Nhật nhẹt...lai rai ký

Lê Kim

21/01/2022 11:09

Theo dõi trên

Trên phố đi bộ Bờ Hồ, một nhà báo phỏng vấn vị du khách người Úc: Ấn tượng của ông về Hà Nội là gì? Vị du khách người Úc nhún vai , trả lời: Nhậu... đúng rồi ! Nhậu vỉa hè ...rất ấn tượng !

minh-hoa-1642737943.jpg
Ảnh minh họa

 * Vỉa hè là của nhân dân anh hùng.

Ở các nước phát triển, đâu có tình trạng như thế. Nhớ hồi tôi sang Quảng Đông Trung Quốc, sát nách nước Việt ta, Mấy anh em đi dạo phố, vỉa hè phong quang, không hề có hàng rong và  quán nước tụ tập . Quản lý đô thị của họ làm khá tốt.  Mấy anh em khát nước, tìm mỏi mắt mà không hề thấy quán bia hơi nào, đành phải rẽ vào siêu thị mini, mua vài lon bia ra vỉa hè ngồi uống .

Chẳng bù cho ở Viêt Nam ta, quán bia, quán nhậu, nhà hàng đặc sản, nhà hàng bình dân cứ gọi là  nhan nhản , ra ngõ gặp ngay cảnh nhậu ! ( trong khi đó hiệu sách ở Hà Nội hơi bị hiếm ). Khi con người chỉ quan tâm đến vấn đề nhậu nhẹt mà dửng dưng coi nhẹ, quay lưng với sách, với tri thức thì không hiểu nó sẽ dẫn con người ta đi về đâu?

 Một lần uống bia ở quán Hải Xồm, tôi có hỏi một ông bạn làm công tác xã hội:  Đền Cẩu Nhi ở đâu ? Ông ta cũng không biết. Ô Đồng Lầm ở đâu? Ông ta cũng không hay. Thậm chí Tháp Hòa Phong ông ta cũng i tờ mít. Thế mà, khi nói về các loại rượu Ngoại, mắt ông ta sáng lên, kể vanh vách, nào là Chivas Regal, Johnnie Walker,  Remy Martin  vv….. .

Tôi thấy hơi buồn nhưng vẫn phải cười.

 Lịch sự sang trọng , dành cho những người nhiều tiền thì nhà hàng,  Restaurant. Thường thường bậc trung thì quán bia, quán thịt chó . Người ít tiền thì quán nước vỉa hè , dăm chén rượu cuốc lủi và đĩa lạc rang , chỉ cần có thế là dốc hết cả bầu tâm sự chia sẻ cho anh và anh chia sẻ cho tôi . “Tửu lạc vong bần “. Đã nhậu, thì phải ngồi vỉa hè mới đã. chui vào phòng điều hòa kín mít thì ….chỉ dành cho những vị công tử ” sữa bột ” thôi ạ !

  * Quán bia, quán nhậu là Câu Lạc Bộ của cánh đàn ông .

Ở các nước phát triển cũng có quán bar ,club, nhưng thường hoạt động về tối,  không “sầm uất ” suốt ngày như ở ta. 

Khách nước ngoài đến Việt Nam rất ngạc nhiên khi thấy các  quán nhậu , quán bia vỉa hè lúc nào cũng đông khách, kể cả trong giờ hành chính . Họ ngạc nhiên là phải . khách nhậu đa số là thanh niên trong độ tuổi lao động !? Đất nước này , đúng là …Thiên Đường !

Đã uống bia thì phải ngồi vỉa hè mới …sành điệu . Chui vào phòng máy lạnh thì làm sao thưởng thức hết những khoái lạc của dư âm đường phố , tận hưởng cuộc sống với  gió Trời phe phẩy và quan trọng nhất là được ngắm nhìn và bình phẩm…những bóng hồng đi qua, đi lại . Thấy đẹp thì phải nhìn , có ai đánh thuế cái nhìn đâu , cứ vô tư đi. Nhìn xong , tranh nhau bình phẩm cứ gọi là loạn cào cào cả lên !

Xe pháo đi ngược về xuôi là chuyện của xe pháo. Việc một...hai ...ba zdo là việc của chúng tớ , không liên quan ! Tợp một ngụm bia mát lạnh, nhắm với miếng đậu phụ “lướt ván ” chấm mắm tôm,  cảm thấy người lâng lâng , râm ran đến từng cọng chân tóc . Mặc dù, khi có luồng gió lướt qua làm  vẩn lên những làn bụi rất ảo ảnh phong trần và ngang tàng đậm đặc ...phi nhậu nhẹt bất thành hảo hán !

Vỉa hè đã để tuột mất chức năng của… vỉa hè là dành cho người đi bộ. Nó đã biến thành nơi kinh doanh, nơi tụ tập hàng quán, nó đã trở thành “Câu Lạc Bộ ” ngoài trời hoạt động không cần giờ giấc. Muốn được thoải mái như vậy, các chủ quán đều phải “làm luật ” cả đấy ạ .

Các “đệ tử Thần Lưu Linh” là những công chức , viên chức , dân chạy mánh mung, dân kinh doanh tự do, thợ thuyền vv….. Nói tóm lại là “thập cẩm ngũ tạng “.  Câu chuyện của các ” Thượng Đế ” thì thượng vàng hạ cám. Toàn chuyện “trên giời / dưới biển “, Cứ gọi là chém gió phần phật . Cũng tranh luận tình hình trong nước, cũng bình luận cái “chai , cái lọ” về diễn biến hòa bình về thế giới đại cục . Đã có những cuộc ẩu đả, đánh chém nhau xảy ra khi những cái đầu tây tây không cần biết đến phải trái .

Thư giãn sau giờ lao động căng thẳng là cần thiết, nhưng nếu quá đà thì lại là một sự bê tha , mất hết nhân cách , tổn hại đến kinh tế và sức khỏe , ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình.

  * Quán nước vỉa hè cũng là nơi để những “con sâu rượu” xả stress.

Quán nước trà chén cũng là tụ điểm ở vỉa hè cho những “sâu rượu” xả nghiện . Không phải là tất cả nhưng đa số các quán nước đều bán cả rượu trắng . Khách đa số là dân lao động nghèo, dân bán thất nghiệp. Tạt vào làm vài chén “sếch” hoặc gặp ông bạn cùng cảnh ngộ làm một cút nhâm nhi với lạc rang .

Rượu ở đây là loại trôi nổi, độc hại vì pha với cồn, hoặc nấu bằng men “đểu” . Biết là độc hại nhưng vẫn uống , có chết ngay đâu mà sợ. Điều trớ trêu là những vị khách này đâu có sợ chết ! Đã có ông từng là khách ruột của  những quán này . Uống rượu đểu nhiều quá, lại toàn uống “sếch” .  Giời ạ ! Mới sinh ra phù thũng hết cả người, hỏng hết cả thần kinh trung ương, về nhà đập phá tùm lum, cực chẳng đã vợ con mới phải tống vào trại thần kinh .

   * Nhà hàng,  Restaurant , là “văn phòng” của sếp .

Bây giờ có lệ , mọi quan hệ xã giao, nhờ vả khuất tất đều dẫn nhau ra nhà hàng để …dễ nói chuyện . Phải công nhận, không khí ở nhà hàng ” thoáng” và dễ hòa đồng. Khi đã ngồi cùng bàn, cùng cụng ly với nhau là cùng một ” cạ” rồi  còn gì . Ranh giới vị thế xã hội cũng mờ nhạt đi . Người giúp và người được giúp cũng thấy ít ngại ngùng. Anh giúp tôi, tôi không quên ơn anh , theo kiểu “Ông có chân giò / Bà thò chai rượu “, rất chi là sòng phẳng , hai bên cùng có lợi  thì còn gì phải lăn tăn nữa...

 Khi có chút hơi men vào thì càng OK ! Rượu giúp con người xích lại gần nhau hơn, dốc bầu tâm sự cũng thoáng hơn ,không còn e dè nữa.

 Sếp móc điện thoại, gọi cho thằng X thằng Y đến cho vui. Vài phút sau , thằng X thằng Y vè vè kéo đến . Thế là cả hội “zdô…zdô... chăm phần chăm “. Đến cái ngưỡng  đã tây tây rồi, thì nhờ sếp cái gì mà chả được , ký cái gì mà chả được, giúp nhau là chính ấy mà, vui vẻ là chính ấy mà .  Khi tất cả đã bung biêng “cá đối bằng đầu” bá vai bá cổ nhau đi tăng 2, đi tăng 3 thì bản thân sếp cũng quên luôn …mình là ai !? Và tốt nhất khi đã “tới bến ” rồi thì không nên nhớ mình là ai nữa  ….

 Hậu quả của những trận nhậu  núp bóng quan hệ , dựa hơi quyền lực để làm bậy, làm càn sẽ để lại hệ lụy xấu cho cộng đồng và ảnh hưởng lớn toàn xã hội như thế nào , chắc các bạn đã rõ !

   * Thay lời kết luận .

Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra khi tài xế có hơi men trong người . Khi say , con người không làm chủ được ý thức của mình . Nhiều trường hợp tan cửa nát nhà vì ông chồng nghiện ngập. 

Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 2,7 tỷ lít bia và 350 triệu lít rượu. chẳng thế mà khách nước ngoài sang Việt Nam nhận xét ” Người Việt Nam nhậu dữ dằn nhất thế giới !”. Và một con số giật mình, mỗi ngày ở nước Việt ta có khoảng 20 người chết vì tai nạn giao thông  ( trong đó lý do chính vì nghiện và nồng độ cồn vượt mức cho phép .).

 Hãy vì sức khỏe , tính mạng của bản thân mình, tương lai của con cái và hạnh phúc của gia đình , vì cộng đồng, chấm dứt tệ nạn nhậu nhẹt quá đà.

Theo Chuyện Làng Quê

Bạn đang đọc bài viết "Nhật nhẹt...lai rai ký" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn