Nhớ cái lu nước mưa

Ngày xưa, nhà ai dù giàu hay nghèo đều phải có một hàng lu đựng nước. Lu đựng nước uống và lu đựng nước sinh hoạt hằng ngày.
lu-nuoc1-1642772434.jpg
 

 

Quê tôi bên con sông Dừa Đỏ. Nước đỏ ngầu phù sa. Trôi lững lờ. Sông Dừa Đỏ nông, nên mùa hè bọn trẻ thường nô đùa.

Tôi sinh ra ở làng, nhưng rồi vì cung số thiên di, đã lang bạt khắp nơi, từ phố huyện lên thành phố. Nhưng ký ức quê vẫn theo tôi. Bởi tôi có bà nội. Bà nội thuộc nhiều ca dao, thành ngữ, thuộc nhiều tích chuyện xưa… Bà hay kể những câu chuyện về làng, về xóm những câu chuyện trong ảo mờ sương khói nhớ thương, cuối cùng là kết lại bằng một câu ca dao nào đó, rồi bà thở dài. Tôi nghe mà ám ảnh mãi cái xóm ở nơi heo hút của miền Tây Nam Bộ…

Nhà tôi hồi đó có mấy cái lu, dành để hứng nước mưa từ tán những cây cau. Nước ấy chỉ dùng để nấu ăn, đun sôi pha trà  và uống lúc khát sau khi đi làm đồng về. Hồi đó có ông chệch hay gánh ve chai  đi qua ghé vào xin bà tôi nước uống. Ông ấy làm một hơi ừng ực hai ca nước mưa múc trong lu ra khen lấy khen để.

Lại nhớ bà nội kể chuyện đôi vợ chồng trẻ mới cưới, chàng trai múc mấy gào nước mưa ở lu nước đầu hè dội cho vợ tắm trong đêm trăng sáng, rồi mới đi nằm với nhau. Sao mà thơ mộng thế.

Ngày xưa, nhà ai dù giàu hay nghèo đều phải có một hàng lu đựng nước. Lu đựng nước uống và lu đựng nước sinh hoạt hằng ngày. Lu đựng nước thường là lu mái dú (hay “mái vú”) có cái bụng phình to có thể chứa đến năm đôi nước (đối với lu thì người ta không tính thể tích mà chỉ tính xem đựng được bao nhiêu đôi nước mà thôi). Ngoài lu mái dú còn có lu da lươn, lu da lươn màu vàng miệng nhỏ hơn, ốm và cao hơn lu mái dú, trên vai lu thường có đắp nổi hình rồng. Ở chổ tôi bà con hay gọi nó là cái kiệu. Lu da lươn chứa được khoảng ba đến bốn đôi nước.

Lu chủ yếu là trữ nước mưa để cả gia đình uống qua cả mùa nắng cho nên phải là một hàng lu dài có khi hơn cả chục cái. Mùa mưa đến, bỏ qua những cơn mưa đầu mùa, đến giữa mùa, khi mưa bắt đầu già già, mẹ tôi bắt anh trai tôi trèo lên nóc nhà dùng bàn chải kỳ cọ cái máng xối. Chờ đến những cơn mưa lớn, ổng có nhiệm vụ ra hứng nước mà đổ đầy vào cả hàng lu. Nước mưa để càng lâu uống càng ngọt, cho nên mẹ tôi phải thường đánh dấu lu nào uống trước, lu nào uống sau. Còn lu đựng nước sinh hoạt thì không cần nhiều chỉ cần một đến hai cái là đủ. Nước sinh hoạt thường là nước sông (hồi ấy nước sông còn sạch lắm). Ba tôi thường chờ nước lớn mà lấy thùng xách vào, nhưng con nước thì có biết gì ngày đêm. Nước lớn ban ngày ba tôi còn đỡ cực chứ ban đêm mà nghe tiếng ba tôi đi xách nước là bao giờ tôi cũng giật mình tỉnh giấc.

Nhà tôi hồi đó có mấy cái lu dùng để hứng nước mưa  cho sinh hoạt, tắm giặt. Còn lại là để hứng nước để dành uống. Nội tôi mướn thợ đúc hẳn mấy cái nắp đậy bằng ximăng để đề phòng chuột gián lọt vào, chuột mà lọt vào chết sìn thì chỉ có đem đổ bỏ. Mấy cái lu lớn hứng nước mưa. Có cái lu đựng nước ao để góc sân, đầu hè. Cái ở góc sân có cái gáo dừa nhỏ, đôi khi tiện tay múc ra quẩy tưới cho mấy cây ớt, vạt rau thơm, nếu mua được mớ cá tươi mà chưa kịp làm, thì thả vào đó. Cái lu đầu hè thì để rửa mặt, rửa chân mỗi tối trước khi đi ngủ. Còn có cả mấy cái khạp da bò nhỏ hơn để trong buồng đựng thóc lúa, gạo, đậu…

Xưa ở quê, người ta dùng thân cây cau già bổ đôi móc rỗng ruột dùng làm máng xối để hứng nước mưa. Những thân cau thẳng được chẻ đôi, cạo nhẵn, làm máng hứng nước thì thật tuyệt. Có những nhà khá giả hơn thì dùng máng nhôm  để  hứng nước mưa. Nhà tôi lợp bằng lá dừa nước nên những cơn mưa đầu mùa nội tôi không bao giờ cho hứng vì nước đỏ và nhiều bụi bặm. Khi trời mưa lớn, nước hứng lúc đầu xả bỏ. Khi nào nước trong vắt, mới cho vào lu.

Nước mưa dùng để nấu nước pha trà uống đậm đà hơn thứ nước khác. Thú vui của các lão nông, “bắn” một điếu thuốc rê, nhấp một ngụm nước trà nóng nghi ngút khói, đậm đặc, là đủ xua tan mọi mệt nhọc.

Những nhà nghèo, lại có cách hứng nước mưa kiểu khác. Ấy là để một cái lu to dưới gốc cây cau. Quê tôi vườn nhà nào cũng trồng cau. Có nhà hàng mấy chục gốc cau. Nhà ít, cũng phải dăm gốc. Bó một cái mo cau hoặc lá cau quanh thân, đầu máng chĩa vào miệng lu. Khi trời mưa, nước từ tán lá chảy xuống thân cau, rót vào lu tới lúc đầy tràn.

Trời tạnh ráo, lu được che đậy bằng một cái miếng lá dừa nước chầm. Khi nào dùng nước, mở miếng lá, thả gáo dừa múc ra chậu, ra thau. Nước mưa hứng như vậy, vừa ngọt vừa lành. Có nhà quanh năm chỉ dùng nước mưa, trừ tắm giặt.

Không biết tự bao giờ, cái lu nước mưa đã trở nên rất đỗi thân thuộc, gần gũi với mỗi người dân quê. Cùng với ngôi nhà mái lá, hàng cau thẳng tắp và mảnh vườn bé nhỏ, lu nước mưa là một trong những hình ảnh bình dị mà thiêng liêng trong ký ức thẳm sâu của mỗi con người.

Đó là cái thời mà tất thảy trẻ già, trai gái xóm tôi còn phải tắm rửa, giặt giũ bên những bến sông; còn nước dùng cho việc ăn uống thì đều nhờ vào cái lu nước mưa ấy. Những cái lu ấy nhà tôi mua của các ghe buôn từ miệt An Giang chở xuống bán, bán riết quen mặt bà tôi còn nhận luôn chú lái ghe ấy làm con nuôi.

lu-nuoc1-1642772434.jpg
 

Ba tôi xếp mấy viên gạch kê làm nền, ba tôi đặt cái lu ở khoảng giữa của hai cây cau rồi lấy những tàu cau buộc nối dài chúng với nhau, quấn quanh hai thân cau từ trên xuống. Đầu dưới của hai sợi dây đó được bắt vào miệng lu. Lu nước mưa thường được đặt ở gần bếp để tiện cho việc đun nấu.

Những cơn mưa rào làm dịu những trưa hè, hào phóng gieo muôn nghìn giọt nước mát lành, ngọt ngào xuống khắp trần gian, thỏa lòng mong đợi của những cái lu đã cạn tới đáy. Thông thường không bao giờ hứng nước ngay vì phải để cho mưa gội rửa hết mọi thứ bụi bẩn bám trên cây cau. Nước mưa tuôn xối xả, tràn trề trên những tàu lá rồi chảy thành dòng quanh thân cau, theo đường dẫn đổ vào lu đang chờ sẵn. Chỉ cần hai, ba trận mưa lớn là đã có thể đầy lu, dùng một tháng mới hết. Mẹ tôi lấy cái nắp vung của cái nồi gang to đậy lên, để một cái gáo dừa trên đó, khi nào cần dùng thì múc nước ra từng ít một. Giọt nước mưa được coi là "hạt ngọc" của trời, được chưng cất qua quá trình bốc hơi nên trong vắt và ngọt lành. Ngày ấy, khi chưa có các loại nước giải khát và cũng chưa có các dụng cụ lọc nước như bây giờ, thì nước mưa luôn là thứ nước uống ngon nhất.

Hồi nhỏ, tôi thường được mẹ ưu ái tắm cho bằng nước mưa để không bị rôm sảy và bệnh ngoài da. Lu nước mưa là nơi tôi cùng những đứa trẻ trong xóm thường thả những chiếc lá nhỏ, những bông hoa rồi thi nhau thổi khiến những "chiếc thuyền nhỏ xíu" ấy cứ xoay tròn quanh miệng. Chúng tôi thích thú ngắm nhìn bóng những chiếc tàu cau cứ đong đưa, nổi chìm dưới lu nước hay khỏa tay mò... bóng ông mặt trời khiến bóng những chòm mây trắng bỗng vỡ ra hòa tan vào nước, rồi lát sau mây kết tụ lại, nổi bồng bềnh đầy hư ảo.

Những trưa tháng sáu trời nắng chang chang như đổ lửa, thợ gặt đi làm về thì nơi tìm đến đầu tiên là lu nước mưa. Vục vội cái ca xuống rồi bưng lên uống ừng ực, thỏa thuê, khoan khoái mà không sợ đau bụng hay cảm lạnh. Nguồn nước mát lành lan tỏa khắp cơ thể, làm dịu đi cái nóng bức, mệt nhọc trong người. Ba tôi rất ưa uống trà nhưng phải là thứ trà được pha bằng nước mưa thì ông mới thích. Chính vì vậy, từ nghiện trà mà ba tôi mới nghiện... nước mưa. Không hiểu vì thứ nước này ít lẫn tạp chất hay còn vì điều kiện gì khác nữa mà quả thật, chỉ khi được pha bằng nước mưa thì nước trà mới xanh, tỏa hương thơm và có vị chát ngọt hấp dẫn. Mỗi khi ba tôi nhìn trời mong mưa thì có nghĩa là lu nước sắp cạn rồi. Cũng từ sở thích này của ba mà sau này mấy anh em tôi, cũng như bao người đàn ông khác trong xóm đều thích uống trà được pha bằng nước trong những cái lu ấy!

Thời đó làm gì có quạt máy chứ nói chi đến máy lạnh. Mà mùa nắng thì kéo dài, những buổi trưa nóng bức, trẻ con chúng tôi thường chui vào trong cái kẹt lu (khoảng trống giữa hai cái lu), ôm cái bụng lu, áp mặt vào mà tận hưởng cái mát đến tê người. Hễ có cái lu nào hết nước thì đứa nào cũng giành lấy, chỏng đầu vào hét nghe cho sướng lỗ tai. Tôi hồi ấy có sở thích là chổng đầu vào mấy cái lu gần hết nước để ca vọng cổ, nghe giọng nó cứ  lanh lảnh thế mới thích.

Mới thế mà đã xa lắc xa lơ… Những cái kiệu, cái lu ngày ấy cũng dần vắng bóng. Nó được thay bằng những thùng phuy, bể xây, rồi đến thời bồn nhựa, bồn inox… Nước giếng, nước máy giờ đã thay thế nước mưa…

Hết thời nước mưa, đến thời nước giếng, cái lu vẫn còn được xài chứ đến cái thời nước máy và nước uống đóng chai thì lu chính thức vào dĩ vãng. Nhà tôi cũng thế, hàng lu cứ ngắn dần đi cuối cùng chỉ còn một hai cái, mẹ tôi tiếc giữ làm kỷ niệm. Những cái lu nhỏ dần  dần ít được dùng đến, bây giờ ở quê nhà nào cũng làm mấy cái lu xi măng to đùng đựng đến mấy khối nước.

Vui mừng vì cuộc sống ngày càng đầy đủ, thuận lợi hơn khi nhiều nhà đã xây bể to đựng nhiều nước hơn hay chuyển sang dùng các loại nước lọc tinh khiết. Nhưng hình ảnh của cái lu nước mưa vẫn mát lành trong tâm thức mỗi người.

Các làng nghề làm lu ngày càng mai một dần như chợ chiều đã vãng, nhưng không vì thế mà hình ảnh cái lu dễ dàng phai mờ trong tâm trí của những người đã từng gắn bó với nó. Những cơn mưa giữa mùa cùng với cái lu sành đã trở thành hình ảnh đẹp đẽ trong ký ức của thời gian.