“Nhớ nắng”, một hình tượng nghệ thuật lạ và đẹp

    Nguyễn Quang Long

13/02/2023 22:17

Theo dõi trên

Thể hiện một tình yêu chung thuỷ trong cảnh chia ly, Phạm Việt Long đã chọn cho ca khúc một điệu thức thích hợp – La thứ - một điệu thức có khả năng diễn tả nỗi buồn man mác, nhẹ nhàng, không bi luỵ. Với hình thức hai đoạn đơn, tác giả tạo dược cao trào ở vùng văn học và âm nhạc đắc địa, nơi mà tình cảm con người trào dâng trong nỗi nhớ nhung và niềm hy vọng.

img-0076-1676301198.jpg
Ca sĩ Hiền Anh khi cùng đoàn làm phim của Truyền hình Việt Nam ghi hình ca khúc "Nhớ nắng"

Tiếng dương cầm ngọt diết vang lên những giai điệu của hợp âm rải, kiên trì, miệt mài; lối hòa âm ấy đã tạo nên một màu sắc buồn khiến người nghe có cảm giác muốn ngóng chờ một giai điệu bứt lên từ trong nỗi buồn ấy. Và rồi điều này cũng thành hiện thực khi Fluyte cất tiếng, một giai điệu đẹp nhưng như thể bổ sung cho nỗi buồn da diết kia. Tiếng Fluyte tựa tiếng sáo mục đồng, như lời tâm sự được tuôn trào từ trong thẳm sâu tâm hồn người nghệ sĩ đa cảm. Phải tới lúc giọng nữ cao cất lên, nỗi buồn ấy mới như được giải toả, được giãi bày: “Giữa mùa đông phương Bắc/ Em nhớ nắng phương Nam...” Rồi cảm xúc được tiếp thêm lửa để bùng lên: “Nhớ cái nắng nồng nàn/ Thắp lửa hồn em suốt thời con gái… Giọt sương long lanh trên cành đào lặng lẽ / Gợi em nhớ sắc nắng vàng trên từng cánh hoa mai…’’

Thì ra là nỗi nhớ. Nhưng lẽ thường là nỗi nhớ của con người hướng vào một con người, một vùng đất, một kỷ niệm cụ thể. Còn hướng tới một hiện tượng chung của thiên nhiên như nắng trong ca khúc “Nhớ nắng” của Phạm Việt Long quả là lạ… Nắng lúc nào và ở đâu mà chẳng có, việc gì phải nhớ! Nhưng sao ở đây nỗi nhớ lại da diết và nặng sâu tới như vậy?

Hoá ra, nắng ở đây không còn đơn thuần là một hiện tượng thiên nhiên chung chung, mà đã trở thành một hình tượng nghệ thuật, có sức biểu cảm lớn cho những suy tư, tình cảm tha thiết của con người... Cũng vì thế mà nỗi buồn mang lại cho người nghe kia đã thoát khỏi u mê, người nghe dễ dàng cảm nhận được một sức sống khát khao, một tình yêu cháy bỏng ẩn chứa trong đó.  

Văn cảnh của ca từ cho thấy hình ảnh một người con gái miền Nam ra miền Bắc và đang nhớ về miền Nam, xứ sở của hoa mai vàng và nắng vàng. Hơn thế nữa, đó là thứ nắng của tình yêu đã sưởi ấm trái tim cô suốt thời con gái. Ẩn sau hoa, sau nắng là hình ảnh một chàng trai có tình yêu nồng ấm và bền chặt…

Hình tưọng nghệ thuật được phát triển, sống động hơn ở đoạn hai:

Nắng và hoa ấy

Thời gian phôi pha vẫn thắm mầu

Cho dù trải qua bao bão táp mưa sa

Nắng và hoa ấy

Vượt không gian xa vời vợi

Bởi tình ta đã dành trọn cho nhau…

Trong sắc xám và băng giá của mùa đông, bừng lên sắc hoa vàng, sắc nắng vàng, biểu tượng của tình yêu nồng ấm, biểu tượng của lòng chung thuỷ giúp con người vượt qua mọi khổ đau… Lúc này, âm nhạc vút cao lên, tiết tấu dồn dập, mạnh mẽ hơn, thể hiện một tình yêu nồng nàn, đầy niềm tin.

Khi đã giãi bày được xúc cảm ẩn sâu trong tâm hồn qua toàn bộ đoạn một thì đoạn nhạc nối (nhạc dạo giữa) bỗng trở nên tràn trề sức sống bền vững hơn với sự xuất hiện của tiếng đàn cello trầm dầy vẫn thể hiện nét giai điệu chính mà flute đã đảm nhận ở đoạn nhạc dạo đầu. Nhưng sự xuất hiện trở lại của flute ở phía cuối đoạn nhạc dạo vẫn trên nét giai điệu ấy tạo thêm sức biểu cảm cho âm nhạc khiến người nghe có cảm giác: niềm vui, nỗi buồn, niềm hạnh phúc và sự chia xa cứ như là một điều gì đó không thể thiếu trong tình yêu, nhưng cao nhất ở trong tình yêu ấy là sự thuỷ chung.

Chuyển qua lời hai, tính hiện thực xen lẫn tính biểu tượng làm cho hình tượng nghệ thuật càng rõ nét hơn, càng có ý nghĩa sâu sắc hơn:

Gió mùa căm căm rét

Mưa dăng mắc khôn nguôi

Vẫn có ánh mặt trời

Chiếu rọi từ nơi phương trời thương nhớ…

Vì em luôn luôn giữ gìn từng giọt nắng

Mà anh đã thắp lên bằng ngọn lửa trái tim anh…

Nắng và hoa ấy

Nhiều khi hiu hiu như thu về

Ru em bồng bềnh trong đam mê

Nhiều khi vỡ oà giữa đắm đuối

Ấy là nắng tình đầu anh dành cho em…

Giữa mùa đông hiu quạnh

Đàn chim kia trú rét nơi nào?

Em lặng nhìn theo cánh chim bay

Bỗng thấy

Nắng tràn về rực rỡ

Nắng phương ANH!

Nắng và hoa, hai hiện tượng thiên nhiên được nhân cách hoá theo lối tư duy cổ truyền - vạn vật hữu linh - cảnh vật cũng có hồn, cũng đồng cảm với con người, được thể hiện nhất quán trong ca từ nói lên sự nhất quán trong tình yêu đôi lứa – cho dù phải xa nhau vẫn gắn bó. Nhìn đàn chim bay mải miết trong cảnh trời đông u ám, cô gái không bi quan, mà bứt ra khỏi thực tại nghiệt ngã để đón lấy một tương lai tươi sáng, khi nắng phương Anh toả ánh sáng và sức nóng tới bên em…

Thể hiện một tình yêu chung thuỷ trong cảnh chia ly, Phạm Việt Long đã chọn cho ca khúc một điệu thức thích hợp – La thứ - một điệu thức có khả năng diễn tả nỗi buồn man mác, nhẹ nhàng, không bi luỵ. Với hình thức hai đoạn đơn, tác giả tạo dược cao trào ở vùng văn học và âm nhạc đắc địa, nơi mà tình cảm con người trào dâng trong nỗi nhớ nhung và niềm hy vọng :

Nắng và hoa ấy

Nhiều khi hiu hiu như thu về

Ru em bồng bềnh trong đam mê

Nhiều khi vỡ oà giữa đắm đuối

Ấy là nắng tình đầu anh dành cho em…

Nhịp điệu ở đây chuyển dần từ êm ái, bồng bềnh sang mạnh mẽ, tha thiết để lên đến đỉnh điểm của cảm xúc, rồi ngân dài, rồi lắng lại ở một nốt lặng dài….dành chỗ cho con người lắng lại trong suy tư về tình yêu chân chính.

Đoạn kết được viết theo lối tái hiện có phát triển. Mô típ của phần mở đầu được nhắc lại ở một tiết nhạc, sau đó biến đổi, chuyển từ mầu lạnh sang mầu nóng, để lại  một dư âm ngọt ngào và ấm áp… Sự tái hiện ngắn câu nhạc dạo trên nét giai điệu chính của đoạn nhạc mở đầu nhưng có thêm sự sáng tạo mới là cả hai nhạc cụ Cello và Fluyte song tấu đã tạo tính nhất quán, sự trọn vẹn và thêm phần hấp dẫn của  tác phẩm.

Ca khúc “Nhớ nắng” của nhạc sĩ Phạm Việt Long được nhạc sĩ Lương Minh phối khí theo phong cách thính phòng, được những nghệ sĩ tài danh Trần Thị Mơ (Cello), Nguyễn Thuý Hồng (Fluyte), Phạm Ngọc Khôi, Lê Anh Dũng (Piano) thể hiện cùng giọng hát mượt mà, đằm thắm của nghệ sĩ Anh Thơ. Ca khúc này nằm trong CD “Mơ hình bóng quê nhà” (gồm 12 tình khúc của Phạm Việt long, do NXB Âm nhạc phát hành), được Đài Tiếng nói Việt Nam giới thiệu trên sóng phát thanh, Đài Truyền hình Việt Nam giới thiệu trên sóng truyền hình và nhiều ca sĩ trẻ biểu diễn. “Nhớ nắng” đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi và đồng cảm…

Dưới đây là ca khúc “Nhớ nắng” do Hiền Anh biểu diễn:

 

Phiên bản do Anh Thơ hát năm 2004

Bạn đang đọc bài viết "“Nhớ nắng”, một hình tượng nghệ thuật lạ và đẹp" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn