Những “nàng chuột đồng” và sinh thái trong thơ Nguyễn Linh Khiếu

Tôi chưa thấy một nhà thơ nào yêu và nâng niu sự vĩnh cửu và đau đớn đến thảng thốt như Nguyễn Linh Khiếu. Con giun, con dế, chim chóc, muông thú, châu chấu, cào cào... của tuổi thơ tôi đều có mặt trong thơ Nguyễn Linh Khiếu.
nha-tho-nguyen-linh-khieu-1642577791.jpg

Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu. Ảnh: Ngô Đức Hành

Tuổi thơ của tôi lớn lên trong sự đắm chìm cùng hoang dã. Đào giun, bắt dế, hun chuột đồng, câu cá, bắn chim, bẫy chim... Cho đến bây giờ, mỗi lần về quê, đêm đến sau khi nhà chú em, làng xóm tắt hết điện, tôi như được lạc vào bản nhạc giao hưởng của tiếng dế. Những giây phút thanh bình thật đáng nâng niu.

Cuộc đời hoạt động báo chí cho tôi cơ hội được gặp các nhà đa dạng sinh học như Đặng Huy Huỳnh, Lê Sỹ Thục, Võ Quý... Cách đây 30 năm họ đã nói với tôi về đa dạng sinh học, sự cân bằng vĩnh cửu trong tự nhiên và thảm họa do con người tạo ra. Nhân tai khủng khiếp không kém gì nhân tai. Tôi nhớ, ông Lê Sỹ Thục từng nói: “Nếu tôi được làm Chủ tịch TP. Hà Nội, tôi sẽ không bê tông hóa các nhánh sông Tô Lịch trong thành phố. Cống hóa không thay thế được công năng thoát mưa lũ của tự nhiên. Tôi đã đi thủ đô nhiều nước trên thế giới, nội đô họ giữ nguyên các nhánh thoát nước, trên đó, du khách thi thoảng gặp những đàn vịt tung tăng, nhảy lên những khúc gỗ rỉa lông trong ban mai thành phố”.

Năm ngoái nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu tặng tôi tập thơ dài và trường ca “Dòng Thiêng”, NXB Hội Nhà văn năm 2019. Tôi chưa thấy một nhà thơ nào yêu và nâng niu sự vĩnh cửu và đau đớn đến thảng thốt như Nguyễn Linh Khiếu. Con giun, con dế, chim chóc, muông thú, châu chấu, cào cào... của tuổi thơ tôi đều có mặt trong thơ Nguyễn Linh Khiếu. Trong “Dòng Thiêng” có bản nhạc của sự vĩnh cửu về sinh thái; có dàn đồng ca của tự nhiên. Đến con chuột đồng, ông cũng nâng niu, gọi những con chuột cái là “nàng” với tất cả sự nâng niu tự nhiên.

trong giấc ngủ của ta gặp tiếng rích rích hân hoan của các nàng chuột đồng

có phải mùa xuân đang về trên đất đai phồn thực

những lông mượt mịn màng óng tơ thơm tho chủ nhân của mùa màng dư dả

đám cưới khởi hành giờ tý lùng tùng kiệu rước các nàng bước vào ngày mồng một đầu năm

(những nàng chuột đồng)

Chuột là động vật phá hoại mùa màng, nỗi lo của nhà nông. Nhưng trong tự nhiên từ xưa đã có mặt chuột. Khắc tinh chuột có rắn rết, đại bàng, cú mèo...Đó là sự cân bằng vĩnh cửu của tự nhiên, của làng quê, của ruộng đồng. Trong con mắt của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu, bầy chuột đến mùa động cỡn báo hiệu tươi tốt.

...

Vương quốc của các nàng là châu thổ sông Hồng nồng nàn với những cánh đồng phì nhiêu phóng khoáng nhân hậu

Quanh năm bộn bề gặt hái

Nơi lũ trẻ nhà quê suốt tuổi thơ nghe đất đai vỗ về dạy dỗ bài ca hòa thuận

Có phải mùa xuân đã về rồi không nghe tưng bừng giai điệu cưới xin từ phía cánh đồng

(những nàng chuột đồng)

 

bài ca hòa thuận” mà Nguyễn Linh Khiếu nói đến chính là sự cân bằng về đa dạng sinh học là triết lý đa dạng. Con chuột là con vật đứng đầu giáp trong Can – Chi (trật tự năm), từng đi vào văn học dân gian, tranh “Đám cưới chuột” đi vào văn hóa phi vật thể Đông Hồ. 12 Địa Chi đã kết hợp với 12 con vật tổ thành 12 con giáp. Tuy nhiên, điểm đặc biệt là ở chỗ Tý thuộc Dương nhưng lại có một chút tính Âm: giờ Tý là từ 11 giờ đêm hôm trước (Âm) đến 1 giờ sáng hôm sau (Dương), chân trước của Chuột có 4 ngón (Chẵn), chân sau có 5 ngón (Lẻ). Do Chuột mang đủ cả Âm và Dương nên nó xứng đáng được áp vào giờ Tý và đứng đầu 12 con giáp. Nguyễn Linh Khiếu đã tỏ ra rất “cao thủ” về Kinh dịch khi dùng hình ảnh con chuột trong bài thơ “Những nàng chuột đồng” để nói về sự cân bằng. Đám cưới của các “nàng chuột” vào thơ ông “khởi hành giờ tý”, giờ chuột hoạt động nhộn nhịp nhất là ẩn dụ để ông tôn vinh sự phồn sinh. Chuột là giống mắn đẻ, đẻ nhiều là vẻ đẹp của giống cái, của phồn sinh.

Tuổi thơ thôi đã từng hun chuột đồng. Vâng, tuổi tôi, trong hành trình công tác, từng đến huyện Bến Cầu (Tây Ninh) đúng vào mùa nước nổi và được chiêu đãi món chuột đồng. Đó là lần đầu tiên tôi ăn món đặc sản miền Tây. Người chiêu đãi tôi món ấy là Trưởng công an huyện Bến Cầu, sau này Thiếu tướng, Phó Tổng cục trưởng một tổng cục của Bộ Công an, trước khi nghỉ hưu. Nói thế để thấy lúc ấy là khách quý mới được ăn.

Trong bài thơ “Sáo đen mỏ vàng”, con sáo bâng khuâng: “ta là kẻ hành hương về cội rễ của mình/ chẳng mê mải gì vẫn tìm về cõi hài hòa”. Không khó tìm ra từ “hài hòa” hoặc tương tự trong các bài thơ khác Nguyễn Linh Khiếu viết về chủ đề mà ông đắm đuối. Trong thơ Nguyễn Linh Khiếu, từ “Dòng Thiêng”, “Phồn Sinh”, “Hoa Linh Thảo” có những bản hòa tấu vĩ đại của đa dạng sinh học.

Từ “Sinh thái học” được phái sinh từ từ oicos (phòng, nơi ở) trong tiếng Hi lạp, từ sớm đã xuất hiện trong tiếng Đức, tức là die Okologie, tiếng Anh là the ecology. Chủ nghĩa sinh thái không phải xuất hiện từ con số khong. Tư tưởng của nó có quan hệ mật thiết với phong trào chủ nghĩa lãng mạn thế kỉ 18. Năm 1858 cuốn sách “Walden” của nhà văn Thoreau người Mĩ đã thể hiện quan niệm của mình về sự hài hòa giữa con người và tự nhiên. Ông từ góc độ cân bằng sinh thái phản đối thành thị ồn ào, tán dương thế giới tự nhiên của rừng suối.

tho-nguyen-linh-khieu-1642577693.jpg
Trong thơ Nguyễn Linh Khiếu có “dòng chảy” của triết học sinh thái

Năm 1886 nhà động vật học người Đức E.Haeckel trong cuốn “Sinh vật thể phổ thông hình thái học”, xây dựng cây hệ thống về sự thay đổi quan hệ giữa động thực vật, cho rằng tinh thần và vật chất nên hài hòa thống nhất: “Chúng ta lí giải sinh thái học thành toàn bộ khoa học liên quan đến thể hữu cơ và hoàn cảnh xung quan, tiến thêm một bước nữa có thể xếp toàn bộ điều kiện sinh tồn vào trong đó để nghiên cứu. Sinh thái học xuất hiện với tư cách là khoa học nghiên cứu quan hệ giữa sinh vật và môi trường của nó. Cùng với sự phát triển của ngành khoa học này, sinh thái học hiện đại dần dần đặt con người vào vị trí trung tâm của sự nghiên cứu, quan hệ giữa con người và tự nhiên trở thành hạt nhân chú ý của sinh thái học”.

Nguyễn Linh Khiếu là tiến sỹ triết học, ông lắng lo về vấn đề này với một tư duy khác. Ông là nhà thơ của nguồn cội: “Ta là nhà thơ thấm đẫm cội rễ của mình/ bến bờ quê hương cánh đồng lam lũ/ trong tâm khảm ta rì rào tiếng sóng/ trong tâm hồn ta rộng dài nắng gió/ trong tâm hồn ta xanh mướt cỏ cây...”, (Ban mai Diêm Điền) nên lắng lo bật lên cùng cảm xúc. Nhà thơ Chế Lan Viên từng nói: “Đối với thơ trí tuệ sâu sắc đã quan trọng nhưng cảm xúc sâu sắc còn quan trọng hơn”. Cảm xúc của Nguyễn Linh Khiếu về những vấn đề của vĩnh cửu, của trường tồn, nếu ai để ý sẽ giật mình.

Hay nói cách khác, trong thơ Nguyễn Linh Khiếu có “dòng chảy” của triết học sinh thái.

Cũng cần nói thêm, khái niệm “hệ sinh thái” gần đây xuất hiện trong đa lĩnh vực từ phạm vi quốc gia đến từng đơn vị, doanh nghiệp, báo chí. Đó là một hệ thống mở hoàn chỉnh, tác động lên nhau trong quan hệ cân bằng bền vững. “Kỷ nguyên” hệ sinh thái đã và đang bắt đầu như là một xu thế tất yếu.