"Những ký ức không thể quên": Trở thành phi công tiêm kích (Kỳ 9)

 Trần Sơn Lâm

09/09/2023 06:21

Theo dõi trên

6- Học bay ở Primorsk và Novotitarov.  Khi mới bắt đầu sang Liên Xô là mùa hè, thời tiết khá nóng, Trường Không quân chúng tôi có trụ sở chính đóng tại thành phố Krasnodar. Còn chúng tôi học tại một cơ sở của Trường đóng tại Primorsk gần biển Đen.

Trong cơ sở này có một p hân hiệu để bổ túc văn hóa cho các học viên, dạy lý thuyết bay và một Trung đoàn dạy bay gồm các phi công thuộc loại giỏi của không quân Liên xô hồi đó. Những ngày tháng đầu tiên, chúng tôi rèn luyện đội ngũ, học tiếng Nga, bổ túc văn hóa và học lý thuyết bay.

  Khi tới trường, mọi điều đều lạ lẫm với chúng tôi, từ cách sinh hoạt hàng ngày đến thói quen ăn uống. Ở Việt Nam thì thường ăn uống bằng đũa, ở đây lại ăn bằng dao, dĩa, thìa. Người nào có suất của người ấy. Chúng tôi phải làm quen với các món ăn của Nga, nhất là ăn bơ, pho mát, sữa chua, sữa thường, nước Kvas mà bữa nào cũng có. Món đầu tiên là khai vị với bánh mỳ, bơ, pho mát rồi đến soup, tiếp theo là một món chính gồm có thịt rán, khoai tây nghiền, súp lơ. Món súp và món chính thứ ba thường xuyên thay đổi, hôm thì súp củ cải đỏ, hôm súp rau, hôm súp khoai tây cà rốt… Còn món thứ ba thì cũng thay đổi thường xuyên: cơm trộn thịt nắm viên, gan hấp hoặc gan nướng, thịt lợn tẩm bột rán, thịt bò bít tết…

b1nvn1bac-1694182394.jpg

Ảnh minh họa do tác giả cung cấp.

 

 

 Chất lượng dinh dưỡng dành cho phi công rất đầy đủ, nhưng không phải dễ dàng cho chúng tôi. Ở Việt Nam hầu như các học viên không được ăn các món sữa chua, bơ, pho mát và cá sống ướp lạnh, nên cũng gây khó khăn cho học viên trong vấn đề tiêu hóa, có người phải hai ba tháng mới quen.

 Đa số các đồng đội của tôi đều chưa học đến lớp 10, hầu như chỉ lớp 8, lác đác lớp 9, xen đỗ lớp 10. Vì vậy, trong thời gian học tiếng Nga, chúng tôi lại bổ túc thêm chương trình toán, vật lý lớp 8, 9, 10 để phục vụ cho học lý thuyết bay. Vì là học sinh nước ngoài, thầy cũng biết trình độ ngoại ngữ của chúng tôi còn kém, nên thầy, cô giảng rất chậm và luôn tìm những từ dễ hiểu để nói với chúng tôi. Vì hiểu được thầy, cô giản nên tôi nắm bài rất chắc, sau khi tôi nhắc lại bằng tiếng Nga, thày, cô chỉ định tôi nhắc lại bằng tiếng Việt để các bạn có thắc mắc gì thì hỏi thầy. Thầy giảng rất kỹ về khí động lực học, lực được tạo ra như thế nào để có thể nâng được một khối sắt khổng lồ bay trong không trung, hơn nữa lại có thể nhào lộn như những con chim. Những giờ bổ sung thêm kiến thức về toán, vật lý, các cô giáo thường gọi tôi lên chữa bài tập vì lúc này đơn thuần chỉ sử dụng những con số.  

  Đoàn bay chia thành 2 trung đội. Anh Lê Hoàng làm Trung đội trưởng, anh Lương Minh Tề làm Trung đội phó trung đội tôi.  Anh Vũ Trọng Lư và Đặng Ngọc Đỉnh là trung đội trưởng và Trung đội phó một trung đội. Các anh đều là sĩ quan, cấp bậc chuẩn úy nên mọi tiêu chuẩn cấp phát quân trang, các anh đều được hưởng như sĩ quan Nga.

   Sau khi kết thúc học lý thuyết loại máy bay L29, chúng tôi tiếp tục học các sự cố hỏng hóc, cách khắc phục các sự cố do các giáo viên là những phi công trực tiếp giảng dạy. Thầy giáo dạy tổ bay của tôi là thầy Basarghina. Tổ bay gồm có tôi, anh Phạm Đình Chiến, anh Nguyễn Văn Ngãi, anh Ngãi cũng là sinh viên cùng nhập ngũ một đợt với tôi. 

   Trong thời gian học thêm bổ túc văn hóa, đoàn chúng tôi ở cùng một tầng. Cứ tối đến, sau khi ăn tối xong, chúng tôi lại nghe anh đoàn trưởng Điền phổ biến tình hình trong nước qua báo chí Nga đăng tải. Sau đó, chúng tôi đọc các sách nói về gương chiến đấu của các anh hùng. Đặc biệt hồi đó đang có phong trào học tập gương chiến đấu của người cộng sản Nguyễn Đức Thuận trong lao tù của Mỹ ngụy.

Chúng tôi được tự do 2 ngày cuối tuần. Ở hai cuối dãy nhà có phòng là quần áo và bếp nầu nướng. Một số anh em do háo rau xanh, thường ra các bãi cỏ để hái các loại rau về luộc ăn. Một số thì hỳ hục tráng những bức ảnh vừa chụp khi được ra thành phố Primorsk.  Gọi là thành phố nhưng đến bây giờ tôi mường tượng lại nó cũng như một thị trấn của ta bây giờ, rất ít nhà 2-3 tầng, tất cả các hàng quán như các cửa hàng bán giải khát, cà phê, nước ngọt, các cửa hàng bán vải, quần áo, các cửa hàng bán đồ điện tử như các đài, máy quay đĩa, xe đạp… đều là của nhà nước. Chúng tôi chỉ được đi ra thành phố trong nửa buổi, những anh đi buổi sáng thì phải về trước bữa ăn trưa, đi buổi chiều thì phải về trước bữa ăn tối. Gọi là đi phố, nhưng chủ yếu là đi dạo trên các đường phố và ra bờ biển ngồi chơi. Mỗi tháng, học viên chiến sĩ chỉ được hưởng 8,3 rup, hạ sĩ quan hơn 10 rúp, sĩ quan 20 rúp, nên chúng tôi hay nói vui đi để ngó cho vui mắt chứ không có tiền để ăn chơi gì.  Thời gian này, do anh em học viên đông, nên rất vui.

  Có một chuyện khiến tôi nhớ mãi là lần đi máy bay Li 2 từ Primorsk về Kracnodar để kiểm tra lại sức khỏe sau khi học xong lý thuyết. Chúng tôi ngồi trên hai hàng ghế dọc theo thân máy bay, ở giữa có một hàng xô đựng nước. Thầy giáo phi công đi kèm nói với chúng tôi “nếu các anh buồn nôn thì cứ tư do nôn, nôn xong người sẽ khỏe lại để còn khám sức khỏe”. Bay được khoảng 20 phút thì không ai bảo ai vội đứng lên ra chiếc xô nôn thốc nôn tháo, tôi là một trong số đó.

7- Học bay trên máy bay phản lực L29

 Như đã nói ở trên, do Đoàn bay có 2 Trung đội, nên chia thành 2 ca học bay: Sáng và Chiều.

  Những Trung đội bay sáng phải dậy sớm, hơn 7 giờ phải có mặt tại sân bay. Thường thì ông chỉ huy cao nhất của ban bay sáng sẽ bay trinh sát trước để xác định thời tiết có bay được không, qua các thông số như độ cao, độ dày của mây, tầm nhìn cất hạ cánh.

 Có những hôm mây rất thấp, tầm nhìn hạn chế thì phải đợi cho tầm nhìn và độ cao của chân mây có đủ tham số thì học viên mới được bay. Những lúc rảnh rỗi chờ đợi này, chúng tôi thường chơi trò chơi búng hộp diêm.

Thầy giáo dạy chúng tôi bay trên máy bay L29 là thiếu tá hơn 40 tuổi. Ông có khuôn mặt nhân hậu, giọng nói nhỏ nhẹ, cách giao tiếp nhẹ nhàng. Ông dạy chúng tôi cách cầm cần lái phải thật nhẹ nhàng, không được nắm chặt, chỉ hờ hờ thôi sao cho các anh có cảm giác về sự chuyển động của cần lái.

 Trong chuyến bay đầu tiên, các anh chỉ nắm nhẹ cần lái, còn việc điều khiển là tôi làm. Tôi nhớ mãi những chuyến bay này gồm 3 lần cất cánh, 3 lần hạ cánh liên tục.

   Sau khi cất cánh ông thực hiện động tác vòng để đưa máy bay vào trạng thái ổn định bay bằng.  Nhưng khi máy bay bay trong không gian, tôi cảm thấy người nôn nao, nhất là khi máy bay bị xóc do mật độ không khí đậm đặc không đều. Tôi không chịu nổi cơn buồn nôn, vội lấy túi ra để nôn, nôn xong tôi cảm thấy tỉnh táo hơn. Ông giáo nhắc tôi tiếp tục cầm nhẹ nhàng cần lái để ông điều khiển. Ông làm động tác hạ cánh, cất cánh và tôi lại tiếp tục cầm cần lái. Đến vòng thứ hai này, khi ở trạng thái thăng bằng, ông chủ động làm động tác lắc máy bay, chúi máy bay xuống, rồi lại ngóc máy bay lên. Nôn nao quá, tôi lại nôn.  Đến vòng thứ 3 tôi vẫn nôn. Nôn xong, tôi được ông giao cầm cần lái để giữ thăng bằng và ổn định độ cao. Ông thực hiện hạ cánh và hướng dẫn tôi đạp mảng giảm tốc và cách điều khiển máy bay về chỗ đỗ. Hầu như đa số các học viên trong các chuyến bay đầu tiên đều nôn như tôi. 

 Tôi ra khỏi máy bay, mồ hôi ướt đẫm quần áo. Thầy Basarghin nói sẽ ổn thôi, thế là tốt, mày vẫn tỉnh táo, tao tin như vậy. Tôi hiểu thầy nói thế để động viên tôi. Sang đến ngày bay tập thứ 2, tôi vẫn có cảm giác ớn lạnh khi ngồi lên máy bay, nhưng tự nhủ phải cố lên làm quen với cảm giác trên không

  Sang ngày bay tập thứ 3 thì tôi đã quen với trạng thái bay. Đến ngày bay thứ tư thì ông giáo cho phép tôi cầm cần lái tập cất cánh và đến ngày thứ 5 bay thì cho phép tôi tập hạ cánh. Sau hơn 30 vòng bay thì tôi được phép kiểm tra để chuyển sang bay đơn. Khi chuyển sang bay đơn, ông Trung tá Phi đội trưởng trực tiếp kiểm tra trình độ của tôi. Theo quy định sau ba mươi vòng bay, học viên phải kiểm tra để thực hiện bay đơn. Tôi bay hơn 3 vòng và 3 vòng kiểm tra là 36 vòng, đó cũng thuộc loại được thả đơn sớm. Tiếp theo bài bay cất cánh và hạ cánh chúng tôi còn học nhiều bài bay khác như bay lượn vòng tròn với các đường kính khác nhau (virager), bay lộn vòng thẳng đứng (Petlia), bay xoắn ốc (Bottrơca), bay lộn sấp (perevorot), bay quay ngược 1800, các bài bay đường dài, bay xuyên mây, các bài bay kết hợp các động tác nhào lộn trong không chiến, các bài bay xạ kích tiếp cận máy bay địch và các bài bay khi rơi vào tình huống chiếc lá rơi, các bài bay bắn mục tiêu mặt đất. 

   Nhiều anh em học viên bị loại bay khi chuyển sang các bài bay tập luyện này mặc dù đã được thả bay đơn cất hạ cánh. 

  Tổ bay chúng tôi cả 3 đều tốt nghiệp loại máy bay phản lực huấn luyện L29, tôi được cử học MiG 17. Còn anh Ngãi và anh Chiến được cử học bay MiG 21. 

   Tổng số học viên tốt nghiệp bay L29 chỉ còn 65 người, 35 anh được chuyển lên học đào tạo lái MiG 21, 30 người học MiG 17. Số bị loại bay có 3 anh được chuyển lên học ở Học viện Giukov do các anh là sinh viên nhập ngũ, còn lại về nước tham gia chiến đấu.

8- Học Lý thuyết bay và các tính năng chiến đấu kỹ thuật của máy bay MiG 17

  Sang năm thứ 2. Tháng 11 năm 1968 chúng tôi lại tiếp tục học lý thuyết của máy bay MiG 17 và tháng 4 năm 1969 chúng tôi thực hành bay MiG 17. Với trình độ tiếng Nga đã tốt hơn nhiều, chúng tôi nghe bài giảng của các thầy về các tính năng kỹ thuật của máy bay MiFG 17 dễ dàng hơn, không phải nhắc lại ở trong lớp. Chúng tôi học rất cặn kẽ các trường hợp hỏng hóc ở trên không, cách xử lý trên máy bay mô phỏng ở lớp học. Các thầy giáo kiểm tra bài rất gắt gao, vì chỉ sai một tý là dẫn đến làm rơi máy bay và nguy hiểm đến tính mạng.

 Khi học bay trên MiG 17, chúng tôi chuyển sang bay ở sân bay dã chiến Novotitarop. Tổ bay của tôi gồm:  tôi, anh Bùi Thức Cúc, anh Nguyễn Như Nghi, anh Phạm Văn Đích

 Thầy giáo của chúng tôi là Đại úy huấn luyện Kulaghin, khoảng trên 40 tuổi. Ông để ria mép, tác phong rất giống sĩ quan Cô dắc mà chúng ta thường thấy trên màn ảnh. Ông hướng dẫn chúng tôi rất tận tình. Đây là máy bay chiến đấu, nên các động tác bay của ông rất dứt khoát. Có lần ông làm các động tác nhào lộn, khi máy bay gần lên tới đỉnh của vòng bay thẳng đứng (Petlia), tôi phải chịu quá tải lên tới 5 lần (sức ép lên người gấp 5 lần trọng lượng, mắt tối sầm trong 1-2 giây). Khi làm vòng lượn ngang (virage) thường chịu quá tải đến 4 lần. Mỗi khi hạ cánh xong, ông nói:

- Các anh phải làm các động tác dứt khoát, mạnh mẽ để phi công Mỹ không bắn rơi các anh, rồi ông giơ ngón tay nheo mắt chỉ vào chúng tôi “bùm, bùm”.

 Trong tổ bay chúng tôi, anh Cúc và anh Nghi, anh Đích đều cao hơn 1,7m và nặng hơn 60kg, chỉ có tôi là cao 1,62m và nặng khoảng 52-53 kg.

Cả 4 chúng tôi đều bay đúng theo chương trình huấn luyện, hơn 30 vòng cùng thầy giáo thì bay đơn và bay các khoa mục bay chiến đấu theo giáo án.  Sau khi được bay đơn, chúng tôi lại tiếp tục tập các bài bay như đã học trên máy bay L29, nhưng với tốc độ của máy bay lên tới gần nghìn km /giờ, trọng tải đè lên người chúng tôi cũng lớn hơn nhiều.  Hơn chục người cũng bị loại bay. Những bài bay xạ kích không chiến và bắn phá mục tiêu trên mặt đất thì kéo dài hơn. Có một lần khi bay xạ kích mặt đất, tôi không thực hiện đúng quy định, từ độ cao hơn 5000 m, sau khi làm động tác lật sấp, đáng nhẽ chỉ được làm tiếp theo một lần xoáy nút chai, tôi làm 2 lần động tác này. Khi đó, tôi bỗng thấy mặt đất òa lên trước mắt, theo phản xạ tôi kéo rất mạnh cần lái, máy bay rung lên ngóc lên cao, hút chết vì vô kỷ luật. Chuyện này tôi giấu tiệt vì nếu kể ra thì sẽ bị kỷ luật đuổi về nước. Sau lần ấy, tất cả các bài tập sau tôi đều thực hiện theo đúng giáo trình.

Bốn chúng tôi hoàn thành chương trình bay vào khoảng cuối tháng 9, một trong những tổ bay hoàn thành sớm. Đến cuối tháng 9 năm 1969 có tổng số 18 anh được nhận bằng tốt nghiệp MiG 17, còn 12 anh bị loại bay do không được thả đơn hoặc không bay được các bài bay nhào lộn để phục vụ không chiến, hoặc các bài bay không kích trên không, hoặc xạ kích mục tiêu dưới mặt đất.

 Những lúc không được vào thành phố Novotitarov, chúng tôi  Cúc, Nghi, Đích, Trung, Sửu và tôi hay rủ nhau đi chơi trong vườn táo  cạnh sân bay dã chiến. Trong gần 3 năm học tại ULO, Ông Fomin, Trung tá Hiệu trưởng hay bảo tôi giải các bài toán Đại số, Hình học, Lượng giác của các chương trình lớp 8, lớp 9, lớp 10. Ông muốn nắm được để về giảng lại cho con ông. Sau khi tốt nghiệp L29, có một số anh trong đoàn bị cắt bay, Ông có nói với tôi, tôi thấy cậu nhỏ bé, không theo được lâu dài ngành bay, tôi sẽ nói với Thủ trưởng của cậu, cho cậu đi học tại học viện Giucopsky cùng với mấy đứa bị cắt bay, ở đó cậu sẽ phát triển được tài năng hơn.

9-    Tạm biệt Trường Không Quân Krasnodar - Liên Xô lên đường về nước

Tháng 11 năm 1969, đoàn bay MiG 17 của chúng tôi lên đường về nước cùng một số anh em bị loại bay ở MiG21. Các anh em bị loại bay này do sức khỏe không bảo đảm hoặc do không làm chủ được kỹ thuật bay như cất cánh, hạ cánh, hoặc nhào lộn không chiến. 

Trước hôm lên đường về nước, Tôi lên ULO chào tạm biệt Thầy Fomin, cô giáo Fomina, các thầy giáo dạy và các nhân viên trông thư viện. Thầy Fomin nắm chặt tay tôi, ông lại nói mày làm khoa học thì tốt hơn. Tôi nói rất cám ơn ông, hết chiến tranh tôi sẽ lại đi học. Trong thâm tâm tôi, lái máy bay là mơ ước của thanh niên, còn nghiên cứu khoa học là mơ ước của cuộc đời.  Khi tôi gặp các thầy cô giáo, cô Fomina gọi tôi là cưnok (con trai nhỏ của tôi), cô rơm rớm nước mắt. Cô nói không hiểu các con có còn sống không khi cuộc chiến tranh chấm dứt. Nói chung các thầy cô giáo đều có tâm trạng như thế khi nhìn các học viên Việt Nam nho nhỏ, hiền lành không như học sinh các nước khác. Tôi vào phòng thư viện chào các chị nhân viên, nói sáng mai 7h chúng tôi ra ga xe lửa lên đường về nước, bắt tay các chị, tạm biệt để kịp giờ điểm danh. 

Đoàn MiG 17 chúng tôi đầu tháng 12 năm 1970 về đến Hà Nội. Chúng tôi được đưa thẳng đến trường Đại học Kiến trúc. Chúng tôi ở tầng 3, dãy nhà 3 tầng thứ hai từ trong ra. Vừa đặt ba lô xuống, anh đoàn trưởng đã chỉ thị chúng tôi không được làm quen và nói chuyện với bất cứ cô gái nào trong trường. 

Đoàn MiG 17 bọn tôi lại có thời gian gặp lại các bạn MiG 17 do ông Kiều Huy Gác làm đoàn trưởng. Tiếp sau là các đoàn bay từ Ba Lan, Trung Quốc cũng về ở đây.  Lúc này số phi công MiG 17 có lẽ khoảng gần 200 người. 

Trong thời gian đóng quân tại trường ĐH Kiến trúc, chúng tôi lại tiếp tục tập luyện để nâng cao thể lực. 5h30' sáng nào cũng chạy từ trường Kiến trúc, chạy qua Quân Y viện 103 rồi quay về, cứ tiếp tục như vậy kể cả vào mùa đông mưa phùn. Sau đó tập các loại xà đơn, xà kép rối các loại vòng quay để bảo đảm sức khỏe. Tối về họp kiểm điểm, nghe phổ biến thời sự chính trị, luôn sẵn sàng tinh thần nhận nhiệm vụ. 

T.S.L.

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết ""Những ký ức không thể quên": Trở thành phi công tiêm kích (Kỳ 9)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn