Nhớ anh hùng liệt sĩ Trần Can

Đến TP. Điện Biên những ngày này, dạo trên những tuyến đường rợp bóng cờ hoa, ngập tràn màu sắc của cây xanh và lung linh ánh đèn vào ban đêm, chúng tôi thật vui mừng khi thấy diện mộ nơi đây đang đổi thay từng ngày.

Tại Nghĩa trang liệt sỹ Điện Biên Phủ trên đỉnh đồi A1, xin được kính cẩn, nghiêng mình trước mộ Anh hùng liệt sỹ Trần Can – Một trong những tấm gương xuất sắc, dũng cảm chiến đấu, “vì nước quên thân’ và hi sinh đúng ngày giải phóng Điện Biên Phủ.

dh1q2-1669769936.jpg
Anh hùng liệt sĩ Trần Can. Ảnh Tư liệu

 

Anh hùng liệt sỹ Trần Can sinh năm 1931, trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Tràng Sơn, xã Sơn Thành, Yên Thành, Nghệ An. Đã nhiều lần trốn mẹ xin đi tòng quân nhưng vì vóc nhỏ yếu nên mãi đến lần thứ 4, năm anh 20 tuổi mới trúng tuyển. Nhập ngũ đầu năm 1951, năm 1952 anh tham gia Chiến dịch Tây Bắc, được tham gia trận đánh lớn đầu tiên, đồng chí Trần Can dẫn đầu tiểu đội vượt qua cửa mở, dùng thủ pháo tiêu diệt hỏa lực địch. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, cả tiểu đội thương vong gần hết, Trần Can đã cùng hai chiến sỹ còn lại tổ chức thành một tổ ba người tiếp tục chiến đấu diệt luôn ba ụ súng của địch, đánh thẳng vào sở chỉ huy, tiêu diệt cơ quan đầu não của chúng, bắt sống 22 tên, thu 17 khẩu súng các loại.

Trong chiến dịch Thượng Lào ngay sau đó không lâu, đồng chí Trần Can cùng đơn vị mình tiếp tục sang Sầm Nưa tiến công tiêu diệt một bộ phận quân Pháp đang đóng tại đây, giải phóng đất đai, mở rộng căn cứ kháng chiến của nhân dân Lào. Cùng với những thành tích trước đó, đồng chí Trần Can trở thành một trong những tiểu đội trưởng xuất sắc của Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312, được anh em kính trọng và tin yêu.

dh2q2-1669770164.jpg
Mộ Anh hùng liệt sĩ Trần Can tại Nghĩa trang liệt sỹ Điện Biên Phủ. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, tại trận đánh mở màn trên đồi Him Lam, Trần Can đã dẫn đầu Đại đội 366, giương cao lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” vượt qua cửa mở xông lên đồn địch, lao thẳng tới sở chỉ huy đại đội của địch trên đỉnh đồi. Quân địch dựa vào lô cốt chống trả quyết liệt. Tiểu đội bí mật áp sát, giật khối bộc phá 10kg tiêu diệt lô cốt cùng với viên quan ba chỉ huy. Lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” tung bay trên cứ điểm 3 sau hơn một giờ chiến đấu cùng với việc tiêu diệt gọn Đại đội Lê dương số 11 của địch và đây là lá cờ chiến thắng đầu tiên của ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau chiến thắng tại Him Lam, Trần Can tiếp tục chiến đấu ở nhiều vị trí khác nhau, khi chi viện cho Tiểu đoàn 154 phòng ngự ở đồi D hay lúc giúp cho trung đoàn bạn chiến đấu giữ vững từng chiến hào ở đồi C1.

Trận cuối cùng của đồng chí Trần Can là tấn công tiêu diệt cứ điểm 507 bên bờ sông Nậm Rốm, cách Sở chỉ huy của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ khoảng 300m. Trần can dẫn đầu tiểu đội xông lên áp đảo địch chiếm nửa cột cờ, địch bắn đại bác dữ dội và cho quân chiếm lại. Ta với địch giành giật quyết liệt… Trần Can tiếp tục chiến đấu giữ vững vị trí và đánh lui bốn đợt phản kích của chúng. Địch phản công lần thứ năm, hai bên giằng co bằng lựu đạn và đánh giáp lá cà. Trận đánh diễn ra rất ác liệt suốt đêm 6/5. Cán bộ đại đội 366 bị thương lui về phía sau, trung đội trưởng Trần Can mặc dù bị thương nhưng vẫn lên thay thế tiếp tục chỉ huy phá hàng rào địch.

Đồng chí Trần Can hy sinh vào sáng 7/5/1954 khi quân ta chiếm được một phần cứ điểm 507. Chiến thắng đến vào ngay chiều hôm đó sau khi Đại đội 360 do đồng chí Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật đánh chiếm toàn bộ cứ điểm 507 và nhanh chóng vượt cầu Mường Thanh, tiến thẳng vào hầm chỉ huy bắt sống tướng De Castries và Bộ tham mưu của chúng. Ngay sau đó, toàn bộ quân địch tại Điện Biên Phủ đồng loạt giơ cờ trắng đầu hàng. Lúc đó là 17 giờ 30 phút.

Hiện nay, ở TP. Điên Biên Phủ, tỉnh Điện Biên có một con đường và một trường học mang tên Trần Can.