Ngày 20/8/2019, chỉ với 2 vòng đấu 20 và 21 tại giải vô địch quốc gia năm 2019, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã phải ra quyết định đình chỉ tư cách cầm còi 4 trọng tài chuyên nghiệp (ba người trong họ là trọng tài FIFA).
Ngày 14/8/2022, trọng tài FIFA Ngô Duy Lân lại bỏ sót một quả phạt đền, ảnh hưởng nghiêm trọng tới kết quả trận đấu giữa FC Hà Nội và FC HAGL.
Sai sót của các vị “Vua áo đen” là “chuyện thường ngày xảy ra” ở bóng đá Việt Nam dù đã được các công nghệ thời hiện đại trợ giúp, khiến tôi nhớ lại các ông trọng tài xưa.
Hà Nội xưa có nhiều ông trọng tài giỏi như ông Cường Đầm, ông Trâm bơ, ông Vũ Quý, ông Gia Quang… nhưng tôi cảm phục và nhớ nhất ông Huy Khôi.
Người hâm mộ và cả các cầu thủ hồi đấy đều không hiểu hết các luật về bóng đá, và chính các ông trọng tài này, vừa cầm còi điều khiển trận đấu, vừa làm công tác phổ cập môn bóng đá cho người dân.
Ông Huy Khôi sinh năm 1916. Nhà ở Nhân Chính nhưng thường sống ở phố Hàng Bông, nơi gia đình có cửa hàng buôn bán nhỏ do thân mẫu ông đứng bán. Thân phụ ông khi ấy là thư ký đánh máy chữ của Sở Hỏa xa Đông Dương.
Ông cao 1m60, nhưng đậm người và có sải tay dài như vượn nên có biệt danh là Khôi Kinh công.
Ông học giỏi nức tiếng ở trường Sinh Từ rồi trường Bưởi. Năm 1935, Huy Khôi theo học Trường Cao đẳng thể dục Phan Thiết (ESEPIC). Thời đấy ông tự họa chân dung của mình: “Hàng Bông hổ xám chính là tôi. Biệt hiệu thư hùng, tên Nguyễn Khôi. Võ giỏi ngang hàng cùng Triệu Tử. Mưu cao Cát Lượng sánh vừa đôi. Văn thơ Thái Bạch không thèm họa. Giọng hát Trương Chi - thì đệ thôi…”.
Ông là vận động viên toàn năng, giỏi ở các môn bóng đá, đá cầu, điền kinh, bơi lội, võ thuật… Tham gia Đội tuyển điền kinh SEPTO (Societe d' éducation physique du Tonkin), ông đoạt HCV Giải điền kinh toàn miền Bắc ở cự ly 200m.
Kháng chiến chống Pháp, ông là cán bộ thể thao của ngành giáo dục. Năm 1954, về tiếp quản Thủ đô, ông chuyển sang công tác tại Sở Thể dục Thể thao thành phố, phụ trách đội ngũ trọng tài, chủ yếu là các trọng tài bóng đá. Ông cũng là Phó giám đốc Sở phụ trách về chuyên môn.
Ông nổi danh từ chính cương vị trọng tài bóng đá số 1 của Việt Nam. Những hiểu biết sâu sắc về bóng đá, về luật chơi của môn thể thao này khiến ông bao quát được trận đấu, có tiếng còi dứt khoát và tinh tường. Vốn sống của ông đầy ắp nên ông “đọc vị” hết những tình huống trên sân, hóa giải ngay những nguy cơ dễ biến thành xung đột trên sân.
Vừa là “Quan tòa” nghiêm khắc trên sân, ông còn là đàn anh, đàn chú hết lòng yêu thương các cầu thủ tham gia trận đấu, và ông luôn nhận được sự kính trọng của giới cầu thủ và những người hâm mộ thể thao.
Ông Khôi Kinh công cũng là trọng tài đầu tiên của Việt Nam được giao cầm còi tại các giải GANEFO 1963 tại Indonesia và GANEFO 1966 tại Campuchia. Nói tiếng Pháp rất giỏi nên ông luôn được Ban tổ chức trực tiếp bàn về việc bố trí đội ngũ trọng tài.
Trận cuối cùng của giải năm 1966 giữa Trung Quốc và Triều Tiên, ông là trọng tài chính với 2 giám biên người Campuchia. Đội Triều Tiên năm ấy đã từng lọt vào trận tứ kết của giải Vô địch thế giới. Đội Trung Quốc yếu thế hơn nên hay dùng tiểu xảo và cả những pha phạm lỗi để hạn chế sức mạnh của đội Triều Tiên. Diễn biến trên sân dần trở nên căng thẳng khiến ông Huy Khôi phải dừng trận đấu, gọi đội trưởng 2 đội lại nhắc nhở. Dùng cả tiếng Pháp lẫn tiếng Anh, ông nhắc: “ Sfriend, frère” (anh em - tiếng Anh và tiếng Pháp) rồi tung bóng giữa hai người trong tiếng vỗ tay hưởng ứng của khán giả. Trận đấu được tiếp tục trong sự bình tâm trở lại của các cầu thủ và đội Triều Tiên đã thắng 2-1.
Vừa dứt tiếng còi, ông Trưởng Ban tổ chức đã chạy ào xuống sân để cảm ơn trọng tài Huy Khôi.
Mái tóc húi cua đặc trưng của trọng tài Huy Khôi vừa được cầu thủ Tô Hiền thay mặt các tuyển thủ Việt Nam cắt cho “sếp” đêm hôm trước, ngạo nghễ trên khán đài vinh danh Trọng tài xuất sắc nhất giải đấu.
Trọng tài Huy Khôi đã đi xa ngày 30 tháng 10 năm 1998, nhưng hình ảnh của ông còn mãi trong lòng người hâm mộ, và bài hát “Khỏe vì nước” ông viết lời chung với nhạc sỹ Hùng Lân vẫn vang xa trong các ngày hội thể thao của nước nhà.