Nhớ về bóng đá Đống Đa

Thiết Hồ Công

29/09/2022 08:21

Theo dõi trên

Hôm nay, gia đình tổ chức Lễ cúng 49 ngày (Chung thất) cho ông Nguyễn Văn Huy tức Huy "lô". Cầu mong vị Chủ tịch đáng kính của CLB Bóng đá Đống Đa siêu thoát, về cõi siêu linh

dam-gio-1664414409.jpg
Lễ cúng 49 ngày (Chung thất) cho ông Nguyễn Văn Huy

 

Cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp có tuổi nghề khoảng chục năm hơn hoặc ngót, nhưng máu đá bóng còn lẽo đẽo theo suốt cuộc đời. Khỏe thì xách giày ra sân bám theo đám trẻ. Yếu thì ngồi phán, cũng hả phần nào đam mê trái bóng tròn.

Có nhiều người còn làm hơn thế. Họ bỏ công, bỏ của gây dựng bóng đá phong trào mà nay hay gọi là bóng đá “Phủi”.

Xưa khu Đống Đa có sân Xã Đàn. Từ Ô Chợ Dừa men theo bờ đê về hướng làng Kim Liên, nhìn sang bên phải là thấy sân. Nằm giữa cánh đồng bát ngát. Phải xuống con dốc nhỏ, rồi đi thêm một đoạn mới vào được sân. Bên trái là khu nhà cấp 4 của Phòng TDTT, có ông Diệu trưởng phòng và ông Thủy phó phòng. Cả hai ông này đều dân thể thao nhưng không chuyên bóng đá. Dù vậy, bóng đá là môn thể thao vua nên hai ông ưu tiên, tạo mọi điều kiện cho đội Xã Đàn tập luyện và thi đấu.

Đây cũng là sân đủ kích thước duy nhất ở khu Đống Đa hồi bấy giờ, là sân tổ chức các giải thi đấu hàng năm cho các đơn vị, cơ quan đóng trên địa bàn khu.

Đội Xã Đàn hồi ấy do ông bầu Lễ thành lập.

Ông Lễ ở gần Ô Chợ Dừa, nhà giàu có nên ông bỏ tiền túi mua bóng, mua giày tất quần áo lo cho đội. Ông đón những người đam mê, biết đá bóng về, tổ chức thành đội rồi thương thuyết với Phòng TDTT, dành cho đội buổi tập thường xuyên trên sân Xã Đàn.

Hồi ấy các đội bóng mạnh của Hà Nội mới thành lập nên chưa có các cựu cầu thủ giải nghệ. Đội lúc đó chỉ có những người đã từng đá bóng tự phát từ hồi thuộc Pháp tham gia, hoặc đám thanh niên mới lớn ra làm quen với trái bóng tròn. Thế hệ trung niên (chủ lực trong các đội bóng phong trào) khi đấy còn đang dốc sức với công việc bộn bề của Hà Nội những ngày sau tiếp quản.

Khác với các ông bầu hiện nay ít nhiều đều có chút quyền lợi hoặc thương hiệu gắn với bóng đá, ông bầu Lễ móc tiền túi tổ chức đội bóng chỉ để thỏa đam mê thể thao của mình và các bạn bè.

Hồi ấy sân Xã Đàn cũng có ông Sáu Bò, bố của Dũng, Tươi, Phú cũng hay ra sân chơi bóng. Mấy anh em nhà này, đặc biệt là Phú “lỉnh”, từng ăn tập ở Thể Công và bây giờ vẫn là cầu thủ trụ cột của các đội bóng phủi.

Khi ông bầu Lễ nghỉ vì cao tuổi, ông Sáu “Bò” lên thay, làm ông bầu cho đội bóng Xã Đàn. Đám đàn em gọi ông Sáu là Sáu “Bò” vì ông là chủ nhiệm Hợp tác xã vận chuyển bằng xe bò kéo, rủng rỉnh tiền và hào phóng với các đàn em. Cuối đời, khi việc vận chuyển bằng xe bò bị mai một, ông chuyển sang nuôi bò. Ông nuôi cả đàn, quy mô gần như các trang trại chăn nuôi gia súc bây giờ.

Mình đã từng chứng kiến đội Thể Công đá trên sân Cột Cờ trong một trận đấu của giải. Trận đấu tầm cỡ quốc gia, vậy mà Ban tổ chức phải cho dừng trận đấu để ông Sáu “Bò” chạy vào sân thưởng “nóng” cho cầu thủ ghi bàn mở màn trận đấu. Những năm bao cấp, cái phong bì 500 đồng của ông Sáu “Bò” đủ cho cả đội Thể Công liên hoan sau trận đấu.

Cầu thủ thì đá trên sân, ông Sáu “Bò” lại mê môn đá phạt 11 mét ăn tiền.

Ông không thiếu tiền, nhưng nếu thi đá thì phải ăn thua. Các danh thủ như ông Bảy Nam Định, ông Đoàn Sơn, ông Thọ “gáo”, ông Thời “bẩn”, ông Bùi Đức… khi được ông gạ đá đều lắc đầu vì sợ thua. Cá cược với mọi người ông chỉ thách số tiền nho nhỏ cho vui, nhưng với các danh thủ, ông đều thách với mức tiền cực cao. Thua thì mất mặt, và khoản tiền cá cược bét ra cũng bằng mấy ngày ăn của gia đình. Vì vậy ông nào trót nhận lời, khi đứng trước quả bóng trên chấm phạt đền, đều bị dao động và chân như bị xoắn quẩy, vì trách nhiệm quá lớn với nồi cơm của gia đình mình.

Đến giờ ngồi nhớ lại, mình vẫn không tài nào nhớ được ông nào đã từng thắng ông Sáu “Bò” khi thi đá phạt đền.

Đến cuối thời bao cấp, hàng loạt cầu thủ ở các đội bóng chuyên nghiệp giải nghệ.

Khi ấy ông Huy “lô” và ông Lực “vẩu” đứng ra thành lập đội Lão tướng Đống Đa. Đội lúc đó là đội bóng phong trào đầu tiên được tổ chức và hoạt động bài bản nhất trên địa bàn Hà Nội. Cầu thủ của đội lúc ấy là các danh thủ Bảy Nam Định, Quỳ “bại”, Sơn “min”, Thọ “gáo’, Trọng “phệ”, Hải “lơ”, Chung “xe ca”, Phúc “vổ”, Thịnh “cơm”, Độ “trây”, Quang B…  và cả các ông cựu trọng tài Vũ Quý, Gia Quang, Thìn, Mạc…

Trong đội, ông Huy “lô” như quan võ, chuyên mày tao và văng tục nhưng là người có tâm, có tầm và hết lòng với đội. Các thành viên ai cũng yêu và kính trọng ông. Ông Huy “lô” là em ruột ông Cà phê Nhân ở Hàng Hành. Hồi Pháp thuộc, ông còn là người pha chế và giúp việc đắc lực cho ông anh nên khi nghỉ hưu, ông mở quán riêng ở phường Thịnh Quang. Quán tên gọi Cà phê Huy, đông khách bậc nhất quận Đống Đa.

Ông Lực “vẩu” lại giống quan văn. Trắng trẻo và ăn nói nhỏ nhẹ. Ông làm lãnh đạo ở HĐND phường Sinh Từ, nên việc quản lý và điều hành đội bóng ông làm “dễ như ăn kẹo”. Giới cầu thủ đa phần là những  người tính cách mạnh, thậm chí là “siêu nhân”, nhưng đã vào đội, ai cũng thần phục hai ông Huy, Lực.

Cặp bài trùng lãnh đạo này đã từng gắn bó với nhau nhiều năm ở đội Bưu Điện nên họ hiểu nhau, ông “đấm” ông “xoa”, giải quyết mọi khúc mắc nảy sinh bất ngờ trong đội.

Nhìn gương hai ông lãnh đạo, các thành viên đều theo sức mình, có những đóng góp thiết thực cho đội suốt thời bao cấp khó khăn.

Đến tận bây giờ, ai đã từng tham gia CLB Đống Đa đều thấy hãnh diện khi mình đã là thành viên của đội bóng phong trào nổi nhất Hà Nội khi xưa.

Bạn đang đọc bài viết "Nhớ về bóng đá Đống Đa" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn