Những nghề mưu sinh thời bao cấp: Nhà mặt phố - xoay đủ nghề

Hồ Công Thiết

19/10/2021 08:20

Theo dõi trên

Số 160B phố Hàng Bột, nay là phố Tôn Đức Thắng là nhà ông Bảo Toàn, thợ cắt tóc từ thời Hà Nội thuộc Pháp. Cuối những năm 1970, ông Bảo Toàn chuyển nhà đi nơi khác. Chủ nhà mới là người chịu khó, cùng các con xoay đủ các nghề, sống dựa cửa hàng trên mặt phố. Ông bà mở hàng bán nước chè chén từ sáng sớm đến cuối chiều.

chuy-lg-que3-1634606192.jpg
Ảnh minh họa do tác giả sưu tầm.

 

Chiếc bàn kê gọn trong nhà nhưng chiếc ghế băng lại chờm ra vỉa hè. Chè được ủ trong ấm tích. Khách đến, ấm chè được chế thêm nước sôi ở cái phích Rạng Đông đặt bên cạnh rồi rót ra các chén con. Không biết ông bà mua loại chén này ở đâu mà khắp nơi, các hàng chè chén đều thống nhất sử dụng loại chén này. Nó to hơn chén uống trà ở bộ trà trong nhà nhưng bé hơn loại chén Tống. Chén to cỡ quả hồng, thuôn rộng lên cao, không tay cầm và cũng không hoa văn trang trí. Chén này cũng để mấy ông ba gác xích lô ở đầu Phan Văn Trị thỉnh thoảng chạy ra làm chén rượu. Rượu suông, không nhắm gì cả. Rượu là hàng Quốc cấm nên các ông uống vội rồi lủi ngay về chiếc xe ba gác đang chờ chở hàng cho xí nghiệp dược phẩm.

Quán hàng chỉ có chè nóng và mấy lọ kẹo dồi, kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo bột. Hồi đấy quán chè chén chưa có trà đá và các quà vặt như bim bim, kẹo màu của trẻ con. Khách mua thuốc lá điếu của quán cũng được. Hút thuốc của mình cũng được. Thuốc do nhà máy thuốc lá Thăng Long sản xuất, có nhiều loại như Thủ đô, Ba Đình, Sa Pa, Đồ Sơn… nhưng ở quán, chỉ thường bán loại Điện Biên, Trường Sơn hay Tam Đảo. Những loại đấy dân hút nhiều, có giá chung ở quán chè chén khắp thành phố. Ông nào “trây”, ngửa tay xin cũng được một bi thuốc lào. Rít cái điếu cày nghe sòng sọc rồi khoan khoái quay điếu, xả bã thuốc ra vỉa hè, rồi lại bặm môi rít tiếp khói tồn trong điếu. Tiếng rít thuốc lào vang vọng phố đêm.

Ốc luộc

Chập tối, hàng nước chè thành nơi vợ chồng cậu út tên là Cưu mở quán bán ốc luộc.

Không biết vì cô bán hàng xinh gái hay ốc thơm ngon mà quán lúc nào cũng đông khách. Thậm chí có lần có khách đi ô tô, đỗ ở ngã ba Hàng Bột - Phan Văn Trị rồi đi bộ vào quán. Cái bàn bán ốc luộc kê sát vỉa hè. Ông khách sang trọng ngồi sụp bên miệng cống, vừa ngắm cô hàng ốc mặt đỏ bừng vì ngồi cạnh nồi ốc đang lim dim lửa, vừa nhể ốc, ăn ốc rồi hít hà khen ngon.

Trước ở phố chỉ có gánh ốc bán rong, vừa đi vừa rao “Ai ốc đơi…”. Nay có hàng ốc ở ngay gần nhà, chỉ khách quen đã bán hết hàng.

Đi mua ốc là việc của Cưu. Nó lên tận chợ Bưởi, chợ Yên Phụ mua về cho rẻ.

Một ít ốc nhồi kèm theo cho khách nào muốn ăn đã miệng, còn lại là ốc vặn, ốc đá hoặc ốc mít là chính. Ốc được ngâm từ sáng, đến chập tối khi rửa lại thì nó đã nhả hết bùn đất, chỉ còn những con ốc béo ngậy, dai giòn.

Vợ nó đảm nhiệm việc bán hàng và pha nước chấm – Công đoạn quan trọng nhất của quán ốc phố tôi.

Vẫn biết là ớt, gừng, tỏi giã nhỏ cho vào kèm gia vị, đường, mì chính vân vân, nhưng tỷ lệ thế nào lại do duyên của người pha.

Nhà tôi cũng là khách thường xuyên của quán này.

Tối mùa đông, ngồi quây quanh hàng ốc, nhể những con ốc luộc lẫn với lá bưởi thơm lừng rồi chấm trong bát nước chấm cay xè, đẫm vị. Thi thoảng tợp thêm nhấp rượu. Phải là rượu trắng mới không bị lai tạp vị khác khi ăn ốc ở hàng. Thú ăn ốc đêm đông, nay đã trở thành của hiếm, được đưa vào hàng đặc sản của Hà Nội. Ăn ốc ban đêm. Ốc có tính hàn nhưng người ăn ốc không bao giờ đau bụng. Vừa ăn ốc vừa uống thêm bát nước luộc ốc, cho thêm nước chấm chủ vị là ớt và gừng cay xè vào thì hết cả hàn. Lúc đó người ăn lại bị nhiệt. Mồ hôi lấm tấm thái dương và sự sảng khoái như đế vương vừa được thưởng thức món Ngự thiện trong Hoàng cung.

(Trích)

Theo Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Những nghề mưu sinh thời bao cấp: Nhà mặt phố - xoay đủ nghề" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn