Nhật ký “Lính chiến” của CCB Phạm Hữu Thậm (Kỳ 5): Nhớ mãi Gò ổi Phú Sơn Nam và Gò Tường - Bến Bung đầy xương cốt

Đặng Vương Hưng (Biên soạn và giới thiệu)

23/12/2022 14:51

Theo dõi trên

Tháng 5/1969, chúng tôi tiếp chiến Lữ đoàn dù số 1 của Mỹ. Ngày 12/5/1969, chúng tôi từ hậu cứ Dốc Mực, hành quân trong đội hình Trung đoàn qua cao điểm 530 đến An Bằng về Bến Bung.

Đại đội trưởng Mậu cùng Trung đội 1, đi với K9. Chính trị viên Quang cùng Trung đội 3, đi với K7. Đại đội phó Mây đi với Trung đội 2, phối thuộc K8.

2 giờ đêm rạng ngày 14/5/1969, chúng tôi đào xong trận địa lại có lệnh chuyển vị trí. Ba bốn đêm liền cơ động hết làng này sang làng khác, cơm ăn toàn ngô xay, muối hầm, cây chuối sống.

d1dq1-1671781538.jpg
 Lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam (ảnh sưu tầm chỉ mang tính minh hoạ).

Ban đêm pháo sáng đèn dù, dù dải trắng đồi. Cối Pháo bắn không mấy khi ngớt. Sáng ra thì không pháo, không bom, hai chiếc máy bay OV-10 và L19 lượn lờ cho đến buổi, rồi bắn đạn khói chỉ điểm cho 4 chiếc F4H từ trên cao nhào xuống cắt bom.

2 khẩu súng máy 12 ly 7 của Đại đội 14 nổ được mấy loạt rồi câm tịt. Một đàn máy bay trực thăng rầm rầm kéo đến. Chúng chia ra thành nhiều tốp, cách nhau mấy trăm mét, xà xuống, bay lên quần đảo chán rồi bắn rốc két, quét đại liên, bụi cây, bờ ghềnh tung lên bằng hết.

Tiếng loa chiêu hồi cả ngày lẫn đêm do chiếc máy bay L19 kêu gọi. Một quả pháo 105 của địch bắn trúng hầm làm cho đồng chí Tá, Trung đội 2 hy sinh.

d2dq2-1671781623.jpg
Tư liệu quý: Chứng nhận Dũng sĩ Quyết thắng cấp 1 của Đơn vị 338 Quân Giải phóng.

 

Sáng 14/5, quân Mỹ từ gò Ổi tiến sang, hai mũi đều có xe tăng chi viện, bộ binh đi trước. 12 chiếc M113 dàn hàng ngang trên gò Ổi dùng hỏa lực bắn; đạn 12 ly 7, pháo 75 từ xe tăng bắn ra như sấm vang, chớp giật không ngóc đầu lên được. Quân Mỹ tiến rất chậm, gần sát Làng thì 3 quả B41 bắn ra, các tổ bộ binh ta đều nổ súng; Trung Liên, Đại Liên, AK, CKC của ta bắn quân Mỹ chết nhiều vô kể.

Một mũi quân Mỹ đi vào trận địa 12 ly 7 của Trung đội 2. Tôi và Tùng ngồi cảnh giới cách trận địa 12 ly 7, 300m phát hiện quân Mỹ đã bám được một vài bụi chuối ven làng, 2 khẩu AK và CKC của chúng tôi bắn chết 4 tên. Chúng tôi ném liền 2 quả lựu đạn đánh bật quân Mỹ ra giữa cánh đồng.

Lúc này Trung đội 1 ở Lộc Sơn bị quân Mỹ ở gò Tường đánh sang, Trung đội phó Huy và chiến sĩ Tự hy sinh. Trung đội 3 ở ngã 4 Quận, quân Mỹ từ gò Thục Phước đánh sang. Hai bên giao tranh suốt 2 giờ đồng hồ, cũng hy sinh một anh nuôi và một chiến sĩ.

14 giờ, ngày 15/5/1969, cuộc đọ sức giữa 2 bên vẫn chưa phân thắng bại. Quân giải phóng chưa rút lui nhưng phần thắng vẫn nghiêng về quân Mỹ. Quân ta chiến đấu dời dạc, tiếng súng lẹt đẹt thưa dần. Thấy tình hình không có lợi cho ta, Trung đoàn lệnh lui binh.

Bình bò đến chỗ chúng tôi bảo: “Rút!”.

Thế là anh em lại khiêng gánh, dắt dìu nhau, 2 ngày sau lại về Dốc Mực. Lại củng cố hầm hào, lấy rau, kiếm sắn cải thiện cái ăn và đi đồng bằng lấy gạo.

Tháng 6/1969, chúng tôi quần nhau với Sư đoàn lính thủy đánh bộ số 1.

Người lính ở chiến trường không đếm ngày, tháng như trong hậu cứ. Hết ngày lại sang đêm, có lệnh là đi, có địch là đánh.

Ngày 12/6/1969, Đại đội súng máy 12 ly 7 xé lẻ. Các Trung đội đi phối thuộc với các K. Chúng tôi hành quân theo đường cũ, tối 13/6 xuống đến làng Phú Sơn Nam thì tạm dừng. Khẩu đội lắp súng làm 3 bộ phận, rồi bí mật tiền nhập chiếm lĩnh trận địa, đào trận địa cách gò Tường 300m.

Tiểu đội trưởng đưa AK cho tôi bảo đi cảnh giới. Tôi đi cách khoảng 100m tìm chỗ lợi thế khoét hầm cá nhân, sau đó ngụy trang kín đáo, ngồi dưới hầm vấn thuốc hút mắt cứ díp vào.

Sực nhớ khẩu súng AK, tôi cầm lên kiểm tra lại, kéo khuy lát chẳng may cướp cò, một loạt 7 viên nổ liên thanh. Trung đội phó Chương người Bái Thượng - Thanh Hóa chạy đến hỏi:

- Có chuyện gì thế?

Tôi ngượng ngùng:

- Xin lỗi, làm súng cướp cò.

Tôi bị một cú đá đau vẹo xương sườn mà không dám kêu.

Trận địa đào xong rồi, mà súng 12 ly 7 vẫn chưa đem đến đủ. Thiếu 3 cái chân do anh Thịnh anh Đạo khiêng đi lạc khẩu đội, theo C2K9 xuống mãi Tây Gia, lần mò dò hỏi tìm về đến khẩu đội thì trời đã sáng.

Anh Trương - Trung đội phó trông thấy nổi máu xung thiên chạy đến đá mỗi người mấy đá.

Từ lúc 2 giờ đêm, do súng của tôi cướp cò làm lộ trận địa, pháo sáng bên gò Tường bắn lên trời liên tiếp, 2 khẩu Trung liên của Mỹ bắn chéo sang, 2 dòng lửa đạn đan chéo nhau, đạn phóng lựu bắn cầm canh phát một.

Tôi xách súng AK ra khúc quẹo có bờ ghềnh che khuất, tưởng đã dễ chịu vấn thuốc hút… Xúi quẩy quá, tổ kiến vàng thấy động vỡ ra leo lên cắn đau rát cả chân.

Suốt một ngày đội bom, hứng pháo quân Mỹ, 9 giờ đêm 14/6 chúng tôi có lệnh chuyển trận địa về phía đông, dìa Làng Phú Sơn Lam.

Tiểu đội trưởng tìm được cái hầm kèo của dân bị sập bảo đào công sự súng ngay đó. Tôi lấy xẻng xúc đất dọn hầm, chui vào trong sờ thấy lủng củng 2 bộ xương người.

Tiểu đội trưởng Khanh bảo chuyển trận địa, Trung đội trưởng Vọng không nghe vì chuyển đi sẽ không kịp trời sáng. Tôi và Bình phải bốc hài cốt cho vào bao xác rắn đem chôn.

Sau đó, Tiểu đội trưởng bảo tôi với Bình đi cách trận địa 100m tìm chỗ đào công sự cảnh giới. Ở gần đó có vật gì để trên gò mả, đèn dù sáng rồi lại tối mập mờ. Tôi ngỡ là quả dừa khô tôi, liền xem lại, thì ra lại một cái… sọ người.

Chúng tôi chặt cây cắm ngụy trang trận địa, xong ngồi ăn cơm vắt thay nhau gác. Pháo địch bắn cầm canh quả nổ trên gò, quả nổ trên trục đường, quả dưới ruộng, không biết đâu mà lường. Hỏa châu lơ lửng trên không năm bảy quả, nhìn sáng nơi quân Mỹ đóng ở gò Thạc Phước, gò Tường rất im ắng.

Sự im lặng ấy sao buồn thế, lúc này lại càng nhớ nhà mà bỗng dưng ứa nước mắt. Mà nước mắt cứ chảy, chảy cho vơi bớt mệt nhọc gian khổ vơi bớt nhớ thương.

Một loạt pháo bắn làm cắt dòng suy nghĩ, tiếng chiếc OV-10 2 thân ò ò bay đến quăng đèn dù, bắn xuống từng tràng đạn 20 ly nổ vung vãi, có mảnh văng cả vào hầm.

5 giờ 20 phút, ngày 15/6/1969, còn tờ mờ sáng một đàn trực thăng của địch đã xuất hiện từ phía đông thành phố Đà Nẵng. Chúng chia thành nhiều tốp, chớp đèn đuôi lạch cạch bay vào. Tới gần trận địa, chúng chia 2 chiếc một nơi cách nhau mấy trăm mét, sà xuống chỗ này, đáp xuống chỗ kia rồi cất lên…

Máy bay địch cứ cứ quần đảo như thế, đến nửa giờ, bắn rốc két bắn đại liên, rồi một chiếc sà thấp ngay đám lau chỗ tôi ngồi.

Tôi lom khom nhìn theo nó, thủ cây súng AK đạn lên nòng, nó mà đỗ xuống là tôi nổ ngay. Từ sáng đến trưa tôi cứ phải nhảy lên, nhảy xuống cái hầm phía trước có bờ đào cây chè dây che khuất, sau một đợt pháo bắn tôi lại vọt lên quan sát.

Trên trời máy bay F4, F8, A37, không biết là bao nhiêu chiếc, 2 chiếc OV-10, L19 nghiêng cánh tìm mục tiêu, gọi loa chiêu hồi, mở máy hát nhạc vàng cải lương nhằm đánh vào tâm lý quân giải phóng.

Trong lúc gian khổ, ác liệt, lắm lúc tôi liều định quất cho chúng mấy loạt AK cho hả dạ. Nhưng nghĩ đến chuyện lộ trận địa, ảnh hưởng đến đơn vị nên đành thôi.

Tôi bẻ vắt cơm, vừa ăn được mấy miếng thì 2 chiếc F4H nhào xuống quăng bom vào trận địa. 3 khẩu 12 ly 7 ở ba nơi đều nổ súng, một chiếc trúng đạn bùng cháy, mấy tốp phản lực khác nhào tới; bom pháo tranh nhau trút xuống. Đại liên, rốc két từ trực thăng bắn xuống như mưa không ai đám thò đầu ra khỏi công sự.

Một quả đạn 105 ly của Mỹ bắn trúng hầm chỉ huy làm cho Đại đội phó Mây và liên lạc Tuy (là em con chú tôi) hy sinh lúc 11 giờ, ngày 15/6/1969.

Khi bom ngớt, pháo chuyển làn, tôi nhìn ra cánh đồng quân Mỹ đã sang tới nửa, xe tăng đi trước và bộ binh theo sau.

Chúng chia làm 2 mũi, có hơn chục xe tăng, hướng hỏa lực bắn vào làng tưởng chừng bật hết gốc tre.

Một quả đạn B41 của ta từ góc ruộng bên trái khấu 12 ly 7 đánh nhoàng một cái, chiếc xe tăng ngoài cùng khựng lại. Cách chỗ tôi 100m. Một quả đạn B41 bay ra làm cháy chiếc xe thứ 2, các xe khác lồng lên quay ngang. Một quả đạn ĐKZ 75 của Đại đội 13 trượt trên tháp pháo, quả thứ 2 làm đứt tung bánh xích xe tăng địch, mấy chiếc còn lại quay chạy thục mạng.

Lính Mỹ tản mát khắp cánh đồng, súng đại liên, trung liên, 12 ly 7, cối DKZ, B40, B41… các loại ở các trận địa của ta được dịp bắn ra như mưa sa và bão táp.

Một trận phản kích mãnh liệt, quân Mỹ phơi thây nhan nhản cánh đồng, đứa chạy, đứa nép bờ.

Lúc này, Trung đội 1 của Đại đội 12 ly 7 ở Lộc Sơn bị quân Mỹ ở Gò Tường đánh sang, làm cho Trung đội phó Thụ và Trung đội phó Lễ hy sinh, trong khi 2 người đang hội ý ở bờ tre.

Khẩu súng trong tay tôi, chỗ nào nhấp nhô mũ sắt là tôi bắn một điểm xạ. Quân Mỹ mất thế liền vùng chạy tụm cả vào một chỗ, đạn DKZ của ta dập theo sát gót đứa sứt đầu, gãy tay, đứa cụt giò, vỡ gối nằm đó khóc rên. Quân Mỹ bị thảm bại.

17 giờ 10, ngày 15/6/1969, chúng tôi lệnh rút quân, các Trung đội đưa thương binh tử sĩ về nơi quy định. Lúc này pháo, bom đánh dữ quá, không đào được hố chôn.

Chính trị viên Quang chỉ huy, có anh Thịnh, Tùy, Cát, Đạo làm công tác tử sĩ. Tìm được cái hố tương đối rộng đưa Đại đội phó Mây, liên lạc Tuy (em tôi), Trung đội phó Lễ, Trung đội phó Thụ cùng với 2 người của Làng 3, K8 chôn chung một mộ.

Hai ngày sau, tối 17/6/1969 chúng tôi mới về đến Dốc Mực.

*

Ngày 26/6, 20 người chúng tôi do Trung đội trưởng Hải, Trung đội phó Vọng phụ trách đi Hòn Tàu lấy gạo.

Đường đi lối cũ, qua ngã 3 Quế Sơn, ngã 3 Nước, Danh Tý Xé, qua đò sang Thạch Bích, đi men Sườn núi, bờ sông, nghỉ nấu ăn nhờ dân bên Thạch Bích, gần sáng lại đi. Ngược suối 9 khúc, qua rừng Dầu Giái, leo dốc Tranh xuống Bãi Cau đến Thôn 3, Thôn 2, Thôn 1, thuộc xã Sơn Phúc thì nghỉ nấu ăn đêm.

Sáng ngày 28/6 đi dọc suối cát, lên phía đông bắc Núi Tàu đến hang Đá Chẹt, khu 5 mộ, tìm vào hậu cứ gặp Tích và Cời mắc võng nghỉ nấu ăn.

Chiều 29/6 toàn Trung đội đến Cửa Danh - Sơn Hiệp, đi dưới chân phía đông núi Tàu, vòng về phía Nam đến Thôn 4, Sơn Trà. Đóng gạo xong về đến giáp danh thì lạc đường đi vào danh Hòa Bình. Lối này dốc ngược, đường hẹp khó đi, leo lên đỉnh dông thì vòng quanh đường phía Đông núi Hòn Tàu, đến Bệnh Viện 61 của tỉnh Quảng Nam rồi đi vòng về phía Tây, đi đến đỉnh dông bà Hợi, núi cao hai bên vách đứng sâu thăm thẳm.

Ngày 30/6/1969, Mỹ đổ quân, Lữ đoàn dù số 1 của Sư dù số 101 rải quân từ danh Sơn Hiệp, đập Vĩnh Trinh; Thôn 3, Thôn 2, Sơn Hiệp; Thôn 4, Thôn 5 Sơn Trường; đường danh Sơn Hiệp - không đi lại được. Chúng tôi phải đi lối đèo le suối Cát vòng về bên Sơn Phúc sang Quế Sơn, đi đèo Đá Trắng, qua Ốc Sôi, Lùng Lùng, Sơn Trung, Sơn Thượng, qua đèo Đòn Gánh, dưới chân Hòn Đèn, dọc theo đường sắt về Thôn 4 Sơn Trà, Thôn 3 Ấp 6. Trong những ngày này, tàu bay, bom pháo Mỹ dình dập, quân ngụy lùng sục, nên lấy được chuyến gạo thì khổ ngang trời dọc đất.

3 giờ rạng 31/6, chúng tôi về đến đèo Đòn Gánh, bị Mỹ phục kích bắn chết 4 đồng chí gồm Sương, Chất, Bửi và Tiểu đội trưởng Phát.

Chúng tôi quăng gùi chạy tháo thân, lạc đường sau một tuần mới về hết hậu cứ.

(Còn nữa)

Đ.V.H

Trái tim người lính