Đội nhạc vừa đi vừa tấu những giai điệu theo nhịp hành tiến, đôi lúc lại xen vào những trích đoạn giao hưởng hùng tráng hoặc rộn rã, tươi vui. Nơi biểu diễn của đội là nhà Bát giác trong vườn hoa Paul Bert ( sau là vườn hoa Chí Linh và nay là vườn hoa Lý Thái Tổ).
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, quyền chỉ huy Đội nhạc được giao cho ông Đinh Ngọc Liên. Ông được phong Quản đội nên còn được gọi là ông Quản Liên.
Ông Đinh Ngọc Liên sinh ngày 1/5/1911 tại Xuân Thủy, Xuân Trường, Nam Định. Những ngày tháng Tám năm 1945 ông đã dẫn 72 nhạc công tham gia cách mạng. Tại vườn hoa Chí Linh , đội quân nhạc do ông Đinh Ngọc Liên phụ trách đã phục vụ nhân dân thủ đô các ca khúc “Cùng nhau đi hồng binh” của nhạc sĩ Đinh Nhu, “Tiến quân ca” “Chiến sĩ Việt Nam” của Văn Cao, “Diệt phát xít” của Nguyễn Đình Thi, “Du kích ca” của Đỗ Nhuận, “Tiếng gọi thanh niên” và “Lên đàng” của Lưu Hữu Phước, “19 tháng 8” của Xuân Oanh…
Trên chiến khu, trong cuộc trường kỳ 9 năm chống Pháp, nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên đã chia nhỏ đội nhạc binh thành các tốp nhỏ, đi theo động viên các đơn vị quân đội bằng những giai điệu hào hùng của dàn nhạc khí.
Sau ngày tiếp quản Thủ đô, nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên được phong hàm thiếu tá, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Quân nhạc Việt Nam (Nay là Đoàn Nghi lễ Quân đội).
Năm 1972 Bộ tư lệnh Thủ đô thành lập đội bóng Quân khu Thủ đô. Khi đấy nhạc trưởng - tiểu đoàn trưởng Đinh Ngọc Liên và chính ủy Lê Thế Hùng đứng ra nhận đội bóng về đơn vị mình. Doanh trại Đoàn Quân nhạc rộng rãi, nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên lại là người đam mê thể thao. Trong khuôn viên doanh trại, trước đó ông đã cho làm tới 6 sân bóng chuyền. Với ông, người nhạc công của Đoàn Quân nhạc phải là những chiến sĩ khỏe mới đủ sức sử dụng những nhạc cụ có khi rất nặng và cồng kềnh của dàn khí nhạc.
Tiểu đoàn Quân nhạc có 4 đội nhạc. Đội bóng đá được phiên hiệu là đội thứ 5.
Ngoài những giờ tập luyện thể thao, thứ Sáu hàng tuần nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên lại cho các cầu thủ học thêm nhạc lý. Đội bóng được chia thành 4 tổ, đi theo học hỏi các đàn anh ở 4 đội nhạc trong tiểu đoàn.
Ông muốn các cầu thủ có thêm hiểu biết về âm nhạc, về nhạc cụ để có thêm một khả năng cống hiến cho đời.
Chế độ ăn của các nhạc công và chiến sĩ tiểu đoàn quân nhạc theo quy định chung của toàn quân, rất thiếu dinh dưỡng so với cường độ tập luyện của các cầu thủ trẻ. Khẩu phần ăn của đội lúc ban đầu gọn trong 3 chữ : “Chưng –trứng – chuối” để chỉ cái bánh chưng được phát thêm, món mặn chủ yếu là trứng và tráng miệng bao giờ cũng là một quả chuối. Nước chấm của bếp ăn Đoàn quân nhạc cũng khiến các cựu cầu thủ Quân khu Thủ đô nhớ mãi. Nó là nước muối hòa lẫn với nước cháy cơm giã mịn để lấy màu. Vì vậy nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên đã phải vận dụng mọi quy định, kể cả vận động các đơn vị mà Đoàn Quân nhạc đến phục vụ, ủng hộ để bữa ăn của các vận động viên có thêm chế độ dinh dưỡng. Hồi đó ông hay lên họp trên Cục Quân huấn về công tác thể thao. Lãnh đội lãnh đoàn các đơn vị ai cũng ngạc nhiên thấy người nhạc sĩ được cả nước kính nể lại đứng ra đại diện cho một đội bóng trong Quân đội.
Đội bóng những ngày đầu tập trung trong doanh trại ở đất Khương Trung (gần Ngã Tư Sở). Thủ trưởng Đinh Ngọc Liên thường ra sân hào hứng xem cầu thủ tập. Ông không chơi môn bóng đá, nhưng hiểu biết về thể thao của ông khiến các huấn luyện viên hay xin ông góp ý với những bài tập về các nhóm cơ, về sức bền thể lực. Các nhạc công trong Đoàn Quân nhạc, hễ nghỉ tập là kéo hết ra sân chơi và xem hoặc đấu bóng đá, bóng chuyền hay bóng bàn. Ông yêu cầu mọi người lính trong Đoàn Quân nhạc phải có vóc dáng đẹp đẽ, quân dung tươi tỉnh - Điều đó chỉ thường xuyên rèn luyện thể thao mới có được.
Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không cuối năm 1972, Đoàn Quân nhạc phải trực chiến, sẵn sàng phục vụ khi có lệnh của cấp trên. Riêng đội bóng đá được sơ tán về xã Ngũ Hiệp, Thanh Trì. Đoàn trưởng Đinh Ngọc Liên lại xuống tận nơi kiểm tra điều kiện ăn ở của các cầu thủ. Thấy các cầu thủ co ro vì rét, ông lệnh ngay trong đêm, xuất kho trang bị cho cầu thủ những chiếc áo bông Quân đội.
Những chàng trai trẻ trong đội bóng, không ai bảo ai đều nhất loạt gọi ông là bố, khi thấy ông chăm chút từng ly từng tí cho đám trai trẻ, thậm chí ít hơn cả tuổi các con của ông
Lưu Thế Cường, cựu thủ môn của đội vẫn nhớ cảm giác lần được bế “Bố Liên” xuống hầm nấu ăn của đội bóng. Thời chiến, chiếc bếp ăn được đặt dưới dãy hầm tránh bom, sâu xuống đất. Cánh cầu thủ trẻ lên xuống thuận tiện nhưng với người đã ngoài 60 và gày yếu như nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên thì khó vô cùng. Vậy mà ông vẫn muốn được tận mắt xem việc chuẩn bị cho bữa ăn của các cầu thủ trẻ ra sao.
Năm 1973 Đoàn Quân nhạc phục vụ cuộc duyệt binh tại Quảng trường Ba Đình. 8 cầu thủ trẻ được tham gia đội hình quân nhạc. 4 người đánh trống con, 2 người gõ sênh pan (cymbales -chũm chọe). Riêng 2 thủ môn Lưu Thế Cường và Trần Đình Chiến, cao to và tay khỏe được vác trống to. Những ngày tập luyện phục vụ duyệt binh trên sân bay Hòa Lạc, “Bố Liên” luôn chăm chút sửa từng động tác, dạy từng nhịp nhạc cho các cầu thủ - tân binh của Đoàn Quân nhạc.
Ông lo cho các chiến sĩ trẻ của mình, như lo cho những người con của ông đang trong chiến trường.
Những năm đấy, có khi cả 3 người con của ông cùng lúc có mặt tại chiến trường nóng bỏng. Chị Đinh Tuyết Lan là chiến sĩ thông tin tại Trường Sơn, anh Đinh Thắng Lợi tại Tây Nguyên và Đinh Tuyết Minh, theo Văn công Quân đội sang chiến trường C, phục vụ Quân tình nguyện Việt Nam.
Lễ Quốc khánh 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên được giao chỉ huy đội nhạc binh. Là bạn với nhạc sĩ Văn Cao, ông đã bàn bạc, trao đổi và thuyết phục nhạc sĩ Văn Cao chỉnh sửa nhịp điệu và khẩu độ một số nốt nhạc trong bài Tiến quân ca. Việc thay đổi nhịp điệu, rút ngắn độ dài của một số nốt nhạc làm tiết tấu của bản nhạc mạnh mẽ, khỏe khoắn hơn. Trên quảng trường Ba Đình trong ngày lập nước, bài Tiến quân ca như mang một diện mạo mới, trang trọng và hùng tráng.
Nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên tạ thế năm 1991 khi ông tròn 80 tuổi. Năm1994, khi cùng NSND Tường Vi đến thăm nhạc sĩ Văn Cao, nhận ra chị Đinh Tuyết Lan là con người bạn tâm giao Đinh Ngọc Liên, nhạc sĩ Văn Cao đã tặng con gái người bạn già tấm ảnh ông chụp cùng nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên với lời đề tặng : " Một kỷ niệm với cháu Đinh Tuyết Lan với những năm tháng cùng người nhạc sĩ lớn Đinh Ngọc Liên là bạn đồng hành nhiều năm với những tác phẩm đầu tiên. Người cùng tôi là đồng tác giả về Quốc ca của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về sự thay đổi nhịp điệu".
Trung tá - Nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 1988 và Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2017. Ông là tác giả một số bài hát và còn là tác giả của một số hoà tấu kèn như : Chiến thắng Phủ Thông, Xuân chiến thắng, Hải cảng về ta, Chúng ta có Bác Hồ, Vọng gác tiền tiêu, Hành khúc tang lễ... Ông và Đoàn Quân nhạc đã thổi hồn vào những tác phẩm âm nhạc cách mạng, nâng lên thành những tác phẩm kinh điển như Tiến quân ca, Vì nhân dân quên mình, Sông Lô, Chiến sĩ Việt Nam, Qua miền Tây Bắc, Lãnh tụ ca...
Cụm kèn hiệu của ông do Đoàn Nghi lễ Quân đội thực hiện được sử dụng chính thức trong các lễ nghi cấp Nhà nước, trong mọi hoạt động của quân đội.
Với riêng người hâm mộ thể thao, không ai không nhớ tới những bản hòa tấu Chiến thắng Phủ Thông, Hải cảng về ta, Xuân chiến thắng... Những bài hát được ông phối khí, dàn dựng cho dàn khí nhạc, làm giai điệu chính thức trong những sự kiện thể thao của nước nhà.
Đã hơn nửa thế kỷ từ ngày lập nước, chưa có bản hòa tấu nào có sức lay động, giục giã, đắm say các vận động viên và người hâm mộ thể thao như các tác phẩm khí nhạc bất hủ của Nhạc trưởng - NSND - Ông bầu Bóng đá Đinh Ngọc Liên.