Những điều ít biết về nhà khoa học thiên tài Einstein

An An (tổng hợp)

02/12/2021 23:30

Theo dõi trên

Einstein là nhà khoa học thiên tài. Cống hiến của ông cho nhân loại là vô cùng lớn. Bằng tài năng của mình, Einstein đã giúp con người thay đổi tư duy về cuộc sống, về vũ trụ.

albert-einstein-1638460600.jpg
Albert Einstein

 

Theo tác giả Thái Bình, Einstein sinh ngày 14/3/1879 tại Đức. Khi sinh ra, phần sau đầu của Einstein phát triển to hơn bình thường khiến gia đình ông lo lắng rằng Einstein có vấn đề gì đó nghiêm trọng. Tuy nhiên, vài tuần sau đó, hình dáng đầu lại trở nên bình thường.

Einstein bắt đầu biết nói năm 4 tuổi. Bố mẹ của Einstein đã nhờ đến sự trợ giúp của bác sĩ để khắc phục tình trạng chậm nói của ông. Nhà kinh tế học Thomas Sowell thậm chí còn đưa ra thuật ngữ "hội chứng Einstein" để mô tả những người thông minh hay có tài năng đặc biệt nhưng chậm nói khi còn nhỏ.

Ở độ tuổi đi học, Einstein không được coi là một học sinh giỏi. Thậm chí danh hiệu học sinh kém của Einstein còn làm xuất hiện những tin đồn như ông thi trượt môn toán. Tuy nhiên trên thực tế, Einstein đã làm quen và thành thạo với môn vật lý ở trình độ đại học khi chưa đầy 11 tuổi và một tay chơi violin cừ khôi và giành được nhiều điểm cao ở môn tiếng Latinh và Hy Lạp. Chưa đầy 15 tuổi, Einstein đã thành thạo các phép tính vi phân và tích phân.

albert-einstein-qua-doi-1638460661.jpg
Trước khi Albert Einstein qua đời, ông là bộ óc giá trị nhất thế giới. Ảnh: Getty Images

Trước khi Einstein và người vợ đầu tiên của ông là Mileva Marić kết hôn, Mileva đã bí mật sinh con gái của họ tại nhà bố mẹ đẻ tại Serbia. Tuy nhiên, cô con gái Lieserl lại không có thân phận rõ ràng. Về cơ bản, các hồ sơ liên quan đến Lieserl biến mất sau khi sinh. Đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra chứng cứ cho thấy Einstein từng nhìn thấy con gái.

Sau khi kết hôn, Einstein đặt ra một bộ quy tắc yêu cầu người vợ Mileva thực hiện theo, trong đó có những yêu cầu như Mileva phải chuẩn bị 3 bữa ăn mỗi ngày, ngưng nói khi ông yêu cầu và không được mong chờ sự quan tâm thân mật từ ông.

Ngay từ nhỏ, Albert Einstein đã ghét phải mang một quốc tịch nhất định, cho rằng thật lý tưởng nếu được là "công dân thế giới". Năm 1895, ông bỏ quốc tịch Đức khi 16 tuổi và trở thành người không quốc tịch cho tới năm 1901 mới nhập tịch Thụy Sĩ.

Wikipedia viết: Khi bắt đầu sự nghiệp của mình, Einstein đã nhận ra cơ học Newton không còn có thể thống nhất các định luật của cơ học cổ điển với các định luật của trường điện từ. Từ đó ông phát triển thuyết tương đối đặc biệt, với các bài báo đăng trong năm 1905. Tuy nhiên, ông nhận thấy nguyên lý tương đối có thể mở rộng cho cả trường hấp dẫn, và điều này dẫn đến sự ra đời của lý thuyết về hấp dẫn trong năm 1916, năm ông xuất bản một bài báo về thuyết tương đối tổng quát.

einstein-1638460771.jpg
Bàn làm việc bừa bộn của Albert Einstein sau khi ông qua đời. Ảnh: Getty Images

Ông tiếp tục nghiên cứu các bài toán của cơ học thống kê và lý thuyết lượng tử, trong đó đưa ra những giải thích về lý thuyết hạt và sự chuyển động của các phân tử. Ông cũng nghiên cứu các tính chất nhiệt học của ánh sáng và đặt cơ sở cho lý thuyết lượng tử ánh sáng. Năm 1917, Einstein sử dụng thuyết tương đối tổng quát để miêu tả mô hình cấu trúc của toàn thể vũ trụ.

Einstein đã công bố hơn 300 bài báo khoa học và hơn 150 bài viết khác về những chủ đề khác nhau, ông cũng nhận được nhiều bằng tiến sĩ danh dự trong khoa học, y học và triết học từ nhiều cơ sở giáo dục đại học ở châu Âu và Bắc Mỹ. Ông được tạp chí Time bầu chọn là người có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20.

Theo Thu Hằng/Báo Tin tức, trước khi qua đời Albert Einstein nói với gia đình rằng ông không muốn để thi thể phục vụ nghiên cứu. Nhưng chỉ vài tiếng sau khi nhà bác học ngưng thở, một bác sĩ khám nghiệm y khoa đã đánh cắp bộ não của ông.

Khi Einstein được đưa gấp tới bệnh viện vào tháng 4/1955, ông biết rằng mình đã đi đến cuối con đường. Nhưng nhà vật lý thiên tài người Mỹ gốc Đức 76 tuổi đã sẵn sàng. Ông thông báo với các bác sĩ bằng sự rõ ràng của một phương trình toán học rằng ông không muốn nhận sự chăm sóc y tế. “Tôi muốn ra đi khi nào tôi muốn”, ông nói. “Thật vô vị khi kéo dài sự sống một cách giả tạo. Tôi đã làm xong bổn phận của mình, đã đến lúc phải đi. Tôi sẽ làm điều đó một cách thanh lịch”.

Khi Albert Eistein qua đời vì chứng phình động mạch chủ bụng vào ngày 17/4/1955, ông để lại một di sản vô song. Nhà khoa học có mái tóc xoăn trở thành một biểu tượng của thế kỷ 20, ông kết bạn với huyền thoại Charlie Chaplin, thoát khỏi Đức Quốc xã khi chủ nghĩa độc tài lấn lướt và đi tiên phong trong một mô hình vật lý hoàn toàn mới. Điều kỳ lạ là Eistein được tôn kính đến mức chỉ vài giờ sau khi ông qua đời, bộ não gây tò mò của ông đã bị đánh cắp khỏi thi thể và được cất giấu trong bình thủy tinh tại nhà một bác sĩ. Và mặc dù cuộc đời của Einstein đã được lịch sử ghi lại một cách nghiêm túc, cái chết và hành trình kỳ lạ với bộ não của ông cũng đáng được xem xét tỉ mỉ không kém.

Nguyên nhân cái chết được dẫn giải: Vào ngày cuối cùng trong cuộc đời, Einstein đang bận rộn viết bài phát biểu cho buổi xuất hiện trên truyền hình nhân kỷ niệm 7 năm ngày thành lập Nhà nước Israel thì hứng chịu cơn phình động mạch chủ bụng (AAA), một tình trạng trong đó mạch máu chính của cơ thể (động mạch chủ) trở nên quá lớn và bục ra. Einstein từng trải qua tình trạng như vậy trước đây và đã phẫu thuật khắc phục vào năm 1948. Nhưng lần này, ông từ chối phẫu thuật. Khi Albert Einstein qua đời, một số người suy đoán rằng nguyên nhân cái chết của ông có thể liên quan đến bệnh giang mai.

Theo một bác sĩ từng là bạn với nhà vật lý, bệnh phình động mạch chủ có thể xuất phát từ bệnh giang mai, một căn bệnh mà một số người cho rằng Einstein, "một người có đời sống tình dục mạnh mẽ," có thể mắc phải. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào về bệnh giang mai được tìm thấy trong cơ thể hoặc não của Einstein trong cuộc khám nghiệm tử thi sau khi ông qua đời.

Nguyên nhân cái chết của nhà bác học có thể do một yếu tố khác: thói quen hút thuốc suốt đời của ông. Theo một nghiên cứu khác, đàn ông hút thuốc có nguy cơ cao hơn 7,6 lần mắc chứng phình động mạch chủ gây tử vong. Mặc dù các bác sĩ đã nhiều lần yêu cầu Einstein bỏ thuốc lá, nhưng thiên tài hiếm khi cai hút được lâu.

 

(Bài viết và ảnh được tổng hợp từ nhiều nguồn)

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Những điều ít biết về nhà khoa học thiên tài Einstein" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn