Những nghề đã biến mất

Đỗ Xuân Phương

20/10/2021 11:09

Theo dõi trên

Các nghề thủ công thất truyền cũng báo động cho sự suy thoái về kỹ năng lao động của loài người

nhung-nghe-da-bien-mat-1634702445.jpg

Cùng với sự phát triển của thời đại, nhiều nghề trước đây phục vụ cuộc sống ở nông thôn đã biến mất hoặc chỉ còn lưu truyền trong diện hẹp, ít khách hàng. Vẫn biết rằng đó là quy luật không thể tránh khỏi nhưng lòng tôi vẫn thấy bâng khuâng, không hẳn là vì những kỷ niệm, những nếp sống trong quá khứ không bao giờ còn thấy lại được nữa mà cái nuối tiếc hơn ở đây là một không gian văn hóa về truyền thống, về giao tiếp xã hội đã mất đi. Các nghề thủ công thất truyền cũng báo động cho sự suy thoái về kỹ năng lao động của loài người.

Nhưng thôi! Kệ nó đi! Mỗi thời mỗi khác. Người ta quen với cái sướng nhanh lắm, chẳng ai muốn khổ làm gì phải không các bạn!

Đất Hà Tây quê tôi là đất trăm nghề, rất nhiều làng nghề nổi tiếng khắp trong nước và quốc tế mà ai cũng biết:

"Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng

Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông"

Làng lụa Vạn Phúc, làng sơn mài Hạ Thái, làng thêu Quất Động, Đông Cứu, làng khảm trai Chuyên Mỹ, làng mỹ nghệ sừng và tạc tượng Thụy Ứng,làng tiện Nhị Khê, làng mộc Chàng Sơn, Vạn Điểm, làng giò chả Ước lễ, làng mây tre đan Ninh Sở, Phú Vinh, làng may áo dài Trạch Xá, làng may đồ tây Vân Từ... toàn những làng nghề đẳng cấp cao chuyên làm hàng xuất khẩu đi khắp thế giới và phục vụ nhu cầu trong nước.

Nhưng làng tôi thì chẳng có nghề phụ nào nổi bật cả. Địa kinh tế của làng thuộc loại "Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận đàng" ruộng đất lại nhiều chân đồng mầu đất phù sa pha cát phì nhiêu cho nên dân làng chuyên tâm vào canh tác nông nghiệp, trồng trọt rau mầu, chăn nuôi là đã đủ sung túc rồi. Một số gia đình có vốn và biết kinh doanh thì ra chợ Vồi buôn bán là có của ăn của để. Một "nghề phụ" nổi tiếng của làng tôi chính là "nghề" nuôi con ăn học để đi "thoát ly". Nghề này đã có truyền thống từ lâu, thời Pháp thuộc đã có những ông bố bà mẹ gửi con lên Hà Nội ăn học thành tài, không khí học hành ở quê tôi rất sôi nổi, lớp sau trông gương lớp trước mà học hành để có cơ hội thoát khỏi lũy tre làng. Có nhiều nhà như gia đình anh ,chị cả tôi, ba, bốn đứa con của họ đều học hành thành đạt ,chúng nó đều không định cư ở quê, xóm làng ngày càng vắng vẻ.

Chính vì chẳng giỏi nghề phụ nào cho nên nhiều việc liên quan đến cuộc sống ngoài việc làm nông nghiệp thì dân làng đều mời người ở nơi khác. Những người thợ này đều là những người thợ giỏi, có uy tín và làm ở làng tôi rất nhiều năm.

Ông thợ đóng cối xay lúa, dân gian gọi là ông "phó cối", ông tên là Cao nên có cái tên ghép là "Phó Cao", ông to cao lực lưỡng như những dũng tướng trong tranh minh họa truyện Tam Quốc, ông ở nhờ một gia đình khá giả trong làng, chủ nhà có một cơ ngơi rộng lớn, nhà lại neo người nên ông phó Cao ở đó đến khi giải nghệ. Thỉnh thoảng ông mới về quê ở Hưng Yên, bên kia Sông Hồng để lấy dăm cối và thăm gia đình.

Ông có 9 người con đều là gái, một kỷ lục đấy các bạn nhỉ. Được cái Giời cho ông một sức khỏe phi thường, một tay nghề thuộc hàng đỉnh cao và một cái tâm thật thà đến mức dễ gây hiểu lầm cho nên ông rất đắt việc, đủ sức nuôi một đàn con gái thành gia thất tử tế.

Ông ở làng tôi mấy chục năm, đóng cối cho hầu như tất cả các nhà trong làng cho nên ông thông thuộc các gia đình trong xóm ngoài làng còn hơn cả những cư dân bản xứ. Đến nhà ai làm cối ông đều bảo chủ nhà:

- Ông bà cứ mua con vịt để làm cơm trưa, cổ cánh nhắm rượu, thịt chặt ra cả nhà cùng ăn, nước xuýt thì nấu canh bí, vừa rẻ vừa ngon.

- Ông không phải dặn, biết tính ông rồi, ông cứ làm cho tốt rồi trưa nay sẽ được nhắm rượu thịt vịt.

Ông thích ăn ngon, thịt vịt phải mua đầy đủ hành hoa rau thơm, giá đỗ xào lòng mề, ông nói ra tất cả những điều ấy một cách thật thà và thẳng thắn làm cho người không biết cứ tưởng ông vòi vĩnh chuyện ăn uống. Nói ông gây hiểu lầm là vì thế. Suy đi tính lại thì phương án của ông là tối ưu với một số tiền ít nhất mà vừa đãi cơm thợ tử tế vừa có ăn tươi cho cả nhà.

Hai mẹ con nhà bà làm nghề bật chăn bông thì không ở làng cả năm. Nghề làm chăn bông chỉ bắt đầu từ khi vào mùa Thu và kết thúc cùng với mùa Đông. Cứ đến tháng Tám âm lịch là hai mẹ con bà ra ở nhờ người làng và nhận làm mới hoặc bật lại chăn bông cho những ai có nhu cầu. Nghề bật chăn thì không sợ phải cạnh tranh vì nó đúng là một nghề không dễ học và đồ nghề của nó cũng không dễ kiếm, nó là một nghề gia truyền của làng Giát Cầu. Cũng như nghề đóng cối xay, nghề bật chăn bông đã bị máy móc hiện đại cho vào dĩ vãng, làng Giát Cầu đã xuất hiện nhiều đại gia tậu những giàn máy tối tân làm chăn đệm bán khắp đất nước.

Nghề hoạn lợn, nghề hàn xoong nồi, nghề đẽo cuốc, nghề hàn dép, nghề hàng xáo, nghề làm đồ dùng bằng cao su, nghề lợp nhà...và nhiều nghề khác nữa cũng đã dần lùi vào dĩ vãng. Có thể nói rằng trong vài chục năm gần đây nông thôn nước ta đã thay da đổi thịt, xóa bỏ bộ mặt lạc hậu tồn tại đã hàng ngàn năm. Mọi thứ đều đổi khác từ cơ sở hạ tầng, nhà cửa, mức sống...

Trong khung cảnh ấy thì những quan hệ xã hội, những nghề nghiệp xưa cũ phải điều chỉnh theo dòng thời đại thôi. Cuộc sống là cuộc vận động không ngừng nghỉ. Đất nước ngày càng phát triển thật là đáng mừng phải không các bạn!

Theo Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Những nghề đã biến mất" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn