Những bức thư còn lại của Liệt sĩ Trần Mộng Ân

Người phụ nữ nhỏ nhắn mở chiếc hộp đã cũ , tay run run, rưng rưng khẽ xếp 17 lá thư của chồng đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước khiến chúng tôi rất xúc động.

Đó là bà Nguyễn Thị Dậu - vợ của liệt sĩ Trần Mộng Ân quê quán xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội ( phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội), nhập ngũ tháng 2/1960, hi sinh ngày 30/10/1967 tại mặt trận phía Nam.

dvh1ab1-1665450744.jpg
Liệt sĩ Trần Mộng Ân

 

Đến năm 1973, gia đình mới nhận được giấy báo tử của ông. Khi nhận được tin chồng đã hy sinh, bà đau xót vô cùng. Hai con còn quá nhỏ! Nghĩ đến bao người mẹ, người vợ cũng trong hoàn cảnh như mình. Bà nén lòng, khóc thầm lặng lẽ. Thời gian, hai vợ chồng ở bên nhau không được bao lâu. Đối với bà, đó là những năm tháng hạnh phúc nhất. Tình yêu của người lính đã giúp người vợ rất mực thủy chung vượt qua mọi khó khăn trong suốt mấy chục năm qua. Nhiều đêm, ôm những bức thư của chồng nức nở.17 lá thư đã phai màu theo thời gian, có lá thư nhoè nước mắt của người phụ nữ ấy trong suốt 50 năm qua. Mỗi lần đọc thư chồng là một lần bà rơi nước mằt và cũng mỗi lần đọc thư chồng thì bà càng yêu và nhớ người lính ấy nhiều hơn. ..

dvh2aqb2-1665450852.jpg
 Kỉ vật do gia đình cung cấp

Có những lá thư chỉ là mẩu giấy nhỏ. Có những lá thư giấy rất mỏng. Chiến tranh mà - Bà giãi bày như thế!

Nghẹn ngào lau mắt kính, bà đưa cho tôi lá thư cuối cùng của chồng trước lúc hy sinh được dán lại cẩn thận bằng băng dính lên tờ giấy khác. Bà nâng niu 17 lá thư của ông như báu vật thiêng liêng. Tôi nhận lá thư từ tay bà và đọc trong xúc động:

Dậu em quý!

Gàn 2 năm rời xa miền Bắc, xa làng xóm thân yêu, xa cha mẹ, các em và con, anh rất nhớ!

Lá đầu thư cho anh gửi lời về thăm sức khoẻ của cụ Lý, cụ Hiếu, cậu mợ, dì hai dì ba, các con Thanh, Thủy của anh

Dậu yêu!

Biên thư cho anh, em báo cho anh biết hoàn cảnh gia đình kinh tế sức khoẻ cậu mợ, dì và các em Nghĩa Vân Sơn, Ngà, Hào, Quang, Khánh, chị Tiến, Tuấn, Tú, và các con Thanh Thủy

Còn anh, từ khi vào đây đến nay trẻ, khoẻ hơn ở ngoài đấy, thật đấy nhá. Béo hơn ở ngoài đấy, em đừng lo gì về anh nhé. Riêng em, hai con Thanh, Thủy đã lớn, sẽ rảnh tay hơn lúc nó còn nhỏ, cần tham gia công tác xã hội, tích cực cố gắng phấn đấu để trở thành người đảng viên cộng sản nhé. Nếu trên cần thoát li đi công tác càng hay. Còn chăm lo cho hai con chăm sóc chúng vật chất và tinh thần nhé.

Dậu yêu!

Vợ chồng mình xa nhau, nhưng lúc nào anh cũng nhớ thủ đô. Nhớ câu nói của Bác Hồ : Không có gì quý hơn độc tự do...đến ngày thắng lợi ta sẽ xây dựng đất nước mình đàng hoàng hơn, to đẹp hơn

Cho nên em cứ yên tâm tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, nhất định sẽ thắng lợi.

Em có cho con đi vườn trẻ không, các con có ngoan không, gửi ảnh của em và Thanh Thủy cho anh nhé.

Cho anh gửi lời anh chị Tỵ Doanh, gia đình hàng xóm cụ Cai Ninh, cụ Lý Kì, chú Hải , cụ Dụng...

Em viết thư cho anh biên rõ địa chỉ nhé

Ngày 8/6/1967

dvh3abc3-1665450913.jpg
Bằng Tổ quốc ghi công.

Đọc những bức thư của anh, mắt tôi nhoà đi. 17 lá thư chứa đựng bao cung bậc cảm xúc của người lính dành cho gia đình, làng xóm, quê hương.Tôi, thế hệ sau càng hiểu hơn những người lính ra đi vì sự nghiệp giải phóng đất nước luôn có niềm tin sắt đá vào Bác Hồ, Đảng, hậu phương vững chắc. Niềm tin đó chính là động lực thôi thúc họ sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc. Càng trân trọng và kính phục những người mẹ, người vợ đã âm thầm hy sinh suốt chặng dài lịch sử.

Luôn tự hào về một thế hệ đã sống và chiến đấu như thế!

23/7/2022

Trái tim người lính