Kể chuyện ngày xưa
Trước năm 1975. Nhà tôi có chiếc xe lam chở khách chạy lộ trình Saigon - An Đông - Cây Gõ, năm 1965 - 1966 gì đó Nội tôi phải bỏ ra hơn 200.000 đồng để mua cho ba tôi chạy, nếu qui ra vàng chắc khủng lắm, vậy mà thời đó nhà tôi có hai chiếc.
Đến năm tám mươi mấy, thời thoái trào của xe lam, khách ế ẩm vì xe Cyclo đạp, rồi phụ tùng thay thế không có, chắp vá xe hư lên hư xuống hoài, bán cả hai chiếc được hơn một cây vàng.
Xe ba tôi hồi trước xuất bến Saigon chạy theo Phạm Ngũ Lão,Võ Tánh (Rạp Quốc Thanh) sau năm Mậu Thân có thời gian cấm chạy ngang đây vì có Bộ tư lệnh CSQG. Nên đổi qua Phạm Viết Chánh, Hùng Vương hoặc Thành Thái lượt về, Hồng Bàng cuối bến Cây Gõ nằm ngay trường tiểu học Minh Phụng (giờ là Nguyễn Đức Cảnh), thời đó Cây Gõ còn là bùng binh, giữa bùng binh có gắn tượng anh hùng áo vải Lam Sơn Lê Lợi, chớ chưa làm cầu vượt như bây giờ.
Nguyên đường Hùng Vương và Hồng Bàng cũng có khá nhiều miễu nhưng ít hơn bên đường Phạm Ngũ Lão.
Ba tôi chạy, thì anh tư tôi đi theo làm lơ cơm, tôi thỉnh thoảng cũng đi nhưng hiếm. Bến Saigon thì đậu đối diện cây xăng kế trạm chờ xe bus ngày nay. Bên đây lề đường chổ có nhiều nhà in, nhà sách, nhà xuất bản, tạp chí, toà soạn các tờ báo.v.v... là nguyên một dãy bến xe lam chạy tuyến Saigon để về các nơi khác trong phạm vi Cholon và ngoại ô Gia Định.
Tôi nhớ nguyên một con đường Phạm Ngũ Lão một bên từ Cholon ra thì có chợ Thái Bình, có rạp hát Thanh Bình sau bán lại cho ông Đái văn Dzu sửa thành rạp chiếu phim màn ảnh rộng 70 ly quốc tế. Ông Dzu cũng là chủ một số rạp hát như Lux, Kim Châu, Minh Châu. Rạp của ông toàn là rạp xịn xếp loại A thời bấy giờ, rạp xịn thời đó ngồi ghế nệm simili và có gắn máy lạnh. Phần còn lại của đường Phạm Ngũ Lão toàn là nhà in, nhà xuất bảm, nhà sách, toà soạn các tờ báo. Nghĩa là trước năm 75 thì một bên đường Phạm Ngũ Lão là nơi chứa chấp in đậm dấu chân toàn bộ giới văn nghệ sĩ Miền Nam. Nếu gọi đây là con đường Văn hoá của miền Nam cũng không ngoa một tí nào.
Bên còn lại đoạn gần chợ Thái Bình thì có một khúc là nhà dân. Còn lại gần như toàn bộ các ban ngành của Bộ Giao Thông Công Chánh thời VNCH như Hỏa Xa, Nha Khảo Thí, Nha Lộ Vận đều nằm bên đây.
Và cái ghê rợn là đoạn đường bên đây quá trời miễu, ngày đêm gì cũng thấy khói nhang của bá tánh dân tại chổ, dân qua đường đốt nghi ngút, nghe nói đa số là miễu cúng cô hồn (người chết vì tai nạn giao thông), tôi nhớ ngay trước cửa nha Lộ Vận và dọc theo dãy tường quét vôi màu vàng của các công sở bộ Giao Thông có tới mấy cái miễu luôn…
Ngày trước ở những nơi mà có xảy ra tai nạn chết người, đặc biệt là chết nhiều người là có miễu, miễu do bá tánh bỏ tiền ra lập, mà miễu nào nghe đồn càng linh là càng nhiều người cúng bái hoặc sửa sang to đẹp.
Người tín ngưỡng thời đó là dân chủ xe, tài xế, dân buôn bán làm ăn, dân đánh bài, cờ bạc, v.v... chớ hỏng có dân chơi đề, vì thời đó đề của ông Bảy Diệm 40 con chỉ quanh quẩn vùng Cây Da Sà và lân cận chứ không lan rộng như bây giờ.
Đó là nói về miễu trong Đô Thành Saigon, chớ ngoại ô đặc biệt là Quốc Lộ 1 đoạn Xa Lộ Biên Hoà, Dốc 47 Long Thành. Quốc Lộ 4 đoạn Bình Chánh, Gò Đen cũng có khá nhiều miễu rải rác. Phần nhiều miễu ngoài Quốc Lộ ưa có tại các cua như cua 45 độ trước hãng máy may Sinco đoạn trạm thu phí An Lạc trước đây.
Quốc Lộ ngày trước tai nạn thường thảm khốc vì đường hai chiều. Và đường hồi xưa làm theo kiểu Pháp uốn lượn ngoằn ngoèo. Nếu ai xem phim hình sự của Ý và Pháp sẽ thấy rõ .Hồi tôi còn nhỏ thường theo ông Nội đi đi về về giữa Saigon và Phú Mỹ, Cát Lỡ, thấy tai nạn xảy ra hoài nơi dốc 47. Mỗi lần có tai nạn, Nội tôi nói chết cả chục người, vì thường là tai nạn nhập kê (giờ miền bắc gọi đấu đầu). Tôi nhớ man mán mà không biết trúng trật, là đến năm 1960-1961 gì đó. Người Mỹ đã gọt Dốc 47 hay mở đường mới gì đó, nên hạn chế tai nạn rất nhiều tại dốc tử thần nầy. Rồi sau đó thì hãng thầu RMK đặt bê tông dãy phân cách trên xa lộ Biên Hoà phân chia ra thành đường 1 chiều, cũng góp phần an toàn cho người dân và giảm tối đa thiệt hại về nhân mạng và tài sản của người dân gặp rủi ro khi xảy ra tai nạn giao thông ngoài ý muốn. Tiếc rằng việc đặt dãy phân cách chỉ đến khu công nghiệp Biên Hoà là dừng vì những cuộc leo thang chiến tranh. Chớ thôi QL 1 và QL 4 có thể là đường 1 chiều xuyên suốt...
Theo Chuyện quê