Những lá thư viết tay...

Một câu chuyện gây xúc động nghẹn ngào trong gia đình tôi và hình ảnh tuyệt đẹp ám ảnh tôi lại từ chính từ người mẹ của mình. Bây giờ thì tôi luôn thích được đọc những lá thư viết tay và mong sao mình cũng được nhận những lá thư viết tay từ những người thân yêu của mình..
nhung-la-thu-1627138653.jpg
Ảnh cha tôi từ những ngày tôi còn thơ ấu, trong Khu sơ tán Nam Cường- TX Lào Cai - ngày xưa LC chưa lên TP 

Thời đại internet và thế giới phẳng với bao tiện ích của email, facebook, zalo, viber...liệu có làm cho mỗi chúng ta quên hẳn việc ngồi viết những lá thư tay hay không? Tôi từng tự hỏi mình như vậy bởi chính bản thân tôi từ bao năm nay đã không viết một bức thư tay nào. Cho đến ngày giỗ lần thứ 45 của cha tôi vào 5 năm trước đây thì suy nghĩ về thư viết tay của tôi đã hoàn toàn thay đổi.

Một câu chuyện gây xúc động nghẹn ngào trong gia đình tôi và hình ảnh tuyệt đẹp ám ảnh tôi lại từ chính từ người mẹ của mình. Bây giờ thì tôi luôn thích được đọc những lá thư viết tay và mong sao mình cũng được nhận những lá thư viết tay từ những người thân yêu của mình..

Năm ấy mẹ tôi 85 tuổi, bà nhận thấy sức khoẻ không tốt như trước nên đã gọi tất cả con cháu về tụ họp đông đủ trong ngày giỗ của cha tôi. Bà đã làm một việc gây xúc động và còn ám ảnh mãi trong lòng các con cháu. Đó là việc bà run run đặt lên mộ cha tôi một tập thư viết tay khá dày và rất đẹp, lại được thắt chùm nơ mềm mại. Bà khấn xong thì các con cháu khấn theo. Rồi mẹ tôi châm lửa đốt toàn bộ tập thư đẹp đẽ ấy để những cánh thư được bay về trời. Những ngọn khói xanh bay lên trong hư ảo. Tôi đã viết bài thơ văn xuôi mang tên “ Cánh thư và ngọn lửa” kể lại câu chuyện của cha mẹ tôi bởi vẻ đẹp ấy, ấn tượng ấy làm tôi không bao giờ tôi có thể quên được.

Cha tôi mất năm 1972 ở Ty Giáo Dục tỉnh Lào Cai khi ông mới 45 tuổi, cái tuổi đang tràn đầy sinh lực và nhiệt huyết. Ông là nhà giáo giỏi rất yêu văn chương và say sưa với sự nghiệp giáo dục vùng cao trong những năm vô cùng gian khó ở Lào Cai. Ông còn xung phong đi kháng chiến lúc tuổi trẻ đầy nhiệt huyết và lên Lào Cai từ trước ngày giải phóng. Cha tôi là thủ trưởng ở Ty Giáo Dục ngày ấy và bận rộn suốt ngày với công việc. Cứ rảnh là thấy ông làm vườn và đi câu cá, đi săn bắn cũng thiện nghệ bằng khẩu súng thể thao. Trong những ngày gian khó, gia đình tôi sống ở Khu sơ tán Nam Cường vào những năm 1963- 1969. Ngày ấy cả nước ta đang trong thời kỳ chiến tranh ác liệt nhất nên đa phần là đói kém, đời sống cực khổ. Lũ trẻ con hầu hết suy dinh dưỡng, cũng không mấy ai có  đủ dinh  dưỡng vào lúc ấy, thức ăn chủ yếu là rau và hiếm hoi mới có chút thịt cá  nên đứa nào cũng gầy tong teo. Chúng tôi đỡ khổ hơn con nhà khác là nhờ cha tôi có nhiều nỗ lực tăng gia sản xuất. Ông phát động phong trào đào ao thả cá, trồng rau, phát nương trồng sắn để nuôi lợn, ông thích vào rừng săn bắn và thích uống thứ rượu ngô Bắc Hà nổi tiếng từ ngày ấy. Bởi vậy, thi thoảng chúng tôi được ăn món cá rô rán do cha câu lên từ ao nhà, được cha cho “liên hoan “và vui như hội khi được chén những đĩa thịt chim rán vàng ruộm do cha săn bắn được. Ngay từ khi còn bé tí, lúc 5-6 tuổi, tôi đã được ăn nhiều hoa quả như đu đủ, chuối, mía...đều được trồng từ vườn nhà mình ở ngay trong khu rừng sơ tán khu Nam Cường- Huyện Bảo Thắng.

Cha tôi thích làm vườn, trồng cây rất mát tay, ông thích trồng  hoa và đặc biệt yêu hoa lá chim muông. Ngày nghỉ, ông khoác súng thể thao đi vào rừng săn bắn để cải thiện bữa ăn đạm bạc cho chúng tôi. Ông mê đọc sách, săn bắn, câu cá và biết làm vườn, thích tự tay cuốc đất trên đồi và trồng mía, trồng sắn khoai và làm nương như một nhà nông chính hiệu. Ông thường viết thư cho mẹ tôi, vì khi ấy mẹ tôi đi học xa nhà. Bà theo học Đại học Y khoa ở tận Hà Nội trong nhiều năm và sau này bà trở về Bệnh viện tỉnh, rồi về Ty Y tế Lào Cai và đi công tác địa phương liên miên...

Tuổi thơ của chúng tôi vất vả mà vui tươi và hồn nhiên như cây xanh của núi rừng. Hình ảnh về người cha đẹp đẽ và những cánh rừng, những dòng suối, những con đường dốc ngược đầy sương mù ngày xa xưa của Lào Cai luôn hiện về trong những câu thơ và những trang tản văn sau này của tôi.

nhung-la-thu2-1627138653.jpg
 Thư của chị cả tôi lúc 17 tuổi

Lại nói về những lá thư tay của cha mẹ tôi. Sau hôm Mẹ đốt thư, tôi tiếc lắm. Sau này, tôi còn tiếc mãi. Vậy là tôi sẽ không bao giờ có cơ hội được đọc những lá thư ấy nữa. Hai năm trước đây, khi đem nỗi băn khoăn của mình nói với Mẹ, mẹ tôi cảm động lắm, bà bảo: “ Vẫn còn, mẹ chỉ đốt những bức thư của mẹ gửi cho bố thôi, còn lại nhiều bức thư bố viết cho mẹ thì vẫn giữ”. Tôi mừng lắm, tôi biết sẽ có ngày mẹ trao những lá thư ấy cho chị em chúng tôi, chỉ là chưa phải lúc này. Tôi hiểu, mẹ tôi vẫn muốn nâng niu, gìn giữ những lá thư ấy bên mình...

Năm nay, mẹ tôi đã 90 tuổi. Tôi ngỏ ý muốn được đọc những lá thư của cha tôi, mẹ tôi lật đật mở tủ và trao cho tôi một bao nilon màu đỏ. Trong đó là những lá thư viết tay rất đẹp của cha tôi và màu mực của hơn  nửa thế kỷ trước vẫn chưa phai. Có đôi chỗ đã mờ, nhưng nét chữ ấy, lời thương ấy và tình yêu ấy thì không khi nào mờ đi trong trái tim mẹ tôi.

Những lá thư của cha tôi viết từ những năm 1960- 1971 vẫn còn. Tôi ngồi đọc chúng mấy ngày nay và nghẹn ngào xúc động. Tôi hiểu hơn thế nào là sinh tử và lẽ đời. Tôi cũng hiểu hơn cha đã yêu mẹ tôi đến nhường nào. Mẹ tôi dù trải qua biết bao gian truân,  sau này khi cha tôi mất, một mình bà nuôi dậy cả đàn con trưởng thành, bà đã vượt qua chính mình, đã bản lĩnh, đã nghiêm khắc thay cha nuôi chúng tôi nên người. Trong tim bà vẫn luôn có được tình yêu lớn của cha tôi. Tình yêu của cha với mẹ đẹp đẽ, nên thơ và sâu sắc. Thế hệ của chúng tôi thì khó mà học theo được.

luu-hinh-anh1-1627138653.jpg
Thư của em gái tôi lúc 8 tuổi

Cha tôi hay nhắc đến bà nội tôi trong các lá thư viết cho mẹ và người thương yêu các con vô cùng. Bà Nội là người luôn chăm sóc chúng tôi khi tôi còn nhỏ và gần gũi với  tôi nhất. Tôi cũng được bà dạy dỗ và nghe bà kể những câu chuyện từ xa xưa. Tình thương yêu của cha sẽ không bao giờ chúng tôi có thể bù đắp được nữa. Cha tôi không còn nhưng những lá thư và nét chữ của ông vẫn còn đang hiện hữu. Chỉ có những lá thư viết tay trong thời gian khó mới mang lại cho chúng ta những rung động thẳm sâu như vậy. Bởi nét chữ chính là nét người, là hình ảnh văn hoá và thể hiện được một phần quan trọng tính nết của mỗi con người. Dù chữ bạn đẹp hay xấu, nó vẫn là một phần con người của bạn và chữ viết tay sẽ không ai giống ai hoàn toàn vì mỗi người là một cá thể riêng, là sự khác biệt riêng.

Cảm ơn mẹ đã giữ gìn những lá thư tay của cha đến sáu mươi năm, bằng đúng

tuổi của tôi. Một nỗi buồn đi theo suốt cuộc đời mà vẫn luôn đẹp đẽ và trong suốt, nếu có chút tuyệt vọng nào đó thì cũng là nỗi tuyệt vọng đẹp đẽ và đáng nhớ. Có lẽ tôi sẽ bắt đầu viết những bức thư tay dù là ngẳn ngủi cho mình và cho những người thân yêu chăng? Tôi cũng là một người hoài cổ nên rất thích được đọc những lá thư viết tay.

Bạn thì sao? Đã bao lâu rồi bạn không còn nhớ đến khái niệm viết thư tay nữa? Hãy viết thử một bức thư tay bạn nhé! Ít nhất là thử viết cho chính mình!