Những điều rút ra từ Hương ước cổ làng Mỹ Lộc       

Hương ước là lệ làng được văn bản hóa, do dân làng đóng góp và soạn thảo, trong đó có đầy đủ những quy định về cơ cấu tổ chức, về bầu bán, bãi miễn chức vị, phân bổ thuế má, chia ruộng đất, nội quy tuần phòng, lễ nghi, tín ngưỡng, tang ma, tương trợ người nghèo, khai sinh, khai tử, học hành và xử phạt các loại vi phạm…

Hương ước đảm bảo tính chất dân chủ và tính cố kết cộng đồng, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của từng làng. Mỗi năm hương ước lại được đọc lại một lần tại đình làng, để nhắc nhở mọi thành viên trong làng thực hiện cho đúng với những điều đã đề ra. PGS TS Cung Khắc Lược có nhiều năm công tác ở Viện Hán Nôm, là người từng dịch nhiều bản hương ước cổ, đánh giá rất cao bản Hương ước cổ làng Mỹ Lộc có nhiều nội dung tiến bộ vẫn mang tính thời sự. 

huong-uoc-1-1621993956.jpg

Trang 1 và trang 2 bằng chữ nho Hương ước cổ làng Mỹ Lộc, xã Định Tiến, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá.

 

I/ Đôi nét về Hương ước cổ làng Mỹ Lộc

Hương ước cổ xã Mỹ Lộc, tổng Yên Định, Phủ Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hóa, nay là làng Mỹ Lộc, xã Định Tiến, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa lập ngày 24 tháng 2 năm Thiệu Trị 7 tức là năm 1847, cách nay 174 năm.

Đây là bản Hương ước cổ dày 20 trang, viết bằng chữ nho, trang cuối có ghi Hội đồng biên soạn Giáp nhất gồm 18 vị hương lão là những người có uy tín trong làng xã lúc bấy giờ, có liệt kê họ tên, chức sắc từng vị; trong đó tả văn (chép bút) do hai ông Nguyễn Văn Chân và Vũ Đình Chiến.

wp-20190711-07-21-34-pro-1621994333.jpg
 
wp-20190711-07-22-54-pro-1621994415.jpg
 

Hai ảnh trên: Trang đầu và trang thứ hai chép tay của PGS TS Cung Khắc Lược dịch sang tiếng Việt Hương ước làng Mỹ Lộc, xã Định Tiến, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá.

Năm 1997, ông Nguyễn Văn Khuê lúc đó 90 tuổi, nguyên là tiên chỉ, là một trong những hương lão cao niên nhất của làng Mỹ Lộc khi đó đã giữ được bản Hương ước này, coi đó như báu vật trao lại cho hậu thế tham khảo (ông Nguyễn Văn Khuê cũng đã qua đời). Nhưng bản Hương ước lại viết bằng chữ nho, trong làng vẫn còn một số cụ biết loại chữ này nhưng không đủ khả năng dịch hết được. Còn thế hệ trong làng tuy có nhiều người học cao, văn hóa khá nhưng hầu như không ai học chữ nho mà học các tiếng Anh, Pháp, Nga…nên không dịch được. Ông Nguyễn Văn Khuê đã giao bản Hương ước của làng Mỹ Lộc cho ông Lê Duy Kiềm (Kim). Ông Kim lại đưa bản Hương ước làng Mỹ Lộc cho ông Vũ Quý Thu khi đó ở Hà Nội trong một lần về quê. Giữa năm 1997, ông Vũ Quý Thu  đã mang bản Hương ước làng Mỹ Lộc bằng chữ nho đến thăm, đưa cho tôi (Vũ Xuân Bân khi đó đang công tác tại Ban biên tập Tin trong nước- Thông tấn xã Việt Nam – 5 Lý Thường Kiệt – Hà Nội) bản Hương ước đó, dặn dò: “Cháu là người học lịch sử, có chuyên môn về việc này. Cháu nhờ người quen biết hoặc thuê người biết chữ nho dịch bản Hương ước này xem nói những gì rồi chuyển cho chú gửi về quê”.

wp-20190711-08-27-51-pro-1621994632.jpg
 

 Danh sách 18 vị hương lão soạn thảo Hương ước làng Mỹ Lộc ghi ở trang cuối bản Hương ước do PGS TS Cung Khắc Lược dịch ngày 10/6/1997.
 

Được ông Vũ Quý Thu giao việc Làng, mặc dù bận nhiều viêc chuyên môn của cơ quan khi đó, tôi cũng không biết chữ nho, đang loay hoay tìm người dịch thì trong đơn vị công tác có bạn đồng nghiệp cùng học khoa Sử khoá 13 (1968 -1972) Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học khoa học xã hội và nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội) là Phan Khôi bảo với tôi sẽ giúp tìm người dịch. Rất may là bạn đồng nghiệp, đồng môn quen biết giới thiệu, nhờ Phó Giáo sư, Tiến sĩ Cung Khắc Lược công tác nghiên cứu tại Viện Hán Nôm là người uyên bác về Hán Nôm dịch, chú giải bản Hương ước 20 trang A4 chữ Nho với giá hữu nghị 60.000đ/trang. Tôi đồng ý với giá dịch này. Sau khi dịch xong trao bản dịch cho tôi, lẽ ra hết 1.200.000đ nhưng PGS TS Cung Khắc lược chỉ lấy tiền công dịch 1.000.000đ, còn ủng hộ địa phương 200.000đ. Trước đó, tôi đã nói với PGS TS Cung Khắc Lược là dịch cho địa phương, ông ta cứ tưởng địa phương trả tiền nhưng trả tiền công dịch cho PGS TS Cung Khắc Lược là tiền cá nhân của tôi chứ không phải tiền của địa phương. Bản dịch viết tay của PGS TS Cung Khắc Lược hiện tôi vẫn lưu giữ cẩn thận cùng bản photocopy bằng chữ nho.  

wp-20190711-07-25-25-pro-1621994719.jpg
 
wp-20190711-07-25-54-pro-1621994777.jpg
 

Hai ảnh trên:  Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 2 (297) (III – IV) 1998 đăng bài viết “Hương ước làng Mỹ Lộc” của Vũ Xuân Bân tại trang 81 đến trang 84.

Theo đề nghị và gợi ý của PGS TS Cung Khắc Lược, cuối năm 1997, tôi đã viết bài “Về Hương ước làng Mỹ Lộc cách đây 150 năm”, được mời dự hội nghị thông báo kết quả nghiên cứu khoa học thường niên năm 1997 vào dịp cuối năm tại Viện Hán Nôm để trình bày bài viết nói trên. Nhưng vì họp chỉ một buổi sáng, tôi cùng nhiều tác giả có bài viết không có thời gian trình bày mà bài viết đó được in phát lưu hành cho các các đại biểu tham dự hội nghị. Trên cơ sở bản tham luận đó, tôi về viết bài “Hương ước làng Mỹ Lộc” đăng tại trang 81 đến trang 84 Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 2 (297) (III – IV) 1998 (Tôi vẫn lưu giữ Tạp chí Nghiên cứu lịch sử này). Đồng thời, tôi trao cho ông  Vũ Quý Thu một bản dịch photocopy để gửi về quê. Đến nay các ông Lê Duy Kiềm (Kim), Vũ Quỹ Thu đều đã qua đời. 

 Xem xong bản dịch Hương ước cổ làng Mỹ Lộc, ngay giữa năm 1997, tôi giật mình vì loại trừ những phần hạn chế về lễ giáo phong kiến, nhiều nội dung trong bản Hương ước thể hiện trật tự kỷ cương, truyền thống văn hóa"tình làng nghĩa xóm” khá điển hình ở vùng đồng bằng Bắc Trung Bộ. Những quy định trong bản hương ước đã in sâu trong tâm trí người dân từ bao đời nay để thực hiện, có giá trị thực tiễn lớn trong việc vận dụng Xây dựng nông thôn mới phục vụ cho chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Điều đáng lưu ý, nhiều bản Hương ước làng xã hiện nay soạn thảo không tham khảo các Hương ước xưa kia của cha ông để kế thừa tinh hoa truyền thống tốt đẹp, dù trình độ văn hoá hiện nay được học hành hơn các cụ ngày xưa nhưng không ít địa phương soạn thảo Hương ước rất hời hợt, thiếu chặt chẽ và cụ thể, khó thực hiện, mang tính hình thức. 

wp-20190711-07-19-47-pro-1621994962.jpg
 

Thư của PGS TS Cung Khắc Lược gửi anh Phan Khôi đề ngày 14/6/1997 nhờ chuyển cho Vũ Xuân Bân để trả tiền dịch Hương ước làng Mỹ Lộc 20 trang với giá 60.000đ/trang.

Có việc về quê, tôi tranh thủ ra Nghè của làng Mỹ Lộc thắp hương vào ngày đầu tháng (Nghè cũ bị phá hoàn toàn, dân làng đóng góp dựng tạm một gian lợp ngói trên nền cũ để thắp hương cúng bái vào dịp ngày đầu tháng và ngày rằm âm lịch giữa tháng, vì mọi người nghiệm thấy Nghè này rất thiêng). Phía trước Nghè dựng tạm này có viết mấy chữ nho và dịch ở phía dưới là Đông Hải Đại Vương, tức ông Nguyễn Phục, là thần Hoàng làng Mỹ Lộc. 

Theo Bách khoa toàn thư  (vi.wikipedia.org): Đông Hải Đại Vương (chữ Hán: 東海大王) hay Nguyễn Phục (阮復) hay còn gọi Phục Công (復公) hiệu là Tùng Giang tiên sinh (松江先生) là một vị quan thời Lê sơ trong lịch sử Việt Nam. Ông quê Thôn Đông, xã Đoàn Tùng (sau đổi là Đoàn Lâm), huyện Trường Tân, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay là Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương). Ông mất ngày 20 tháng 10 năm Canh Dần (1470). Ông được mai táng tại Nam Đường, nay là xã Quảng Trường, Sầm Sơn, Thanh Hóa. Vua Lê Thánh Tông truy phong Đốc lương quan Nguyễn Phục tước "Đại vương biển Đông Hải)

Ông từ trông coi Nghè đưa cho tôi xem bản Hương ước làng Mỹ Lộc viết tay đã mờ và bản đánh vi tính đề tháng 5/2001 có đề tên hai người sưu tầm và chỉnh lý nhưng không nói rõ sưu tầm từ đâu, do ai cung cấp bản dịch, tuy phía dưới có đề tên người dịch là PGS TS Cung Khắc lược (Có lẽ do ông Vũ Quý Thu cung cấp bản dịch). Tôi đã đọc qua bản viết tay và bản đánh vi tính lưu giữ ở Nghè làng Mỹ Lộc thấy không ổn lắm vì có những chi tiết không chính xác. Ví dụ như Hội đồng biên soạn bản Hương ước này gồm 18 vị hương lão là những người có uy tín trong làng lúc bấy giờ nhưng trong bản Hương ước đánh vi tính tháng 5/2001 lưu giữ tại Nghè ghi là 16 vị hương lão.  

wp-20190711-07-20-32-pro-1621995056.jpg
 

Bút tích của PGS TS Cung Khắc Lược gợi ý viết bài giới thiệu Hương ước làng Mỹ Lộc để trình bày tại Hội nghị khoa học hàng năm toàn quốc năm 1977 của Viện Hán Nôm. 

Điều quan trọng nữa, mở đầu bản Hương ước có bài “Văn khấn Thần Hoàng” rất hay thì cả bản chép tay và đánh vi tính đều không có bài “Văn khấn Thần Hoàng” được soạn thảo với lời văn rất súc tích, được các cụ ngày xưa cúng rất linh nghiệm. Bài văn khấn này cần phổ biến cho dân làng biết để cúng thì lại không có. Trong khi đó, dân làng ra Nghè thắp hương Thần Hoàng Đông Hải Đại Vương Nguyễn Phục khấn vái lia lịa, cứ A di đà phật liếng thoắng… mỗi người tụng niệm một phách, chẳng đâu vào đâu, không đi vào trọng tâm cầu khấn mà các hương lão xưa đã đúc kết soạn thảo bài Văn khấn rất hay. Nghè không phải là chùa. Nghè thờ Thần Hoàng làng. Còn chùa là thờ Phật. Khi thắp hương cúng ở chùa thì mở đầu bằng Adi đà phật. Còn khi cúng ở Nghè mở đầu bằng A di đà Phật là không chuẩn. Trong bản Hương ước hướng dẫn cụ thể nội dung cúng bái tại Nghè làng Mỹ Lộc không có ghi A di đà phật, vì thế không thể tuỳ tiện, thiếu hiểu biết, hiểu biết không tường tận, đến nơi đến chốn, truyền nhau cúng bái sai nội dung dẫn đến mê tín dị đoan, sẽ bị Thần Hoàng làng quở trách.

Do đó, sự cần thiết là phải chép nguyên văn bản dịch bản Hương ước làng Mỹ Lộc do PGS TS Cung Khắc lược dịch và phổ biến rộng rãi bài Văn khấn Thần Hoàng làng cho dân làng biết để khấn cho đúng bài, khắc phục tình trạng sưu tầm, chỉnh lý tuỳ tiện, không đúng với nội dung bản Hương ước gốc. 

wp-20190603-07-53-15-pro-2-1621995300.jpg

Sau khi thắp hương, làm công đức, tác giả bài viết (bên trái) chụp ảnh kỷ niệm cùng ông từ Nguyễn Văn Viện trông coi Nghè làng Mỹ Lộc.

II/ Điểm qua nội dung Hương ước cổ 

Bản Hương ước cổ làng Mỹ Lộc, xã Định Tiến, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa gồm 2 phần:

-Văn khấn Thần Hoàng.

- Các tiết mục lễ nghi.

1/Mở đầu phần "Văn khấn Thần Hoàng” ghi niên hiệu Thiệu Trị 7 năm Đinh Mùi, tháng 2 Quý Mão, ngày mồng 1 Tân Hợi, ngày 24 Giáp Tuất (Niên hiệu Thiệu Trị từ năm 1841-1847, năm thứ 7 của niên hiệu này là năm 1847, âm lịch là năm Định Mùi). Sau khi nêu tên làng, tổng, huyện, phủ, tỉnh, bản văn khấn nêu thành phần tham gia biên soạn gồm "các quan viên, hương lão, lý trưởng, trùm trưởng, lãnh binh cùng đông đủ các vị trên dưới kính cẩn dâng sính lễ, báo cáo trước tôn thần là Đông Hải linh ứng huệ trạch hoằng hiệp quản nhuận:  

Lòng thành tín ngưỡng

Tinh thần hiếu nghĩa

Thiết tha giữ gìn

Y Lời nói tin theo, đi đôi thực tế

Lễ nghĩa cốt ở hoà mục

Triều đại tốt đẹp, vốn có nhiều phương chăm lo nền chính trị, lấy giáo hóa nâng cao dân trí.

Nay bản ấp tuân nghi thức Quốc gia, chia thành các tiết mục để tiện cho dân theo đó mà làm

 Kính lạy mà báo cáo

Ngửa xin thần chứng minh

Lễ bạc đơn sơ

Lòng thành trung hậu

Chất phác thuần tuý

Nhân nghĩa khiêm nhường

Mỹ tục lâu đời

Xin cho ngày ngày tai qua nạn khỏi

Xin cho ngày ngày phúc lộc đem về

Xin được bình an khang thái, phồn vinh hạnh phúc.

Thành thực ơn nhờ thần

Âm thầm che chở

Cuối đầu kính xin!

2/ Về phần "Các tiết mục lễ nghi": Trong phần này có 72 điều ước quy định khá toàn diện về các lĩnh vực thờ cúng, lễ hội từng tháng trong năm, về bảo vệ trật tự trị an, về gia phong mỹ tục kính trên nhường dưới, về khuyến học, trọng người tài, về quyền và nghĩa vụ của các thành viên trong làng đối với việc thực hiện điều ước để cùng nhau xây dựng làng xóm kỷ cương, tương thân, tương ái "tắt lửa tối đèn" có nhau, ...

 Ngoài những nội dung chủ yếu nói trên, Hương ước cổ làng Mỹ Lộc còn nhấn mạnh về tiêu chuẩn, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu làng (lý trưởng), đứng đầu các hội quần chúng (trùm trưởng) là khâu quyết định nhất trong việc thực hiện các điều khoản trong Hương ước.

III/ Vài nhận xét về Hương ước cổ làng Mỹ Lộc

Bản Hương ước của làng Mỹ Lộc được lập ra thời vua Thiệu Trị cách nay 174 khi mà chế độ phong kiến triều Nguyễn đang ở giai đoạn thịnh trị, thể hiện thiết chế làng xã hội khi đó khá chặt chẽ. 

Trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ, Hương ước làng Mỹ Lộc mang nặng lễ giáo phong kiến nhưng cũng có nhiều nội dung cho đến nay vẫn mang tính thời sự bức xúc. Các quy định trong Hương ước như là “luật tục" đã trở thành "lệ làng" để mọi người ghi nhớ thực hiện. Ngoài những qui ước về lễ tết theo phong tục từ bao đời nay như tháng Giêng có Tết Nguyên đán lễ Thần Hoàng làng và tổ tiên trong 3 ngày, tháng 5 tiết Đoan Dương (Tết Đoan Ngọ) có lễ hạ điền, tháng 7 có lễ "xá tội vong nhân", tháng 8 tiết Trung Thu có lễ Nhương Trùng tức dâng tiến côn trùng (giết sâu bọ) cầu mong chúng đừng phá hoại muà màng... cùng các quy định về lễ nhà chùa. Điều đáng chú ý nhất trong Hương ước cổ làng Mỹ Lộc là có lễ Hội đình để chọn một lý trưởng, chọn người bầu làm thủ bạ, thủ khoán, chọn người đứng đầu các hội quần chúng (trùm trưởng). 

Từ xa xưa, việc chọn lý trưởng để lãnh đạo làng và người đứng đầu các hội quần chúng đã nhấn mạnh đến tiêu chuẩn như sau: Chọn ra một lý trưởng gia tư phải sung túc, ít nhiều thông tỏ kham nổi mọi công việc chốn đình trung. Phàm mọi việc như binh, đinh, thuế khoá, phòng ngự nhất nhất đều phải siêng năng, tích cực để giữ yên cho làng xã. Đối với người đứng đầu các đoàn thể quần chúng phải biết chữ và biết làm các việc trong làng như việc binh, đinh, thuế khoá, có thể biểu thị cho người dưới thông hiểu để chấp hành. Phải lấy căn cứ dựa vào lý trưởng mà trưng nạp sao cho mọi người được rõ ràng, minh bạch, nhất thiết phải thận trọng chắc chắn. Phải thông sáng cả việc ruộng đất, vườn ao xứ sở, biết chọn ngày đặt thượng lương, cất nóc, nắm địa rạch các gò đồi, xem con nước và phòng thủy. Mọi việc tự mình xem xét, kiểm tra, kiểm soát. Nếu xảy ra chỗ nào thiếu sót dù nhỏ thì cũng phải sai bắt tuần phu bồi bổ. Nếu chỗ nào xảy ra sai sót lớn thì phải sai bắt dân phu bồi đắp cho chắc chắn. Người trùm trưởng không được biếng nhác và không thể để có nhiều sai sót... Như vậy, người được chọn làm lãnh đạo làng và các Hội quần chúng phải là người vừa có khả năng kinh tế gia đình nhất định vừa có năng lực hoạt động thực tiễn khá toàn diện. 

Bên cạnh việc chú trọng chọn người đứng đầu làng và các hội quần chúng, Hương ước cổ làng Mỹ Lộc quy định khá chỉ tiết về quyền và nghĩa vụ của người dân đối với làng với nước. Chẳng hạn về việc binh, dân đinh đến tuổi 18 vào Hương ẩm (là các hội quần chúng) phải đóng tiền liễm, chiụ một nửa. Dân đinh đến tuổi 20 tráng niên thì phải làm đương sai. Dân đinh đến tuổi 46 được miễn sai dịch... Người dân đinh tráng kiện theo việc binh nhung thì được miễn các điều khoản trên cho tới tuổi 55. Hết hạn binh nhung trở về bản xã thì được coi như hàng quan viên...Người đang theo việc binh nhung ở trong quân ngũ được cấp khoản tiền đinh phu khi đi đường nghỉ ngơi ăn uống hay chè thuốc, được cấp tiền, lương thực hàng tháng mỗi người là một quan và tiền quần áo nhà binh, được cấp ruộng ở một số xứ đồng.

Bảo vệ trật tự trị an làng xóm là một trong những nội dung trọng yếu của Hương ước cổ làng Mỹ Lộc. Hàng năm, trùm trưởng bàn cứ theo thứ tự luân lưu, kiểm soát, cắt cử dân phu tuần phòng trong làng xóm để giữ an ninh dân cư và đến 30 tháng Chạp là hạn phải bàn giao. Nếu lười nhác công việc trên và trong các giấy tờ, số sách để có điều sai trái thì phải xử phạt, không được hưởng lợi tức trong năm ấy. Trong quá trình tuần phòng, nếu bắt được trộm cướp lấy trâu bò và tài vật thì được hưởng 1 quan 2 tiền. Nếu bất được kẻ trộm lấy các sản vật hoa màu thì được thưởng tiền là 3 mạch. Một buồng cau thì được 3 văn. Các khoản trên đây tuỳ theo phận sự, vụ việc mà được hưởng lợi. Nếu khi làm phận sự mà bất cẩn thì phải bồi thường theo định lệ... Nếu nhà nào không cẩn thận để xẩy ra lửa cháy thì phải xuất tiền lễ tống hỏa và còn bị phạt l quan 2 tiền để cảnh cáo. Nếu như vào chiều hôm, tối đến mà ngõ nào xảy ra có trộm cướp thì người thủ bạ phải gióng chiêng con 1 hồi 1 tiếng làm hiệu lệnh. Ở bên ngoài các ngõ đã có ngoại tuần phải kịp thời nhanh chóng mà định phương truy nã trộm cướp. Còn nội tuần ở bên trong các ngõ, tức tuần coi đêm ở điếm nghe thấy hiệu lệnh phải tức khắc tuỳ phương mà truy nã. Còn lý trưởng và viên chức các ngõ, bấy giờ phải cất ra 3,5 hoặc 6 người , hễ nghe thấy hiệu lệnh phải tức khắc truy nã, cốt sao bắt cho kỳ được kẻ trộm cướp. Nếu đã thấy được kẻ trộm cướp thì người thủ bạ lại phải gióng chiêng con 1 hồi 1 tiếng để nghiệm báo. Khi nghe thấy hiệu chiêng nghiệm báo đó mà những người đang truy nã vẫn cứ điềm nhiên không lao vào bắt thì sẽ xét định xử phạt là" vô lệ luật. Để nêu cao cái nghĩa "tương trợ lẫn nhau giữa những người cùng trông coi bản ấp"... Lệ chơi xuân chỉ được trong tháng Giêng. Nếu quá hạn định đó, người nào rời bỏ đất cát, đánh cờ chơi bạc mà phát giác ra thì người ấy phải phạt 3 quan tiên. Người cùng bàn với người ấy cũng bị phạt đánh 30 roi. Trong làng xã, ai bắt được người chơi cờ bạc thì được thưởng 1 quan tiền... Truyền thống trọng nhân tài cũng được thể hiện rất rõ trong Hương ước cổ làng Mỹ Lộc: Văn giai thi đỗ được treo bảng thì được bản xã nghênh đón. Tú tài thì nghênh đón tại địa phận bản xã. Cử nhân và tiến sĩ thì nghênh đón tại địa phận bản Tổng, rồi rước về nhà từ đường dự lễ yết. Lễ nạp vọng gồm có: bò 1 con, gạo nếp, gạo tẻ, trầu, rượu đủ và ca hát một chầu. Đến ngày lễ gia tiên, văn giai có mời bản xã uống rượu, bản xã có tiền khánh hạ (tiền mừng). Số tiên mừng tuỳ theo: Tú Tài là 3 quan, Cử nhân là 6 quan, Tiến sĩ là 10 quan. 

Đối với kẻ sĩ trúng khoá thi có văn bằng thì nạp tiền khao vọng 20 quan và lễ vật gồm gạo nếp, gạo tẻ, trâu, rượu, tính trị giá tiền bằng 5 quan. Còn vị thứ ngồi thì ở dưới trùm trưởng, khi đình miếu có ca hát thì ngồi ở một hàng bên tả. Kẻ sĩ nếu lần thi sau lại trúng thì được miễn các khoản công dịch và hương dịch. Còn nếu thi tiếp không trúng cũng vậy. Kẻ sĩ chưa có văn bằng mà đang theo học muốn được miễn công dịch và hương dịch thì phải nộp 6 mạch tiền. Nếu có văn bằng mà chưa khao vọng vì vẫn còn đang học thì cũng được miễn như vậy.

Về gia phong, Hương ước cổ làng Mỹ Lộc quy định rất khất khe: Nếu con trai, con gái phải lòng nhau, có chửa trước rồi mới cưới (tiền dâm hậu thú) thì cả 2 đều phải đánh 30 roi bị phạt 1 quan 2 tiền. Nếu con gái, đàn bà dâm mà có chửa thì phải phạt tiền là 10 quan. Cha mẹ người ấy cũng phải phạt tiền là 3 quan. Nếu người ấy và cha mẹ không tuân theo thì có giấy trình lên trên. Nếu trong làng có việc cãi lộn, chưởi bởi, đánh nhau nhẹ thì phạt 1 quan 1 tiền.Nếu người dưới chưởi bới người trên, nếu con hay em còn ít tuổi mà chửi bới, đánh đập cha mẹ hay anh chị, hay thầy giáo thì đó là hành vi bất hiếu, bất mục và làm loạn đạo thường. Các hiện tượng đó, bản xã có tờ trình lên trên. Nếu vào buổi chiều hay tối hôm yên tĩnh mà cãi nhau, chưi nhau, đánh lộn làm huyên náo xóm làng thì phải phạt 6 mạch tiền. 

Hương ước cổ làng Mỹ Lộc còn quy định phải kính trọng người cao tuổi, giữ vững thuần phong mỹ tục như: Các vị hương lão là những người tuổi cao đức trọng. Có việc các vị chỉ giáo răn giới con cháu. Con cháu nên kính cẩn tiếp thu lời dạy bảo, sự răn giới đó, chứ không được ăn nói quá lời làm trái ý các bậc phụ lão, cũng không được bướng bỉnh, biếng nhác làm phật lòng các cụ. Những điều quá lời, những sự biện bác ấy đều thuộc vào sự "bất hiếu", "bất tốn" (vô lễ, không khiêm tốn), phải xét xử phạt, chứ không tha thứ để biểu thị tỉnh thần trọng nghĩa "già ra già, lớn ra lớn” (chứ không thể cá mè một lứa).

Trong làng (xã) nếu có người điêu toa lắm chuyện, đùa văn rối trí, đảo lộn phải trái, giả uy, ỷ thế, tố giác hết việc này đến việc nọ, thì kẻ ấy khinh nhờn đạo thường, làm hại phong tục. Người trên kẻ dưới trong làng (xã) phải tuỳ thuận theo tình hình mà xa lánh không dây vào...

Hương ước cổ làng Mỹ Lộc còn đề cập khá cụ thể việc tổ chức tang lễ, việc cải táng, tôn trọng mồ mả tổ tiên, phân chia sử dụng các loại ruộng công điền, việc dựng vợ gả chồng, giúp nhau xây cất nhà cửa thể hiện sâu nặng tình làng nghĩa xóm. Truyền thống làng xã đã hình thành từ lâu đời chính là nét đẹp văn hóa cần phải chắt lọc để giữ gìn và phát huy cho phù hợp với nếp sống mới hiện nay.

III. Ý nghĩa của Hương ước cổ làng Mỹ Lộc

1. Hơn 65% dân số nước ta hiện nay là nông dân sống bằng nghề nông tại các làng, xã. Làng nước gắn liền với nhau, nhưng trước hết vẫn là làng, nơi họ sinh thành ràng buộc với nhau bằng những "lệ làng" đã hình thành từ bao đời nay lắng sâu vào lòng người truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Làng có ổn định thì nước mới ổn định. Ngược lại nước có ổn định mới tạo điều kiện cho làng phát triển kinh tế - xã hội theo hướng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Xây dựng làng xã văn hóa mới gắn với xây dựng nông thôn mới theo mục tiêu đó đang là vấn đề thời sự hiện nay.

2. Hương ước cổ làng Mỹ Lộc tuy đã 174 năm, nhưng nhiều nội dung trong Hương ước có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc trong việc vận dụng Xây dựng qui ước làng văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới hiện nay như việc tổ chức thờ cúng, lễ hội, việc chay, việc cưới, khuyến học, trọng dụng người tài, người cao tuổi, bài trừ các hủ tục, mê tín dị đoan, nâng cao dân trí.

3. Đề cập về quyền dân chủ của mọi thành viên trong làng, Hương ước cổ làng Mỹ Lộc đã nêu rõ quyền và nghĩa vụ cũng như trách nhiệm bảo vệ trật tự trị an, dân chủ bầu chọn người xứng đáng lãnh đạo làng, xã và các hội đoàn quần chúng, giữ vững kỷ cương thuần phong mỹ tục và những nét đẹp truyền thống văn hóa của làng xã cần chọn lọc giữ gìn, phát huy gắn với xây dựng nông thôn mới.

IV. KẾT LUẬN

Bối cảnh hiện nay, chúng ta xây dựng nếp sống văn minh làng xã văn hóa mới gắn với xây dựng nông thôn mới cực kỳ quan trọng. Tuy chúng ta đang tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá nhưng nước ta vẫn hơn 65% dân số ở nông thôn sống bằng nghề nông. Tư duy của người Việt từ bao đời nay coi nông nghiệp là gốc của mọi thứ trong xã hội "Canh nông vi bản". Thực tế cho thấy ở Việt Nam trong chặng đường quá độ lên Chủ nghĩa xã hội, nông nghiệp vẫn là trụ đỡ để công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, trong đó văn hoá được xác định là một trong những trụ cột phát triển bền vững. Chúng ta cần khai thác những tinh hoa vốn có về truyền thống văn hoá làng xã của cha ông xưa như Hương ước cổ làng Mỹ Lộc, loại bỏ những nội dung không thích hợp, đồng thời phát huy những điểm tích cực cho phù hợp yêu cầu xây dựng nông thôn mới phục vụ cho chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.     

Ngẫm nghĩ về tiến trình và đặc điểm lịch sử của dân tộc ta bên bờ biển Đông luôn luôn phải đoàn kết tạo thành sức mạnh tổng hợp đấu tranh chống chọi với thiên tai khắc nghiệt và giặc ngoại xâm để có Việt Nam hôm nay, Làng bao giờ cũng gắn liền với Nước. Nên khác với phương Tây, mỗi khi gặp nguy biến, thì câu cửa miệng của người Việt là “Ối làng nước ơi - Cứu tôi với!”. Do đó, trong tương lai lâu dài mãi mãi về sau của nước nhà, làng của người Việt luôn giữ một vị trí vô cùng quan trọng, là biểu hiện sức sống của đất nước. Để “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” đạt được kết quả tốt đẹp, chúng ta phải khơi lại được những giá trị truyền thống của làng xã sao cho thích nghi với đời sống đương đại, mà không bị mất gốc, không bị tha hóa, tụt hậu. Bởi làng xã của người Việt từ xưa đến nay luôn là cái nôi hình thành và nuôi dưỡng truyền thống văn hóa của dân tộc. Làng xã mà nền nếp, thuần hậu thì thế nước vững vàng, góp phần thực hiện thắng lợi khát vọng phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tam

Tam

14:22 20/07/2023

Sao khong in ra phat cho lang nhi?

Chu linh ngoạid

Chu linh ngoạid

10:04 26/05/2021

Thật tự hào làng có truyền thống văn hoá và lịch sử lâu đời, lại được hậu duệ quan tâm phát huy. Chúc mừng anh Bân đã thực hiện được tâm nguyện tốt đẹp.