Những chiến sĩ đặc công bất tử

Nhân Kỷ niệm ngày TBLS 27/7 tôi xin chia sẻ về trận đánh của bộ đội Đặc công (Trích trong Hồi ký “MỘT THỜI LÀ LÍNH” của tôi. 
dac-cong-bat-tu-1657680611.jpg
Ảnh do tác giả cung  cấp

 

Vào trung tuần tháng 3 năm 1971 Mặt trận Đường 9 – Nam Lào đang diễn ra vô cùng quyết liệt. Bộ tư lệnh Mặt trận có phương án đánh sân bay Tà Cơn, gây thiệt hại phương tiện hậu cần, khí tài, đặc biệt là máy bay trực thăng vũ trang, máy bay vận tải của địch nhằm hạn chế sự chi viện của địch từ trung tâm lên phía Nam Lào
  Nhờ phân đội của C21 trinh sát chúng tôi hoạt động sâu trong lòng địch, nên đơn vị bộ đội đặc công D19 của Mặt trận tăng cường, do đại đội trưởng Đoàn Giỏi chỉ huy cùng hai mươi chiến sĩ tập kết, ăn nghỉ ở hậu cứ chúng tôi. Anh Đoàn Giỏi cùng lên đài quan sát của chúng tôi, xác định lại hướng tiếp cận sân bay rồi cho đơn vị nghỉ ngơi một ngày chuẩn bị. 
Chúng tôi có dịp hỏi thăm quê hương, tên tuổi của nhau, được biết đại đội trưởng quê miền Nam còn hầu hết là người ngoài Bắc tuổi đời còn trẻ, rất trẻ và lần đầu ra trận! Có em hỏi tôi: “Các anh vào chiến trường ác liệt thế này, lâu thế mà vẫn không sao ...?” – Câu hỏi có ý khâm phục sự từng trải của chúng tôi vì các em hiểu nhiệm vụ của lính Trinh sát và Đặc công là rất nguy hiểm và … tâm trạng của người lần đầu ra trận thường vậy! Để đảm bảo bí mật của trận đánh, gần tối bộ đội đặc công mới xuất phát, lúc này các anh chỉ mặc chiếc quần đùi, đi chân đất, người ở trần lúc đến gần đồn địch còn phải lấy nhọ nồi và bùn đất xoa khắp người để ngụy trang. Cũng như chúng tôi khi “tiềm nhập” trinh sát cứ điểm không được đi giày dép, không mặc quần áo dài cho khỏi vướng hàng rào dây thép gai, chỉ khác là chúng tôi vào trinh sát mang nhẹ hơn các anh. 
Chúng tôi chỉ mang súng, dao găm và băng đạn gọn nhẹ cùng mấy cái cọc bằng cành cây có choạng để chống giãn dây thép gai cho người vừa chui lọt, lúc rút ra gỡ bỏ cọc chống, ngụy trang cho hàng rào như cũ để khỏi bị lộ dấu vết. Các anh đi đánh phải mang đủ súng đạn, bộc phá và thủ pháo bó quanh người. Chúng tôi lặng lẽ bắt tay từng người một, các lính trẻ đưa ánh mắt nhìn chúng tôi lưu luyến. Ôi! Không ngờ ánh mắt cuối cùng, cái bắt tay cuối cùng của đồng đội chúng tôi. 
Trận ấy các anh đánh hay quá, nhưng tổn thất cũng lớn quá, chỉ có một người giữ cửa mở bị thương mấy ngày sau mới về được đơn vị còn đã hy sinh tất cả! Đêm ấy chúng tôi cũng không ngủ, một tổ lên đài quan sát theo dõi các mục tiêu các anh tấn công, những người ở hậu cứ nghe tiếng thủ pháo nổ giòn giã (loại lựu đạn chày chỉ có thuốc nổ công phá chứ không có mảnh sát thương), tiếng súng AK nổ điểm xạ từng loạt tằng tằng liên tục. Khoảng một tiếng đồng hồ chúng tôi không nghe tiếng thủ pháo, và đạn AK nữa, chắc các anh đã hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi chờ nghe tiếng bộc phá, phá cửa mở để bộ đội rút ra thì…, bất ngờ tiếng súng lại rộ lên, không phải tiếng súng AK mà là tiếng súng AR 15, tiếng đạn M 79 và cối 61 của địch nổ dữ dội. 
Gần sáng chúng tôi không thấy ai trở về (…) thì ra các anh đánh ham quá, các mục tiêu liên tiếp ngon quá, dễ đánh quá, các anh cho địch “xơi” hết cơ số đạn, còn người phá cửa mở bị thương nên không thể “mở cửa” khác rút ra. Các anh không còn bộc phá để phá hàng chục lớp hàng rào của sân bay. Các anh đã vĩnh viễn nằm lại giữa những lớp hàng rào dây thép gai của địch.. Ngày hôm sau chúng tôi được trung tâm báo tin (từ nguồn tin kỹ thuật thu được từ phía địch) biết các anh đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Chiến công của các anh đã tiêu diệt và phá hủy được 16 máy bay các loại, diệt hàng chục tên lính Mỹ và phá hủy nhiều kho tàng, phương tiện chiến tranh của địch đóng góp rất lớn vào thắng lợi của chiến dịch. 
 Gương chiến đấu quả cảm và hy sinh anh dũng của các anh đã trở thành Bất tử!

Trái tim người lính