Nhớ người Thủ trưởng trận mạc một thời

Thấm thoắt thế mà đã mấy năm trôi qua với bao những biến cố của thời cuộc. Sắp đến ngày giỗ của thủ trưởng Minh (31/12/2019).

Với tôi, Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 314 Quân khu 2 (1984-1988) Vị Xuyên, Hà Tuyên; nguyên Cục trưởng Cục Huấn luyện chiến đấu, (nay là Cục Quân huấn) Bộ Tổng Tham mưu; nguyên Phó Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng, vẫn mãi mãi là người thủ trưởng kính mến của tôi và các CCB Sư đoàn 314 Quân khu 2, trên Mặt trận Vị Xuyên, Hà Tuyên năm xưa (nay là Hà Giang).

d1da1-1672236181.jpg
Ảnh lưu niệm do tác giả cung cấp.

 

Dẫu vẫn biết rằng: “Sinh- Lão- Bệnh- Tử” là qui luật muôn đời của tạo hóa con người. Nhưng khi nghe tin Thủ trưởng Minh ra đi đột ngột vào ngày 31/12/2019, khiến cho tôi cùng các CCB Sư đoàn 314 Quân khu 2 và các đơn vị khác mà Thủ trưởng Minh đã từng sống, chiến đấu và công tác đều cảm thấy bàng hoàng, hụt hẫng, đau buồn, thương tiếc như chính người thân ruột thịt của mình đã mất vậy.

da2-1672236342.jpg
Ảnh lưu niệm do tác giả cung cấp.

 

Thủ trưởng Minh đã từng tham gia chiến đấu và trưởng thành từ một người lính cho đến cấp tướng, từng trải qua các chức vụ từ thấp đến Tiểu đoàn trưởng, Trung đoàn trưởng, Sư đoàn trưởng, Tư Lệnh Quân đoàn 29, Tham trưởng Quân khu 2, Cục trưởng Cục Quân Huấn- Bộ Tổng Tham mưu, Phó chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng. Nhưng có lẽ, thời gian Cụ làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 314 Quân khu 2, chỉ huy đơn vị làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới trên Mặt trận Vị Xuyên, Hà Tuyên, trong một thời điểm ác liệt khó khăn gian khổ và hy sinh nhất, nóng bỏng nhất từ năm 1984 đến năm 1988. Sư đoàn trưởng Minh đã chỉ huy Sư đoàn 314 và các đơn vị phối thuộc cho Sư đoàn đảm nhiệm chiến đấu phòng ngự khu vực xã Minh Tân, Vị Xuyên- Đông sông Lô không để thua một trận nào, mặc dù địch tấn công hàng trăm trận lớn nhỏ, ta đều đánh thắng; trong đó, đặc biệt có trận chiến thắng 19/10/1986 vang dội, đạt hiệu suất chiến đấu cao, đánh bại cấp trung đoàn tăng cường của địch tấn công vào trận địa của tiểu đoàn 8 Trung đoàn 818; buộc chúng phải cắm cờ trắng xin xuống lấy xác trong mấy đêm liền. Cũng kể từ sau trận đó, địch không dám tấn công qui mô lớn thêm một lần nữa. Qua trận thắng đó, Quân khu và Bộ đã tiến hành tổng kết viết thành Chiến lệ điển hình để toàn quân học tập. Sư đoàn 314 đã vinh dự được Đảng và Nhà Nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng 3. Ngoài ra, Thủ trưởng Minh còn có tài trong việc nhận định, đánh giá tình hình rất chuẩn xác nên luôn luôn chỉ huy các đơn vị phòng ngự trong thế chủ động. Hơn nữa, còn có tài chỉ huy sử dụng lực lượng Đặc công luồn sâu đánh vào phía sau lưng địch, cùng với việc tổ chức bắn tỉa, đánh hỏa lực làm cho địch bị tiêu hao và luôn trong tình trạng căng thẳng hoang mang. Có lẽ cũng chính vì vậy mà Bộ đã điều Thủ trưởng Minh về làm Cục trưởng Cục Huấn luyện chiến đấu (nay là Cục Quân huấn) để huấn luyện cho toàn quân sau này. Trong những năm tháng chiến đấu gian khổ ác liệt ấy, thời gian kéo dài, hỏa lực địch bắn đến nỗi đá thành vôi bột, đất đỏ au không còn một ngọn cỏ. Thế mà do có hệ thống công sự vững chắc Sư đoàn 314 đã giảm thiểu được sự hy sinh tổn thất nhất so với các đơn vị cùng chung mặt trận. Như sau trận thắng 19/10/1986, Cụ đã huy động lực lượng ở phía sau và cả cán bộ chiến sĩ, nhân viên sư đoàn bộ đi vận chuyển các thanh bê tông cho tiểu đoàn 8 củng cố hệ thống công sự trận địa.

Cụ còn là một người chỉ huy giàu lòng nhân hậu, thương yêu cán bộ chiến sĩ của mình như ruột thịt. Mỗi khi có thương vong là Cụ đau buồn, hút thuốc liên tục. Khi lên viếng Nghĩa trang Quốc gia Vị Xuyên, đứng trước bia mộ của đồng chí Tiểu đoàn trưởng Trần Văn Thoại và không tìm thấy mộ chí Tiểu đoàn phó Ngô Xuân Bình (Tiểu đoàn 8 Trung đoàn 818, hy sinh ngày 25 và 26/8/1986 do cối 120 của địch bắn vào vị trí chỉ huy của tiểu đoàn ở Đồi Tròn) cùng các chiến sĩ khác, Cụ đã khóc nấc lên không cầm nổi nước mắt. Trong những năm tháng sống và chiến đấu gian khổ ấy, Cụ còn rất quan tâm đến đời sống của cán bộ, chiến sĩ, tạo mọi điều kiện có thể để đỡ phần nào những khó khăn ở hậu phương cho bộ đội yên tâm chiến đấu.

Đã mấy lần, Cụ ghé qua thăm gia đình tôi ở khu tập thể, trường Đại học tài chính – Kế toán, Phúc yên, Mê Linh, Hà Nội (giờ là thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc), Cụ thấy hoàn cảnh 4 mẹ con nhà tôi ăn ở 2/3 gian tập thể trát vách, lợp lá cọ vô cùng chật chội, cụ bảo: “Cho tao lên gặp Ban giám đốc, để tao đề nghị sao lại để vợ con cán bộ đang chiến đấu trên biên giới ở khổ thế này?” Tôi bảo: “Không được đâu Cụ ạ! Thế này đã là ưu tiên lắm rồi đấy, nếu không chỉ được nửa gian thôi ạ”…

Trở về đời thường, Cụ vẫn thường xuyên quan tâm đến anh em CCB Sư đoàn 314, đề ra ý tưởng thành lập BLL CCB Sư đoàn 314 từ năm 2004 tại Hà Giang, để kết nối cán bộ, chiến sĩ và CCB của Sư đoàn lại và Cụ đã làm Trưởng ban Liên lạc đầu tiên rồi làm Trưởng ban danh dự. Cụ còn tích cực đi đến các tỉnh, thành, và các đơn vị để dự các Lễ ra mắt thành lập BLL CCB Sư đoàn 314 ở các cấp; kể cả khu vực phía Nam. Đã bao lần các đơn vị khác như Trung đoàn 174, Sư đoàn 316, rồi BLL CBB Quân đoàn 29, (Cụ đã từng chỉ huy) tổ chức gặp mặt truyền thống mời Cụ nhưng Cụ vẫn ưu ái, dành tình cảm đến dự với anh em cán bộ chiến sĩ CCB Sư đoàn 314, thật vô cùng cảm động!

Thủ trưởng Minh còn là Phó Ban Liên lạc Toàn quốc CCB MTVX- HT. Cụ đã đề xuất với các cấp nâng cấp Nghĩa trang Quốc gia Vị Xuyên; Xây dựng Đài Tưởng niệm các AHLS MTVX- HT Đông sông Lô. Đến nay, sau mấy năm chuẩn bị và 3 tháng khởi công. Đài Tưởng Niệm các AHLS MTVX- HT Đông sông Lô ở Minh Tân- Hà Giang đã hoàn thành giai đoạn một, bề thế, khang trang, (đồng thời đang chuẩn bị cho xây dựng giai đoạn 2) trong đó có phần đóng góp quan trọng của Thủ trưởng Minh lúc sinh thời. Thế là việc nâng cấp Nghĩa trang Quốc gia Vị Xuyên và Đài Tưởng niệm Minh Tân đã thành hiện thực theo tâm nguyện của Cụ. Hiện nay, Nghĩa trang Quốc gia Vị Xuyên là một trong những Nghĩa trang đẹp và bề thế nhất cả nước.

Còn một điều nữa mà Thủ trưởng Minh trăn trở chưa thực hiện được là Biên soạn cuốn Kỷ yếu của Sư đoàn 314. Tôi nhớ mãi hôm ra nhà Cụ ở 607 Tây Hồ, để thông qua văn bản Diễn văn Kỷ niệm lần thứ 40 ngày thành lập Sư đoàn năm 2019, Tôi có đề xuất với Cụ là Sư đoàn nên có một cuốn gọi là lịch sử thì hơi to tát, do vậy có thể gọi là Kỷ yếu, để lưu lại cho thế hệ mai sau. Cụ bảo: “Ừ! Nên viết Kỷ yếu phù hợp hơn! Cậu về soạn Đề cương rồi thông qua BLL để tiến hành biên soạn”. Tôi về đã biên soạn được Đề cương và gửi cho tất cả các đầu mối BLL CCB của Sư đoàn, chuẩn bị thu thập tư liệu, chưa viết được trang nào thì Cụ đột ngột ra đi. Một sự hụt hẫng bao trùm không thể tả được!

Ngày 10/3/2019, Lễ Kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Sư đoàn 314 Quân khu 2 tại Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Mặc dù cụ còn đang phải nằm điều trị bệnh tại Quân y viện 108, nhưng cụ vẫn cố gắng về dự với cán bộ chiến sĩ, CCB Sư đoàn. Tiếp các cụ Thụy, cụ Huy (Nguyên là Tư lệnh và Phó Tư lệnh- Tham mưu trưởng Quân khu II) và mọi người. Cụ nhận chúc thọ tuổi 80, chụp ảnh chung với các cán bộ Trung đoàn và các đơn vị khác. Ai cũng muốn chen vào để được chụp ảnh lưu niệm chung với Cụ thật vui vẻ, thân tình. Riêng Ban tác chiến Sư đoàn, bao giờ Cụ cũng rất ưu ái chụp ảnh lưu niệm chung với cán bộ nhân viên cùng các phu nhân… Không thể ngờ rằng: đó lại là lần cuối cùng chúng ta còn được gặp và dự Lễ Kỷ niệm với Cụ, một vị Tướng trận mạc, một Sư đoàn trưởng tài ba đáng kính và nhân hậu. Thủ trưởng Minh đã đột ngột ra đi thế giới người hiền mãi mãi vào hồi 11h45, ngày 31/12/2019 tại nhà riêng ở Thị trấn Quốc Oai, Hà Nội. Đó là một mất mát không có gì bù đắp được cho CCB Sư đoàn 314 chúng ta!

Gần đến ngày giỗ của Thủ trưởng Minh, chúng ta những cán bộ, chiến sĩ, những CCB dưới quyền chỉ huy của Cụ đều bồi hồi cảm xúc da diết nhớ thương. Một nén tâm nhang thành kính viếng hương hồn cầu mong Cụ được thanh thản nơi cõi vĩnh hằng, cầu mong Cụ phù hộ cho gia đình Cụ và các CCB Sư đoàn 314 được mạnh khỏe, để tiếp tục thực hiện những tâm nguyện của Cụ còn để lại trong thời gian tới.

Hà Nội, 28/12/2020- 28/12/2022

H.M.S

Trái tim người lính