“Những ký tự xê dịch” - Bản nhật ký của chính mình!

Nguyễn Văn Hoà

14/04/2023 19:45

Theo dõi trên

Nhân đọc tập thơ Những ký tự xê dịch của Thành Dũng, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2022.

b01-nhung-ky-tu-xe-dich-1681476164.jpg

 Tập thơ “Những ký tự xê dịch” của Thành Dũng.

 

                                                     

Những ký tự xê dịch là tập thơ thứ 7 trong hành trình sáng tạo của nhà thơ Thành Dũng. Những ký tự xê dịch vẫn mang nét thâm trầm, thanh dịu như các tập thơ trước, thể hiện rõ nét hơi thở thời đại và tiếng nói của một thế hệ biết tận hiến hết mình trước cuộc sống và tình yêu. Nhưng điều đặc biệt là cả tập thơ này, với 159 bài, Thành Dũng đều viết theo thể thơ 1-2-3.

Thơ 1-2-3 mỗi bài thơ là chỉnh thể độc lập gồm 3 đoạn, 6 câu.

Đoạn 1 chỉ có 1 câu gồm tối đa 11 chữ hoặc ít hơn, đồng thời cũng là tên bài thơ, nhằm tránh trùng lắp tên những bài thơ đã xuất hiện.

Đoạn 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ hoặc ít hơn. Còn đoạn 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ hoặc ít hơn. Chữ càng tinh lọc càng đa nghĩa càng giá trị.

Đề tài Thơ 1-2-3 hoàn toàn tự do, nội dung chủ yếu đi từ ngoại cảnh dần vào chiều sâu nội tâm tác giả muốn biểu hiện.

Đặc biệt, khuyến khích tính độc lập từng câu thơ trong mối tương quan toàn bài, đồng thời giữa câu 1 và câu 6 có tính hô ứng để nội dung bài thơ chặt chẽ, thống nhất trong một không gian thẩm mỹ riêng biệt.

Những ký tự xê dịch bao gồm nhiều đề tài, chủ đề khác nhau nhưng tất cả đều thể hiện một hồn thơ nhạy cảm, tinh tế, với nhiều suy tư và trắc ẩn. Dù viết về điều gì, viết về đối tượng, chủ đề nào thơ Thành Dũng vẫn mang những rung động rất đỗi chân thành, nhân văn, nhân ái và có chiều sâu của triết lý.

Không có ngôi mộ nào chôn theo vinh quang?

nên hết thảy loài người đều tuyệt vọng

người đi gieo hạt đức tin

không cần công đức

(gió mọc ra tự nhiên)

và trăng sao vốn dĩ không nhà?

Đọc qua tập sách, ấn tượng để lại trong lòng người đọc là những tình cảm sâu nặng với quê hương, đặc biệt là vùng sông nước miền Tây. Đằng sau đó là biết câu hỏi, những câu hỏi như cắt cứa, như chà xát vào tâm hồn và cứ văng vẳng, vang vọng mãi bên tai... Tuổi thơ nào neo dưới bến tàu Kinh Ba? Bến Tha La ai trồng có mỗi cây si? Tháng Bảy miền Tây mưa trắng trời trắng đất? Dìa Xẻo Me với em, đi anh? Xin ai đừng nặng nhẹ với buồng cau? Thử hình dung phương Nam lại có những tháng ngày buồn? Con bìm bịp kéo mây đắp lên chiều muộn? Con cúm núm kêu nhắc nhớ mùa nước nổi? Con cúm núm gắp chiều lót ổ? Hơi thở của cánh đồng? Về Mỏ Cày sao chẳng thấy cày đâu?...

Thành Dũng nhìn đời bằng con mắt chân thực nhưng ngập tràn cảm xúc trữ tình man mác, lắng sâu như sự níu kéo hiện hữu trong thực tại. Nhan đề là một câu hỏi tu từ Tháng Bảy miền Tây mưa trắng trời trắng đất? và nội dung cả bài thơ, đã cho thấy một phác họa về đất và người miền Tây đáng để mỗi chúng ta suy ngẫm.

Khắc khoải, dằn vặt với những câu hỏi đầy hoài nghi. Đó là niềm đau quặn thắt, nỗi trăn trở trước thực tế đáng buồn, nhất là trong những tháng ngày đại dịch Covid 19 bùng phát mạnh. nỗi đau nhân lên nỗi đau/ niềm tin độ trì vào 4k và chiếc khẩu trang che mặt/ trong một thế giới đói và khát vaccine?

Thời đại công nghệ số, dường như con người phải đối diện với những bất trắc, nên mỗi cá nhân phải tự biết “phòng vệ” chính mình để tồn tại trước những lằn ranh mong manh giữa thật - giả; trắng - đen; bình yên - bão tố... Thông qua hình ảnh của con cuốn chiếu, chiếc lá kép của bụi cây chết giả, những cánh hoa ban chiều... trong bài Để bảo vệ sự sống nhỏ nhoi của mình? cũng là cách nhà thơ gián tiếp liên tưởng đến con người trong xã hội hiện đại.

Những lời đối thoại, độc thoại phần nào cũng thể hiện thái độ sống, ý thức trách nhiệm của nhà thơ trước bao đổi thay của thế sự, cuộc đời.

Người ta hay nói ăn mày quá khứ?

Đôi khi cũng biết cúi đầu

Soi mình dưới thung

Để thấy hiện sinh trong quá khứ

Cuộc người biết đâu lành dữ

Giáp mặt trăm năm dễ thông thấu đuôi đầu?

Bên cạnh, những lời trần tình với tất cả mọi người, đôi lúc còn có những tâm sự mang nỗi niềm riêng nhưng cái riêng ấy lại vẫn là những câu hỏi chung cho tất cả mọi người. Đôi lúc, nhà thơ lại lo lắng cho tương lai, bởi lòng tham của con người, sự ích kỷ chỉ biết thấy cái lợi trước mắt mà bất chấp, mà chà đạp lên mọi thứ.

Nếu chắt hết những gì cần chắt?

thu hết những gì cần thu

lấy hết những gì cần lấy

thì một ngày kia trái đất sẽ trơ trọi

già nua và chết

và loài người cũng thổ huyết mà đi

Men theo dấu chân Giao Chỉ

Tôi lần tìm cuống nhau tiền kiếp

Ngàn năm thành quách rêu phong

Đêm phương Nam vằng vặc ánh trăng

Cây đàn Kìm xỉn say vô độ

Nhả ngón lòng mê muội chín dòng trôi?

Xuyên suốt tập thơ, bên cạnh những vấn đề thế sự nhân sinh, tình cảm với quê hương bản quán hay cả với những nơi mà nhà thơ đã đi qua; cũng không khó để người đọc nhận ra rất nhiều lần Thành Dũng đề cập đến nghiệp cầm bút. Anh tự ví mình như người nông dân canh chữ ra phơi sau những vụ mùa thu hoạch bên trong góc sân tim đời mình. Nhà thơ nghiền ngẫm, suy tư và cũng tự rút ra bài học cho chính bản thân mình khi tham gia trò chơi sáng tạo chữ nghĩa - Thơ:

Bài thơ không cần nhân danh

thì chân lý cũng một phần máu thịt

đâu cần phải tụng ca thống thiết

thì mùa xuân chữ nghĩa mới quay về?

Đâu cần gió hẹn mây thề

trăng cũng ngỡ ngàng trước thềm rêu cũ?

Cái hay của nhà thơ Thành Dũng là anh đã tạo ra nhiều tiếng nói, nhiều đối tượng nhưng kỳ thực là đang tự nói với chính mình, nói với lòng mình bằng nhiều sắc thái, cung bậc khác nhau.

Chứng cứ thì không cần phải màu mè?

Người ta dễ dàng đánh tráo khái niệm

và bẻ cong công lý ngay trước vành móng ngựa

luật sư luôn biện hộ thay vì phải hùng biện

tội phạm và kẻ phạm tội đôi khi đồng lõa trong hội trường

đã màu mè thì không còn là chứng cứ?

Người không cần phải di chúc lại nỗi buồn

vì đằng nào cũng là bể khổ

nước mắt đau thương đã chảy thành sông

hãy di chúc lại khát vọng tự do

[đó là thứ tài sản]

mà muôn đời sau luôn cần tới?

Với trái tim nhạy cảm, giàu lòng trắc ẩn, nhà thơ Thành Dũng đã sâu sắc nhận ra trách nhiệm của mình đối với cuộc sống, đối với mảnh đất quê hương. Anh dành những tình cảm thân thương, trìu mến nhất với vùng đất phù sa đỏ nặng. Bởi ở nơi này, bên cạnh những điều hay cũng còn lắm những khó khăn, tiềm ẩn bao bất trắc. Trên tất cả đó là tình cảm, sự thương nhớ, trân trọng với đất và người quê hương. Tiếng đờn cò là “đặc sản” tinh thần mỗi khi nói về, nhắc về vùng sông nước. Ở đó, luôn ghi dấu và chất chứa bao hoài niệm đẹp và cũng ở đó gợi ra nhiều day dứt khôn nguôi.

Chiều Năm Căn trôi dạt tiếng đờn cò

cô Út Lợi xuống xề câu hát cổ

vạt áo bà ba đựng đêm buồn đêm nhớ

cây mắm cây bần thêu dệt biển đời xanh

nghe giọng ca ngọt như mía lùi của cổ

lời hát bệu chi mà nẫu nhớ đến se lòng?

Về Gành Hào trăng Cao Văn Lầu neo bến đợi

tiếng đờn cò ngắt nhịp gõ song lang

cô Ba ơi sao nỡ vội lấy chồng

bỏ lại cần câu nằm đợi mùa đợi tháng

bỏ tiếng đờn đêm không lời bầu bạn

trăng vạnh trên đầu sao chẳng thấy bóng cố nhân?

Đan cài giữa thực tại, quá khứ, tương lai làm cho tâm hồn người thi sĩ không khỏi xốn xang, đẫm lệ.

“Cáo chết còn quay đầu về núi”

đặt bàn tay lên phiến nắng xanh rêu

người đồng bằng giàu lòng trượng nghĩa

câu lý điệu hò như cây lúa trời

tự do mở về phía đất

theo cây phảng phát đồng gieo cấy những mùa xa?

Ôi, thương hồ đâu ngã bảy, ngã ba?

Đêm đêm vẫn nghe tiếng đờn cò vọng nhịp

Chén thương hồ say khướt

Văn hóa miệt đồng trôi trên mỗi khúc sông

Lặn ngụp nổi chìm theo con nước

Bao dung tắm táp tâm hồn?

Chủ thể trữ tình luôn cháy bỏng khát vọng được giao cảm, được thấu hiểu và cả sự kiếm tìm, lắng đợi. Tuy vậy, không phải sự kiếm tìm nào cũng đến một cách mau chóng và dễ dàng như ý muốn.  Ở bài Vặn nhỏ tiếng côn trùng lúc chạng vạng? Gợi ra cho người đọc bao suy ngẫm về những sự thật đang hiện hữu quanh mình.

Với Những ký tự xê dịch, Thành Dũng đã đem đến cho người đọc những vần thơ ám ảnh. Nhà thơ đã thành công khi sử dụng linh hoạt các biện pháp tu từ, và nhất là hệ thống những câu hỏi tu từ. Cả tập gồm 159 bài thơ thì có đến 196 câu hỏi tu từ nhà thơ đặt ra. Chính điều này làm cho lời thơ của Thành Dũng chứa nhiều tầng ý nghĩa, hình tượng hóa những nhận thức và cảm xúc của cái tôi trữ tình, gây những hiệu ứng bất ngờ trong nhận thức, giàu giá trị biểu cảm.

Việc chọn thể thơ mới 1-2-3 để thể nghiệm là một sự dấn thân vì đam mê, một sự “dũng cảm” đi trước nên rất đáng được ghi nhận. Đó là sự thay đổi mỹ học truyền thống để phù hợp với tâm trạng giãi bày của chủ thể trữ tình. Những sự việc tưởng chừng như xưa cũ nhưng dưới ngôn ngữ và cách thể hiện của Thành Dũng bao giờ cũng tạo ra những nét mới, kích thích và dẫn dụ được độc giả. Chẳng hạn, việc nói đến hình ảnh người cha cần mẫn gắn liền với hoa vạn thọ, loài hoa đặc trưng vào mỗi dịp Tết đến, xuân về. Qua cách chuyển tải với giọng điệu, ngôn ngữ sáng tạo, phép liên tưởng bất ngờ, thú vị đã mang đến cho người đọc chiều sâu mỹ cảm, sức ám gợi đến vô cùng.

Cha tôi múc bình minh lên tưới hoa?

sắc tím pha trong màu gió Tết

tiết cuối đông miền Tây khí trời hơi se

bông vạn thọ vàng xanh thơ trẻ

thương tuổi cha mưa nắng bạc đầu

ngọn trầm loang mắt Tết?

Những ký tự xê dịch, Thành Dũng vẽ ra và gợi liên tưởng đến nhiều vấn đề trong đời sống, nó như là lời tường trình, tự bạch, lời cảm ơn trân trọng nhất đối với những người thân yêu, bạn bè và cả những người đang sống quanh mình, những gì đang diễn ra ở thời đại mình... Nhà phê bình Bêlinxki đã từng nói: “Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật” là có cơ sở. Ông còn nói rõ thêm: “Bất cứ thi sĩ nào, sở dĩ họ vĩ đại là bởi những đau khổ và hạnh phúc của họ bắt nguồn từ khoảng sâu thẳm của lịch sử xã hội; bởi họ là khí quan và đại biểu của xã hội, của thời đại và của nhân loại”.

Thành Dũng đã tạo được những dấu ấn nhất định trong hành trình sáng tạo thi ca nói chung và nhất là ở thể thơ mới 1-2-3. Dẫu biết là sự thể nghiệm bước đầu ở thể thơ 1-2-3 nhưng người đọc vẫn thấy được sự chân thành trong tình cảm; cần mẫn, chăm chút trong việc tìm tòi, sáng tạo; bứt phá trong ký ức nội tâm; dồi dào trong cách thể hiện ý tưởng, cấu tứ, tâm trạng... Nhà thơ Thành Dũng tự thức sâu sắc rằng:

những ký tự luôn xê dịch đặt để

trong không gian một bài thơ nói về cái đẹp

chân lý nào cũng có lý và phi lý

chữ nghĩa tự vẽ nên khuôn mặt mình

hay người nghệ sĩ sắp đặt ra chữ nghĩa

để không phải là loài ký sinh?

N.V.H

Bạn đang đọc bài viết "“Những ký tự xê dịch” - Bản nhật ký của chính mình!" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn