng ta kể lại câu chuyện này. Kỷ niệm không thể nào quên.
- Cảm ơn ông bà! Cảm ơn cô chú Ba đã giúp đỡ. Chúc cả nhà bình an!
Gia đình ba người quay trở lại, họ đã đi khuất rồi. Tôi vẫn cảnh giác ở tư thế chiến đấu dõi theo.
Lúc đó khoảng 1 giờ đêm rạng ngày 11/4/1971, quan sát chung quanh yên tĩnh, tôi nhắm hướng đi đến 1 làng bỏ hoang gần chân núi không có dân cư.
Tôi lần mò đến một khu vườn, cởi quần áo ngụy ném đi, tiểu tiện thoải mái, rồi chui vào bụi, định tìm chỗ kín nằm ngủ.
Đang hút thuốc thì nghe mấy loạt súng AR15 ở nơi điếm canh đầu làng. Tôi linh cảm, có gì chẳng lành, song dù sao cũng đi thoát khỏi trùng vây, “hổ đã về rừng”. Bây giờ tao thách bọn địch đuổi theo.
Một giấc ngủ ngon, khi tỉnh dậy mặt trời đã lên cao. Cảm đầu nặng, 2 mắt nặng, chân tay mỏi dã dời, hơi thở nóng. Cơn sốt rét lại đến, làm khô cổ khát nước. Tôi lần tới hố bom uống xong, đóng nước bình tông rồi cởi đồ tắm, sau đó lại chui vào bụi ngủ.
Chiếc tàu cán gáo OH.6 vè vè lượn đi lượn lại, bắn tiểu liên vào bờ bụi. Một trái lựu đạn từ máy bay ném xuống hục bom, bèo tây và nước tung cả lên bờ. Rồi 2 chiếc trực thăng loại BELL.204 bay đến động Hà Sống vòng lại Lâm Tây bắn rốc két, đại liên xuống các làng lân cận.
9 giờ 15 phút ngày 11/4/1971, một Đại đội Mỹ của Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn B nhảy dù 137 không biết từ đâu đi tới triển khai nghỉ ăn trưa ngay khu vườn hoang trước bờ tre.
Tôi không kịp trốn, đành nằm im trong bụi, bới lá khô phủ lên người; mũi súng AK hướng về quân Mỹ. Một tên đặt khẩu trung liên 30 chĩa thẳng vào tôi. Tôi nằm im, trời nóng mồ hôi nhớp nháp, kiến bọ, sâu róm, sâu đo bò khắp người, trăm cái cực hình.
Quân Mỹ sị sộ, khu đồ hộp ăn uống, ném ném lung tung. Một tên Mỹ đến gần chỗ tôi ngồi cạnh bờ tre phóng ra một bãi, gió đông nam thổi đưa mùi thối hoắc.
Mãi tới 16 giờ chiều, quân Mỹ tập hợp đi về hướng Đông. Chúng đi hết, một lúc sau không thấy động tĩnh gì nữa, tôi bò ra lượm đồ ăn thừa rồi lại xuống hục bom tắm. Tôi kiếm bao cát, cho đồ hộp bánh trái vào, buộc dây làm gùi đeo sau lưng, ăn những hộp dở rồi nhằm hướng rừng Lâm Tây mà đi.
Mò mẫm đến khuya mới tới vị trí tập kết hôm trước. Tìm không thấy ai, tôi chui vào hầm ngủ, lấy hộp ăn, hút thuốc Sa-lem. Lúc này, cảm thấy tự do, khoan khoái.
Sáng 12/4/1971, 8 giờ mới ngủ dậy, tôi xách súng đi khỏi hầm, dạo quanh mà tịnh không có người. Đơn vị đi đâu hết không rõ? Đồi hoang, làng vắng, không gian tĩnh mịch lạ thường. Tiếng chim cu gáy nghe buồn dễ sợ.
Buổi trưa, tôi lại chui vào hầm lấy hộp ăn, hút thuốc nằm nghĩ ngợi về cuộc đời người lính. Tôi muốn vượt sông lại không biết ngả nào, bữa sang đây là đêm tối, nên rất khó nhớ.
Trên đường 14, xe cộ, người đi, quân ngụy lang thang rải khắp, tiến lui chẳng biết ra sao. Tôi quết định đi vào Hang Hơi nơi du kích tạm trú bữa trước.
14 giờ chiều 12/4/1971 ngủ dậy, phải đi thôi ở đây không an toàn. Tôi thắt lưng, đeo bồng, xách súng đi qua dãy sắn, đến vạt rừng hoang cây lúp xúp. Một xác lính ngụy mới chết nằm sấp còn mới, mũ sắt chụp đầu, ba lô, dây đạn, súng phóng lựu M79 vứt bên cạnh; máu chảy loang vạt cỏ. Tên này đạp mìn rồi, 2 chân gãy lìa. Tôi lượm tất cả vũ khí, trang bị.
Đi cách đó 100m mở ba lô đổ tất cả ra, xếp đạn M79 và lựu đạn vào đáy ba lô, đồ hộp các thứ để trên, lấy con dao găm Mỹ đeo vào thắt lưng, thuốc ru bi quân tiếp vụ nhét vào túi cóc ba lô, súng M79 buộc trên nắp ba lô, tay xách súng AK lần đường đi vào trong núi. Nhưng tìm mãi, mà chẳng thấy hang dơi?
17 giờ tối ngày 12/4/1971, tôi đi lạc hướng về phía Tây Bắc đến một con suối nước chảy dào dào. Đi ngược vào trong một hang đá rộng sâu thẳm, đi thêm chừng chục mét thi có một phiến đá rộng phẳng phui, sạch sẽ; dưới gầm phiến đá có vũng nước từ trong chảy ra. Tôi vơ lá trải ra nằm, lại ăn, lại hút thuốc.
Giá có đồng đội ở đây thì hạnh phúc biết bao, núi rừng ở đây đẹp quá, khi nào hết chiến tranh ta sẽ rủ Hai Lợi, chị Hạnh về ở hang này. Đất rừng màu mỡ, tha hồ trồng trọt, chăn nuôi, lo gì đói. Sẽ không màng tưởng chuyện bon chen xã hội, vinh hoa, phú quý, phó mặc trời có chi đáng tiếc.
Tôi đang ngủ mơ màng, thoảng thấy mùi tanh tưởi, có tiếng phì phì, hơi nóng phả vào mặt. Tôi vùng dậy, lập tức có vật gì mềm nhũn quấn lấy người, hai tay chới với không biết xử trí ra sao. Tự dưng tay phải quờ vào dây lưng lựu đạn, tôi rút được con dao găm Mỹ; lúc ấy miệng con mãng xà đã ngoạm vào đầu tôi mút một phát, đầu tôi lọt thỏm trong miệng rắn. Tôi bình tĩnh nhịn thở, tay trái sờ đầu trăn, tay phải dí mũi dao vào mắt nó, dồn hết lực ấn một nhát, mắt con mãng xà nổ đánh bép.
Con trăn bị đau há miệng nhả vội. Nhưng nó đã quấn người ghì mạnh làm tôi tưởng gãy xương sườn. Tôi lại dí mũi dao vào đoạn giữa con rắn ấn một nhát nghe doạt; bụng rắn rách ra một miếng dài, máu phun như thọc huyết heo vào người nóng hổi, ruột lòng thòng vướng cả vào tay. Tôi chích luôn mấy nhát, nó buông tôi vùng vẫy, vật lộn, cát sỏi tung lên ào ào, đuôi quật đen đét vào thành hang, miệng vẫn phè phè phun hơi độc.
Tôi quờ được súng AK nhắm nơi có tiếng động bắn xả vào. Con mãng xà thấy tiếng nổ trườn vào sâu trong hang, tiếng phì phò mất hút trong đêm tối.
Sau cuộc chiến đấu với con quái vật, tôi thấy tức ngực, khó thở, ói ra máu tươi; khắp người tanh tưởi, khó chịu. Tôi lau máu ở tay và miệng, mở bình tông nước rửa mồm, súc miệng, uống nước, rồi sờ túi lấy thuốc rê vê vê một mồi nhai nhuốt cho đỡ kinh mồm, lấy thuốc hút, bật lửa soi đồng hồ. Mới 3 giờ 15 phút rạng 13/4/1971.
Ngồi đây đến sáng cũng không ổn, sợ còn con nữa thì nguy, tôi dọn đồ xách súng rời khỏi hang. Ngoài cửa hang có pháo sáng của thằng C130 bắn. Tôi lợi dụng ánh sáng đèn dù tìm đường lên đỉnh gò đổi, nơi có nhiều hầm hố của quân Mỹ đóng dã chiến. Tôi tìm được một chiếc hầm có nắp ở trong lùm cây, bật lửa soi thấy sạch sẽ liền đem đồ xếp ở góc hầm, trải ni lông ngủ.
Tôi nằm thiêm thiếp, đầu óc mơ màng, chân tay và toàn thân đau mỏi. Cơn sốt rét rừng lại đến, sốt mê man, rét run cầm cập, người nóng tới 40 độ C. Tôi không còn sức chống trả nữa lịm đi, mơ cả thấy âm tào, địa phủ...
(Còn nữa)
Đ.V.H
Trái tim người lính
Nguyen Dinh Viet
19:42 28/09/2023
Hay quá chú ơi! Mong đc đọc tiếp