Ở nước ta, báo chí là sản phẩm văn hóa, cũng là sản phẩm chính trị, không thể bằng mọi giá để có nguồn thu. Các cơ quan báo chí đều thực thi nhiệm vụ kép, dù cơ quan báo chí là đơn vị sự nghiệp có thu một phần hay tự chủ hoàn toàn thì nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là thực hiện nhiệm vụ chính trị theo tôn chỉ, mục đích của tờ báo, tạp chí in hay điện tử. Tôn chỉ đó xác định vị trí, chức năng… của cơ quan báo chí đó.
NHỮNG BẤT CẬP, KHÓ KHĂN
Không như cơ quan báo chí được bao cấp về trụ sở, toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động, các cơ quan báo chí của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, chủ yếu là tạp chí chuyên ngành, khi nhà báo không còn là công chức, viên chức; tòa soạn không là cơ quan hành chính mà thuộc các hội, viện nghiên cứu. Khi các cơ quan chủ quan giao cho các toà soan tự chủ để vận hành khiến cho việc hoạt động đương nhiên có nhiều bất cập, khó khăn, buộc phải làm kinh tế trong khuôn khổ quy định của pháp luật, để tồn tại và phát triển.
Mỗi tạp chí có chức năng, nhiệm vụ riêng, có hướng đi riêng, dựa vào sức mạnh vị thế và uy tín thực hiện nội dung để chọn cho mình thị phần chính và khai thác sâu thị phần đó. Với tờ báo, tạp chí liên quan trực tiếp đến hoạt động doanh nghiệp, ngân hàng, hiệp hội kinh tế, bộ ngành kinh tế… thì cách tiếp cận kinh tế báo chí có những thuận lợi và cách tiếp cận xử lý cũng khác. Sự khác biệt của mỗi tờ tạp chí từ việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích sẽ có những độc giả riêng quan tâm, là yếu tố quan trọng nhất để tồn tại, để có chỗ đứng trong lòng bạn đọc và công chúng, là cơ hội làm kinh tế báo chí bền vững.
Làm kinh tế trong hoạt động báo chí là nhu cầu cần thiết trước hết của chính tờ báo, tạp chí và xa hơn nữa của nền kinh tế thông tin và hội nhập. Nhưng, không thể bằng mọi cách, mọi giá và càng không phải theo cách “lôi kéo độc giả theo cách chiều chuộng mọi nhu cầu, dọa dẫm mặc cả; chặt chém, thông tin đục đục mờ mờ gây tò mò…”. Những cách làm kinh tế kiểu đó, nó mâu thuẫn với việc thực hiện tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của tờ báo, tạp chí và đi xa hơn nữa là vi phạm pháp luật.
Tờ tạp chí không phải tổ chức thành doanh nghiệp sinh ra để kinh doanh lấy lợi nhuận kinh tế làm thước đo tồn tại và phát triển. Đồng thời cũng phải xác định, Tạp chí không phải là báo, không chạy theo cập nhật thời sự hàng ngày. Tạp chí phải làm nội dung tốt, với những bài chuyên sâu, mang tính nghiên cứu chuyên ngành, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, tạo vị thế vững vàng, tạo nền tảng tốt trong dòng chảy thông tin báo chí cách mạng… sau đó mới có thể triển khai nhiệm vụ kinh tế báo chí. Tạp chí phải tuân thủ theo tiêu chí hoạt động của mình và tuân thủ quy định pháp luật. Nếu sai trái, bị kiện, thu hồi giấy phép hay đình bản thì chẳng có cơ hội nào làm kinh tế. Lúc đó thì có là “doanh nghiệp đặc thù” cũng phá sản, Tòa soạn “nhịn và sống thoi thóp” và chỉ đợi ngày đóng cửa.
Nhưng “không có thực thì làm sao vực được đạo”! Báo, tạp chí cũng vậy! Không làm kinh tế báo chí, không có nguồn thu làm sao duy trì hoạt động tòa soạn? Rõ ràng, những bất cập, khó khăn, thách thức của đơn vị sự nghiệp tự chủ nếu không làm tốt kinh tế báo chí thì hoạt động tòa soạn “èo uột”, cứng nhắc, nghèo nàn, rất khó hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, hoàn thành vai trò, vị trí, chức năng của tờ báo, tạp chí, sẽ không có sức hấp dẫn và yếu thế chạy theo, dẫn đến hạn chế vai trò của tờ báo, tạp chí đó trên mặt trận văn hóa, tư tưởng.
Nguyên tắc của thị trường là có “cầu” khắc có “cung”. Thậm chí “cung” đón trước chạy theo thỏa mãn “cầu” bất kể là cầu gì khi chưa thể xác định là phù hợp thế nào. Ở đây, chính là sự định hướng tư duy chính trị, kinh tế, quản lý, văn hóa, đạo đức, thẩm mỹ… của “hàng hóa thông tin” và báo, tạp chí phải vào cuộc đấu tranh, lựa chọn, không thể buông xuôi hay bỏ mặc chạy theo “lợi ích kinh tế” đơn thuần. Như vậy vấn đề trước tiên chính là tòa soạn, quyết định ở tòa soạn. Tòa soạn có đi đúng tôn chỉ, mục đích nghiêm túc và thường xuyên hay không? Hay thi thoảng “nới room” chỗ này chỗ kia để mang về chút lợi ích kinh tế cho cá nhân và thậm chí một phần nho nhỏ cho tập thể ?
Rõ ràng đây không phải là cách làm kinh tế báo chí đúng đắn và bền vững. Nếu tác phẩm báo chí thực hiện đúng chức năng của mình, thông tin nhanh chóng, chính xác, kèm theo những bình luận, dự báo sắc sảo sẽ là sự bảo đảm uy tín và thương hiệu của tờ báo, tạp chí. Một khi tờ báo, tạp chí đã có uy tín, thương hiệu thì lượng bạn đọc và công chúng sẽ tăng, theo đó quảng cáo và vấn đề kinh tế của tờ báo cũng được giải quyết. Nhìn rộng và sâu hơn, trong mối quan hệ tự nhiên giữa thực hiện nhiệm vụ chính trị và làm kinh tế, thì vị thế, vị trí, vai trò của tờ báo, tạp chí, sự tin tưởng của độc giả, sự lan tỏa, ảnh hưởng và uy tín của tờ báo, tạp chí là điều kiện căn bản, thuận lợi cho kinh tế báo chí nương tựa và phát triển cũng rất tự nhiên và bền vững. Có thể nói, sự thất bại về kinh tế báo chí, cơ quan báo chí sẽ khó khăn nhưng còn có thể cứu vãn được nhưng sự thất bại về chính trị, tức xa rời, buông bỏ tôn chỉ, mục đích, sẽ rất khó có thể hoạt động tiếp được trong bối cảnh báo chí hiện nay.
HƯỚNG THÁO GỠ
Mỗi tờ báo, tạp chí đều có vị trí, vai trò, chức năng và tôn chỉ, mục đích của mình, có độc giả của mình theo nội dung mà cơ quan đó thực hiện.
Ở Tạp chí điện điện tử Văn hoá và Phát triển hiện nay luôn lấy việc thực hiện tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ chính trị là nhiệm vụ cơ bản, đầu tiên và trọng tâm. Hoàn thành tốt nhiệm vụ này cũng là cơ hội phát triển kinh tế tạp chí. Tôn chỉ, mục đích của Tạp chí điện tử Văn hoá và Phát triển là Tôn chỉ, mục đích cập nhật hoạt động của Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển. Định kỳ cập nhật thông tin theo quy định pháp luật để thông tin chuyên sâu, chuyên ngành; giới thiệu, đăng tải kết quả nghiên cứu khoa học về lĩnh vực văn hóa, ngôn ngữ và phát triển xã hội, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chủ động hội nhập.
Là cơ quan của Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển, việc nâng cao vị trí, vai trò, vị thế, uy tín của tạp chí đi đầu trong thông tin về hoạt động của Viện. Thông tin góp phần bảo tồn và phát huy văn hoá, chủ động hội nhập nhưng không hòa tan, phải giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Bản thân những chủ đề thông tin chuyên sâu tự chúng có giá trị kinh tế xã hội rất lớn và cũng là điểm tựa cho kinh tế báo chí của đơn vị. Những vấn đề quan trọng từ chức năng, nhiệm vụ thực hiện tôn chỉ, mục đích chính là cơ sở lý giải cho các nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển các hình thức thông tin tuyên truyền theo đặt hàng từ các nguồn lực xã hội. Sự đầu tư đúng và trúng nhiệm vụ, vị thế, uy tin, sức sống lan tỏa của toà soạn một mặt làm nên hiệu quả thông tin sâu sắc hơn, sẽ nhận được nhiều đơn đặt hàng, nhiều nguồn lực từ xã hội. Đơn đặt hàng cũng là một kênh phát triển kinh tế báo chí trên cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ kép và sẽ mang lại “hiệu quả kép” vừa có đầu tư, nguồn lực cho tòa soạn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thông qua công tác truyền thông chính sách và xã hội phát triển. Đây chính phương thức kinh tế báo chí xuyên thấm trong việc thực hiện tôn chỉ, mục đích góp phần vừa sáng tạo ra những sản phẩm kết tinh từ truyền thông, vừa mang lại hiệu quả chính trị, kinh tế và xã hội.
Tạp chí thực hiện tốt việc tuyên truyền dưới góc nhìn từ văn hoá quảng bá hình ảnh của địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã mang lại cơ hội cho kinh tế báo chí phát triển, nhất là việc luôn bám sát tôn chỉ và mục đích của toà soạn. Kinh nghiệm cũng cho thấy, khi hoạt động kinh tế tốt thì báo, tạp chí hoạt động sôi động, hiệu quả, chất lượng, có thương hiệu, có nguồn lực tái đầu tư phát triển và tòa soạn thu hút được những phóng viên có phẩm chất, đạo đức tốt, nghiệp vụ giỏi.
Cả xã hội đang thực hiện chuyển đổi số và báo chí cũng trong hướng đi này. Đây là sự lựa chọn duy nhất, là xu hướng tất yếu của sự phát triển trong báo chí hiện đại. Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển cũng không thể nằm ngoài cuộc. Khi người đọc đã có sự thay đổi nhu cầu và thói quen, thì chuyển đổi số là điều bắt buộc, để giúp báo chí gần gũi và phục vụ bạn đọc và công chúng tốt hơn.
Với phương châm “Bạn đọc ở đâu, báo chí ở đó; báo chí đem đến những gì bạn đọc cần chứ không chỉ những gì đang có”, Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển từng bước tổ chức hoạt động theo tiêu chí “Nhanh, Đúng, Trúng, Hấp dẫn”. Tạp chí lấy bạn đọc làm trung tâm, trên cơ sở bao quát, nắm bắt thông tin, dư luận xã hội, nhờ đó nhận biết được nhu cầu thông tin, có tin, bài đáp ứng đúng mong muốn của người đọc, đúng thời điểm người đọc cần. Nội dung thông tin tích cực là chính yếu, thông tin trung thực, hình thức đa dạng, nắm bắt nhanh xu thế chuyển đổi số để có những bước phát triển vững chắc, phù hợp với xu thế “bùng nổ thông tin”, thị hiếu phong phú của bạn đọc và công chúng trong thời đại "Cách mạng công nghiệp 4.0".
KẾT LUẬN
Kinh tế báo chí phát triển là một nhu cầu tất yếu của xã hội, mang lại nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng cho hoạt động báo chí, nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn của người làm báo. Phát triển kinh tế báo chí lành mạnh hoàn toàn khác với “thương mại hóa” theo kiểu giật gân, câu khách rẻ tiền, giảm chất lượng thông tin báo chí, coi báo chí là loại hàng hóa thuần túy, dẫn tới tiêu cực trong hoạt động.
Trong bối cảnh kinh tế thị trường, làm báo thì phải “bán” sản phẩm báo chí chứ không để bao cấp, do đó tạp chí điện tử phải tăng lượng bạn đọc truy cập để tăng khả năng thu hút quảng cáo và dịch vụ truyền thông. Chính vì thế, các phóng viên hiện nay không chỉ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ báo chí cùng một lúc, cùng một sự kiện có thể làm ra nhiều loại hình sản phẩm thông tin tĩnh và động mà cần phải có kiến thức cơ bản về kinh tế và hiểu biết về nguyên lý hoạt động thị trường truyền thông để tích cực tham gia vào các dự án, góp phần làm kinh tế báo chí, xây dựng chiến lược phát triển của tòa soạn.
Từ thực tiễn, Tạp chí điện tử Văn hoá và Phát triển có thể nói rằng, càng thực hiện tôn chỉ, mục đích một cách đúng hướng và hiệu quả thì những bất cập, khó khăn từng bước được tháo gỡ, kinh tế báo chí chắc chắn sẽ làm được và phát triển./.
V.X.B