Những công nghệ đang được dùng tại Việt Nam để “tấn công” Covid-19

Việc đẩy nhanh ứng dụng công nghệ là một trong những chìa khóa quan trọng giúp Việt Nam chủ động hơn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Thủ tướng Nguyễn Minh Chính mới đây nêu rõ cách tiếp cận mới, tư tưởng, quan điểm chỉ đạo mới, “chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công, song phải hài hòa giữa phòng ngự và tấn công, bảo đảm hiệu quả cao nhất”.

Một trong những giải pháp để có thể chủ động tấn công dịch Covid-19 là bắt buộc sử dụng công nghệ để hỗ trợ truy vết nhanh, khoanh vùng cách ly sớm, giám sát những địa điểm được cách ly hay cảnh báo người dân khi đến những vùng nguy hiểm… Hiện, nhiều địa phương đã kết hợp đa dạng các giải pháp khác nhau cũng như hướng dẫn người dân áp dụng công nghệ hỗ trợ phòng, chống dịch.

Truy vết lịch sử di chuyển của F0

Bluezone là một trong những ứng dụng mà người dân khi đến nơi công cộng, nơi tập trung đông người bắt buộc phải cài đặt và bật Bluetooth lên để ứng dụng hoạt động. Ứng dụng này cho phép ghi nhận thời điểm, địa điểm và thời gian một người có thể tiếp xúc gần với các ca nghi nhiễm, từ đó phục vụ việc truy vết ca nhiễm.

Theo các chuyên gia, để giải pháp này đạt hiệu quả cao, cần có hơn 60% dân số sử dụng. Hiện đã có 36,65 triệu lượt tải ứng dụng này.

Bên cạnh đó, các ứng dụng phục vụ việc khai báo y tế có hệ thống quản lý tờ khai y tế tự nguyện (NCOVI), trang web tokhaiyte.vn, ứng dụng khai báo y tế cho người nhập cảnh (VHD). Dựa trên dữ liệu từ các ứng dụng này gửi về, hệ thống y tế sẽ biết được các trường hợp cần chú ý để đảm bảo hỗ trợ y tế nhanh và hiệu quả nhất.

Khai báo y tế trực tuyến bằng quét mã QR

Ngoài các ứng dụng phục vụ việc khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần, một số địa phương sử dụng còn có thêm công nghệ quét mã QR khi người dân tới một số địa điểm công cộng để lưu lại lịch sử đi lại, phục vụ tìm kiếm thông tin và giám sát.

Khi xác định được ca F0, các cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào lịch sử quét mã QR của người đó để lọc ra thông tin về thời điểm, địa điểm bệnh nhân đã đến trong khoảng thời gian 3 ngày trước khi khởi phát bệnh.

Theo dõi trực quan thông tin dịch tễ qua mạng internet

Gần đây, nhiều địa phương đã xây dựng bản đồ thông tin dịch tễ Covid-19 (CovidMaps) giúp người dân không di chuyển đến các điểm nóng, tránh lây nhiễm dịch. Mới nhất ngày 7/6, TPHCM là tỉnh thành thứ 10 ra mắt CovidMaps. Trước đó, có 9 tỉnh, thành phố đã có CovidMaps gồm: Lạng Sơn, Đà Nẵng, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Quảng Nam, Gia Lai, Phú Yên.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Huy Dũng, cách tiếp cận công nghệ đợt dịch lần thứ tư thay đổi ở hai điểm. Trước đây chúng ta khuyến nghị thì nay một số ứng dụng chủ chốt là bắt buộc. Thứ hai, dữ liệu trước đây là phân tán theo từng ứng dụng thì bây giờ dữ liệu được kết nối, tập trung.

“Cách tiếp cận này sẽ giúp cho các địa phương, các cơ sở thực hiện “4 tại chỗ” tốt hơn. Từ đó, chúng ta có thể duy trì được hoạt động bình thường, đây là vì chính lợi ích của các địa phương và các cơ sở”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng khẳng định.

Trung tâm Công nghệ chống Covid-19 quốc gia được đặt tại tầng 14, Trụ sở Cục Tin học hoá (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa được thành lập, nhằm quản lý thống nhất, kết nối tập trung và phân phối dữ liệu khai báo y tế điện tử, dữ liệu khai báo di chuyển nội địa, dữ liệu phản ánh của người dân, dữ liệu điểm kiểm dịch và dữ liệu kiểm soát vào ra các điểm kiểm dịch giữa các hệ thống công nghệ phòng, chống dịch Covid-19…

Trung tâm cũng có nhiệm vụ làm đầu mối điều phối, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hỗ trợ, hợp tác liên quan đến kỹ thuật, công nghệ để hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19. Thiết kế, tổ chức xây dựng, quản lý, vận hành, giám sát, bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các nền tảng, hệ thống công nghệ phòng, chống dịch Covid-19.

Vòng đeo tay quản lý người cách ly tập trung

Chỉ trong 3 tuần, một doanh nghiệp Việt đã sản xuất thành công vòng đeo tay điện tử theo dõi cách ly và kiểm soát thân nhiệt, hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19. Vòng đeo tay này giúp hạn chế tối đa tiếp xúc gần giữa F1, F2 với nhân viên y tế khi đo thân nhiệt và giám sát định vị người đeo. Những trường hợp cố tình tháo vòng hoặc di chuyển bên ngoài phạm vi cách ly, nhân viên y tế sẽ được thông báo ngay lập tức và có những động thái kịp thời, nhanh chóng để kiểm soát và truy vết những người liên quan.

Thiết bị có thể được sử dụng với người nhập cảnh, người cách ly tập trung, người cách ly tại nhà, cho phép theo dõi vị trí của người cần cách ly Covid-19, quản lý từ xa các F1, F2 cách ly tại nhà sẽ giúp giảm tải khối lượng công việc cho không ít cán bộ phòng chống dịch.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19, tính đến thời điểm này, VNPT và Viettel đã hoàn thành lắp đặt gần 5.500 camera giám sát trên 150 cơ sở cách ly tập trung tại 32 tỉnh/thành phố từ Đà Nẵng trở vào.

Các nhà mạng còn sử dụng tổng đài tư vấn viên ảo công nghệ AI – Callbot (trí tuệ nhân tạo) thực hiện các cuộc điện thoại đến các thuê bao để tiếp nhận thông tin liên quan đến khai báo y tế và phòng, chống dịch.

Tới đây, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục triển khai hệ thống quản lý người cách ly tập trung bằng camera giám sát, nhận dạng khuôn mặt, vòng đeo tay chuyên dụng... Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sẽ là một trong những chìa khóa giúp giải quyết bài toán phòng dịch hiệu quả hiện nay.