Vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, ở tuổi 42, Jean-Michel Gallet đã đặt chân đến Việt Nam. Theo chia sẻ của ông thì đây không phải là một việc tình cờ.
Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã yêu thích và muốn khám phá các nền văn hóa và xã hội khác với nền văn hóa mà ông sinh ra. Trước khi đến Việt Nam, ông từng đến nhiều quốc gia ở Châu Mỹ, Châu Phi và Châu Á. Và mảnh đất Việt Nam thơ mộng bốn mùa hương sắc, nơi ấm áp tình người đã hấp dẫn ông như một thỏi nam châm.
Một trong những khám phá đầu tiên của Jean-Michel Gallet từ đầu những năm 1970 đến 1985 từ Afghanistan đến Philippines qua Ấn Độ, rồi Indonesia...Nhưng thật đáng tiếc với ông trong hành trình đầu tiên đó không có Việt Nam. Bởi những hoàn cảnh lịch sử, Việt Nam mới giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước nên sự giao lưu hội nhập với Phương Tây còn rất nhiều hạn chế.
Nhưng chính tình yêu với nông nghiệp và khát vọng cống hiến cho phát triển nông thôn đã đưa Jean-Michel Gallet ngày một đến gần hơn với Việt Nam. Thật vậy, Jean-Michel Gallet đã dành phần lớn cuộc đời chuyên nghiệp của mình trong lĩnh vực nông nghiệp (từ năm 1973 đến năm 2007 trước khi nghỉ hưu).
Ông gắn bó cuộc đời mình với Hiệp hội Nông nghiệp Pháp, đặc trách bảo vệ và thúc đẩy nông nghiệp Pháp trong khuôn khổ châu Âu. Chính điều này, giúp ông có cơ hội hoạt động ở Philippines thay mặt cho một Tổ chức phi chính phủ nông nghiệp của Pháp (1985 - 1988).
Tuy nhiên, năm 1989, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Pháp, trở về từ cuộc gặp với người đồng cấp Việt Nam tại Hà Nội, đã giao cho tổ chức phi chính phủ này một sứ mệnh tìm kiếm khả năng phát triển sản xuất sữa ở Việt Nam. Sứ mệnh mà tổ chức phi chính phủ giao phó cho ông.
Trên cơ sở tự nguyện và khát vọng giúp sức cho nền Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đã đưa Jean-Michel Gallet đến với những hoạt động thiết thực tại Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam do Viện sỹ Đào Thế Tuấn làm Chủ tịch. Trong giai đoạn này, ông hỗ trợ PHANO xuất bản tờ Bản tin PHANO (tiền thân của Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam).
Việc tiếp xúc với những nhà khoa học tâm huyết tại PHANO đã giúp cho Jean-Michel Gallet có những bước khởi đầu thật tuyệt vời tại Việt Nam suốt hành trình sau đó.
Từ năm 1990 đến năm 2007, Jean-Michel Gallet đã thực hiện 35 chuyến công tác đến Việt Nam, một con số ấn tượng, lớn hơn tất cả những quốc gia ông từng đặt chân đến trong cuộc đời mình.
Những chuyến đi đến Việt Nam của ông, ngắn là vài tuần, dài là vài năm đã đủ cho ông những trải nghiệm tuyệt vời về một đất nước có nền văn hoá lâu đời có sức sống trường tồn vươn tới tương lai thật mạnh mẽ không thua kém bất kỳ quốc gia nào mà ông đã từng đi qua.
Một đất nước không chỉ hấp dẫn về phương diện văn hoá lịch sử, mà ở đó là những con người thân thiện, mến khách, cần mẫn sáng tạo trong lao động, nhân văn hướng thiện và có khát vọng dân tộc chân chính. Người Việt Nam đầu tiên giúp ông cảm nhận rõ những đặc tính tốt đẹp đó chính là Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn, con ruột của học giả Đào Duy Anh, người được biến đến ở Pháp là một nhà khoa học uyên bác.
Điều đặc biệt gây ấn tượng với Jean-Michel Gallet, chính là đất nước Việt Nam có sức sống phi thường. Từ con người đến cảnh vật và thiên nhiên hùng vĩ đã toát lên tinh thần dân tộc quật cường vượt qua muôn và khó khăn thử thách để tự rũ bùn đứng dậy tỏa sáng...Tất cả đã được Jean-Michel Gallet ghi lại bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh qua gần 40 năm gắn bó với Việt Nam.
Ông tự nhận mình không phải là một nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên nghiệp, nhưng những gì trải nghiệm, ghi nhận những khoảng khắc chân thực về những miền quê yêu dấu của Việt Nam là những tư liệu có giá trị cho hôm nay và mai sau.
Những khoảnh khắc mang hơi thở cuộc sống ở những làng quê Việt đã được ông mang về Pháp và giữ gìn rất cận thận.
Năm 2020, đại dịch COVID- 19 đã buộc Jean-Michel Gallet phải dừng lại cuộc hành trình về với những miền quê yêu dấu ở Việt Nam và nhiều nơi trên hành tinh tươi đẹp này. Chính trong khoảng thời gian này, ông đã xem lại toàn bộ những tư liệu quý giá đó để chọn ra 25.000 tấm ảnh đẹp về Việt Nam - Đất nước - Con người mà ông đã dày công thực hiện suốt cuộc đời mình.
Trong chuyến đi Việt Nam vào những ngày cuối năm 2022 đặc biệt này, Jean-Michel Gallet quyết định sẽ trao tặng toàn bộ những tư liệu quý giá nêu trên cho Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam.
Được biết, Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam giao cho Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam tiếp nhận số ảnh tư liệu quý giá trên để phối hợp cùng một số cơ quan sẽ tổ chức Triển lãm ảnh về chủ đề Nông thôn nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt - Pháp vào quý I năm 2023.
Nhân dịp này, Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam tổ chức trao tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Phát triển Nông thôn Việt Nam cho Nhiếp ảnh gia Jean-Michel Gallet, một người Pháp yêu Việt Nam.