Những năm tháng không quên

Truyện Ký: Triều Dâng

14/05/2023 09:01

Theo dõi trên

Cuối năm 1967 QK3 tổ chức lớp đào tạo đài trưởng ba tháng cấp tốc, sát với thực tế chiến trường. Đơn vị đóng quân ở xã Hùng Lý-Lý Nhân-Hà Nam. Nghe giảng viên nói vừa qua đào tạo chưa đi sát với thực tế. Nên khoá này sẽ có thay đổi để phù hợp với chiến trường hơn.

Đại để như 2w cần rút gọn thủ tục khi lên máy...thí dụ “Sông Cầu gọi sông Lô nghe rõ không trả lời” chúng tôi tham gia:”sông Cầu-sông Lô-trả lời” sau này rút gọn “01-02-03” chắc vẫn dùng cho đến ngày nay.

Để áp dụng từ học ra thực tế chiến trường, quan trọng nhất là mắc dây anten hai râu...Theo tình báo ta, trong cuộc chiến tranh chống Pháp, duy có đài của sư đoàn 308 bị tình báo thông tin Pháp dùng máy định vị phát hiện sóng VTD. Chủ yếu do đài có một báo vụ viên phát cố tật (phát tín hỏng một chữ). Khi đồng chí này lên máy là nó biết ngay đài của sư 308.

Nắm được tin như vậy. Ta đã tương kế tựu kế cho đồng chí báo vụ này ở lại Ninh Bình, hàng ngày vẫn lên máy bình thường với bộ Quốc phòng. Còn sư đoàn bí mật hành quân lên Điện Biên, mà quân đội Pháp vẫn yên trí tưởng sư 308 vẫn cố thủ bảo vệ đồng bằng Bắc Bộ.

b1trdang1-1684029553.jpg

Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Nói chung các báo vụ viên ta được Mỹ chăm sóc và đặt tên cho từng ngươi. Còn trong chống Mỹ chủ yếu lộ anten là chính chứ chưa có đài nào bị lộ do sóng...

Đại uý Thái Bá Chương là chuyên gia cao cấp vô tuyến điện của bộ quốc phòng nói chuyện (gọi là giảng) hai ngày liền mà mọi người cứ há hốc mồm nghe không chán. Ông giới thiệu bài này ông soạn để nói chuyện với lớp cán bộ cao cấp của BQP mà vinh dự lớp đài trưởng QK3 được duyệt giáo án...

Rồi dặn dò chúng tôi hãy nhớ để áp dụng vào thực tế chiến đấu ở đơn vị, khi ra trường áp dụng theo bài giảng của đại uý Thái Bá Chương. Chủ yếu là cách mắc anten hai râu mà ông đã cải tiến để dấu và nguỵ trang anten tuyệt đối an toàn cho đài 15W. Hãy chú ý chọn chỗ mắc anten rồi ngụy trang hết mức có thể.. Mắc anten theo địa hình như đã hướng dẫn…

Rồi cán bộ của trường dặn thêm, sau đây vài tháng nữa sẽ có một số đồng chí học lớp đài trưởng lần này có thành tích học tập xuất sắc sẽ được gọi về học lớp sĩ quan thông tin của QK3. Nên các đồng chí phải cố gắng học cho thật tốt.

(Tôi thực sự may mắn được nghe đại uý Thái Bá Chương tận tình giảng giải về cách nguỵ trang anten. Cách mắc dây an ten do ông cải tiến, rồi áp dụng vào thực tế những ngày chiến đấu ở Trường Sơn), vô cùng hiệu quả...

Để chuẩn bị đánh giá chính xác kết quả sát với chiến trường. Chúng tôi được đi thực hành liên lạc và hành quân dã ngoại một tuần. Xuất phát từ Hùng Lý-Lý Nhân-Hà Nam. Tôi lại vẫn đeo máy thu phát 102E đằng sau, ba lô đằng trước như thời ở lớp báo vụ.

Khoảng 5 giờ 18/2/1968 hành quân. Đơn vị đi vòng ra đê sông Hồng, qua bến đò Yên Lệnh, bên kia sông là Hưng Yên. Nhưng chúng tôi rẽ tay trái vào Duy Tiên. Cứ thế rồng rắn khoảng trên 20 km thì dừng lại vào nhà dân nghỉ và trọ một đêm ở đây.

Trước hết nhờ gia đình cho đào một cái hầm đặt máy thu phát, máy ra gu nô phát điện ở ngoài vườn. Sâu 1m dài 1m5, xong đặt máy bắt liên lạc, rồi thay nhau thực hành thu phát báo cho tới sáng.

Hôm sau 20/5/1968, khoảng 5 giờ lại thu dọn máy móc hành quân sang Thanh Liêm. Rồi nghỉ chân, gần trại cải tạo những cô gái mại dâm ở nông trường Ba Sao. Nên cấm mọi người đi lại tự do.

Đến đây chúng tôi được anh nuôi cho ăn bữa canh xương nấu sắn sao mà ngon thế, cảm thấy nhớ suốt đời với hương vị sắn ngậy và bở, hiếm nơi nào có sắn ngon như vậy, nên tôi ăn no căng cả bụng. Tối lại hành quân tiếp qua Kim Bôi-Lương Sơn-Hoà Bình. Đây thực sự là rừng núi hoang vu. Máy sau lưng cứ ghì lấy vai, ba lô như bám chặt hơn vào ngực vào bụng. Làm cho người cứng đơ rất khó chịu, mồ hôi thi nhau bò, ớn ghê...

Đến khuya vào dân nghỉ nhờ. Vì chặng này leo núi vất vả nên cho nghỉ đến sáng để lấy lại sức, chuẩn bị cho buổi học thông báo ngày mai đi thực tế ở nơi rừng núi.

Sáng sớm chúng tôi đi xuyên rừng sang Lạc Thuỷ, mỗi tổ đài theo một hướng, đến nơi định sẵn đặt máy bắt liên lạc. Chủ yếu chọn hướng mắc anten hai râu, xem công suất máy phát đạt được QSA mấy...

Cứ thế chúng tôi len lỏi trong rừng, đi chênh vênh trên sườn núi, trông rừng cây cao vút trùng điệp, đúng là đẹp vô cùng. Nhìn xa xa xen kẽ rừng mơ có những cô gái Mường thấp thoáng áo cóm trong sương, làm tôi lại nhớ đến bài thơ "CÔ HÁI MƠ" của Nguyễn Bính...

Suốt cả ngày vừa hành quân xuyên rừng qua núi, vừa thực hành liên lạc. Toàn thân rã rời, chân run, miệng thở. Còn bao nhiêu phong cảnh đẹp của núi rừng giờ chả thèm chiêm ngưỡng nữa, chỉ mong mau mau về chỗ nghỉ mà thở thôi...

Thế rồi chân lê mãi cũng được nghỉ. Rửa ráy qua loa vội mặc quần áo sạch vào đi ăn cơm cho hết đói. Sau đó thay nhau thực hành lên máy bắt liên lạc và thu phát điện cho tới sáng. Thu dọn máy thu phát báo, gói ghém gọn gàng quân tư trang, hành quân trở về.

Chào Lương Sơn - Kim Bôi - Lạc Thuỷ - Hoà Bình. Mảnh đất tuyệt vời có những rừng mơ thơ mộng, còn chúng tôi cũng tắt luôn mơ mộng, để quay về đồng chiêm trũng Hà Nam. Lòng bồi hồi đến lạ. Biết đến bao giờ mới có dịp trở lại thăm quan chứ không phải hành quân dã ngoại như lần này.

Chúng tôi đi ngược núi rừng, khi trời còn mờ hơi sương trông sao mà kỳ ảo và đẹp quá chừng! Lúc xuống dốc máy nặng đằng sau như có người đẩy, mà ba lô đằng trước nó tỳ cứng bụng không cựa quậy được mới khổ làm sao.

Hôm nay là ngày thứ 5 rồi, còn 2 ngày nữa sẽ kết thúc đợt học thông báo này. Dẫu sao cũng phải cố. Vì nhìn trong tiểu đội ai cũng phờ phạc và gầy đi trông thấy, (trước khi đi đợt này thấy trường gọi mọi người ra cân rồi ghi vào sổ đã thấy nghi nghi... thì ra nó vất vả và tốn ca lo quá vậy).

Về đến Bình Lục thì thực sự mệt rã rời. Trời lại mới mưa nên đường trơn nhầy nhụa. Đeo máy nặng càng bải hoải đôi chân. Chỉ còn hơn ngày nữa nên gồng mình hết cỡ cho tròn nhiệm vụ, nhưng vẫn phải thực hành bắt liên lạc để tính thời gian và chỉnh công suất của máy, rồi thu phát điện để tính kết quả khi ra trường, nên ai cũng phải cố hết sức.

Sáng sớm cuốn gói hành quân về trường. Kết thúc bẩy ngày cực kỳ vất vả. Giờ chỉ còn vài cây số nữa thôi mà đôi chân nó không chịu nghe lời. Đành phải đi bằng cái đầu mới về được...

Khi vào đến chỗ tập trung vội ngồi bệt xuống đất, ngả người ra, mồm mũi tranh nhau thở... nhanh chóng ra cân để ghi vào sổ. Tôi sút 3 kg là diện ít nhất trường. (Vì anh em đã có lệ ai ăn sau cùng phải rửa và dọn mâm, nhưng tế nhị để lại bát ấy đầy cơm hơn). Còn người hao nhất sút mất 7 kg trọng lượng. Kết quả tốt nghiệp đài trưởng QK3 tôi được xếp hạng đứng đầu của lớp... cũng bõ những gian khổ mà mình đã vượt qua...

Khoá học đến đầu tháng 3/1968 thì ra trường, tôi về D1 cao xạ đang chiến đấu bảo vệ cầu Yên-Ninh Bình. 16/3/1968, nhận lệnh đi B gấp vào bảo vệ Tây Thành Huế. Đơn vị được ăn bồi dưỡng chế độ đi B vừa đúng 10 ngày. (Các đơn vị bồi dưỡng đi B ba tháng)…

Chúng tôi lên xe hành quân khoảng 5 giờ chiều, với lá cờ Giải Phóng nửa xanh nửa đỏ, phần phật tung bay trước gió, mà thấy lòng xốn xang kiêu hãnh lạ kỳ. Xe chúng tôi hành quân theo đường mòn mà sau này gọi là đường Hồ Chí Minh. Đi dọc núi rừng Thanh Hoá, rồi nghỉ ở giữa rừng. Sáng hôm sau đi vào nông trường cà phê Tây Hiếu Nghệ An, nghỉ tại nông trường. Lần đầu nhìn thấy cây cà phê hoa trắng lá xanh mướt, trông mà thấy lòng chộn rộn khó tả. Tiếp theo sang đất Hà Tĩnh. Giờ mới cảm nhận được mình đang đi trên dẫy Trường Sơn. Đường đất bị bom Mỹ đánh phá nham nhở, trông đỏ lòm, rừng cây xơ xác đến thảm hại.

Cứ thế xuyên rừng núi sang Quảng Bình, rồi qua khe Tang thì nghe phía trước tắc đường 20, xe pháo nằm lại chờ công binh và TNXP sửa đường. Mấy đứa rủ nhau vào hang đá ngồi nghỉ, ai ngờ ngủ quên, khi nghe tiếng nói lao xao mới giật mình chạy ra, thì mọi người đã lên xe đông đủ chỉ còn hai thằng tôi và Hưng, hỏi không ai biết hai đứa đi đâu. Tý nữa thì bị bỏ lại sẽ thành lính B quay (đào ngũ). Hành quân xuyên rừng mấy ngày mới hết đất Quảng Bình. Chính ở rừng nơi đây tôi gặp những đàn ruồi vàng nhiều vô kể. Nó cứ bu vào đầu, vào mặt, mũi, chân tay... khiếp ghê. Nếu ai vô tình đập chết một con là cả đàn xông vào đốt thì có trời mới cứu nổi. Người sẽ sưng vù như con trâu. Nặng quá có thể toi đời. Nên khi nó bu đầy mặt cứ mặc kệ nó, hãy nhẹ nhàng bẻ cành lá xua đi, tránh xa dần mới thoát...

Rồi đơn vị vượt qua cổng Trời, đêm ấy có trăng đầu tháng. Nhìn núi đồi trọc lóc mới thấy nơi đây ác liệt đến chừng nào. Nếu xe đang đi mà máy bay đến giữa nơi trống trải này dễ làm mồi cho lũ quạ sắt như chơi.

Tối nay không có máy bay Mỹ quần đảo thế là may mắn rồi. Sang qua cổng trời là tỉnh Khăm Muộn đất Lào, được an toàn vì nó chỉ đánh phá trên đất Việt Nam thôi.

Rừng bên Lào vẫn đẹp nguyên, những cây gỗ to cao vút, cành lá xum xuê che kín cả bầu trời, ở trong rừng đi lại máy bay không phát hiện được.

Đơn vị đến Lào thì cũng là lúc Mỹ nguỵ chiếm lại Huế. Chúng tôi vẫn hưởng chế độ B nhưng ở lại phối thuộc chiến đấu với đoàn 559 trên dọc dẫy núi Trường Sơn...

Ở Khăm Muộn một thời gian thì 21/4/1968 có lệnh kéo pháo vào bảo vệ cua chữ A, cua chữ S, ngầm Tà Nê, đèo Pu Na Nhích... Sau đó chuyển về ngầm bản Đông Tà Khống Xa Va Na Khẹt.

Chiều 10/5/1968 có lệnh cơ động vào bảo vệ ngầm sông Bạc. Khoảng gần 5 giờ chúng tôi khiêng máy móc quân tư trang ra bãi đỗ xe ở gần đường tuyến. Lúc này ngoài đường máy bay mới vừa đánh phá, rải bom cháy đang lập loè như lũ ma trơi... mùi khói bay khét lẹt…

Qua ngầm bản Đông một đoạn, đến ngầm bản Keng thấy ven đường xơ xác không còn bóng cây, thế này máy bay đến thì chả biết ẩn vào đâu. Tất cả là do số phận may rủi mà thôi.

Khi đến đầu ngầm được biết hôm nay mới mưa nên nước ngầm ngập sâu. Xe phải đều ga chắc lái kẻo chết máy gữa ngầm là tắc đương thì nguy lắm...

Xe chúng tôi từ từ xuống ngầm, anh Thuấn hôm nay lái tuyệt thế, đã vượt ngầm một cách êm ru. Đến bên kia ngầm phía bờ Nam thấy nhiều cây to tưởng ngon lành nên cho xe dừng để dấu xe, (ai ngờ nó là cái bẫy của không quân Mỹ, chúng lừa những ai mới vào đây lần đầu, nghĩ là an toàn... Nhưng chính chỗ này máy bay chúng thả bom bi, rồi mìn lá dầy đặc, ai đi vào dính mìn lá nổ nát hết bàn chân, sẽ bị tháo khớp bàn chân ngay...) Mọi người xuống chờ xe kéo pháo rồi cùng đi.

Vừa lúc đó nghe báo xe pháo đang chết máy giữa ngầm, anh em D bộ xuống hỗ trợ đẩy cho xe nổ máy ngay.

Mọi người vội vã xuống ngầm, gần đến chỗ xe chết máy, thì may sao xe đã nổ giòn, đang lấy đà kéo pháo. Chúng tôi nhanh chóng lên bờ về xe để đi ngay chứ ở đây lâu không được.

Lên đến chỗ xe đỗ gọi nhau, bỗng nghe trên đầu ba tiếng nổ: bụp...bụp... bụp. Thì ra là ba quả bon bi mẹ tách vỏ thả hàng trăm quả bom bi con hình cầu rơi xuống.

Tôi chỉ nghe có thế! Khi mở mắt ra không thấy còn ai. Mọi người đã chạy thoát khỏi khu vực bom bi vừa đánh. Lúc này thấy môi mằn mặn vội đưa tay lên sờ, môi dưới rách đôi. Vội lấy khăn mặt buột ở túi cứu thương băng lại chỗ môi rách cho đỡ chẩy máu. Còn ở lưng thấy nong nóng, nhưng không tự băng được, vết thương ở mông phải vẫn đang rỉ máu... đành chờ mọi người quay lại băng giúp.

Liền bò ra chỗ xe ô tô định ẩn tạm bên lốp, thì thấy mùi xăng nồng nặc. Như vậy mảnh bom đã xé rách thùng xăng không thể ở gần chỗ xăng chẩy ra lênh loáng, rất nguy hiểm. Tôi nghĩ phải ra xa chỗ xăng chẩy rồi nằm nghiêng người cho chỗ bị thương cao hơn tim chắc sẽ giảm máu chẩy...

Một lúc sau mọi người quay lại, thấy tôi bị thương vội băng cho tôi, có hai lỗ xuyên vào ngực trái phía sau lưng chắc chỉ cách tim 1-2 cm, máu phụt ra thành vòi theo nhịp đập của tim. Chỗ môi dưới rách đôi nhưng không gẫy răng. Còn vết thương ở mông chỉ còn ri rỉ máu, mảnh bom vẫn nằm yên trong đó…

Băng bó xong kiểm tra quân số thấy thiếu anh Phong cơ yếu! Mọi người đi dọc đường tuyến tìm vẫn không thấy anh đâu. Khi quay lại để ý phía bìa rừng giống có người nằm. Đến nơi thì là anh Phong bị bom xuyên vào đùi đứt động mạch, tìm thấy đã tắt thở! (anh Phong quê Việt Trì Phú Thọ).

Mấy người bị thương được đưa vào trạm phẫu binh trạm 34 kịp thời sơ cứu. Người nhẹ được ở lại rồi về đơn vị. Còn tôi, Lã Xuân Định và anh Lâm trợ lý hậu cần chuyển ra viện đoàn 559.

Đến bãi xe đợi gần 5 giờ chiều 12/5/1968 có mấy xe tới... mỗi ngươi lên một xe, chắc sợ máy bay oanh tạc thì chỉ bị một người thôi.

Tôi ngồi thùng xe ngắm giời ngắm đất, ngắm núi rừng Lào sao mà tuyệt đẹp. Rừng cây xanh thẳm cao vút mênh mông. Khi xe trên cao nhìn xuống chân núi, thấy mây trắng bồng bềnh ngỡ mình đi trên mây, thấp thoáng lúc ẩn lúc hiện, thích thú làm sao.

Xe đến đoạn đường trống trải, thì cũng là lúc máy bay vừa thả bom cháy hai bên đường, khói bay mù mịt. Lửa cháy lèm lèm ngay những bụi cây ven đường. Bỗng nghe tiếng bụp, tôi giật mình thì cũng là lúc xe đánh lái rẽ vào lùm cây bên đường. Đèn dù bật sáng, thằng L19 bay vè vè rất thấp rồi quay lại, nhưng xe đã ẩn kín dưới lùm cây. Nó lượn vòng vòng không thấy gì, một hồi rồi chuồn thẳng.

Vừa im ắng, anh lái thò đầu ra nghe ngóng, liền bảo ta đi được rồi đồng chí ạ.

Xe ra khỏi nơi ẩn nấp, đang chạy bon bon... bỗng đánh hự một cái, người xô ngược lên, thì một loạt 20 ly nổ toé lửa nơi đầu xe. Xe lại rú ga lao vút, loạt thứ hai nổ toác toác ngay sau lốp, nghe rợn cả người!

Cứ thế như mèo vờn chuột. Nó đuổi thì anh chạy, đánh lái, rú ga, rồi phanh, để tránh những luồng đạn quái ác của thằng L19. Ở Trường Sơn nó là nỗi khiếp đảm của cánh lái xe, vì bám dai như đỉa, mà 20 ly nổ như vãi đạn, nghe rợn tóc gáy.

Đến đoạn đường có cây xanh, cũng là lúc nó bay qua đầu để lượn vòng lại. Anh nhanh như chớp, lao xe vào chỗ có cây xanh ở xa đường. Nó quay lại thì mất mục tiêu, liền bắn ào ào như mưa xuống ven đường, mấy vòng như thế, không thấy gì, chuồn thẳng.

Vào viện được hai hôm, đến ngày thứ ba thấy buồn nôn tôi ngoái đầu ra khỏi sạp (giường) thổ ra cả đống máu tươi... đồng chí cùng lán thấy vậy vội chạy đi gọi bác sĩ, kịp thời đến tiêm liền hai mũi. Sau ba ngày tiêm thì không còn nôn ra máu tươi nữa. Tôi vẫn tự hỏi tại sao lại nôn ra máu tươi mới lạ.

Được một tuần đi lại được, tôi tìm đến chỗ Định, thì thấy toàn thân trắng băng, một mùi thối khẳn xốc vào mũi mà khiếp. Hỏi sao lại thế... Định bảo khi chạy nghe tiếng bom phía sau, cũng hơi xa chắc là đuối tầm... bom bi nó găm khắp người, chỉ ngoài da nên lấy tay móc bi, móc mảnh bom, thành thử bị nhiễm trùng toàn thân! Giờ chỉ có một bộ quần áo. Bô quần áo bị thương đầy máu, anh em bỏ lại rồi. Tôi thấy thương Định quá, nên quay về lán lấy bộ Tô Châu không bị thương của tôi cho Định. Còn mình về đơn vị chắc có quần áo phát bổ xung. ( nhưng khi về đơn đơn vị không có đành nhận bộ quần áo rách của Định). Đó là tình cảm của người lính, khi chia tay nhau để về đơn vị tiếp tục chiến đấu. Còn Định chắc chắn phải ra Bắc điều dưỡng.

(Lã Xuân Định quê Trung Dương Kiêu Kỵ Gia Lâm Hà Nội)

Khi gặp anh Lâm thì anh bảo mai anh ra viện, chú có xin ra về cùng anh không. Tôi nghĩ mình chưa khoẻ hẳn, nhưng đến lúc ra chỉ có một mình thì vất vả lắm. Biết đơn vị ở đâu... Lúc bác sĩ đến khám, tôi nói dối đã khoẻ để ra viện cùng với anh Lâm về cùng cho vui.

Sáng 26/5/1968 lấy giấy ra viện xong, hai anh em hỏi đường ra bãi xe để xin đi nhờ. Nhưng phải chờ đến 5 giờ xe mới xuất phát.

Rừng ở đây là rừng già, bãi xe ban ngày cũng không sợ máy bay, vì rừng cây che kín.

Các cụ thường hay nói:” Ghét của nào giời trao của đó” quả không sai...

Đúng là khi đi B tôi vẫn hay nói, ghét nhất bị thương dọc đường, thì mình lại bị thương. Cũng may vết thương nhẹ, vẫn về đơn vị tiếp tục chiến đấu được...

Với bao kỷ niệm mà tôi trải qua, trước sự khốc liệt của chiến tranh đã thôi thúc tôi cầm bút ghi những vần thơ về đời lính!

TỰ HÀO LÍNH

Ta là lính mãi vẫn còn là lính

Vẫn đơn xơ như ba lô cũ bạc màu

Tình là vàng tiền có đáng gì đâu

Nghiêng trên ván hẹp tràn trề hạnh phúc

Đời lính chiến trải bao cơ cực

Đói rét sốt rừng vàng mắt vàng da

Đá lòng anh bỗng nhỏ lệ nhòa

Bởi tiễn đồng đội đi nơi vực sâu hốc đá

Trời đen đặc giữa mưa rừng xối xả

Xé toạc đêm loạt bom chớp chói lòa

Giữa Trường Sơn lại nhớ khói bếp quê nhà

Nhớ bát canh cua rau đay của mẹ

Nhớ bậu cửa ngồi bên bà thuở bé

Nhớ đuôi gà chót vót cầu ao

Nhớ hương sen thơm gầu nước em chao

Nhớ hoài chuyện làng quê đã đi vào cổ tích

Ta là lính mãi vẫn còn là lính

Cả cuộc đời chất lính không phai

Giữa bon chen đâu đó mặc ai

Vẫn sống vô tư nghĩa tình chất phác

Mặc mái đầu đã điểm vầng mây bạc

Vẫn như xưa thời áo lính năm nào

Lại đến bên thơ cho thỏa nỗi khát khao

Mãi tự hào ta đã một thời là lính...!

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Những năm tháng không quên" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn