Những điều chưa viết về người vợ của Anh hùng liệt sĩ Hoàng Lê Kha

Bà Nguyễn Thị Nghi, vợ của người anh hùng liệt sĩ Hoàng Lê Kha , má tui - là người phụ nữ Nam bộ nết na chịu nhiều nỗi đau riêng và hy sinh, thậm chí nhiều cay đắng trong cuộc đời 95 tuổi của bà, người ngoài ít ai được biết , chị Hoàng Lê Kiếm con gái bà đã mở đầu câu chuyện kể về má của mình cho tôi nghe như thế.

Câu chuyện kể của chị thật sự đã động vào trái tim của tôi khi được viết về những mất mát hy sinh của người phụ nữ Nam Bộ trong kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ hơn nửa thế kỷ trước.

Hôm nay tôi ghé tới nhà chị để được lắng nghe câu chuyện người thật việc thật về người mẹ của chị đã chịu nhiều đau thương để tham gia cách mạng khi tuổi đời mới 17 tuổi.

dh1aq1-1670685532.jpg

Bà Nguyễn Thị Nghi sinh năm 1928 ở Đức Hòa, Long an. Trước năm 1945, ba bà là người yêu nước, chuyên bốc thuốc đông y cứu người, ủng hộ Việt minh, bị giặc bắt giam cả năm trời nhưng không kết án được đành phải thả ra. Sau một thời gian, cơ sở cũng thông báo cho ông phải trốn đi biệt xứ vì có thể giặc sẽ bắt lại. Ông và gia đình đã bỏ nhà chạy lánh nạn lên Sài Gòn. Sau cách mạng tháng Tám 1945, bà Nghi cũng bí mật tham gia Việt minh chống Pháp ở Sài Gòn-Chợ lớn. Năm 1947 bà được kết nạp vào Đảng khi mới 19 tuổi và thời gian sau đấy bà đã đem lòng yêu thương người cán bộ lãnh đạo Hoàng Lê Kha to cao là tỉnh ủy viên đảng bộ Gia định, người rất thông minh và có tài thuyết phục mọi người. Ông bà cưới nhau năm 1950 ở chiến khu, chẳng có tấm ảnh cưới nào làm kỷ niệm . Khi bà mang thai đầu năm 1951, cả ông và bà đều bị giặc bắt và giam ở khám lớn Sài Gòn. Nhưng chúng không khai thác được gì ở ông bà do chứng cứ không rõ ràng . Bà Nghi lúc này bụng mang dạ chửa hơn 5 tháng, chúng vẫn đánh bà.

dh2a2-1670685711.jpg

 

Chị Kiếm được nghe bà kể lại rằng, tụi nó làm cái giường ở giữa đục thủng cái lỗ to bằng cái bụng chửa của bà rồi bắt bà nằm sấp trên đó, dùng roi mây đánh vào lưng và mông bà. Bà phải gồng mình chịu những trận đòn đau như thế nhiều ngày. Ba bà đã phải chạy chọt với tụi nó để xin cho bà được thả do không có tội và bà có dấu hiệu bị động thai, sinh non ?. Ngày đón bà về, bao nhiêu thuốc đông y của cha cũng không giúp được cho bà giữ lại cái thai cho tới ngày sinh nở đủ ngày đủ tháng, bà đã sinh non 7 tháng tuổi ra 2 người con trai đỏ hỏn, mỗi người nặng chỉ hơn 1kg. Phần sinh non nên bà không có sữa , phải nuôi con bằng nước cháo loãng pha với đường có nguy cơ 2 đứa trẻ sinh không đủ tháng khó mà sống được ? Cả gia đình đều đã nghĩ 2 đứa trẻ không thể sống . May sao, trong những ngày tháng gay go ấy , có một người phụ nữ hàng xóm cũng sinh nở, con bị chết, ngực lại căng sữa. Ba bà đã cầu xin trong nước mắt người phụ nữ này để cô mở lòng thương cứu giúp 2 sinh linh bé nhỏ của ông đang khát sữa được bú mớm . Bà kể, ngày sinh con, nhìn 2 đứa con đói sữa, tự tay cố xoa bóp hoài cặp vú của mình để hy vọng có những giọt sữa cho con , tay đỡ con nhỏ xíu đỏ hỏn mà nào có ra giọt sữa nào đâu , chỉ có những giọt nước mắt lã chã của người mẹ trẻ rớt xuống mặt con thơ mặn chát. Như là trời cứu, 2 người con trai của bà nay đã được người đàn bà tốt bụng cưu mang, chia nhau nguồn sữa ít ỏi để có thể vượt qua cơn khát sữa. Má kể, chị Kiếm nói trong nghẹn ngào, người phụ nữ ấy cũng không có đủ nguồn sữa cho cả hai đứa nhỏ , tụi nó cũng không đủ sữa để lớn, nhiều đêm đói sữa , chúng khóc cả đêm rồi lả đi vì kiệt sức trong vòng tay bất lực của người mẹ trẻ. Chỉ có phép màu, hai người con trai đầu lòng này mới sống sót được và sau này họ lớn lên cả hai cứ bé tý như hai viên kẹo vậy.

Một thời gian sau, ông Hoàng Lê Kha cũng được tụi nó thả tự do, không khép tội được ông. Ông đã trở về với tổ chức và giờ phải sống trong sự bí mật, thoắt ẩn, thoắt hiện lâu lâu mới tạt qua nhà vào ban đêm để thăm vợ con được một tý. Hai người con trai được gia đình đặt tên là Hoàng Lê Hùng và Hoàng Lê Hổ . Hôm gặp 2 anh Hùng, Hổ ở nhà cùng với chị Kiếm, đúng là chị Kiếm cao gần gấp đôi hai người anh song sinh của mình may mắn đã được cứu sống.

Trong gần mười năm bà Nghi làm vợ ông Hoàng Lê Kha ( 1950-1960 ), bà đã hạ sinh cho ông được 4 người con và sống chung với ba mẹ ở Sài Gòn nuôi con, lâu lâu ông bí mật ghé về thăm vợ con được vài giờ vào ban đêm , nhiều lần ba bà phải thức để canh chừng cảnh giới cho ông bà gặp nhau. Tôi thật sự xúc động khi chị Kiếm nói, nghe má kể , ông bà lấy nhau được gần mười năm rồi ba hy sinh, vợ chồng được ở gần bên nhau không biết được mấy chục ngày , có bao nhiêu giây phút hạnh phúc thăng hoa và bao nhiêu ngày khổ đau khóc nhớ chồng , bà cũng không nhớ ? Tôi là người phụ nữ , nay quá hiểu những cảm xúc ấy của má để rồi người vợ trẻ năm ấy goá chồng ở tuổi 32 chết lặng và ẵm trên tay thằng con trai út chưa đầy 3 tuổi còn chưa biết mặt cha. Người phụ nữ ấy đã kiên cường sống và hy sinh cho cách mạng trọn đời để rồi đi tiếp cuộc đời góa phụ của mình chung thủy với chồng ròng rã thêm 62 năm nữa tới ngày tạ thế.

Tôi đứng lên, xin phép chị Kiếm được thắp cho ông bà một nén nhang, chị Kiếm nói, còn ít ngày nữa là giỗ 49 ngày của bà rồi đó, thương má lắm. Tôi ngắm nhìn di ảnh của bà trên bàn thờ thật lâu, gương mặt thật phúc hậu của người phụ nữ Nam Bộ, thật kính trọng những hy sinh và đóng góp của ông bà cho Tổ quốc.

Thấy tôi ngồi im thật lâu , không nói gì. Chị Kiếm hỏi, chắc em đang suy nghĩ điều gì chăng ? Dạ, vâng. Em tính hỏi chị chuyện này, nhưng không biết có nên không ? Có gì đâu, chị Kiếm cười vui rồi bảo, em cứ hỏi, chị biết sự thật thế nào thì sẽ kể với em như thế thôi. Thưa chị, hôm trước ghé nhà , được anh Hổ kể chuyện lúc còn sống, bà luôn ưu tư về chuyện đảng tịch của mình. Bà cũng là lão thành cách mạng, được Nhà nước tặng thưởng huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất ( năm 1985 ) , huân chương kháng chiến hạng ba trong công cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc năm 1997 do chủ tịch nước Trần Đức Lương ký, nhưng sao bà lại không được tặng huy hiệu 60, 70 năm tuổi Đảng vì bà được kết nạp từ năm 1947 ? Đúng là em hỏi chuyện này, giọng chị Kiếm thật buồn, chị cũng không muốn kể, nhưng thôi, trước vong linh của bà, chị sẽ kể cho em để em cảm nhận nỗi đau của bà suốt từ sau ngày giải phóng 30/4/1975 cho tới tận lúc tạ thế ngày 4/11/2022 chỉ đau đáu rằng tôi không phản lại Đảng, phản lại lý tưởng của dân tộc mà chính vì lẽ đó, chồng tôi đã chiến đấu và hy sinh. Chị Kiếm kể , sau ngày ba chị hy sinh , tụi địch cũng để ý đến má chị và gia đình. Tình thế, bắt buộc phải để mấy người con cho ngoại trông coi, má chị phải dạt lên Biên hoà, nơi có cơ sở của cách mạng đóng vai người buôn bán lẻ ở chợ vừa kiếm tiền gửi phụ về cho ngoại nuôi con, vừa tham gia các công việc được tổ chức phân công . Bà con tiểu thương do má chị vận động cũng quyên góp được rất nhiều tiền để ủng hộ cho cách mạng, nhiều người là cơ sở nuôi dấu cán bộ hoạt động bí mật ở Biên hoà. Năm 1965, sau khi TW Cục cho người đón 2 anh Hùng và Hổ ra miền Bắc, đáng lẽ chị và em trai Hoàng Lê Dũng cũng đi luôn, nhưng má và ông ngoại thấy còn nhỏ quá, vả lại đưa đi hết như thế này nếu có mệnh hệ gì thì má sẽ không thể sống nổi, chiến tranh còn ác liệt lắm nên giữ 2 chị em ở lại. Thời gian hoạt động này của má cho đến ngày giải phóng 30/4/1975 rất nhiều người biết và xác nhận, trong đó có cả cô Đỗ Duy Liên ( sau này là PCT UBND tp.HCM ), Cô Chơn -vợ của chú Tư Ánh ( Trần Bạch Đằng ). Mặc dù có người xác nhận , nhưng ba chị thì hy sinh rồi, má không biết bấu víu vào đâu để xác định đảng tịch cho má liên tục trong giai đoạn từ năm 1947 đến 1960 khi ba hy sinh. Tình hình khi ấy rất phức tạp, nhiều cơ sở Đảng bị vỡ, nhiều cán bộ lãnh đạo hy sinh . Sau giải phóng một thời gian, Quận ủy Bình Thạnh có yêu cầu là kết nạp Đảng lại cho má để được sinh hoạt. Má chị đâu có chịu, tôi là đảng viên từ năm 1947, có sai phạm gì, sao lại có chuyện kỳ cục như thế này ? Má có khiếu nại lên thành phố, rồi cũng chẳng ai giải quyết ( có thể tp khi ấy còn nhiều việc phải làm, khiếu nại của một người vợ liệt sĩ như vậy là chuyện quá nhỏ? ) , năm tháng trôi đi, người ta cứ vận động để má được kết nạp Đảng lại, còn bà thì cương quyết cự tuyệt không làm chuyện ruồi bu đó và đương nhiên không ai coi bà là đảng viên cả, không sinh hoạt ở chi bộ nào ? Phải nói, những năm tháng ấy, má rất đau buồn, bà đã khóc hết nước mắt khi chồng bà bị giặc xử chém đầu vì lý tưởng cộng sản , giờ nước mắt của bà lại rơi vì những người đồng chí của bà bảo bà không phải là đảng viên đảng cộng sản? Chị Kiếm rơm rớm nước mắt, giọng chị như bị lạc đi, tôi đã nói với má khi đó, má ơi, cuộc đời của má đã quá nhiều đau thương, ba đã hy sinh cho lý tưởng cộng sản, giờ tình thế này, má không đồng ý cho chi bộ người ta kết nạp lại thì má đâu có chung đường với ba nữa ? Bà đã ôm tôi rồi khóc, má không thể làm chuyện đó được con gái ạ , má vẫn chung con đường với ba con, với dân tộc này, má vẫn là người đảng viên, đảng ở trong tim má từ năm 1947 khi đó má tuyên thệ rồi chứ không phải chờ tới ngày hôm nay. Trong con tim của má, Đảng ở trong đó, ba con ở trong đó và má sẽ thủy chung đến trọn đời dù có bị ai đó chê trách. Ngước nhìn tôi, chị Kiếm chậm rãi, ngày chị xét kết nạp đảng, phường và Quận họ cũng ghi về má chị như vậy là không phải đảng viên, nhưng không ghi lý do bị kỷ luật gì ? Chị phải nhờ các cô chú ở tỉnh ủy Tây Ninh chứng thực lại lý lịch và bảo lãnh , đến năm 1981 chị mới được kết nạp vào Đảng đó. Sau này, anh Hùng, anh Hổ và em Dũng cũng được kết nạp vào Đảng mà không vướng gì như chị lúc đầu. Sau giải phóng, chị Kiếm nói tiếp, má chị làm ở hợp tác xã kinh doanh mua bán hàng hoá của Quận, có lần họ đề xuất làm kinh doanh vàng bạc nhưng má cự tuyệt vì bà hiểu mình không có kinh nghiệm, sai phạm không ai cứu được. Tính bà rất cương trực, không thỏa hiệp làm sai, bà về nghỉ hưu thanh thản sống với con cháu. Hồi bà làm hồ sơ để Nhà nước xét tặng huân chương kháng chiến, mọi chuyện thật đơn giản, những công lao, đóng góp của bà đã được Nhà nước ghi nhận, bà bảo đó là niềm vui của một đảng viên lão thành như bà đã hết lòng cống hiến cho sự nghiệp cách mạng chung , nhưng người đảng viên ấy lại không được nhận thẻ đảng.?

Đáng lẽ câu chuyện của chị Kiếm kể cho tôi sẽ còn rất dài khi kể về những ký ức của người mẹ vừa quá cố , nhưng anh Hổ bước vô và nói : thôi, chuyện của bà nó vậy đủ rồi. Bà là con người rất khẳng khái, không muốn phải hạ mình để xin sỏ, cầu cạnh bất cứ ai để giải quyết việc riêng gì cho mình và con cháu. Tụi anh đi làm ở thành phố này miết cho tới ngày nghỉ hưu nhưng có bao giờ đòi hỏi gì của Nhà nước về đãi ngộ đâu , mặc dù có quyền ? Má vẫn nói, tụi bay về đây ở hết với tao và ngoại, nhà cửa để nhà nước phân cho những người có khó khăn hơn. Chị Kiếm thêm vào, hồi bà bệnh nặng lắm phải cấp cứu ở bệnh viện, trong cơn nửa mê, nửa tỉnh, bà đã hét lên như đang nói chuyện với ai đó : " tôi không phản bội Đảng, không phản bội lý tưởng, sao các người lại đối xử với tôi như thế ?". Và rồi ở hai khoé mắt của bà đã lăn những giọt nước mắt từ trong sâu thẳm.

Tôi kể lại câu chuyện này với lòng kính trọng bà Nguyễn Thị Nghi, vợ người anh hùng liệt sĩ Hoàng Lê Kha , một người phụ nữ Nam Bộ đã làm tròn trách nhiệm của mình trước Tổ quốc và gia đình khi nước nhà nguy biến tuy có nhiều nỗi đau riêng và ray rứt sau khi thống nhất đất nước. Ước gì trước đây người ta không vô tâm làm hồ sơ để công nhận đảng tịch cho bà thì hôm nay trên ngực áo kia của bà sẽ lấp lánh huy hiệu 70 năm tuổi đảng cho người đảng viên lão thành được kết nạp vào Đảng từ năm 1947 và để bà nơi suối vàng tự hào nói với chồng : anh ơi, Đảng luôn trong con tim của anh và em. Nhớ nhé, mãi mãi sống với lý tưởng cộng sản cao đẹp !

Trái tim người lính

phatloc@14

phatloc@14

09:01 12/03/2023

khi chồng bà bị giặc xử chém đầu vì lý tưởng cộng sản , giờ nước mắt của bà lại rơi vì những người đồng chí của bà bảo bà không phải là đảng viên đảng cộng sản? một câu nói hay.