Nhớ góc sân nhà

 Phạm Thị Mỹ Liên

11/06/2022 11:21

Theo dõi trên

Dù bên ngoài có nhiều thay đổi nhưng bà con mình vẫn còn lưu giữ rất nhiều: sự chất phác, mộc mạc của người dân; những nếp sinh hoạt xưa cũ; vẫn còn những mùi thơm dậy hương từ bếp than hoa; khói lam chiếu vẫn con vương vít ở chái bếp sau hè; khoảng đất rộng phía trước làm sân.

lang-que-con-trau-1654220001.jpg
 

 

Quê hương là gì hở mẹ

Mà cô giáo dạy phải yêu

Quê hương là gì hở mẹ

Ai đi xa cũng nhớ nhiều

Ai đã từng rời xa quê hương đang bôn ba nơi quê người tất bật mới thấm thía được nỗi nhớ quê quay quắt thế nào. Người ta nhớ quê là nhớ từng nhánh cây ngọn cỏ, nhớ dòng kênh xanh chạy qua ngõ tưới mát cánh đồng, nhớ con đường phủ đầy màu sắc hương thơm của đồng nội, nhớ mái nhà nằm giữa không gian thoáng đãng yên bình. Thời gian đã làm đổi thay nhiều thứ: những mái nhà mái ngói đỏ tươi, những ngôi nhà khang trang đẹp hơn, đầy đủ tiện nghi hơn; con đượng bụi đất ngày trước đã được đổ nhựa, bê tông sạch sẽ rộng rãi. Tất cả làm thay đổi diện mạo của quê nhà mới mẻ, hiện đại hơn rất nhiều.

Dù bên ngoài có nhiều thay đổi nhưng bà con mình vẫn còn lưu giữ rất nhiều: sự chất phác, mộc mạc của người dân; những nếp sinh hoạt xưa cũ; vẫn còn những mùi thơm dậy hương từ bếp than hoa; khói lam chiếu vẫn con vương vít ở chái bếp sau hè; khoảng đất rộng phía trước làm sân.

Cái sân nhà vừa tô điểm cho khung cảnh miền quê lại góp mặt trong những hoạt động của gia đình. Mảng sân nhỏ có vai trò quan trọng với kí ức của bao người. Sân dùng phơi lúa, phơi bắp, phơi đậu sau những ngày mùa tất bật; là nơi tụi nhỏ chạy nhảy nô đùa và bay ra lắm trò chơi dân gian giờ nhắc lại đứa nào cũng nhớ; những buổi chiều mát mẻ lại trải chiếc chiếu rồi quây quần bên mâm cơm; khi màn đêm buông xuống trăng chiếu rọi khắp xóm làng vừa nghển cổ ngắm trăng vừa thích thú nghe bà kể chuyện, những câu chuyện cổ tích hay chuyện về lịch sử Việt Nam, chuyện ông cha ngày xưa dành từng tấc đất tại chính quê hương của mình (bà tôi là thương binh) giờ nhớ lại như mới nghe hôm qua.

Cái gì thuộc về nhà mình, quê mình luôn có sức mạnh gây nhớ thương trong lòng người mà dù sau này vật đổi sao dời cũng khó lòng mà thay đổi được. Nhớ nhất những ngày nhà có đám giỗ toàn là “cây nhà lá vườn”, góc sân ấy chiều cũng rôm ra khi ngồi gói bánh, làm sẵn đồ cho ngày mai, làm sao quên được cái hương vị quê qua mùi bánh trái thơm lừng. Đêm xuống các bác, các chú lại lai rai hỏi han nhau về cuộc sống, công việc gia đình. Mấy đứa ở phố về thích lắm bởi chúng có không gian thỏa sức nô đùa, tung tăng cùng các bạn nhỏ ở quê.

Những buổi chiều khi mặt trời dần khuất sau rặng tre thì sân nhà vô cùng mát mẻ, dọn lên bữa cơm ngon mộc mạc, dân dã trong không khí đầm ấm. Người quê sống trọn vẹn với cái tình cái nghĩa, không câu nệ nhiều. Những ngày thiết đãi mừng lúa mới, cái sân ấy lại rộn rã tiếng nói cười. Tình quê càng gắn bó thắm thiết hơn. Góc sân ấy như sự kết nối tình làng nghĩa xóm. Những ngày đám hỏi, đám cưới cái sân ấy được dựng lên cổng cưới trang hoàng bằng lá. Cái sân lại chứng kiến hạnh phúc của đôi trẻ và hai bên gia đình.

Trẻ con nhớ nhất là đêm rằm trung thu khi háo hức xách lồng đèn chạy tung tăng ngoài sân. Chiếc lồng đèn được làm từ những nan tre và giấy kiếng màu, cây đèn cầy tỏa ra ánh sáng ấm áp lung linh, trẻ nhỏ hồn nhiên háo hức chờ phá cỗ. Cỗ có cao sang gì đâu chỉ là những trái cây có sẵn trong vườn, những chiếc bánh bà, mẹ mới gói mà tràn đầy yêu thương.

Ở quê hầu như nhà nào cũng có những gốc mai trước sân. Cứ khoảng giữa tháng chạp bà con lại nô nức lặt lá mai. Góc sân nhà giờ đây rộn rã lắm người lấy thang, dựng ghế ai cũng chăm chú cẩn thận. Những lá mai già được lặt xuống nằm dưới mặt sân như náo nức như đợi chờ. Đợi ngày ba mươi mồng một tết những bông mai bung ra rực rỡ, cái sân nhà cũng sáng bừng lên bởi màu vàng tươi tắn thân quen từ xưa đến giờ. Đứng trước sân ngắm mai vàng rung rinh trong gió tết đó là cảm giác dịu dàng mà ai cũng nôn nao đợi chờ khi tết đến xuân về.

Cái sân ấy có tiếng loẹt quẹt của bà, mẹ những buổi sớm mai. Khi mặt trời ló dạng sân nhà đã được quét sạch để mấy nhỏ tha hồ tung tăng đùa giỡn với tiếng cười rộn vang cả một góc trời quê. Rồi những ngày mùa bận rộn, góc sân nhỏ lại là nơi ngồi nghỉ của các bác, các cô với bình trà xanh với câu chuyện về mùa màng thật rôm rả. Đúng bản chất thiệt thà, không cần cầu kì, phủi cái thềm cái bậc tam cấp là có chỗ ngồi lí tưởng, vừa phe phẩy chiếc nón lá vừa hớp một ngụm nước trà câu chuyện cứ thế kéo dài, xum tụ.

Cái góc sân ấy bà mẹ tận dụng ánh nắng mặt trời để phơi khô cá, củ kiệu, củ quả khô làm ra món ăn ngon. Mấy nhỏ còn dăng lên gốc mận cái võng giành nhau nằm vào những ngày trưa hè oi ả, nằm lắc lưa đưa võng, tiện tay hái trái mận ngay trên đầu ăn ngọt lịm giòn tan. Vậy mà khoảng sân trước nhà chứa chan một bầu trời ký ức bình yên của bao đứa trẻ miền quê.

Bình yên khi mấy đứa nhỏ ngồi lại thưởng thức món quà quê mẹ mới đi chợ về. Bình yên khi nghe tiếng chổi của bà mỗi buổi sớm mai trên cái sân. Bình yên khi mẹ ngồi sàng gạo và đưa mắt nhìn ra con ngõ nhỏ để ngóng tụi nhỏ về, mẹ chuẩn bị bột đổ bánh xèo. Bình yên là khi ngồi quây quần bên mâm cơm ấm áp tình thân nhìn nụ cười mãn nguyện của ba mẹ. Dung dị, chân chất nhưng theo hoài theo mãi trong lòng con. Bức tranh quê luôn hiền hòa bình yên như vậy. Góc sân ấy là nơi gọi về kỉ niệm tuổi thơ của bao người.

 

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Nhớ góc sân nhà" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn