Thay nén tâm nhang nhân kỷ niêm 53 năm ngày các đồng đội hy sinh 9/4/1970 - 9/4/2023
Sau lần được gặp anh Tân đang chiến đấu cùng mặt trận, tôi trở lại hậu cứ ở Đội 8, Nông trường Quyết Thắng, thì đơn vị xẩy ra chuyện vô cùng đau buồn…
Chuyện là: Đơn vị giao nhiệm vụ cho Đại đội phó Nguyễn Văn Lợi, trực tiếp chỉ huy một phân đội cơ động, do anh Nguyễn Sơn Lũy làm phân đội trưởng, đến địa bàn ở khu vực Bến Tắt (huyện Gio Linh) để làm nhiệm vụ phục kích bắt tù binh thì xảy ra thương vong. (Khu vực này do phân đội trinh sát của anh Trần Xuân Quỳnh làm phân đội trưởng, đang hoạt động). Sau giờ cơm chiều ngày 10 tháng 4 năm 1970, anh Lạng, lính thông tin thuộc phân đội anh Quỳnh đi bộ về báo tin dữ... Hôm sau ban chỉ huy đơn vị phân công một tổ do chính trị viên phó Nguyễn Văn Cảm (quê Vĩnh Giang - Vĩnh Linh) trực tiếp chỉ huy. Bộ phận gồm có anh Nguyễn Văn Nhân, anh Ngô Quang Trung, anh Cao Thanh Huy, anh Hoàng Văn Tạo, anh Doãn Song Mã, anh Phạm Phúc Triều và tôi đi làm công tác thương binh tử sỹ.
Chúng tôi xuống tới hậu cứ của phân đội anh Quỳnh ở xã Vĩnh Trường (huyện Vĩnh Linh) thấy không gian vắng vẻ, nguội lạnh, anh Quỳnh đau đớn trình bày: Chiều hôm mùng 9 tháng 4 năm 1970, từ hậu cứ bỗng nghe mấy tiếng nổ lớn, hình như tiếng mìn Claymore, sau đó rộ lên những tiếng súng AK và thủ pháo của ta và tiếng súng AR15 rồi máy bay trực thăng vũ trang UH.1A của Mỹ đến quần đảo. Chiều muộn không thấy ai trở về, nên anh Quỳnh mới cử anh Lạng về đơn vị báo cáo xin tăng cường lực lượng để tìm các đồng chí làm nhiệm vụ chưa về. Tới nơi là chúng tôi qua bờ Nam sông Bến Hải, đi theo đường đất sỏi do địch san ủi trong tuyến phòng thủ: “Hàng rào điện tử Mắc-na-ma-ra” (Mc. Namara). Chúng tôi đi không lâu đã phát hiện nơi các anh hy sinh. Do thời tiết nắng nóng nên thi thể các anh đã biến dạng, da dẻ đen sạm, mặt mũi phù nề. Chúng tôi phải tìm đặc điểm mới nhận ra từng người, không hiểu sao da chân của anh Lũy và mấy anh lột trắng như con ếch đã bị lột da, anh Vân bị vỡ bụng nội tạng phình hết ra ngoài đen sạm, anh Lũy bị địch cắt mất hai bên tai, có lẽ do khi đi mọi người mang súng AK báng gấp còn anh mang khẩu AK Tiệp và để bản đồ vào trong áo, nên địch cho anh là chỉ huy nó mới cắt tai lấy đi. Nhớ bài học kinh nghiệm của việc lấy thương binh tử sỹ, bọn địch giã man thường cài lựu đạn nổ tức thì dưới thi thể bộ đội ta hy sinh, nếu anh em vội nhấc lên là lựu đạn nổ ngay, lại thương vong tiếp. Chúng tôi phải dùng dây võng buộc vào cổ tay từng người kéo khỏi chỗ nằm một đoạn dài, không thấy gì mới dùng tăng ni-lon khâm liệm các anh rồi khiêng từng người sang bờ Bắc sông Bến Hải. Chúng tôi đã lấy được sáu thi thể gồm anh Nguyễn Văn Lợi đại đội phó (quê Hà Tĩnh), anh Nguyễn Sơn Lũy (quê Yên Khánh Ninh Bình), anh Vân, anh Công, anh Huy và anh Mãi (quê Nghệ Tĩnh), còn thiếu anh Tẻo chúng tôi đi tìm xung quanh, nghe thấy tiếng ruồi nhặng bay vo vo cách khu vực đó chừng hai chục mét, tới nơi thì anh Tẻo nằm đó. Hình ảnh khu rừng cây lúp xúp cháy trụi còn trơ thân khẳng khiu, mấy bụi cây lau bên ta luy đường chỗ anh Lũy nằm và cảnh tượng tan hoang, chúng tôi biết cuộc đụng độ khá quyết liệt, do địch đông lực lượng quân ta không cân sức, địa hình không thuận lợi nên các anh chiến đấu với địch và tất cả đều hy sinh anh dũng. Chúng tôi cũng không biết diễn biến trận đánh xảy ra thế nào... Mọi người lặng lẽ, xót xa mai táng các anh không có quan tài, không có một nén nhang, chỉ có ba phát súng vĩnh biệt. Phần mộ của các anh theo thứ tự: Anh Nguyễn Văn Lợi (Đại đội phó) là mộ số một, phân đội trưởng Nguyễn Sơn Lũy (chú của cháu Cẩm) là mộ số hai từ phía Đông lên và tiếp theo năm đồng đội nữa, đầu đặt về phía Bắc nhìn về phía Nam. Chúng tôi vẽ sơ đồ mộ chí, ghi tọa độ, số tờ bản đồ và số thứ tự từng mộ, kèm danh sách các liệt sỹ gửi về Phòng chính sách của Mặt trận.
(Cho đến bây giờ, tôi cũng như các đồng đội không bao giờ quên được hình ảnh đồng đội, những ngày gian khổ chiến đấu bên nhau. Cách đây mấy ngày anh Lợi còn khoe hình ảnh vợ mới cưới và báo tin vui sắp được làm cha, thế mà hôm nay anh và các anh em khác đã ra đi mãi mãi. Qua trang Tìm mộ liệt sỹ trên mạng xã hội, tôi đã thông tin cho cháu Nguyễn Cẩm và gia đình về trường hợp hy sinh và nơi an táng ban đầu của liệt sỹ (cháu Cẩm gọi liệt sỹ Nguyễn Sơn Lũy là chú ruột). Hy vọng một ngày không xa anh Lũy cùng các anh được về đất Mẹ, con của anh Nguyễn Văn Lợi sẽ tìm đến chiến trường xưa để đón người cha chưa biết mặt về quê hương Hà Tĩnh. Rất buồn là anh Lợi chưa kịp mua xà phòng Liên Xô 72% để gửi về cho chị, chờ ngày sinh, như lời trong thư chị gửi cho anh mà anh chưa kịp đọc).
B.V.P
Trái tim người lính