Nhật ký “Lính chiến” của CCB Phạm Hữu Thậm (Kỳ cuối): Viết thêm về những ngày vượt biển giải phóng Trường Sa và lời người biên soạn

Đặng Vương Hưng (Biên soạn và giới thiệu)

18/01/2023 11:27

Theo dõi trên

Bộ tư lệnh Hải quân cử Tiểu đoàn trưởng 126 Đặc công nước Mai Năng chỉ huy đem theo Đại đội 1 Đặc công nước do Đại đội trưởng Nguyễn Ngọc Quế phụ trách. Sư đoàn 2 bộ binh, Quân khu 5 lệnh cho Trung đoàn 38 cử một đội quân gồm 1 Trung đội bộ binh, một Trung đội hỏa lực do Đại đội phó Đại đội 14 - Phạm Hữu Thậm chỉ huy; trong đó có liên lạc Chính, y tá Thuật, quản lý Bảo, một súng máy 12 ly 7, một súng máy đại liên, một súng máy trung liên, 1 súng B41; súng AK, súng M79, M72 các loại; một khẩu đội ĐKZ 75 ly của Đại đội 13; một khẩu đội cối 82 ly của Đại đội 12.

dvh1aq1-1674015448.jpg

Ảnh do tác giả sưu tầm chỉ mang tính minh họa.

 

Tư lệnh Quân khu 5 - Chu Huy Mân giao nhiệm vụ cho bộ đội của Trung đoàn 38, những người quá hải chinh đông lần này, đem theo 4 hòn đá hoa cương lấy ở núi ngũ hành sơn, chùa Non Nước và quyển sách kháng chiến chống quân nguyên mông thời nhà Trần có những câu thơ:

Đá hoa non nước cạnh san hô

Vững gốc cây xuân đẹp bốn mùa

Cho đảo bền cao thành điểm tựa

Chim cá trời mây thỏa hẹn hò.

dvh2aq2-1674015799.jpg
 

dvh3aq3h-1674015977.jpg

Hai ảnh trên do tác giả cung cấp.

 

19 giờ tối ngày 10/4/1975, đặc công nước, bộ binh hỏa lực, hơn 100 người có mặt tại cảng Đà Nẵng. Trung đoàn trưởng Trung đoàn 38 đến giao nhiệm vụ cho anh em chúng tôi. Chính ủy, tham mưu trưởng Trung đoàn, Đại đội trưởng, Chính trị viên Đại đội 14, Đại đội 13, Đại đội 12 cùng một số chiến sĩ các đơn vị đến chia tay. Chính ủy Trung đoàn ôm tôi nói:

- Chúc các đồng chí ra quân là chiến thắng, đất liền chờ tin chiến thắng.

Rồi mọi người bắt tay nhau, lần lượt xuống tàu...

Kẻ ở người đi bịn rịn nhớ nhau khôn xiết.

21 giờ đêm ngày 10/4/1975, tàu nhổ neo. Ba quả pháo sáng phụt lên, tàu hú còi từ từ rời bến. Các chiến sĩ Khu 5 chưa bao giờ ra biển. Tàu chạy xa bờ, lúc này chỉ thấy mặt biển đen sẫm với sao trời. Tàu số 683 của Đoàn 25, Hải quân lướt trên mặt biển, đạp sóng dữ, hướng tới Trường Sa...

Ngày 11/4/1975, tất cả bộ đội đặc công, bộ binh xuống hết cả dưới khoang thuyền, không được để bất cứ dấu vết gì của nhà binh ở trên boong tàu. Các thủy thủ tàu đều mặc áo thường dân, giả dạng ngư dân đi đánh cá, phơi lưới giăng phao. Riêng có Đại đội phó bộ binh Đại đội 14 Phạm Hữu Thậm là được nằm trên chiếc xuồng cứu hộ treo trên boong tàu, súng tiểu liên AK và súng M79 để bên cạnh, sẵn sàng chiến đấu.

Hai chiếc máy bay trực thăng của địch bám theo, vòng lượn trên không. Mấy chiếc tàu chiến của Hải quân quân Ngụy lảng vảng ngoài xa, kèm tàu chúng tôi hết hải phận rồi bỏ đi. Tàu 683 lênh đênh trên biển đã 4 ngày đêm chỉ thấy chim trời và cá nước mênh mông.

*

Khi phát hiện thấy đảo từ xa, tàu chúng tôi thả trôi.

Đêm 13/4/1975, tàu giảm tốc độ cách bờ khoảng 3 hải lý.

Ngày 14/4/1975, tàu tiến về phía đông đảo bí mật thả xuồng cao su chở bộ đội đặc công nước đổ bộ lên đảo. Đổ bộ thành công, tàu lại lặng lẽ tiến về phía tây đảo, dừng lại để Trung đội bộ binh chúng tôi đổ bộ. Chúng tôi đổ bộ chót lọt triển khai đội hình phía Nam - Tây Nam và Bắc – Tây Bắc đảo, cuối cùng đến hỏa lực.

Đặc công lên đảo liền triển khai đội hình vòng cung. Phía Đông Bắc và Đông Nam một Trung đội Đặc công tiền nhập theo giao thông hào tiến vào gần giữa đảo.

Đảo Song Tử Tây có chiều dài từ Tây sang Đông khoảng 700m, chiều ngang từ Nam đến Bắc khoảng 300m. Lính Khu 5 chúng tôi thì Trung đội hỏa lực chiếm lĩnh trận địa mé Tây Nam đảo, có trận địa cối và ĐKZ 75, súng máy 12ly7, một khẩu Đại liên, 1 khẩu Trung liên để bảo vệ hỏa lực. Triển khai làm cộng sự sẵn sàng chiến đấu, Trung đội bộ binh bố trí hai bên.

Khoảng 4 giờ đêm ngày 13 rạng ngày 14/4/1975, một tên lính ngụy không rõ đi tuần hay đổi gác vòng về phía Đại đội đặc công. Lộ rồi, đặc công nổ súng tiêu diệt tên lính. Trên đảo báo động, quân ngụy tập trung hỏa lực cối 81, cối 61, súng máy đại liên, ĐK90, ĐKZ75, đạn M72, M79 bắn dồn về phía bộ đội Đặc công. Hai Tiểu đội quân Ngụy chia làm 2 mũi gọng kìm theo giao thông hào phía Bắc và phía Nam tiến về phía đông nhằm đánh bật quân Đặc công nước xuống biển. Bộ đội Đặc công không ngóc đầu lên được, do hỏa lực của địch mạnh cứ nằm chịu trận.

Phía sau quân địch, ngay hướng Tây, tôi thấy tình huống quá bất ngờ liền bắn lên trời 3 quả pháo sáng (ám hiệu). Lập tức hỏa lực các loại của quân giải phóng bắn vào sau lưng quân địch. Súng nổ vang rền, bắn vào nhà Chỉ huy, nhà Thông tin, bãi đổ xăng dầu và các trận địa hỏa lực của địch. Xăng cháy sáng rực cả một vùng biển. 2 Tiểu đội bộ binh quân ta chia làm 2 mũi gọng kìm tiến đánh vào các ổ đề kháng của địch. Một Tiểu đội quân Ngụy tiến đánh vào trận địa cối 82 của quân giải phóng làm ta hy sinh 1 và bị thương 2 đồng chí.

Tôi đang chỉ huy trận đánh, thấy súng AR15 nổ, liền bắn 1 quả đạn M79 về phía đó, diệt 3 tên địch. Tiểu đội trưởng súng cối dùng súng AK tiêu diệt 4 tên. Lúc này tôi lệnh cho Tiểu đội bộ binh đánh vào trung tâm, tiến đến cột đèn giữa đảo bắt liên lạc với Trung đội Đặc công nước đánh từ giữa đánh ra.

Súng ĐKZ của quân ta bắn tiêu diệt trận địa súng cối và trận địa súng ĐK 90 của địch. Trận địa súng máy 12 ly 7 và đại liên của địch vẫn bắn. Tôi xách súng AK mang theo súng M72 vận động lên cách trận địa súng 12 ly 7 của quân ngụy chừng 30m, bắn 1 quả đạn M72, súng máy câm họng. Tôi hô xung phong và bắn lên trời 3 quả pháo sáng xanh. Đặc công, bộ binh đồng loạt xông lên xả súng áp chế quân địch, một lúc sau số quân địch còn lại xin hàng. Quân ta nhanh chóng hạ cờ Ngụy, kéo cờ quân giải phóng…

Cờ chiến thắng của quân Giải phóng tung bay trên đảo Song Tử Tây!

Tiếp đó, chúng tôi lần lượt giải phóng các đảo Sơn Ca và Nam Yết...

Khi quần đảo Trường Sa đã hoàn toàn được giải phóng, tôi được giao nhiệm vụ làm Chính trị viên đảo Sơn Ca trong 3 tháng. Tiếp đó, tôi được điều động làm Đảo phó Song Tử Tây đến hết tháng 8/1976 mới vào đất liền và bổ sung biên chế về Lữ đoàn 126 của Bộ Tư lệnh Hải quân…

LỜI NGƯỜI BIÊN SOẠN:

Thật hiếm có một cựu chiến binh nào như Trung úy Phạm Hữu Thậm, sau hàng chục năm đã trở về với cuộc sống đời thường, mà vẫn còn được cả đơn vị cũ và chính quyền địa phương nơi cư trú đồng thuận, nhất trí cao, cùng làm văn bản đề nghị phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân: Sư đoàn 2 (Quân khu 5) có công văn đề nghị số 09/CV-ĐN, ngày 20/9/1996 gửi Bộ Quốc phòng, Cục Chính trị - Tổng cục Chính trị, Thường vụ Đảng uỷ Bộ tư lệnh Quân khu 5. Tám năm sau, từ ngày 17/8 đến ngày 20/9/2004, lần lượt thêm các văn bản để nghị của: Đảng uỷ và Uỷ ban Nhân dân xã An Phụ; Hội Cựu chiến binh xã An Phụ; Ban Chỉ huy Quân sự huyện Kinh Môn; Đại đội 14 thuộc Trung đoàn Bộ binh 38; Đảng uỷ - Chỉ huy Trung đoàn Bộ binh 38… Tất cả đều có cùng nội dung: Nhất trí đề nghị cấp trên và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân cho Trung uý, cựu chiến binh Phạm Hữu Thậm!

Theo một văn bản do Thượng tá, Sư đoàn trưởng Nguyễn Trung Thu (sau là Trung tướng, Anh hùng LLVTND, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam), thay mặt Đảng uỷ và Chỉ huy Sư đoàn Bộ binh 2 ký ngày 20/9/1996, cho biết: Căn cứ báo cáo thành tích của Trung uý Phạm Hữu Thậm và các bản xác nhận của đồng đội cùng chiến đấu, trong 14 năm cầm súng, cựu chiến binh Phạm Hữu Thậm đã tham gia nhiều chiến dịch tiêu biểu, trong đó có Chiến dịch K700 Thượng Đức – Quảng Đà, tháng 3/1970; Chiến dịch giữ chốt Hòn Chiêng, tháng 5/1972... Tổng cộng, ông đã trực tiếp chiến đấu 127 trận đánh vô cùng dũng cảm, mưu trí, tiêu diệt tới 253 tên địch (trong đó có 145 lính Nguỵ, 71 lính Mỹ và 30 lính Polpot). Phạm Hữu Thậm còn bắn rơi 19 máy bay (trong đó có 4 chiếc phản lực và 15 trực thăng). Trong chiến đấu và công tác, ông đã đựơc tặng thưởng tới 7 Huân chương Chiến công các loại, 4 lần đạt danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ’, 4 lần đạt danh hiệu “Dũng sĩ diệt máy bay” cùng nhiều danh hiệu “Chiến sĩ Thi đua” và “Chiến sĩ Quyết thắng”...

Cũng cần phải nói thêm: Nguyên tên gốc bản thảo cuốn sách này là “Trung uý Phạm Hữu Thậm 14 năm trong cuộc đời binh nghiệp”. Lúc đầu, chúng tôi định đặt tên sách là “Anh hùng lãng quên”, bởi những văn bản hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lương vũ trang nhân dân cho Trung úy Phạm Hữu Thậm đã có từ thế kỷ trước, nhưng chúng có thể đã bị lãng quên, hoặc khuất lấp ở đâu đó? Cũng có thể trong mấy chục năm qua, người đời đã tạm thời lãng quên thành tích của Trung úy Phạm Hữu Thậm. Và thậm chí chính ông cũng có thể đã lãng quên những chiến công của mình, bởi đã ở độ tuổi 80, theo quy luật của tạo hóa, thì nhớ nhớ quên quên cũng là chuyện bình thường... Nhưng sau khi cân nhắc, chúng tôi quyết định lấy tên sách là “Lính chiến” – Một cuốn nhật ký chiến trường độc đáo và đậm đặc không khí trận mạc.

Đôi khi, người ta có thể lãng quên những chuyện buồn vui của riêng ai đó. Nhưng lịch sử và truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc thì không ai được phép quên lãng! Và dù chưa được Nhà nước phong tặng, nhưng từ lâu Trung uý Phạm Hữu Thậm đã thật sự là một Người Anh Hùng trong lòng đồng đội! Bởi thế, Câu lạc bộ “Trái tim Người lính” phối hợp với Câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20” tổ chức bản thảo và ấn hành cuốn nhật ký “Lính chiến” này bằng nguồn kinh phí xã hội hoá, không ngoài mục đích “Kết nối và chia sẻ - Tôn vinh và tri ân” một cựu chiến binh đã có công với đất nước; một Người Anh Hùng thầm lặng, như bao người lính đã hi sinh tuổi thanh xuân và cả xương máu của mình để có cuộc sống hoà bình hôm nay.

(Hết)
Đ.V.H

Trái tim người lính

ngô hùng

ngô hùng

16:43 23/01/2023

Cha con chị Akay,chín Thương,bảy Lanh đâu?

ngô hùng

ngô hùng

16:18 23/01/2023

Vấn đề là ông đã có vợ là cô Akay,sau lại hứa hôn với cô du kích khác,rồi phục viên,lại có vợ ở quê. Vậy chị Akay sao về sau không thấy nói đến nữa. Mà cha con chị Akay là ân nhân cứu sống ông Thậm khi bị lạc đơn vị và mê man 6 ngày.