Nhật ký “Lính chiến” của CCB Phạm Hữu Thậm (Kỳ 27): Những chuyện buồn vui khó nói cùng ai và đêm chia tay Điện Bàn trở lại Trung đoàn

Ngày 03/11/1971, tờ mờ sáng chiếc máy bay bà già đã ò è bay lên, từ Thôn 3, Thôn 4 sang Thôn 2, ngó nghiêng lộn nhào như biểu diễn trên không. Đến 8 giờ sáng, một Tiểu đoàn quân ngụy thuộc Sư đoàn 2 từ đường 1A cầu Bà Dèn tiến vào Thôn 2, Điện Quang.

Võ Cử, Trương Đình Huê đi nắm địch về báo: Quân ngụy khả năng tiến sang Thôn 3, lực lượng mạnh, chúng ta không trụ nổi đâu, hãy mau sơ tán lẻ ra tìm nơi ẩn náu tránh thương vong.

Bảy Lanh phân công:

- Trương Đình Huê, Tám Bính đưa bà ngoại và má Hợi chạy sang Thôn 4 tạm ẩn náu. Anh Tám Vàng, anh Võ Cử ra chiếm đồi Ông Hậu quan sát nắm địch. Khi địch vào ngon ăn thì đánh, khó nuốt thì chạy, địch rút thì bắn báo yên. Tôi với anh bộ đội ra phía Tây Bắc đầm sen ẩn náu.

d1abvh1-1674004793.jpg

Ảnh do tác giả sưu tầm chỉ mang tính minh hoạ.

____

 

 

Tám Vàng cũng nói:

- Chị Bảy yên tâm. Như vậy ba tổ ba nơi, nếu tổ nào bị quân Ngụy tấn công thì 2 tổ kia xuất kích đánh vào bên sườn và phía sau quân địch. Chúng ta lực lượng yếu, nghênh chiến với địch khác nào trứng chọi đá, tránh voi chẳng sao cả. Trường hợp bất đắc dĩ mới nổ súng.

Chúng tôi chuẩn bị:

Tổ 1: Trương Đinh Huê mang súng máy Trung liên 30 Mỹ; Tám Bính mang súng tiểu liên các bin, mỗi người đem theo một quả đạn M72 Mỹ.

Tổ 2: Tám Vàng, Võ Cử mang theo súng M79 và tiểu liên AR15 với 2 quả đạn M72 Mỹ.

Tổ 3: Bảy lanh và anh bộ đội đem 2 súng tiểu liên AR15 với 2 quả đạn M72 Mỹ.

Tất cả đồ vật trang bị nồi xoong cái gì không đem đi được Võ Cử đem giấu xuống hục bom. Gạo lương chôn dấu cẩn thận, xóa dấu vết không để thứ gì sót lại khiến quân Ngụy nghi ngờ.

9 giờ 30 phút Tổ 1 và Tổ 2 rút trước, Bảy Lanh còn đứng ở rìa làng thôn 3 nhìn về Thôn 2 mà nước mắt tuôn rơi.

Lanh buồn rầu nói:

- Chỉ tại em mất cảnh giác tính không chu đáo, để hại đến Chín Thương, ân hận quá, tội lỗi quá. Em biết lấy chi mà bù đắp cho nó đây? Bây giờ mà có một Đại đội trang bị đầy đủ như chủ lực, quyết đánh vào Thôn 2, tiêu diệt hết quân Ngụy trả thù mới hả được.

Tôi nói động viên Bảy Lanh:

- Đời người ta là thế đấy, con người sống chết có số cả. Số của Chín Thương chỉ đến đấy thôi. Em đau khổ 7 phần thì anh đau khổ 10 phần. Anh và Chín thương đã là của nhau đã thưa với ngoại rồi, không thương xót làm sao cho được, đành vậy thôi.

10 giờ 30 phút ngày 03/11/1971, chúng tôi đi từ đầu phía đông đến phía bắc Làng, phát hiện quân ngụy từ Thôn 2 chia làm 3 mũi gọng kìm đánh sang Thôn 3. Chúng tôi đi về phía đầm sen, cách Thôn 3 khoảng 300m.

Đầm sen có chiều dài khoảng 700m rộng 200m, hai bên bờ cây mọc rậm rạp, trong đầm sen mọc lá che kín nhau, hoa sen rực rỡ ngát hương thơm. Sang bờ phía tây bắc nhìn lại thấy quân ngụy đã vào được làng, súng bắn loạn xạ.

12 giờ trưa, quân Ngụy có 2 Trung đội còn ra cánh đồng lùng sục khắp nơi. Chúng đi qua bờ đầm, Bảy Lanh bảo tôi, ta xuống đầm náu trong bụi yên tâm hơn. Chúng tôi tụt xuống, nước sâu tới cổ mát rượi, ngồi sát bờ, súng m72 gác lên gốc cây, súng tiểu liên để trên bụng. Chúng tôi mải nghe ngóng không dám nói chuyện.

13 giờ, một Trung đội địch đi trên cầu, tôi nín thở không dám động đậy. Quân ngụy đi khỏi đã một lúc thèm thuốc mà không dám hút. Đột nhiên Bảy Lanh ôm lấy tôi khẽ nói:

- Ăn ơi con chi cắn eng?

- Bị cắn ở đâu?

- Ở trong ni.

- Bắt vứt nó đi,

- Eng sợ.

- Thế ở chỗ nào?

- Trong nớ!

Tồi cô cầm tay tôi thót bụng ấn vào trong quần, sát vùng kín.

- Anh sờ thấy chưa?

Tôi run tay, sờ thấy một vật trơn trơn bằng ngón tay, phì cười mà không ra tiếng.

Đúng là lằng nhằng như vắt chằng môi. Đã có lần tôi đi đánh trận trên bến Đò Ràng, ngủ ở gốc cây bòng bong bị con vắt chằng từ môi trên đến môi dưới.

Lanh giục:

- Ăn bắt cho em lẹ lên.

Tôi véo con đỉa trơn luỗn, véo mãi mới rút ra được rồi ném tít ra xa.

17 giờ chiều ngày 03/11/1971, nghe 3 tiếng súng báo yên, chúng tôi cởi đồ giặt vắt cho kiệt lại mặc. Hai người đứng bên bờ đầm, nắng vàng nhạt chiếu xuống đầm sen làm cho hoa sen càng rực rỡ.

18 giờ kém 20 cùng ngày, chúng tôi về đến Thôn 3, thì 2 tổ kia cũng về để thu dọn chiến trường. Tám Bính, má Hợi tìm bới kiếm được 12 hộp cá và thịt, 20 gói gạo sấy. Quân Ngụy không phá phách đào bới gì, Võ Cử xuống mò xoong nồi dưới hục bom nấu ăn. Tôi lại ra bờ suối bên ruộng, dựng súng, tháo dây lưng phì phèo điếu thuốc rồi ngủ.

2 giờ đêm rạng ngày 04/11/1971, Bảy Lanh lay tôi dậy:

- Anh đi với eng dô nhà ngoại có câu chuyện.

Tôi theo Bảy Lanh vào nhà. Ngoại trỏ chiếc ghế ga, nói:

- Tụi bây ngồi đi. Phận số con người không ai giống ai, số má khổ nhất trần đời, muốn chết mà không chết được, những người đáng sống thì không sống. Gia đình má 9 người, con dâu, cháu nội, con rể, con gái, con trai đi hết rồi. Còn chút cháu ngoại tưởng rằng mai sau ban thờ cũng còn hương khói. Ông trời sao cứ đổ tất cả vô nhà tôi kia chứ. Mấy hôm rồi con Chín nó thủ thỉ bên bà: Ngoại ơi con có mệnh gì, ngoại nhận Bẩy Lanh làm con gái, lấy ăn bộ đội cho con yên lòng. Ai ngờ nó dề thăm ngoại rồi đi, đi hết thiệt rồi. Lời di chúc của Chín Thương còn văng vẳng bên tai, hai đứa tụi mi nghĩ sao. Bà già này có xứng là má các con hông?

Chúng tôi chỉ biết cùng “dạ dạ”. Bảy Lanh bảo tôi quỳ xuống đồng vái 3 lạy:

- Chúng con xin nghe lời Má, giữ lời hứa với Chín Thương.

Má cười buồn:

- Thôi đứng dậy đi nào. Má hông còn cô đơn, ông trời còn chút tình cho má con ta. Chúng ta dựa vào nhau mà sống. Các con ở đâu thì má và má Hợi ở đó giúp việc cho xã, trông nhà, nấu ăn, thế là ngoại mừng.

Bảy Lanh bảo:

- Để con kêu má Hợi vô đây chút.

Má Hợi đã trở lại, bà ngoại Chín Thương nói:

- Con Bảy bảo chúng ta có làng hông được dề, có nhà hông được ở. Tuổi 70 vẫn làm Cách mạng, tui với bà đăng lính, đầu quân chức má nuôi quân.

Má Hợi cười bảo:

- Nghe lọt tai đó, tui giơ cả hai tay.

Bảy Lanh vỗ tay:

- Hoan hô bạch đầu quân đánh Mỹ diệt Ngụy.

Ngày 04/11/1971, quân Ngụy còn ở Thôn 2, chúng không đi càn. Trên trời con đầm già lượn lờ trinh sát, không bom pháo cối gì. Bảy Lanh bảo anh Tám Vàng và Võ Cử bám nắm địch không để mất cảnh giác; Cử Tám Bính, Trương Đình Huê, đi kiếm cá, mò ốc, lấy rau. Má Hợi, Bảy Lanh đem gạo xay bột tráng bánh.

Tôi không có việc, tắm giặt phơi quần áo rồi ra gốc chuối nằm ngủ. Trong bụi chuối có một cộng sự chiến đấu hình chữ S, hai cửa là hố bắn, nóc hầm đổ đất dày tới 60cm bắn ra ngoài đồng rất tiện.

Ở phía Nam và phía bắc làng cũng có 2 hầm chiến đấu giãn cách nhau 150m, khi chiến đấu chi viện cho nhau rất thuận lợi. Ở sau nhà cũng có hầm trú ẩn. Má Hợi và ngoại Chín Thương ở trong nhà là bạch đầu quân phụ trách bếp núc cũng trang bị mỗi người một súng tiểu liên AR15. Còn 3 tổ như đã phân công ai về hầm ấy đêm gác ngày canh, thay nhau ngủ.

Nửa đêm, Bảy Lanh chui vào hầm thì thào với tôi:

- Anh à, từ bữa ni eng với ăn được tự do gần nhau nghe. Má công nhận rồi đó.

Tôi gật nhìn Bảy đầy hạnh phúc. Thêm một người căn hầm ấm cúng vui hẳn lên.

Bẩy Lanh gục đầu vào vai tôi:

- Em nhớ Chín Thương quá hè. Em bù đắp cho anh nghe.

Rồi cô dúi vào tay tôi bao thuốc Rubi quyn.

Tôi kéo Bảy Lanh lại. Em nằm trong vòng tay tôi chỉ nghe tiếng thở, tiếng trái tim rộn ràng vội vã. Một giấc mơ hạnh phúc đến thật nhẹ nhàng. Dù ngoài kia, tiếng pháo địch, tiếng máy bay vẫn sẵn sàng dội bom đâu đó…

Chúng tôi chỉ tỉnh giấc, khi có tiếng chim chích chòe hót gọi.

*

Ngày 05/11/1971, lúc 18 giờ tối Bảy Lanh, Võ Cử, Tám Bính, ba người đi công tác tìm về cơ quan tiền phương huyện Điện Bàn nằm ở giáp danh vùng tây Hội An. Còn tôi, Tám Vàng, Trương Đình Huệ thay nhau canh gác.

Ngày 06/11/1971, lúc 8 giờ sáng yên ắng, không máy bay, bom pháo trên không mặt đất im lặng như tờ. Trương Đình Huê phát hiện quân Ngụy có một Đại đội chia làm 2 mũi tiến vào Thôn 2 sang Thôn 3, đi đúng vào 2 hầm ở hai đầu làng.

Tôi bàn anh Tám Vàng:

- Bây giờ ta ít người, vẫn phải giữ 3 vị trí chiến đấu, 3 người 3 nơi, hai anh ở hai trận địa bên, mang theo súng M79, M72, súng tiểu liên AR15 và lựu đạn. Địch vào 30m mới bắn, ngắm chính xác, bắn tên nào tiêu diệt luôn tên đó thì chúng mới sợ. Nếu địch bắn hỏa lực vào trận địa, các anh chui vô hầm trú ẩn, ngớt bắn lại thò đầu lên, không sợ địch thì mới đánh được địch. Tôi ở trận địa giữa, dùng súng trung liên, AR15, M72 bắn chi viện cho 2 anh. Quân địch không biết chúng ta nhiều hay ít, thấy nhiều nơi có súng nổ sẽ hoang mang tất nhiên phải lui. Hai má giấu đồ, đem vũ khí rút sang Thôn 5, khi có súng báo yên mới trở về. Ta đi thôi.

Tôi ở trận địa trung tâm, đem 4 quả đạn M72, súng AR15 để dưới công sự, đặt súng trung liên 30 lên miệng hầm quay đi quay lại ngắm nghía cho cân bằng rồi ngụy trang kín đáo.

Khoảng 10 giờ, quân Ngụy cả hai mũi vào sát chân tre, hai quả đạn M72 ở hai trận địa bắn ra trúng đội hình quân địch. Chúng la ó chạy lùi. Tôi bắn sang bên phải một quả, bên trái một quả đạn M72. Nghe tiếng đạn M79 của Tám Vàng và súng AR15 ở hai trận địa, tôi nhằm chỗ đông quân Ngụy bắn chi viện cả 2 bên. Quân ngụy đạp nhau mà chạy, đạn súng máy của tôi bám theo sát gót.

Trụ bám được nửa giờ, Tám vàng đến bảo:

- Chạy thôi kẻo chúng bắn hỏa lực thì không trụ được.

Tôi và Tám Vàng chạy qua kêu Huê rút.

Chúng tôi luồn lách trên cánh đồng bãi bói, chạy gần đến Thôn 5 thì hỏa lực của địch bắn tới trận địa; cối 81, 61 từ Thôn 2 bắn pháo 105 từ Hương An, Bà Dén bắn tới chiếc máy bay già L19 cùng 2 chiếc trực thăng vũ trang UH1 bay lên vừa trinh sát vừa bắn phá, đạn nổ dưới mặt đất, trên không kêu đốp đốp, chan chát. Quân ngụy bị đánh phủ đầu thương vong một số, khiến chung không dám tiến lên, khiêng thương binh và tử sĩ rút chạy.

Máy bay và pháo bắn đến 10 giờ trưa thì ngớt, đến 13 giờ Tám Vàng và Huê đi bám nắm địch thấy chúng rút hết, liền bắn báo yên. Tôi cùng má Hợi, ngoại Chín Thương lại về Thôn 3 thu dọn chiến trường.

Công sự bên bụi chuối bị pháo 105 nổ phá tanh bành, 2 hố chôn gạo bị 2 quả cối 81 lộn tung tóe. Tiếc quá, hai má đi thu nhặt mang ra hố bom đãi. Tôi kiếm được chiếc xẻng Mỹ, làm lại căn hầm công sự chiến đấu.

Ngày 07/11/1971, không có việc làm, thay nhau canh gác và ngủ.

3 giờ đêm rạng ngày 08/11/1971, tổ công tác Bẩy Lanh về đến căn cứ an toàn cho gọi toàn đội đến.

Bảy Lanh báo cáo lại: Huyện biểu dương tinh thần chiến đấu của Điện Quang, theo đề nghị của xã, huyện quyết định thu nạp anh bộ đội chủ lực; tạm thời hãy để công tác ở Điện Quang dưới sự chỉ đạo của chính quyền xã. Quyết định thứ 2 là: huyện đồng ý bổ xung hai chiến sĩ bạch đầu quân cho Điện Quang.

Tiếng vỗ tay đồm độp. Quân số chỉ có thế, về mặt hậu cần, vũ khí trang bị đủ dùng, đạn dược tự túc, tự kiếm, mỡ rắn rán rắn mà. Súng đạn Mỹ ta bắn ngụy có sao đâu. Lương thực thực phẩm thì vận động quần chúng, lấy dân làm gốc thì mới đánh thắng quân Mỹ ngụy. Chúng ta hãy cố gắng lên. Mọi người đều quyết tâm như vậy.

Xong việc Tám Vàng, Võ Cử về giữ hầm phía bắc làng; Tám Bính và Huê về trận địa phía Nam. Tôi và Bảy Lanh lại ra bụi chuối.

Bảy Lanh bảo tôi:

- Anh à, xa nhau 4 ngày đêm mà nhớ thương da diết.

- Anh còn nhớ hơn em nữa là.

- Nói giả đò, anh thương em thiệt sao?

- Không thương em thì thương ai.

- Vậy thưởng cho ăn nè.

Nói rồi, em dúi vào tay tôi bao thuốc Rubi, thứ này chỉ địa phương mới kiếm được.

- Tụi anh không tiền, chỉ thuốc lá cuộn.

- Hỏi thiệt nha: Ở lại với Điện Quang anh có ân hận không?

- Anh rất ân hận vì mất Chín Thương. Nhưng rồi có em bù đắp cho, anh mong còn chả được!

- Vậy em yên tâm rồi.

Ngày 09/11/1971, Huê, Tám Bính, Võ Cử đi tát hục bom được nhiều cá lóc. Hai má đem chỗ gạo sạn say bột lọc qua, rồi tráng bánh ăn, Bẩy Lanh và Tám Vàng họp rồi làm dự án tác chiến. Còn tôi canh gác, cảnh giới địch.

Trong những ngày này quân Mỹ cũng không đi càn, trên bầu trời chủ yếu là chiếc L19 lượn lờ, thỉnh thoảng một vài chiếc trực thăng dong duổi quanh vùng. Đội du kích chủ yếu là thay nhau đi cải thiện.

*

Ngày 10/1/1972, sau 2 tháng tôi ở lại với Đội du kích Điện Quang, huyện Điện Bàn.

Lúc 8 giờ sáng, Võ Cử phát hiện thấy 2 người: Một nam đội mũ tai bèo, quân phục bộ đội giải phóng mang súng AK; một nữ đội mũ tai bèo vận đồ bà ba KT xanh, lưng đeo bồng nhỏ, dây lưng lựu đạn, tay sách súng AK từ cánh đồng Bãi Bói tìm vào Thôn 3.

Võ Cử làm tín hiệu cho đối phương. Người nữ lên tiếng:

- Tụi tôi là giải phóng quân đây!

Võ Cử mời vào nhà, lấy nước cho 2 người uống.

Tôi từ hầm trú ẩn nghe giọng miền Bắc liền đi vào nhà, thấy Tiểu đội trưởng Hải và Trung đội phó Trung đội thương nghiệp cô Hai Lăng.

Tiểu đội trưởng Hải nói:

- Các cậu đi mãi không về, Trung đội cử tụi tôi đi tìm. Rất may có cô Hai Lăng thuộc đường, cùng quê Điện Quang đã dẫn đến đây, còn Chín Thương đi mô, không thấy ở đây?

Ngoại Chín Thương nghe rồi nói:

- Con Chín đã đi với ba má nó. Nếu không giờ đã về đơn vị từ lâu rồi.

Bảy Lanh giới thiệu mọi người làm quen, rồi kể lại câu chuyện từ đầu đến cuối cho Hải và Lăng nghe và cả việc huyện đã đồng ý cho anh bộ đội bổ sung cho xã Điện Quang.

Tiểu đội trưởng Hải nói:

- Để bộ đội ở lại địa phương cũng tốt. Đâu cũng làm Cách mạng cả, nhiệm vụ chiến đấu là chung của lực lượng vũ trang. Nhưng giá như đồng chí khác thì tôi nhất trí không gì vướng mắc. Riêng đồng chí Thậm đây với Trung đội, Đại đội chúng tôi rất là quan trọng. Đồng chí là xạ thủ số 1 súng máy bắn máy bay và bộ binh địch. Thiếu đồng chí khẩu đội súng máy mất sức chiến đấu. Đồng chí đã bắn rơi hơn chục máy bay các loại; diệt Mỹ, diệt ngụy rất nhiều; đồng chí là một xạ thủ giỏi.

Tám Vang nói:

- Hèn chi bữa nọ, súng tiểu liên thanh mà anh bắn một viên trúng mang tai tên Thiếu úy cộng hòa. Thiện xạ, thiện xạ, nếu như vậy thì chúng tôi không dám giữ anh. Chừ làm khó cho các đồng chí, đáng tiếc Điện Quang không có phước, không giữ được người. Hôm nay thay mặt Chính quyền địa phương, chúc các đồng chí lên đường bình an, có điều kiện trở về Điện Quang chúng tôi chờ.

Nghỉ một đêm, một ngày, tối mai chúng tôi mới lên Danh.

Cơm chiều xong, Hải và Lăng ra bờ tre ngủ, ở đó cũng có hầm trú ẩn. Còn hai tổ của Tám Vàng và Huê cũng ra hầm. Trong nhà còn má Hợi, ngoại Chín Thương, Bảy Lanh và tôi. Tôi muốn vào để nói chuyện nhưng khó quá, cũng đành vậy thôi biết nói sao đây.

Thưa, hai má ngủ chưa?

Ngoại Chín Thương nói ngay:

- Tụi tao có phải khúc gỗ đâu mà nằm im được. Má cạn hết nước mắt rồi, nên không khóc nữa đâu. Bay không phải nói gì nữa, đi rồi có dịp về thăm má, hoặc có ai về viết cho mấy chữ dăm câu. Mà nhớ phụ Bảy Lanh đó!

- Dạ con nhớ rồi ạ.

- Chỉ có thế thôi, khuya rồi về ngủ.

Tôi và Bảy Lanh nằm trong hầm lúc lâu không ai nói gì. Một không khí trầm lặng, mỗi người một suy nghĩ. Lúc sau Bảy Lanh thủ thỉ:

- Buồn chết đi được, biết thế này chúng mình không thương nhau làm chi. Thời gian có được là bao để mối tơ tình ngày đêm mòn mỏi, những kỷ niệm đã qua mà trái tim rỉ máu của em đã in hình anh đó. Xa em anh đừng quên nghe.

- Anh sẽ thêm hai chữ Bảy Lanh lên nắp túi áo, dù anh đi khắp Đông Dương em vẫn bám trên trái tim anh.

Bảy Lanh ngồi dậy. Cô nói mà như đang hát:

- Ôi anh, được lời này thì em không còn ân hận, em súng sướng tự hào có anh. Nhưng ông trời sao cứ trêu ngươi thế, trách trời trách đất trách ai đây. Trên dòng sông Thu Bồn này, mấy năm nay em chèo ghe đưa người kháng chiến mà chẳng thắng lợi gì cho riêng mình mà chỉ mất mát thương đau.

Ôi dòng sông Thu, em buông mái chèo, trời đêm mịt mù đưa người ra trận - nơi chết chóc thương đau, trăng lên rồi lại trăng tàn, cuộc đời như chiếc thuyền nan bồng bềnh. Đêm đêm mặt nước trên sông, em mong vẹn một tấm chồng mà thôi. Oi dòng sông Thu, em đưa anh về.

Tôi chẳng biết nói gì hơn với Bảy Lanh cả, kéo em nằm xuống, đêm nay không ngủ chỉ thương Bảy Lanh đời người dang dở…

17 giờ ngày 11/1/1972, sau bữa cơm chiều, má Hợi vắt cho chúng tôi mỗi người một vắt cơm ăn đêm. Tôi ôm bà ngoại:

- Má ở lại mạnh khỏe, bình an. Cho con gởi Bảy Lanh nghe má.

- Má biết rồi, nhiệm vụ thì đi, an toàn trở lại.

Bảy Lanh đưa cho Hai Lăng, Trung đội phó thương nghiệp một phong bì thư là Công văn của Chi bộ, chính quyền xã Điện Quang đề nghị đơn vị Đại đội 2, Tiểu đoàn 47 đề nghị lên trên truy tặng danh hiệu Anh hùng cho Chín Thương.

Chúng tôi hứa cố gắng truyền đạt Thông tin này. Tám Vàng nói to:

- Đi mạnh giỏi nghe, nhớ quay lại.

Bảy Lanh và Tám Bính đưa chúng tôi ra bờ sông. Hai người xuống thuyền. Tôi quay lại ôm Bảy Lanh, tạm biệt. Võ Cử đưa thuyền quá giang. Lên bờ. Tôi cám ơn Võ Cử, chúc ở lại mạnh giỏi, chiến đấu lập công. Võ Cử dặn tôi không được quên chị Bảy đó.

Hai Lăng thuộc đường đi trước, tôi đi sau cùng, giãn cách 10m, vừa đi vừa nắm địch. 10 giờ thì đến Xuyên Phú gặp bộ đội của các đơn vị đi lấy gạo; quân 14 không có ai. Chúng tôi vượt sông Thu Bồn đoạn Phú Sơn Nam về đến Quán Canh là 2 giờ đêm rạng ngày 12/01/1972. Chúng tôi chui vào các bụi cây cách xa đường trục ăn cơm vắt rồi ngủ, sáng lại đi.

9 giờ sáng 12/01/1972, về đến Trạm trung chuyển. Hóa thấy tôi gắt:

- Đi với đứng, để mọi người lo lắng trong đợi hoài.

Một vài anh em nói tếu: “Đi có động cơ, tôi cũng không về”. Hóa hỏi thế Chín Thương đâu?

Tôi để Hải kể cho mọi người nghe rồi đi tắm. Trung đội thương nghiệp nghe Hai Lăng báo cáo Chín Thương đã hi sinh thì khóc như mưa.

Từ lúc chúng tôi đi về Điện Bàn đến nay đã 2 tháng 16 ngày, Chín Thương hy sinh đã được 2 tháng 14 ngày.

Bữa cơm chiều nay, chị em Thương nghiệp cúng cơm Chín Thương cho linh hồn siêu thoát. chị Bảy Lậm Thà, Trung đội trưởng nữ bảo Trung đội phó Hải Lăng bắn một băng đạn tiểu liên vĩnh biệt Chín Thương, rồi đốt hương rót rượu khấn vái.

Hôm sau, Trung đội vẫn làm nhiệm vụ lấy gạo mua hàng. Tôi và Thuật làm anh nuôi.

(Còn nữa)
Đ.V.H


Trái tim người lính