Từ ngày 26-30/11/2022, nhóm Mỹ thuật Mặc Hương – đạo tràng Chân Tịnh với 21 họa sỹ Phật tử đã cùng tụ hội trong triển lãm mỹ thuật Phật giáo dâng lên chào mừng Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần IX, với 40 tác phẩm hội họa và điêu khắc bằng những chất liệu đa dạng như sơn mài, sơn dầu, lụa, điêu khắc, cắt vải.
Quang lâm tham dự buổi khai mạc triển lãm có Hòa thượng Lý SaMouth, thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN; Hòa thượng Danh Đổng, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự; Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Văn hóa Trung ương; Hòa thượng Thích Hải Ấn, Hòa thượng Thích Bửu Chánh, đồng Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, đồng Phó Trưởng ban Thường trực Ban Văn hóa Trung ương; Hòa thượng Thích Quang Nhuận, Phó Trưởng ban Văn hóa Trung ương; Thượng tọa Thích Minh Hiền, Phó Trưởng ban Văn hóa Trung ương, Trưởng Tiểu ban Triển lãm tranh nghệ thuật Đại hội cùng chư tôn đức đại biểu Đại hội Phật giáo lần thứ IX.
Đại diện chính quyền tham dự có ông Lê Minh Khánh, Vụ trưởng Vụ Phật giáo - Ban Tôn giáo Chính phủ; Ông Vũ Ngọc Lâm, Giám đốc Nhà triển lãm Ngô Quyền; Họa sĩ Bằng Lâm, nguyên Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam; Bà Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cùng các họa sĩ trong Câu lạc bộ họa sĩ Phật tử Mặc Hương, quý Phật tử, công chúng yêu nghệ thuật cùng tham dự.
Thượng tọa Thích Minh Hiền, Phó trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, thời gian qua, trong những thành tựu Phật sự to lớn mà Giáo hội đã đạt được trên nhiều phương diện, Văn hóa Phật giáo là lĩnh vực đã có những thành quả đáng ghi nhận như: Pháp phục, ngôn ngữ, di sản văn hóa, kiến trúc mỹ thuật,…
Để thể hiện nội hàm ấy, Ban Văn hóa Trung ương được Ban Tổ chức Đại hội giao trọng trách tổ chức những hoạt động văn hóa nghệ thuật nằm trong khuôn khổ của Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, trong số đó có triển lãm mỹ thuật Phật giáo với chủ đề "Sen đầu hạ".
Theo Thượng tọa Thích Minh Hiền, cách đây gần hai ngàn năm đã xuất hiện nhiều bức bích họa Phật giáo trên trên vách đá, trong lòng các hang động, tự viện Ajanta, Mạc Cao, Đôn Hoàng… Từ những nét sơ khởi, cho tới những kiệt tác mang tính mỹ thuật cao, chứng tỏ nghệ thuật Phật giáo luôn có sức sống trường cửu và để lại nhiều dấu ấn qua nhiều thời đại. Song hành với nghệ thuật điêu khắc, nghệ thuật kiến trúc, hội họa góp phần quan trọng trong việc biểu đạt nội dung và như một phương tiện hoằng dương Phật pháp hữu hiệu trong thời đại ngày nay.
Qua chặng đường 15 năm hình thành và phát triển, kể từ cuộc triển lãm lần đầu tiên vào mùa sen nở tháng Tư Phật đản Phật lịch 2551, Câu Lạc bộ họa sĩ Phật tử Mặc Hương đã đóng góp thêm hương sắc đặc biệt vào đời sống mỹ thuật của Phật giáo nước nhà bằng những tác phẩm thể hiện bước tiệm cận Phật pháp một cách hiệu quả nhất. Và, cuộc triển lãm lần này là sự tiếp nối của quá trình “tịnh tiến của bản thân mỗi người nghệ sĩ Phật tử”.
“Các tác phẩm ấy như một đóa sen A-lốc rực rỡ, dâng lên cúng dàng Tam bảo, để thấy sự tinh cần trong quá trình tu tập, thực hành của các họa sĩ Mặc Hương”, Thượng tọa Thích Minh Hiền nhấn mạnh.
Mỗi mùa sen về, cũng là lúc họa sỹ nhóm Mặc Hương cùng nhau triển lãm, trưng bày các tác phẩm sáng tác với đề tài Phật giáo, mỗi tác phẩm cũng giống như một kết quả của sự tu tập của chính bản thân mình.
Với tấm lòng tịnh tín vào Tam bảo, “Sen đầu hạ” lần thứ XIII lại ra mắt sau một thời gian nín hơi lặng tiếng qua nhiều biến cố khôn lường. Đây là tập hợp các tác phẩm của 18 họa sỹ Phật tử, như một đóa sen vàng dâng lên chào mừng Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần IX được tổ chức vào cuối tháng 11-2022.
“Nhóm họa sỹ Phật tử Mặc Hương đã nhiều mùa sen nở đi qua, vẫn lặng lẽ sáng tác theo dòng chảy mỹ thuật Phật giáo để có nhìn bất biến giữa dòng đời vạn biến. Đặc biệt trong nhiều biến động của đại dịch Covid, cũng là lúc các họa sỹ lắng lại nhìn sâu vào nội tâm và thực hành tu tập, cả trong đạo, đời và hội họa”, Thượng tọa Thích Minh Hiền chia sẻ.
Sen đầu hạ VIII năm nay, với trên 40 tác phẩm hội họa và điêu khắc của 21 họa sỹ là ba mươi sáu đóa sen dâng lên đức Thế Tôn và Đại hội Phật giáo toàn quốc, với những chất liệu đa dạng như sơn mài, sơn dầu, lụa, điêu khắc, cắt vải, v.v…
Trong đó, Đại đức Thích Từ Quảng với bộ ba tác phẩm “Chư Tăng 1 - Chư Tăng 2 - Ba chú tiểu” được vẽ trên chất liệu lụa đã phác thảo nên những hoạt động của chư Tăng dưới mái chùa xứ Thần Kinh dung dị.
Họa sỹ Pháp Lạc Nguyễn Thị Nhàn với hai tác phẩm: “Bồ tát Tara”, “Chốn tổ Hương Sơn” đánh dấu sự quay trở lại của chị với chất liệu lụa khiến cho tác phẩm và nét bút bỗng trở nên mềm mại, chi tiết, nhưng đầy tôn kính. Với chị, vẽ chính là thiền hành. Đức Tara của họa sỹ Pháp Lạc có nét thuần hậu của Phật mẫu Việt điểm xuyết thêm nhiều điểm nhấn nhá mang dấu ấn nghệ thuật Mật giáo rõ nét. Tác phẩm “Mái chùa” hiện hữu trong tâm trí của chị được biểu hiện trong tranh với kỹ thuật vẽ cổ điển mộc mạc, đậm chất chùa Việt.
“Không” (śūnyatā) của họa sỹ Phúc Trí Đặng Đức Thành giống như một khoảnh khắc đốn ngộ tính Không, cái Không ấy là vô thường, vô ngã. Chúng có thể là sự gặp nhau của màu sắc khá mạnh mẽ để rồi xung đột lẫn nhau giống như dòng chảy cuồn cuộn ngoài đời sống để rồi đi tới tan rã rồi lại tái sinh không thấy khởi đầu và kết thúc…
Họa sỹ Quảng Lưu Đặng Phương Việt với hai tác phẩm “Bồ Tát Đại Thế Chí”, “Quan Âm Bát Tý” (chất liệu sơn mài thếp vàng) đem lại nhiều cảm xúc bởi vẻ đẹp lộng lẫy, màu sắc rực rỡ, thể hiện những nét đặc sắc của nghệ thuật Mật giáo. Luôn trân trọng và tìm tòi các chất liệu truyền thống quý hiếm, tìm cách thể hiện độc đáo nhất, vẫn là phong cách của họa sỹ Phương Việt.
Họa sỹ Tâm Hiếu Đỗ Minh Tâm với tác phẩm “Phật hiện” thể hiện những nét vẽ rất “bay” thể hiện hình tượng đức Từ Phụ luôn ngự trong tâm của anh.
Nữ họa sỹ Diệu Phúc Vũ Bích Thủy lần này thiền hành với tác phẩm “Mandala”, với chị, vẽ Mandala làm cho chị thấy được sự tĩnh lặng trước những biến cố của cuộc sống.
Điêu khắc “Lửa thiêng 1” (chất liệu đá trắng), “Lửa thiêng 2” (chất liệu tổng hợp) của điêu khắc gia Nguyên An Lương Xuân Thanh với hình tượng Đức Phật luôn hiện hữu trong từng sát - na.
Họa sỹ Long Độ Nguyễn Đức Long vẫn vẽ đều đặn, lần này anh có tác phẩm đồ họa Mandala thể hiện kết quả của sự chiêm nghiệm và tu tập của anh.
Cùng nhẹ bước tới “Phật cảnh” một cách trừu tượng; lắng đọng với “Lời dặn dò của Thầy” của họa sỹ Quảng Thiện Nguyễn Đức Quang như một cách thấu cảm gần gũi của anh với Phật pháp.
Quảng Thái Nguyễn Quang Đức là một trong những họa sỹ “gạo cội” của nhóm Mặc Hương, anh đã rất quen thuộc với đề tài hoa sen trong Phật giáo, những bức Mandala khổ lớn. Lần này, với bức “Tam thời đồng hiện”, “Một là tất cả, tất cả là một”, phong cách của Quang Đức luôn chững chạc và khẳng định vị trí của mình trong nhóm đề tài đó.
Họa sỹ Quảng Đạt Nguyễn Thắng với tác phẩm “Kết nối”; họa sỹ Quảng Tịnh Trần Anh Tuấn với tác phẩm “Sen đầu hạ”; họa sỹ Phúc Thiện Trần Lưu Mỹ với tác phẩm “Vô ngôn”; nữ họa sỹ Trần Thanh Thục đưa ra một cách biểu hiện khá thú vị với chất liệu vải cắt dán thể hiện trong ba tác phẩm “Nepal - nơi đức Phật đản sinh”, “Miền an lạc”, “Đường về”; họa sỹ Phúc Chí Vũ Việt Hùng với bộ tranh “Giao mùa 1-2-3”; họa sỹ Quảng Tâm Nguyễn Duy Hải với hai tác phẩm: “Khổng tước”, “Mandala tuệ nhãn”; nữ họa sỹ Tịnh Trí Tuệ Thư với hai tác phẩm độc đáo “Điểm tựa”, “Đám cưới”; nữ họa sỹ Diệu Pháp Nguyễn Minh Nhật với tác phẩm “Chân dung”, “Nhân ngư”… với sự phong phú đa dạng về chất liệu và bút pháp thể hiện, đem lại những góc nhìn đa chiều về Phật pháp qua hội họa và điêu khắc.
“Chúng ta đã và đang trải qua những tháng ngày biến động do dịch họa Coronavirus và cũng chưa bao giờ mà đặc tính Thành - Trụ - Hoại - Không lại hiện hữu rõ nét như vậy. Phật pháp là siêu việt thời gian và không gian, hãy đến để mà thấy. Nội hàm đó là minh chứng của “Mặc Hương” trong suốt 15 năm qua”, Thượng tọa Thích Minh Hiền nhấn mạnh.