Nhật ký "Lính chiến": Lên tàu hành quân "đi B"" và những ngày gian khổ vượt Trường Sơn (Kỳ 2):

16 giờ, ngày 08/6/1968, trời hè oi ả, mưa to, chúng tôi khoác áo mưa, mang vác, khiêng gánh đến ga Cẩm Giàng- Hải Dương, chuyến xe lửa đặc biệt chở Tiểu đoàn quân Nam tiến, trời tối không nhìn rõ. Cầu Long Biên bị bom Mỹ đánh sạt mé Nam. Chúng tôi ra đi rũ áo xin thề: “Chưa hết giặc Mỹ chưa về quê hương”

.Tàu chạy về Nam, qua Phủ Lý đến giữa cánh đồng thôn Thiên Bảo, xã Thiên Tân, huyện Thanh Liêm thì dừng lại. Lúc đó là 4 giờ sáng rạng ngày 09/6/1968. Chúng tôi vào Làng nghỉ nhờ các nhà dân lĩnh thực phẩm gạo, rau, mua vịt đánh tiết canh.

17 giờ, ngày 10/6/1968, mỗi người một vắt cơm kẹp thịt, đi suốt đêm đến sáng thì đến thôn Lao Trung, xã Lao Thanh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Hà.

d1qa1h-1671514799.jpg
Nhà văn Đặng Vương Hưng trong một lần về thăm gia đình CCB Phạm Hữu Thậm tại ở Kinh Môn (Hải Dương) để xác minh tư liệu, năm 2022. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

17 giờ, ngày 11/6/1968, chúng tôi hành quân trên đường nhựa được 4km thì rẽ lối, đi trên con đê mới đắp dài 10km. Trời mưa lầy lội, sấm chớp, gió giật ngã lên ngã xuống khổ cực vô cùng. Trời sáng, đến được thôn Đồng Tâm, xã Văn phú, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình lĩnh thực phẩm nấu ăn.

Ngày 12/6/1968, đến thôn Chí Tạo, xã Thành Hủng, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa lĩnh thực phẩm, mua chó làm thịt.

Ngày 13/6/1968, đến thôn Lưu Beng, xã Vũ Thành, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Ngày 14/6/1968, đến thôn Mỹ Hưng, xã Yên Đạn, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.

Ngày 15/6/1968, đến thôn Đông Phương Hồng, xã Thọ Bói, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Ngày 17/6/1968, đến thôn Vinh Quang, xã Phú Thọ, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Ngày 18/6/1968, trời nóng, đi đêm, chúng tôi bảo nhau cởi quần dài đi cho mát. Trong đầu tự nhiên vang lên hai câu:

Nay qua Nông Cống tỉnh Thanh

Mà nghe câu hát Thị Trinh năm nào.

Ngày 19/06/1968, đến thôn Kim Xuyên, xã Kim Lộ, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Ngày 20/6, chúng tôi đi về hướng Tây đến phía Đông của núi Bù Khang cao điểm 1085, huyện Quỳnh Hợp, đơn vị ngủ trong rừng.

Ngày 21/6/1968, chúng tôi quay về hướng Đông Nam đến tối thì đến thôn Nhân Nghĩa, xã Bái, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An.

Đến đây rau thực phẩm chủ yếu dưa cóc, dứa, củ đậu, thịt bò.

18 giờ, ngày 22/6/1968, đến thôn Bái Thượng, xã Xuân Phong, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.

16 giờ ngày 23/6/1968, đến thôn Thượng, xã Thanh Vi, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Ngày 24/6/1968, đến thôn Phong Vân, xã Hương Dũng, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

20 giờ, ngày 26/6/1968, chúng tôi vượt sông Cả (tức sông Lam) đoạn trên, sang Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Đến 07 giờ, ngày 27/6 đơn vị hành quân đến thôn Quần Ảo, xã Minh Vượng rồi đi đến thôn Nam Sơn, xã Phú Sơn, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh nghỉ lại.

Ngày 27/6/1968, chúng tôi tiếp tục hành quân về phía Đông, đến chân núi Dú Banh cao điểm 848, rồi đi về phía Đông dưới chân của cao điểm Phao Co, về phía Tây của huyện Can Lộc. Đến 18 giờ tối thì đến thôn Vũ Nhai, xã Vũ Thắng, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh,

Ngày 28/6/1968, lúc chúng tôi đang leo lên dốc thì gặp anh Trí bộ đội thuộc Sư 308 từ trong Nam hành quân ra. Anh bảo chúng tôi ở Tà Cơn, Khe Sanh về đây. Quân của Sư 308 đội toàn mũ sắt. Chúng tôi đổi mũ tai bèo lấy mũ sắt.

Đến gần tối, chúng tôi đang dừng ăn cơm. thì gặp anh Toàn lưng đeo chiếc soong 20, đầu bị thương băng trắng chống gậy đi đến bảo: “anh Tiến hi sinh rồi”.

Ngày 29/6/1968, đến thôn Hoàng Niệm, xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.

Ngày 30/6/1968, đến thôn Hoàng Xá, xã Kỳ Hoàng, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Ngày 31/6/1968, vượt đèo ngang đoạn trên đến thôn Hồng Sơn, xã Quảng Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.

*

Ngày 01/7/1968, chúng tôi vượt sông Giang, đi đến thôn Yên Thọ, xã Tân Hoa, huyện Ninh Hóa, tỉnh Quảng Bình.

Ngày 02/7/1968, chúng tôi đến Trạm 18, thuộc khu vực xã Quảng Văn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

15 giờ chiều, trên đường hành quân tôi lên cơn sốt, vừa đi vừa nghỉ cùng với Bao – Tiểu đội trưởng đi cuối đội hình. Đến 17 giờ nhập nhoạng tối, Bao lại lên cơn sốt không đi nổi, lúc này tôi đã bớt sốt hơn. Tôi cõng Bao đi chừng 200 m để đó, rồi quay lại mang trang bị. Cứ như thế, chúng tôi vừa cõng nhau, vừa đi cho đến 21 giờ đêm lúc chui vào rừng, lúc ra bãi tranh. Trời tối khó đi, tôi đã kiệt sức đành ngồi lại bắn súng đến 3 lần để báo cho đơn vị quay lại đón.

Đến 23 giờ bọn anh Thịnh, anh Cò, anh Điêm và Tuy cầm đuốc đến đưa chúng tôi về thôn Nam Thủy, xã Quý Thủy, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Tại đây chúng tôi được nghỉ ngơi, tắm giặt ngay đầu nguồn sông Gianh, đánh cá, hái rau, mua sắn ăn.

8 giờ, ngày 05/7/1968 chúng tôi ba lô lên vai thì một bà mẹ chống chiếc gậy tre đến trao cho tôi nói: “Con đi chân cứng đá mềm, con phải chắc như chiếc gậy tre này, phải về đấy”!

Tôi cảm ơn và “vâng”.

Tiếp tục hành quân đến Trạm 20, trên đường đi là đỉnh dông, mùa sim chín chúng tôi hái được rất nhiều, đi được một ngày nghỉ ở triền sông Gianh.

19 giờ, tối ngày 07/7/1968 có lệnh quay trở lại trạm 18, chúng tôi về đến địa phận thôn Phú Lộc, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Đóng quân trong rừng.

Nhiệm vụ của chúng tôi là tạm dừng ở đây, để làm lại các kho tàng của Binh trạm 18 bị bom Mỹ đánh tan nát. Vừa làm kho, vừa chuyển hàng, lương thực, thực phẩm, quân trang nhiều vô kể.

Nửa tháng sau, ngày 21/7/1968, chúng tôi có lệnh về Trạm 15, hành quân phía Tây Nam cao điểm 1624 Co Ta Run, rồi vượt sông Đại Giang dưới chân núi Đa Mao, đi 2 ngày về đến địa phận thôn Yên Thọ, xã Tân Hoa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.

Chúng tôi phát rừng, chặt cây, mắc võng che tăng. Mưa suốt ngày đêm, nước lũ tràn về các kho gạo quân trang bị ướt. Chúng tôi dọn kho mất 7 ngày.

Đêm 29, rạng ngày 30/7/1968, lúc 2 giờ về sáng anh Bình, anh Quyên – hai Tiểu đội phó, quê Hà Đông rủ anh Ấu làng tôi trốn về địa phương.

Ngày 31/7/1968, đồng chí Khin bắn được 2 con vượn đen.

NHỮNG NGÀY GIAN KHỔ VƯỢT TRƯỜNG SƠN

Ngày 01 tháng 8/1968, tôi thấy nhức đầu sổ mũi, người hấp nóng, khát nước, bị bệnh thương hàn, không ăn chỉ uống mấy ngày liền hết sốt lại rét. Đơn vị làm thịt trâu, tôi ăn thấy tỉnh táo rồi tào tháo đuổi. Sức đã kiệt, tôi bảo Tuy với Khuề nếu có chết thì khiêng lên đỉnh núi mà chôn, quay mặt về Bắc.

Được y sĩ Quỳnh tận tình cứu chữa, 20 ngày sau thì cắt sốt, đi lại phải chống gậy, sinh ghẻ ở các kẽ tay, kẽ chân, chim cu, người yếu lắm. Anh Thịnh đi câu cá về nấu canh chua cho tôi. Tổ chim bị ghẻ gãi chớt cả da, đau xót vô cùng, rồi cũng dần dần ăn được. Anh em trong tiểu đội đi bắn được nhiều khỉ và vượn. Ăn những thứ này cũng nhanh hồi phục.

7 giờ sáng ngày 24/9/1968, đơn vị hành quân định để tôi ở lại trạm. Tôi không chịu, quân trang có Tuy với Khuề mang đỡ, tôi chống gậy đi theo, chim cu lúc lắc đau không chịu được. Tôi nghĩ ra một cách lấy dây buộc chim treo lên cạp quần, thật là hiệu nghiệm. Gần ra cửa rừng chúng tôi nghỉ ngơi nấu ăn.

25/8/1968, chúng tôi tiếp tục hành quân đến xã Lệ Linh, thôn Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Cả đơn vị triển khai mắc võng trong rừng cao su thuộc nông trường Lệ Linh. Trưa ngày 26/8, tôi lên hố bom trên đồi tắm sát xà phòng khắp người, sát nhiều vào tổ chim rồi phơi nắng, cứ thế 2 đến 3 lần cái ghẻ chết, sau đó ăn da non rồi khỏi.

*

8 giờ, ngày 01/9/1968, cán bộ Trung đoàn Cửu Long đến nhận quân. Cán bộ khung Tiểu đoàn 210 bàn giao quân xong. Chúng tôi nghỉ ăn liên hoan cho số cán bộ khung từ Trung đội phó trở lên ra Bắc.

Sáng ngày 02/9/1968, chúng tôi tạm biệt nhau, kẻ về người đi. 14 giờ chiều Tiểu đoàn tân binh chúng tôi được biên chế vào các Đại đội trực thuộc của Trung đoàn. Tôi về Đại đội 14 súng máy 12 ly 7, là Đại đội trực thuộc Trung đoàn, dự định được 3 tháng ăn dưỡng và huấn luyện.

Ngày 07/9/1968, chúng tôi đi bến phà Long Đại lấy gạo, thực phẩm, được cấp nhiều ăn không hết, đem mỡ thùng đổi cho dân lất vịt và chó.

Lính mới chúng tôi được huấn luyện thêm một số bài cơ bản. Do nhiệm vụ gấp nên việc ăn dưỡng và huấn luyện chỉ kéo dài trong một tháng rưỡi. Chúng tôi làm công tác chuẩn bị học chính trị, viết quyết tâm thư đi chiến đấu.

Cơm tối xong chi đoàn thanh niên địa phương đến giao lưu hát hò, hát rằng:

Ai về quê Bọ Lệ Linh

Mà nghe giọng hát Quảng Bình hò khoan

Hát rằng ới hỡi hò khoan

Các con về ở cho an lòng già

Các con còn mấy bộ ga

Cho Bọ một bộ hãy ra chiến trường

Chăn chiên để lại em thương

Giày cao cổ để cho thằng con trai

Mũ cối để lại cho rồi

Mì chính cho mạ nấu nồi canh cua

Lương khô đem hết cả ra

Cho bọ với mạ cả nhà cùng ăn

Thị hộp, dầu mỡ đừng quăng

Để cho bọ mạ với thằng con thơ

Hò khoan cất tiếng ta hò

Con ăn cám hấp chẳng cho bọ nào

Con bọ ăn vụng hay sao

Có một chú nào nắn khắp người con

Khám người rồi lại ngửi mồm

Bọ thấy hoàn hồn bọ mới đi ra

Ngày mai các chú đi xa

Có gì nặng nặng để ta giữ giùm

Rồi đây vào đến chiến trường

Thương vong chết chóc là thường chú ơi…

*

14 giờ ngày 31/9/1968, Đại đội tập trung để phát quân trang, quân phục.

Mỗi người 2 bộ quân phục, áo ấm, màn, tăng, võng, ba lô, dày, dép lốp, toàn bộ thay mới hết.

Ngày 01/10/1968, Đại đội làm thịt bò liên hoan, mời một số ban ngành trong xã, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên.

Ăn tối xong quân dân hát hò vui vẻ. Một chị trong Hội Phụ nữ hát bài Mẹ Suốt chèo đò sông Nhật Lệ:

Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình

Mẹ rằng quê mẹ Bảo Ninh…

Sợ chi sóng gió tàu bay

Thằng Tây kia đã thắng

Thì Mỹ này cũng chẳng thua.

Ôi tình cảm thật! Chúng tôi ai cũng phấn chấn. Nghe câu hát một bà mẹ đã 60 tuổi không sợ tàu bay thì chúng tôi những thanh niên trai tráng, một đội quân có đầy đủ vũ khí trang bị cũng không sợ Mỹ. Chúng tôi sẽ nhanh chóng ra chiến trường giết giặc.

Lúc 02 giờ rạng sáng 16/10/1968 còi báo động toàn đơn vị, chúng tôi tập trung tại sân kho hợp tác Xã với đầy đủ trang bị. Các Trung đội kiểm tra quân số rồi lặng lẽ lần lượt hành quân.

Chúng tôi đi về phía Tây- Nam đến thượng nguồn sông Kiên Giang, đến tối dừng chân nghỉ ăn cơm.

Ngày 17/10/1968, tiếp tục đi vòng theo sườn núi. Rừng ở đây bom bỏ dày như bát úp. Thanh niên xung phong mở đường ngày đêm.

Đi mãi đến 18 giờ, vượt sông Bến Hải, đoạn trên là một khu rừng thượng nguồn thuộc Tây Vĩnh Linh - Quảng Trị.

Ngày 27/10/1968, chúng tôi tới Binh trạm số 1 ở Khe Ve, Lùm Bùn, Bắc đường 9 thuộc huyện Vĩnh Linh và huyện Hưng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Tới Binh trạm số 1. Đã thuộc đường dây 559, không còn đất Bắc nữa rồi.

*

Khoảng 8 giờ ngày 01/11/1968, chúng tôi qua cầu treo sông Ve, leo lên 1001 qua ba thang đến cổng trời. Đi suốt một ngày mới đến trạm nghỉ trên đỉnh núi. Mưa dầm suốt ngày đêm.

Ngày 02/11/1968, chúng tôi xuống đến chân dốc, nghỉ ở Binh trạm số 2 Lùm Bùm, Bắc đường 9, xã A Túa, huyện Hưng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Ngày 03/11/1968, chúng tôi đến Binh trạm số 3, đường 129, Mường Bòong, nghỉ tiếp 2 ngày.

Ngày 06/11/1968, đến Binh trạm số 4 ở bắc Làng Bạc, Nam Lào, nghỉ 1 ngày đi lấy gạo.

Ngày 08/11/1968, đến Binh trạm số 5 dưới chân núi Vít, Thù Lù, vượt cao điểm 925 qua đường 9 Bản Đông, đến Bản Keng Lào thì vượt đường 12.

Ngày 10/11/1968, đi qua A Lưới, A Sầu, A Gió, miền tây Quảng Trị.

Trường Sơn đông nắng, Tây mưa

Ai chưa đến đó thì chưa biết mình

Rừng già nghỉ tạm trạm binh

Bữa cơm Môn Dóc nghĩa tình nước non

Chúng tôi qua sông Vàng Vòng, bản A Chóc đến bản Tà Xa trên đất Lào. Chúng tôi qua chân núi cao điểm 1030 bản Tà Lôi, Cha Ky sông Samu.

Đi tiếp đến Tà Dúa, Bắc sông Băng Hiêng, rồi đi về bản Vát, Bản Cọ, Làng Phô, La Thôn, vượt núi qua sông Cam Lộ, sông Thạch Hãn đoạn trên miền Tây, qua mường Lưa Sê Pôn, sông Sê Pôn…

Ngày 29/11/1968, chúng tôi vẫn hành quân trên đất Lào.

Mùa khô nắng nóng, các Binh trạm hết cả nước uống, nhiều suối nhỏ bị cạn. Chúng tôi phải đi vượt trạm, đường dài gấp hai lần, đến 9 mười giờ đêm mới nghỉ nấu ăn.

*

Ngày 01/12/1968, chúng tôi đến Trạm số 7 Trà Vằn, dừng lại trên đỉnh núi cao, cây to, quanh năm mây phủ. Mưa dầm suốt ngày đêm, trên mặt đất bùng nhùng rễ cây. Xuống đến chân dốc phía bên Lào, trời nắng chang chang. Chúng tôi làm nhiệm vụ vận chuyển gạo, đạn.

Chúng tôi rang gạo, mỗi người 3kg để làm lương khô chiến đấu.

21 giờ đêm ngày 27/12/1968, Cả đơn vị vượt sông Ba Lòng, đi trên chiếc cầu treo. Cầu được treo vào 2 cây gỗ to ở hai bên bờ sông.

Đến Dốc Tranh, đường lầy lội, leo lên tụt xuống rất cơ cực.

(Còn nữa)

Đ.V.H

Trái tim người lính