Những bí mật trước giờ G (Kỳ 4): Dấu hỏi về những kế hoạch bị tiết lộ

Sau ngày Tám Hà khai báo, CIA và quân đội Sài Gòn dự đoán được khoảng thời gian tấn công đợt 2, đã dùng phi cơ chiến lược B52 ném bom rải thảm vùng ven Sài Gòn, nhằm “tạo vòng đai lửa bảo vệ thủ đô và chặn đứng Cộng sản”.
bi-mat-1639109534.jpg

 Cụm tình báo H63 : Phạm Xuân Ẩn (trái),Nguyễn Thị Ba, Nguyễn Văn Tàu, Nguyễn Văn Minh . Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Các địa điểm chôn giấu, dự trữ đạn pháo do Tám Hà tiết lộ, liên tục nhiều đêm bị máy bay Mỹ quần đảo ném bom, phối hợp với pháo lớn của quân đội Sài Gòn bắn nã vào, khiến vùng Bắc Hóc Môn bị băm vằm, tan nát.

Tiếng bom vùng ven còn đang nổ, Phòng tình báo B2 yêu cầu cụm H63 nắm tình hình mới nhất ở nội thành, chú ý phản ánh tâm lý của chính khách và binh lính Mỹ, kèm theo đề xuất của chính H63: đánh hay không nên đánh đợt 2 vào Sài Gòn? Lúc ấy đã cuối tháng 4, mà theo dự kiến tháng 5 sẽ nổ súng, thời hạn gần kề, thúc bách, nên Tư Cang vừa nhận chỉ thị xong, lập tức phóng honda đến nhà Hoàng Nam Sơn, thường gọi “anh Tám”, cũng là một cán bộ tình báo cụm H63 ở 113 đường Cô Bắc. Anh Tám là người quản lý khách sạn Embassy nơi có nhiều chính khách, sĩ quan Mỹ và các nước lui tới. Tư Cang nói anh Tám hãy tiếp cận, gợi chuyện các “thực khách đặc biệt” của khách sạn Embassy để thâu thập thêm một số tin tức mới nữa: “Việc gấp quá nên sáng mai mình sẽ gặp nhau lại ở nhà hàng Victory lúc 6 giờ 45 để gút”. Bằng kinh nghiệm nghiệp vụ, anh Tám bắt tay vào việc rất nhanh....

Ngay hôm sau, anh Tám đã chuyển các nội dung Tư Cang yêu cầu đến Victory – rất đúng hẹn. Khoảng 9 giờ, ở một căn phòng trên cư xá Việt Nam Thương Tín, Tư Cang viết bản báo cáo quan trọng, đúc kết từ nguồn tài liệu mới nhất do các cán bộ H63 cung cấp, đặc biệt của Hai Trung (qua cuộc tiếp xúc với một nhân viên cao cấp của CIA Mỹ phụ trách vùng Đông Nam Á và một đại tá trong Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn), của anh Tám và Yến Thảo vừa khai thác, đại ý: “Người Mỹ ở Sài Gòn đang bàn tán về tác động của trận tổng tấn công hồi Tết của ta và ta thán về những thiệt hại nặng nề ở mặt trận Khe Sanh. Họ cho rằng Tổng thống Johnson bị sức ép quá lớn của “phái bồ câu” trong hai viện của Quốc hội và phản ứng chống chiến tranh của dân chúng Mỹ khi xem hình ảnh người lính Mỹ cam khổ, bị thương, chết chóc, được chiếu trên màn ảnh vô tuyến truyền hình và in lên mặt báo, nên Johnson phải tuyên bố thôi không ra tranh cử tổng thống vào cuối năm nữa, để dồn sức giải quyết vấn đề Việt Nam.

Theo đó, Johnson muốn chuyển việc gánh vác cuộc chiến trực tiếp sang vai người Việt Nam để thay cho người Mỹ. Phóng viên bình luận chính trị người Pháp của tuần báo Express nhận định: đó là một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy chiều hướng chấm dứt sự tham gia của Mỹ tại Việt Nam. Về ngoại giao, họ cũng bàn tán một sự kiện mới vừa hé mở, đó là đầu tháng 4, Johnson có chỉ thị mật cho Sullivan, Đại sứ Mỹ tại Lào, tìm cách nào đó để tiếp xúc với người đại diện chánh quyền Việt Nam dân chủ cộng hòa mong tìm giải pháp ra khỏi “đường hầm không lối thoát”.

Còn các viên chức và sĩ quan của những nước đồng minh với Mỹ đang hoạt động ở Sài Gòn như Nam Triều Tiên, Thái Lan, Phi Luật Tân, Tân Tây Lan, Úc thì cho biết tâm trạng của họ là mong mỏi hòa bình, không muốn duy trì quân đội và các hoạt động quân sự của mình quá lâu tại Nam Việt Nam. Theo nguồn tin từ các chính khách Mỹ đang có mặt tại Sài Gòn, thì trong tình thế đó, Johnson cùng các bộ trưởng quốc phòng, bộ trưởng ngoại giao của Chính phủ Mỹ đang rất lo ngại lại phải đối mặt với các trận tấn công nữa của quân giải phóng vào Sài Gòn và các trung tâm dân cư khác sắp tới.

Vì như thế sẽ làm tăng thêm tâm lý chán chường, phản đối chiến tranh trong lòng nước Mỹ. Tin mới nhất từ dinh Độc Lập cho biết, dầu không thích gì mấy chủ trương “xuống thang” trên của tổng thống Mỹ, song chính quyền Thiệu cũng không muốn phải ứng phó với những trận đánh mới trước mặt. Do vậy, việc cho đăng tải công khai trên mặt báo, tin Tám Hà ra đầu hàng, rêu rao trên đài phát thanh rằng: “Việt Cộng sẽ tấn công vào Sài Gòn” là có ngụ ý muốn nhắn với Mặt trận giải phóng miền Nam là: “Chúng ta (tức Sài Gòn) đã biết rõ kế hoạch tấn công sắp đến của các người rồi, thôi đừng đánh nữa, sẽ không hay”!.

Điều mâu thuẫn là, hiện giới quân sự hiếu chiến của Mỹ và Sài Gòn lại làm khác, ở chỗ thừa dịp những đơn vị lớn của ta đổ quân vào đô thị, tràn xuống đồng bằng, đầm lầy trống trải, đã ra sức dùng máy bay rải bom, dùng pháo binh, cơ giới càn quét đánh phá dữ tợn hơn, mưu chiếm lại các vùng nông thôn ta đã làm chủ từ lâu, hòng đẩy lực lượng ta lên vùng rừng núi và biên giới. Qua tình hình trên, H63 đề xuất ý kiến là nếu đã chuẩn bị tốt thì vẫn cứ đánh thêm một trận nữa vào Sài Gòn”.

Và đợt 2 của cuộc tổng tiến công 1968 đã mở màn khuya 5.5, lần này chiến sự đồng loạt nổ quanh Sài Gòn. Thiệu đã điều các tiểu đoàn biệt động quân số 33, 35, 38 với xe tăng và máy bay yểm trợ đến mặt trận trên ứng chiến, hai bên quần nhau suốt cả tuần, máy bay Sài Gòn bắn sụp một số nhà cửa vùng Phú Thọ và trên nhiều đường như Minh Phụng, đường 46. Ở ngã tư Bảy Hiền, vùng cầu chữ Y, lò heo Chánh Hưng và vòng ngoài quận 4, cũng như vùng An Phú Đông, Tân Thới Hiệp phía Tây Bắc Sài Gòn đều bị tấn công...

Một lần nữa, các phóng viên chiến trường của các hãng thông tấn trên thế giới lại xông xáo ghi hình, đưa tin và phơi bày trên các phương tiện truyền thông những hình ảnh máu lửa của cuộc chiến trên đường phố Sài Gòn, tác động mạnh đến phong trào phản chiến của dân chúng Mỹ. Lúc này chính khách và phóng viên nước ngoài lại càng lui tới đông đúc thường xuyên hơn tại khách sạn Embassy do anh Tám quản lý, họ mang theo những tin tức nóng bỏng, những lời bàn tán về chiến cuộc, về tình hình chính trị, ngoại giao vừa xảy ra. Đó cũng là dịp khai thác và thu thập nguồn tin tình báo của cụm H63. Nhất là vào tháng 10 năm ấy, phái đoàn Việt Nam tại Hội nghị Paris tuyên bố có thể đồng ý cho đại diện chính quyền Sài Gòn đến dự Hội nghị Paris nếu Mỹ đáp ứng các điều kiện kèm theo...

Những hoạt động bí mật như thế căng thẳng và kéo dài không ngớt những năm sau đó, với các sự kiện nổi cộm như cuộc hành quân Lam Sơn 719 của quân Sài Gòn đánh sang Lào nhằm cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh đã bị thất bại thảm hại, đánh một dấu hỏi lớn và đáng sợ rằng: Vì sao kế hoạch hành quân bị tiết lộ? Đã có điệp viên của Hà Nội cài đâu đó trong các cơ quan cao nhất của Mỹ và Sài Gòn? Bằng chứng là “bất kỳ nơi nào quân lính Nam Việt Nam tấn công đều thấy quân đội Bắc Việt dường như đã ém ở đó từ lâu để sẵn sàng đón đánh” như lời của cố vấn Tổng thống Thiệu là TS Nguyễn Tiến Hưng (và Jerrold L.Schecter) đã nhìn lại và kêu lên sau cuộc chiến.

(Còn tiếp)

Theo Trái Tim Người Lính