Ngày hai Tám Tết các đội sản xuất cử những lao động khỏe đến trại chăn nuôi của HTX bắt lợn về đội mình giết mổ. Dọc đường từ trại chăn nuôi về làng tiếng lợn kêu eng éc, không khí Tết thật rôm rả. Chợ Đình (chợ của làng) chật chội hơn ngày thường bởi có thêm hàng bán lá dong, bưởi và chuối xanh. Đầu chợ có những người bày pháo ra thúng ra mẹt để bán, các cậu thanh thiếu niên xúm vòng trong vòng ngoại chọn mua những bánh pháo cuộn tròn bằng cái bát hoặc bánh pháo dài ba bốn chục phân (cm). Nhà anh cả (tôi về ăn Tết ở đó) có sân gạch rộng lại nằm ngay trục đường liên thôn nên ông Đội trưởng đội sản xuất nhờ địa điểm mổ lợn để chia cho các hộ xã viên Thịt lợn mổ ra, phân từng loại chia đều cho các phận, mỗi phận năm nhân khẩu.
Sân nhà tôi khá rộng, phải trải mấy chiếc lá cót mới đủ các phận thịt chia ra. Chia thịt xong, ông đội trưởng đánh một hồi kẻng là cả xóm mang rổ rá đến nhận phần., mang cả xoong chậu để múc nước luộc lòng Cảnh tượng nhộn nhịp song thật thanh bình yên ả. Đúng là “rối rả như Ba mươi Tết” . Mấy Tết trước ở chiến trường làm sao có cảnh vui nhộn thế này. Và lúc ấy tôi lại nhớ về đơn vị, nhớ những đồng đội vẫn phải canh gác trực đài, vẫn đang trong lòng địch hậu vì nhiệm vụ của ngành không được phép nghỉ ngơi kể cả những ngày Tết thiêng liêng.
Quê tôi thuộc làng cổ ở trấn Sơn Tây, có phong tục cổ truyền từ ngàn xưa, nên đêm giao thừa là các cụ ông tề tựu về đình để làm đúng nghi lễ từ xa xưa để lại. Từ ngày Mười hai tháng Chạp đã làm lễ gọi là “Chạp làng”. Trong ngày này để chuẩn bị cho đêm đón giao thừa, các cụ trong ban khánh tiết đã chọn cụ nào phân công vào việc nấy. Người cao tuổi mà còn song toàn (đủ ông bà), không “bụi” (quang quẻ không có tang) con cháu đề huề thành đạt được cử làm lễ Động thổ, một cụ lễ Tống cựu (tiễn năm cũ), một cụ lễ Nghinh tân (đón năm mới). Đúng “Sang Canh” (giờ giao thừa), cụ được cử động thổ làm lễ trong nhà đại bái xong, chân quần ống thấp ống cao (theo đúng kiểu lão nông tri điền), vai vác cuốc đi ra ngoài đường, tất cả mọi người dự lễ đón giao thừa đều ùa ra sân cầm đuốc chạy theo, năm nào “lợi” hướng gì thì đi về hướng đó, chọn chỗ đất đẹp trong làng, cụ được chọn động thổ cuốc xuống đất bảy nhát cuốc, để cầu cho cả một năm dân làng được mưa thuận gió hòa, được nhân khang vật thịnh, mọi sự được hanh thông thuận lợi.
Nhà tôi ở cách đình có một nhà, nên lần này về ăn Tết ở nhà, tôi mặc bộ quân phục cùng hòa vào dòng người đến dự, được chứng kiến không khí ở đình và được nghe những tràng pháo giòn tan, thỉnh thoảng điểm những tiếng pháo “đùng” vang tai. Sau khi dự lễ ở đình xong, tôi về nhà lấy một quả pháo sáng cầm tay của Mỹ, tôi lấy được trong một lần đi trinh sát ở Khe Sanh, nó to bằng ống điếu cày, dài khoảng ba mươi xăng - ti - mét (30 cm). Tôi đứng giữa sân nhà, chĩa lên trời rồi giật dây nụ xòe, một tiếng nổ “bụp” vang lên, quả pháo vọt lên cao hàng chục mét rồi nổ tung, sáng lộng cả một vùng, chiếc dù to cái nón nhỏ bung ra làm cho pháo sáng rơi từ từ. Thời ấy chưa có pháo sáng, pháo hoa như bây giờ, nên khi thấy ánh sáng bùng lên, mọi người tưởng cháy, nên hô hét toáng lên: “Nhà ông Đôn cháy, cháy!” (ông Đôn là nhà anh cả, tôi về ở đó). Nghe vậy, anh Cả tôi trong ban khánh tiết đang ở đình chạy vội về nhà, vừa về đến cổng thì quả pháo mới tắt, lúc ấy cả nhà vỗ tay vui mừng, anh tôi chưa nghe ra ngô ra khoai thế nào, thấy mọi người vỗ tay reo mừng, anh cũng hớn hở vỗ tay theo. Ngày Tết hòa bình đầu tiên chấm dứt chiến tranh ở làng tôi vui như vậy đấy.
Sáng ngày Mùng một Tết, các cụ ông trong làng mặc áo the khăn khăn xếp ra đình làm lễ, các vãi bà đến chùa lễ Phật cầu an; quê tôi còn có lệ đi mừng tuổi đầu năm, nhà nào cũng cả đoàn mặc những bộ quần áo mới nhất, đẹp nhất đi mừng tuổi bố mẹ, các anh chị em ruột và hai bên nội ngoại.
Tôi dẫn đoàn các con cháu của anh cả tôi đi mừng tuổi (gọi là đi lễ ông vải) mọi nhà, đến nhà ai cũng “mừng tuổi” người già của nhà mình đến. Các bà, các chị chủ nhà lại “phát vốn” cho các con cháu đi cùng. Thời ấy chưa có văn hóa bao lì xì như bây giờ mà đưa bằng tiền mặt luôn, tiền mặt cũng ít vì nhà ai cũng nghèo, không mừng tiền giá trị lớn như bây giờ. Quê tôi còn có lệ mời ăn Tết đầu năm, nhà nào cũng muốn mời bố mẹ, chú bác, anh em con cháu đến ăn một bữa từ ngày mùng hai đến hết ngày mùng bảy “hạ mâm” (hóa vàng). Riêng nhà nào có con dâu mới hỏi, chưa cưới, thì sáng mùng hai nhà trai cử một bà hay chị đến xin phép bố mẹ cô dâu, mời cô dâu về ăn Tết gọi là “đón dâu mới”. Ngày này thường làm lớn hơn thường lệ. Cô dâu mới lại được cả nhà, kể cả khách mời “mừng tuổi”, nên cảm thấy rất vui và hạnh phúc.
Cũng như thường lệ mời ăn tết đầu năm, năm ấy tôi được mọi người trong làng quan tâm nhiều hơn, nhà nào cũng muốn mời tôi đến ăn một bữa, song tôi cũng cáo lỗi chỉ đến mấy nhà gần gũi, bởi tôi phải dành thời gian đến thăm và chia tay các gia đình có anh em bạn cùng đơn vị, thắp hương cho mấy anh cùng nhập ngũ hy sinh đã có giấy báo tử. Có máy ảnh và phim lấy được trong thành cổ Quảng Trị vẫn còn, nên tôi chụp cho gia đình và cho con trai một số kiểu, đến nay vẫn đẹp
***
Hết bảy ngày Tết và đúng hẹn, ngày mùng tám Tết, anh Nguyễn Văn Chỉnh (quê xã Phương Độ cùng huyện với tôi), đến nhà tôi để cùng vào đơn vị. Anh Chỉnh mang quân hàm thiếu tá, là Phó Phòng 71 (Cục nghiên cứu Bộ Tổng tham mưu). Tôi cũng hẹn với anh Ứng 8 giờ sáng có mặt ở bãi Quần Ngựa để lên xe vào đơn vị.
Vừa vào nhà trông thấy anh cả tôi, anh Chỉnh reo lên “Ồ anh Đôn bất ngờ quá!” (Đôn là tên anh cả tôi), anh cả tôi nhận ra ảnh anh Chỉnh, cũng đáp lại “Ông Chỉnh đấy à, lâu lắm rồi giờ mới gặp ông!” (quê tôi có lệ tôn trọng nhau, khi đã có con, có cháu đều gọi là “ông”, là “cụ” không gọi là anh, là chú nữa, nên anh cả tôi gọi “ông Chỉnh” là vì thế). Thật vui anh cả tôi cũng quen thủ trưởng Chỉnh. Hóa ra hai người biết nhau từ năm 1945, khi hai anh cùng tham gia kháng chiến, là đội viên Đội vũ trang của Huyện Phúc Thọ. Sau Cách mạng tháng Tám thành công, ông Chỉnh và ông Đông (người cùng làng với tôi) được tổ chức đưa sang Trung Quốc đào tạo, còn anh cả tôi ở lại địa phương
Anh Chỉnh và anh cả tôi đang uống trà và nói chuyện với nhau, thì cô Dự (quê xã Xuân Phú) đến nhà. Cô Dự gọn gàng trong bộ quân phục cỏ úa khá mới, vai mang cái ba lô lép kẹp bước vào nhà. Mọi người chào hỏi và chúc Tết lẫn nhau. Cô Dự là thanh niên xung phong, tôi quen cô ấy khi ở Quảng Bình. Tết Kỷ Dậu 1969, cô Dự cùng mấy anh chị em trong đơn vị ăn Tết chung với đơn vị tôi. Lần này biết tin tôi về quê, hôm nay đi vào chiến trường nên cô Dự xin đi cùng.
Tôi chia tay gia đình với tâm trạng vô cùng lưu luyến. Đêm qua nằm ngủ bên con trai, thấy Nam đã bắt đầu quen hơi bố, tình cảm trong tôi dâng trào, tôi để con trai gối đầu lên tay tôi ngủ. “Cu cậu” có lẽ cũng cảm nhận được hơi ấm từ tay bố nên nó ngủ rất ngoan. Tôi thầm ru con “Ở nhà ngoan con nhé, đánh Mỹ xong bố về”. Nghĩ vậy nhưng lòng cứ suy nghĩ mông lung “Đánh Mỹ xong bố về”, liệu có thành hiện thực không, quả thật lúc ấy hình ảnh những đồng đội hy sinh tái hiện, tôi không muốn giữ lâu trong đầu, nhưng rất khó xua tan. Hình ảnh anh Lợi về cưới vợ quay vào đơn vị chưa biết mặt con thì hy sinh, bao đồng đội khác nữa, còn tôi “may mắn” đã có thằng chống gậy. Cụm từ “có người chống gậy” ở đơn vị mọi người ai cũng cầu mong. Mỗi khi có ai về quê cưới vợ hoặc đi phép tranh thủ thăm nhà, anh em thường chúc nhau “Chúc ông kiếm thằng cu chống gậy nhé”. Thế nhưng có người ra đi mãi mãi không bao giờ về. Còn tôi ra trận lần này thật thà mà nói cũng “tâm trạng” hơn lần trước rất nhiều. Tình cảm vợ con, gia đình đầm ấm và lưu luyến vô bờ... Nhưng tôi xác định được trách nhiệm, sẵn sàng như từng đã sẵn sàng ra trận, và sẵn sàng đón nhận mọi chuyện như bao điều có thể…
Mấy người trong gia đình tôi đưa thủ trưởng Chỉnh, tôi và cô Dự ra Phụng Thượng để đón xe khách về Hà Nội. Ra đến điểm hẹn một lúc thì gặp anh Ứng. Tôi và anh Ứng đi đến nhà gửi kiện hàng hôm trước, rồi thuê xích lô đưa về bãi xe để chuyển vào đơn vị. Đêm ấy thủ trưởng Chỉnh và chúng tôi ngủ lại khu vực bãi Quần Ngựa. Lần này tôi không phải ngủ dưới gầm xe như đêm 26 tháng 12 vừa rồi. Bốn người chúng tôi vào nhà của một cán bộ ở Hà Nội để ngủ nhờ. Sáng hôm sau chúng tôi lên chiếc xe Gat-63 của đơn vị vận tải Đoàn 559 để đi vào miền Trung. Anh lái xe “ưu tiên” cho thủ trưởng Chỉnh đã lớn tuổi ngồi trong ca-bin, còn tôi, anh Ứng và cô Dự ngồi trên thùng xe. Xe vừa được bảo dưỡng, sửa chữa nên chạy khá êm không lắc lư như trước. Mỗi khi đến trạm nghỉ, cô Dự làm “chị nuôi” nấu cơm cho mấy anh em chúng tôi ăn, nên chuyến đi cũng có nhiều kỷ niệm. Trên xe chúng tôi kể cho nhau nghe chuyện ăn Tết ở nhà và của làng xóm. Xe vượt Đèo Ngang qua khỏi đất Hà Tĩnh, đến địa phận huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Sang khỏi phà Gianh (sông Gianh) đến xã Hạ Trạch thì cô Dự chia tay chúng tôi đi về đơn vị. Xe tiếp tục hành trình vào Vĩnh Linh, đi thêm một ngày nữa chúng tôi mới vào đến đơn vị.
Hà Nội, ngày 20/01/2023
Trái tim người lính