Cảm xúc thiêng liêng và tự hào dâng trào trong lồng ngực có lẽ không ở đâu hiện lên một cách đầy đủ và rõ ràng bằng ở những nơi địa đầu đất nước. Tôi đã không ít lần được đứng bên các cột cờ và cột mốc đánh dấu chủ quyền quốc gia trên các đường biên giới nhưng lần nào cũng vậy cảm xúc về đất nước không khỏi bị bùng lên một cách mãnh liệt.
Từ cột cờ cao vòi vọi với lá quốc kỳ năm mươi tư mét vuông tung bay ngạo nghễ trên đỉnh trời Lũng Cú ở Hà Giang đến cột mốc hình tam giác ở Bờ Y nơi ngã ba biên giới Đông Dương tại Kon Tum hay cây số 0 ở mũi Sa Vĩ nơi cửa biển Quảng Ninh… lần nào cũng thế, nơi nào cũng vậy, tôi thấy rất xúc động.
Dường như, ở cái nơi bắt đầu của Tổ quốc, người ta không chỉ thấy cảnh quan miền biên viễn hùng vĩ hiện lên đẹp vô cùng với những cảnh vật non nước trập trùng xanh thẳm chạy dài tới tít tắp chân trời mà còn thấy rưng rưng trong lòng một mối tình vô cùng lớn lao, cao cả: Tình yêu đất nước, trong sự cảm nhận đầy đủ nhất về cái ý nghĩa thiêng liêng của hai từ “Tổ quốc”.
Lần này, bên cột cờ Lũng Pô, ở chỗ “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”, cảm xúc thiêng liêng và tự hào về vùng đất đầu sông đầu núi trong tôi vẫn nguyên vẹn như thủa ban đầu khi được đặt chân đến những miền biên viễn. Chẳng những thế, nó còn có cả sự háo hức bởi được tận mắt nhìn thấy nơi khởi đầu của dòng sông Hồng nổi tiếng, khi bắt đầu đi vào đất Việt.
Qua đêm ở thành phố Lào Cai, sớm hôm sau, chúng tôi bắt đầu lên đường đến A Mú Sung nơi có cột cờ Lũng Pô, ở chính chỗ một bên là con suối trong xanh và một bên là dòng sông ngầu đỏ. Hai dòng chảy gặp nhau để cùng hòa chung thành một dòng sông đổ xuôi ra biển. Điểm gặp gỡ ấy cũng chính là nơi đánh dấu cái điểm kết thúc của con sông Nguyễn Giang trên đất Trung Quốc và cũng là nơi khởi đầu của dòng sông Hồng khi đi vào đất Việt.
Hành trình đi ngược sông để về nơi địa đầu đất nước và cũng là thượng nguồn của dòng chảy từng làm nên một đồng bằng châu thổ rộng lớn gắn liền với tên gọi của một nền văn minh rực rỡ, nổi tiếng ở Bắc Bộ dài khoảng chừng bảy mươi cây số thật khá thú vị. Bây giờ con đường lên Lũng Pô dễ đi hơn ngày trước rất nhiều. Thị trấn Bát Xát nơi tôi đi qua cũng có nhiều thay đổi, không còn buồn tẻ và hoang vắng như thủa ngày xưa.
Đường lên Lũng Pô song hành cùng sông Hồng. Nó chính là con đường tuần biên mà dòng sông chính là biên giới tự nhiên giữa Việt Nam và Trung Quốc. Theo dọc dòng sông, con đường cũng có quãng phải vòng quanh dưới chân đồi hay men bên sườn núi khiến con sông nước màu nâu đỏ ẩn hiện, thấp thoáng trong tầm mắt với những màu xanh ngút ngàn của nương sắn, ruộng ngô, vườn quả của các xã Bản Qua, Bản Vược, Cốc Mỳ, Trịnh Tường, Nậm Chạc và cuối cùng là A Mú Sung; khiến cho những con mắt của khách bộ hành không khỏi chăm chú dõi theo, tìm kiếm trong cái nhìn say sưa, không biết chán.
Sông Hồng, mùa này không còn là những cơn lũ hồi tháng 9, khi cơn bão Yagi đi qua nên nước cũng vơi cạn. Dòng chảy không còn cuồn cuộn đưa những con nước mát ngọt phù sa màu mỡ về xuôi để tiếp tục bồi đắp cho đôi bờ sứ xở hay tiến về nơi cửa biển để mở thêm những bãi bồi trù phú cho muôn đời về sau. Nước sông mùa này bình yên và không còn màu nâu đỏ. Một làn trong xanh xé những đống đá mà cơn bão để lại, còn đang ngổn ngang giữa dòng để đưa nước về xuôi tạo thành những thanh âm réo rắt vang vọng đôi bờ tựa như bản nhạc đang tấu lên du dương để đón đất trời vào xuân.
Con đường ngược sông tuy có chỗ khúc khuỷu, quanh co bên những triền núi cao nhưng nhiều đoạn cũng đã được trải nhựa êm ru nên cảm giác khá mềm mại, không còn hiểm trở. Nó hiện lên trong tầm mắt người qua giống như một dải lụa vắt vẻo nối các sườn núi với những chân đồi khiến miền biên viễn Bát Xát hiện lên giống như một bức tranh tuyệt đẹp. Bức tranh buổi sớm biên cương thi thoảng lại được điểm xuyết bằng những chiếc xe chở đầy nông sản hay dăm ba đoàn mô tô của những phượt thủ hướng về ngã ba sông lại càng làm cho người qua không khỏi nao lòng, phấn khích một cách thích thú đầy háo hức.
Theo đường tỉnh lộ 156, sau khoảng hai giờ đồng hồ, chúng tôi có mặt trên đất A Mú Sung. Đi đến ngã ba Lũng Pô thì rẽ sang đường tỉnh lộ 158 để đi lên cột cờ và cột mốc. Đường lên cột cờ Lũng Pô và cột mốc 92, nơi có con suối Lũng Pô và dòng sông Hồng gặp nhau còn khoảng ba chục cây số nhưng khá vất vả. Nó vòng vèo, quanh co, khúc khuỷu. Tuy khó đi nhưng đó lại là một điểm đến rất thú vị trên bản đồ miền biên ải Tây Bắc xa xôi đối với mỗi người dân Việt.
Con suối Lũng Pô ấy bắt nguồn từ phía Bắc xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ tỉnh Lai Châu, chảy qua xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, đến bản Lũng Pô và tạo thành ranh giới tự nhiên giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc trước khi gặp sông Hồng. Lũng Pô tiếng Việt cổ gọi là Long Bồ còn người bản địa gọi là đồi con rồng lớn, cũng có nghĩa là đầu rồng. Nhìn từ xa chúng tôi nhận ra dòng suối uốn lượn tựa như thân rồng, còn đầu rồng chính là mỏm đồi nhô ra.
Có đi lên Lũng Pô ta mới thấy núi sông ở A Mú Sung thật hùng vĩ. Địa hình nơi đây bị chia cắt mạnh bởi những dãy núi cao xen lẫn sông suối và những thung sâu. Cũng bởi vậy, những cung đường nơi cực Bắc này dù có được thảm nhựa khá đẹp thì cũng làm cho không ít tay lái phải toát mồ hôi giữa trời đông giá lạnh bởi sự nguy hiểm của những khúc cua ngoằn ngoèo.
Đổi lại, vi vu, rong rổi trên những cung đường này, người đi sẽ được mãn nhãn bởi sự quyến rũ của rừng thẳm sông sâu, đồi xanh núi biếc trập trùng cùng với những bản làng của người Dao, người H’Mông, người Hà Nhì, người Giáy hiện lên thấp thoáng, đẹp như tranh vẽ. Tất cả cứ hoang sơ và bình yên đến nao lòng trên miền “đỉnh mây” cực Bắc.
Đi hết đường 158, chúng tôi sẽ đến chỗ gặp nhau của dòng sông và con suối. Đây chính là nơi “con sông Hồng chảy vào đất Việt”. Chính nơi ngã ba sông của vùng đất địa đầu Tổ quốc ấy có một cột mốc khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam rất thân quen với nhiều khách du lịch, cột mốc 92. Dường như tất cả khách đến Lũng Pô không ai không đứng cạnh một lần hay ngồi kề bên, ôm lấy cột mốc này để lưu giữ cho mình một tấm hình chứa đầy cảm xúc trong đời. Cái cột mốc thân yêu ấy không chỉ là điểm đánh dấu chủ quyền đất nước ở chỗ đầu nguồn sông Hồng trên đất Việt mà còn là nơi khắc ghi, lưu giữ máu xương của biết bao thế hệ người Việt Nam đã từng đổ xuống để giữ gìn dải đất biên cương thân yêu này.
Đi xuống và ngắm nhìn, chụp hình với cột mốc 92, nếu không phải những ngày đông lạnh, chắc hẳn đã có không ít người ào xuống lòng suối hay dòng sông để mặc sức vẫy vùng, ôm lấy dòng nước trong xanh đang hòa màu ngầu đỏ vào lòng cho thỏa thuê, thích thú và cũng như để khẳng định chủ quyền của mình với tư cách là một người dân đất Việt ở nơi đầu nguồn con nước của ông cha.
Đến A Mú Sung, đánh dấu chủ quyền đất nước bên cột mốc 92 thôi thì chưa đủ, hầu như tất cả du khách tham quan Lũng Pô đều vào nhà lưu niệm để dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các chiến sĩ và đồng bào Bát Xát đã anh dũng hy sinh để bảo vệ mảnh đất địa đầu nơi đây. Đặc biệt, người ta càng không thể bỏ qua cơ hội được chiêm ngưỡng một cột cờ sừng sững, đêm ngày soi bóng xuống dòng nước đỏ lặng phù sa được ví như một ngọn hải đăng trên sông ở miền cực Bắc: cột cờ Lũng Pô.
Cột cờ Lũng Pô là công trình của thanh niên tỉnh Lào Cai. Công trình này được khởi công xây dựng vào ngày 26 tháng 3 năm 2016 và khánh thành vào ngày 16 tháng 12 năm 2017. Công trình này được xây dựng trước trụ sở của Trạm biên phòng Lũng Pô (thuộc đồn biên phòng A Mú Sung). Cột cờ được làm trên khuôn viên có diện tích 2.100m2. Trong đó diện tích cột cờ là 84,43m2 và tổng chiều cao của cột cờ là 41m phần thân, từ chân đế lên tới đỉnh cao 31,43m. Độ cao này tượng trưng cho đỉnh núi Fansipan, đỉnh núi từng được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương, một danh thắng là niềm tự hào của người Lào Cai, cao 3.143m.
Trên đỉnh cột cờ Lũng Pô lúc nào cũng tung bay lá cờ Tổ quốc rộng 25m2, tượng trưng cho 25 dân tộc anh em của tỉnh Lào Cai. Cột cờ Lũng Pô được làm bằng bê tông cốt thép, hình bát giác. Để lên trên đỉnh cột cờ, người ta phải bước qua 125 bậc thang xoáy trôn ốc khá cao và dốc. Bởi thế leo lên đỉnh cột cờ cũng khá mệt. Tuy nhiên khi lên đến nơi, từ đỉnh cột cờ phóng mắt nhìn ra bốn phía ta sẽ thấy toàn cảnh Lũng Pô, từng ẩn khuất sau đỉnh núi mờ sương mà ở phía đằng xa ta đã từng trông thấy.
Trước mắt, chân đồi bên dưới cột cờ là ngã ba sông, suối hợp dòng tạo thành hai làn đục, trong từ hai ngả núi tụ vào nhau, trộn hòa sắc nước để mang phù sa màu mỡ chảy về xuôi cùng những nếp nhà sàn của các bản làng nhấp nhô xen lẫn trập trùng ruộng bậc thang đang nằm gối đầu lên nhau, vắt từ sườn núi này sang sườn núi kia, trải ra giữa miên man trời đất.
Đưa mắt ra xa, theo hướng xuôi chảy của dòng sông, nếu trong mùa mưa, ta sẽ thấy ngời lên một màu hồng đang cuồn cuộn đi về phía thành phố Lào Cai giữa màu xanh ngút ngàn của núi rừng, ruộng nương. Kề bên dòng sông là con đường biên giới gập ghềnh uốn khúc trên những dốc đèo chênh vênh.
Ngửa đầu, nhìn lên bầu trời, ta sẽ thấy lá cờ đỏ sao vàng to rộng kêu hãnh, hiên ngang đang bay phấp phới giữa nắng, gió biên thùy để khẳng định và báo hiệu chủ quyền thiêng liêng, một vùng trời đất bất khả xâm phạm Tổ quốc.
Từ trên đỉnh Lũng Pô, bên dòng sông Mẹ, ta sẽ thấy hồn thiêng sông núi hòa vào trong những làn gió mát lành, chạy theo dọc dòng sông, thấm sâu vào thân thể Tổ quốc trong suốt dặm dài của hơn năm trăm cây số với bạt ngàn phù sa mầu mỡ để làm nên linh khí cho biết bao làng bản, xóm thôn.
Tính từ chỗ dòng suối Lũng Pô gặp con sông Nguyễn Giang để làm thành một tên gọi mới: “sông Hồng” cho đến nơi kết thúc hành trình ở cửa biển Ba Lạt, dòng sông chở đầy nước ngọt phù sa ấy khi thì dữ dằn cuộn sóng, gầm réo, dâng nước; lúc lại dịu dàng, êm đềm, xuôi chảy một cách nhẹ nhàng, trữ tình mà đi qua các phố thị sầm uất hay bên những bản làng thơ mộng của các tỉnh, thành: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình.
Cứ thế mà nó làm thành một chứng nhân ngàn đời và ấp ôm đôi bờ xứ sở trong những thăng trầm, thịnh suy của dân tộc ngay từ buổi bình minh dựng nước cho tới mãi muôn đời ngày sau. Trên hành trình “miệt mài chảy mãi khôn nguôi” ấy, con sông hôm nay chúng tôi nhìn vẫn cứ thấy “trẻ mãi không già”. Mê mải hóng theo tiếng reo của con nước, dưới bóng cờ bay, bâng khuâng trong chiều gió lạnh cuối năm, cứ thế mà ngẫm về đời sông ở nơi thượng nguồn, bỗng dưng thấy “thiết tha” những “chứa chan chung tình sâu nặng” đến vậy.
Chẳng phải ở đâu xa, chính trên chốt tiền tiêu Lũng Pô, nơi tôi đang đứng, đã có bao người cùng dòng sông đã “hiến mình tất cả”, “không hề tiếc vơi đầy” và đêm ngày “vẫn ngóng trông” về “nơi góc bể” tỏ bày “gửi lời thương nhớ”. Chẳng rõ, có phải cùng chung nỗi niềm cảm xúc ấy mà sáng ngày 20 tháng 2 năm 1979 (sau khi cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc diễn ra 3 ngày) hồn thơ của Dương Soái đã cất lên những tiếng lòng da diết để sau này nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc thành một bài ca nổi tiếng: “Anh ở Lào Cai/ Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt/ Tháng Hai, mùa này con nước/ Lắng phù sa in bóng đôi bờ/ Biết là em năm ngóng, tháng chờ/ Cứ chiều chiều ra sông gánh nước/ Nên ngày ngày cùng bạn bè lên chốt/ Anh lại xuống sông Hồng cho thoả nỗi em mong …” (Gửi em ở cuối sông Hồng của Dương Soái).
Nhớ đến bài thơ của Dương Soái ra đời từ trong khói lửa với những nỗi niềm thương nhớ vơi đầy của những con người đã “hiến mình tất cả” “cho dáng hình xứ sở” để làm nên “đất nước muôn đời” ở “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”, tôi lại liên tưởng đến bài hát của nhạc sĩ Phó Đức Phương với những canh cánh nỗi niềm quê hương: “Gió sông Hồng thổi trong lòng tôi/ Gió sông mẹ lại gọi trong lòng tôi/ Những bờ tre bãi mía hát lên rì rào/ Như tha thiết trao nhắn bao lời ngọt ngào” (Bên dòng sông Cái) và rồi vội hái vài ba chiếc lá, đi xuống dòng sông thả xuống làm thuyền cho nước “xuôi về dưới ấy”.
Cứ vậy, đứng nhìn, lặng lẽ dõi theo trong tiếng nhạc nước, nhạc lòng với muôn tiếng ca đang tấu lên tha thiết: “Này đây những chiếc lá ta thả trôi sông/ Hãy mang theo nỗi lòng ta xuôi theo dòng/ Này đây những chiêc lá như nụ hôn ta/ Hay trôi đi trôi về nơi xa ấy/ Chảy đi sông ơi, chảy đi kìa sông ơi” (Chảy đi sông ơi). Để rồi chợt nhận ra tứ thơ của nhạc sĩ họ Phó và nhà thơ họ Dương kia sao đồng điệu và da diết quá! Phải chăng cái cảm xúc đồng điệu, da diết ấy đều được khơi dậy từ những tâm tình tha thiết với quê hương bên dòng chảy linh thiêng ngàn đời của đất mẹ muôn đời yêu dấu?
Tôi đã từng đến chào cờ trên đỉnh Lũng Cú và checkin ở điểm cực Bắc (Hà Giang) nay lại chào cờ trên đỉnh Lũng Pô và checkin bên cột mộc 92, thật tự hào và thích thú. Một nơi là “chóp nón” linh thiêng, đầy kiêu hãnh của đất mẹ Việt Nam và một chỗ “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” để làm thành một đồng bằng châu thổ rộng lớn, trù phú - cái nôi của nền văn minh Đông Sơn (nền văn minh đầu tiên của nước ta), sau này là nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng của nền văn minh Đại Việt - Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.
Hai cột cờ không chỉ là những mốc đánh dấu chủ quyền quốc gia trên miền biên viễn Tây Bắc mà còn là lưu giữ trong mình những trang sử hào hùng đất nước trong suốt cả ngàn năm thăng trầm của dân tộc với biết bao máu xương của các thế hệ người Việt Nam nơi biên cương cực Bắc. Chỉ thế thôi, chưa cần nói về cảnh núi sông diễm lệ, nghĩ đến là nhất định phải đến. Và đến rồi khi “chưa xa đã nhớ”. Yêu lắm, thương lắm, tự hào lắm Lũng Pô ơi!