Những nốt trầm trước đêm Giáng sinh

Những tờ lịch cuối năm vội vã rời khỏi bức tường nhà. Bên ngoài, chiếc lá vàng chao đảo rớt vào dấu vết thời gian đã qua. Tôi giật mình, tuổi 70 ập tới. Hình ảnh những bạn bè cùng học đang xuống dốc trong đoạn đầu phim "50 năm Lớp Toán đặc biệt" lại quay về ám ảnh. Vũ Lê- người dựng phim và biên soạn chắc chẳng vô tình đâu. Dưới chân dốc kia đang chập chờn bóng dáng ai đây? Họ đã đến trước ta từ lúc nào?
nhung-not-tram-1640362595.jpg
Ảnh cắt từ phần đầu cuốn phim

  Tại Quảng Trị, tôi nhận được thư Kim Long đề ngày 23-2-1973 báo tin PHÚ TĨNH đã hy sinh. Căn hầm chữ A của tôi phút chốc lặng lẽ u buồn. Ngày cùng học, đất nước có chiến tranh, nhưng chẳng ai trong chúng tôi nghĩ mình sẽ là người cầm súng. Cả tỉnh Phú Thọ ngày ấy gom những học sinh giỏi các nơi để thành lập một lớp TOÁN ĐẶC BIỆT. Ước mơ học hành của họ đang bay xa, đầy mơ mộng hướng về phía tương lai.

PHÚ TĨNH ơi, Bạn có phải là người đầu tiên ngã xuống không? Tôi lẩn thẩn bước ra khỏi hầm như đi tìm chỗ ngồi của bạn trong cái lớp học năm xưa ấy. Lá cây rừng xào xạc, tiếng nước suối chảy lách qua khe cứ rền rĩ mãi không thôi.

  Tháng 4- 1975. Huế đã được hoàn toàn giải phóng. Đơn vị tôi tiếp quản căn cứ pháo binh của quân lực VNCH. Một buổi sáng tôi đang kiểm tra thu hồi dây dẫn điện của loại mìn Mo gắn ngoài rào thép gai. Cậu liên lạc chạy tới: "Anh ơi có anh bạn đồng hương là bạn học đến tìm". Bước chân tôi vội vã quay về. Trời ơi, Văn Minh! Văn Minh thật rồi. Chúng tôi lao vào nhau dưới tán cây phượng vĩ. (Căn cứ này có tới 5 cây phượng rất to, mà lẽ ra phải là khu trường học). Hàn huyên chẳng được mấy lời, Văn Mình đã vôi buông nỗi đau này ra: "Thằng HỘI chết rồi". Có cái gì nhoi nhói bất chợt ở trong tôi. Cả hai yên lặng bước thêm vài bước chân vô hồn trong căn cứ.

  Khi các bạn trong lớp người thì du học sang Liên Xô, người vào đại học trong nước. Chỉ có 5 người vì những lý do nào đó mà ở lại, trong đó có tôi và HỘI. Một đêm tôi ngủ ở nhà HỘI, cả hai an ủi lẫn nhau. Ngôi nhà nó tềnh toàng, chơi vơi giữa sườn đồi sỏi đá. Tôi ngước nhìn lên bức hình chúa Giê Su bị đóng định vào cây thánh giá. Cái gì đang chờ đợi đứa con chiên này của chúa?

  HỘI nhập ngũ sau tôi. Nó được kết nạp vào Đảng tại mặt trận. Văn Mình bảo rằng HỘI bị thương trong chiến đấu, không chịu ra Bắc điều trị mà cứ đòi ở lại. Để rồi... để rồi không bao giờ HỘI trở về được nữa.

  Sau chiến tranh, tôi mới biết cả 5 người chúng tôi ngày ấy, người trước người sau đều nhập ngũ. Lại có thêm một người bạn tuổi hai mươi chạm vào đáy dốc cuộc đời. Đó là HIỆP. Cái anh bạn cùng tôi diện học dốt văn của thầy Phong ngày trước đây. Chỉ đến khi thầy Định dạy thay, tôi và HIỆP mới cùng thoát hiểm. HIỆP ơi bạn có mang theo bức ảnh “Ngũ hổ vườn” vào chiến trường không? Bức ảnh của một lần duy nhất đủ 5 đứa chúng mình chụp cùng nhau ấy. Thân xác bạn giở phiêu bạt nơi nao?

  Cuộc mưu sinh sau chiến tranh cũng chẳng dễ dàng gì. Tôi và Văn Mình lại thi vào đại học. Khi đó anh bạn TUẤT của chúng tôi học ra trường đã thành một thầy giáo. Thầy giáo gì mà nghèo đến vậy. Trong một lần chúng tôi tới thăm, khi về lớp trưởng Hồng Xuân bảo: “Bọn mình hãy góp tiền mua một xe máy cũ cho TUẤT để nó ra thị xã dạy thêm, chứ ở quê... Nhưng tiền chưa đủ, xe chưa mua thì TUẤT đổ bệnh, chết bởi căn bệnh ưng thư quái ác.

  Còn HÙNG, người cùng huyện của tôi - cũng là một thầy giáo dạy toán giỏi. Thế mà khi vợ nó nhập viện, hết tiền nó về Hà Nội gặp lại bạn học cũ. Tôi chỉ gặp được HÙNG lần đó thôi. Một thời gian ngắn sau hay tin HÙNG gục xuống trong một đêm tối trời tại khu tập thể nhà trường. Thế là hết! Hết những buồn lọ khốn khó trong đời.

  Sau này, gia đình tôi may mắn được sống ở gần gia đình TRỌNG. Người bạn học vốn là giảng viên đại học. Anh ấy luyện toán cho con gái đầu của tôi thì. Và điểm cao nhất trong ba môn thi năm đó chính là môn toán. Anh lại dậy tiếp đến thằng con trại tôi. Nhưng con trại tôi không may mắn như chị nó. Được vài hôm thì thầy TRỌNG vào viện. Tôi đưa con tôi vào thăm. TRỌNG bảo: “cháu tự học nhé, mấy bữa nữa bác về”. Nhưng TRỌNG có về đâu, anh đi luôn, chỉ để lại vành khăn tang cho vợ, cho con và nỗi buồn bè bạn.

  Thì ra, bệnh tật có phân biệt giầu nghèo, tuổi tác đâu. Cũng chỉ mới đây thôi, khi TÍNH đã nghỉ hưu rồi, con cái đã vương trưởng rồi. Cứ tưởng anh ta an nhàn chỉ ngồi ăn, pha ấm trà, lúc nhìn vô tuyến lúc ngoái ra đường. Thế mà đùng một cái, xe ô tô cấp cứu lao tới nhà. Ngay đêm đó TÍNH đi vào giấc ngủ ngàn thu.

 Ngày tôi vào trường đại học BK thì THẮNG đã là giảng viên khoa điện. Cách đây 2 năm trong kỳ họp lớp, tôi ngồi bên anh. Lần này anh đưa cả vợ đi cùng. Anh khoe: "Tôi vừa mua nhà cho con trại ra ở riêng, vợ chông tôi nay thành vợ chồng son". Tôi nhìn sang chị, chị cười nhưng trong đôi mắt vẫn thấp thoáng sự lọ âu. Mấy tháng sau anh mất. Bấy giờ tôi mới biết anh đã từng bị tại biến. Từ ngày ấy, anh đi đâu chị cũng theo cùng. Nghĩa vợ tình chồng nay chịu nỗi đau đớn phân ly.

  Người mất vì bệnh tật, dẫu đau lòng nhưng thi hài lành lặn. Còn người chết vì tại nạn giao thông thê thảm hơn nhiều. Có một người bạn của lớp E, trong một ngày xấu trời năm ấy, một va chạm ngoài đường khủng khiếp đã cướp anh đi ngay trước cổng trường học sinh Lào, cách nhà không xa. Đó là NGỌ. Từ ngày chia tay lớp E tôi không gặp anh lần nào. Anh cũng là thầy giáo dạy toán. Khi tôi đến, tấm hình anh mờ dần qua làn khói hương bay.

 Vào một lần họp lớp ở Hà Nội. DIỆP tới - Cái anh chàng vừa có tài, vừa nhiều tai tiếng của lớp tôi. Tuổi thơ anh bất hạnh, lớn lên đầy trắc trở. Anh thuộc nhóm 5 người chẳng có giấy gọi nhập trường. (Thời ấy không có kỳ thi đại học như bây giờ) Một lần tôi và Văn Minh đi tìm anh. DIỆP chẳng khác gì một gã tiều phu đốn củi trong rừng. Anh cầm con dạo chỉ vào một đống củi cao ngất, cười toáng lên. Sau này nhập ngũ, anh là người lính đặc công dũng cảm. Từ chiến trường trở về, DIỆP cũng chọn nghề sư phạm. Anh đã bươm chải sau đó ra sao không ai hay. Đến khi anh đứng lên cuối buổi họp lớp, để nói răng: “sang năm mời thầy và các bạn về Việt Trì, tôi xin đăng cai”. Mọi người vỗ tay rào rào, nhìn anh. Đó là hình ảnh cuối cùng anh để lại cho bạn bè. DIÊP đã không đợi được tới năm sau. Lại một cái chết tất tưởi nữa vì tại nạn giao thông, cũng cách nhà vợ con anh ấy không xa.

  Những người bạn của tôi, những người tôi vừa nhắc tới chằng bao giờ chạm vào cột mốc 70 của đời người.

Ở cái lớp E này, có lẽ ngoài Hồng Xuân (Anh) và Hồng Kim (chị) theo cách bạn bè vẫn gọi ngày cùng học, đã vượt ngưỡng bước vào tuổi “thất thập”. Còn lại đang xếp hàng bước vào. Có vẻ như Tiến Nhân và Văn Minh, hai người còn lại của tốp 5 kia đứng đầu hàng cũng nên.

 Bây giờ thì không còn chiến tranh nữa, cũng chẳng phải chống đỡ đói nghèo. Để không tụt dốc nhanh, có lẽ người ta chỉ cần chống lại bệnh tật và cẩn trọng khi ra đường. Nhưng bệnh tật lại vốn khôn lường.

  Tôi đã từng ngồi dưới sân trường cùng con trại trong ngày khai giảng năm học ở trường Nguyễn Tất Thành. Hàng trăm cặp mắt học trò ngước lên sân khấu. Giữa tràn ngập cờ và hoa, Vương Mình- người hiệu trưởng - người bạn lớp E của tôi, vung tay đánh một hồi trống dài báo hiệu năm học mới đã bắt đầu. Thế mà, chỉ một cơn tại biến ập tới. Vẻ oai phong ấy có còn đâu! Vương Mình hôm nay mang điệu cười trẻ thơ hồn nhiên để gặp bạn bè . Hỏi gì anh cũng chỉ nói “Biết rồi, biết rồi!”. Liệu anh có biết thật không?

 Kiên thì không thế, anh biết hết nhưng nói chẳng nên lời. Ngồi xe lăn không cầm được bát cơm, nhưng trí nhớ thật kính ngạc. Vẫn thông minh, vẫn thích đùa. Khi bạn bè tới thăm, miệng anh thì cười, nước mắt anh cứ trào ra.

  Mới đây, lại có tin từ thành phố Hồ Chí Minh, Văn Tĩnh đang chiến đấu chống lại căn bệnh ưng thư. Bạn bè, thầy giáo từ xa chỉ biết gửi vào lời động viên. Vài năm trước, trong chuyến công du thăm bạn bè phía Nam, tôi đã gặp anh. Anh dậy một trường đại học của thành phố Hồ Chí Minh và ở luôn trong đó. Văn Tĩnh làm thơ từ rất sớm. Bài thơ NHỚ VỀ QUÊ MẸ của anh viết từ 27- 4- 1968, nói về tâm trạng đi học xa nhà. Bài thơ rất hay, rất tình cảm của một người đã trưởng thành. Mà thời điểm ấy, lũ chúng tôi nhiều đứa còn đang vụng trộm chép thơ tình Nguyễn Bính, Xuân Điệu, Hàm Mạc Tử. Tôi chiểu theo ngày sinh nhật vừa qua của Văn Tĩnh, hóa ra anh lại là người đứng cuối hàng trong đội ngũ tuổi 70 sắp tới. Hãy can đảm lên nhé, anh bạn. Hãy nhìn về phía thầy Áng, nhìn về lớp E thân yêu bạn sẽ có lòng tin để chiến đấu.

 Tôi viết bài viết này trước đêm giáng sinh. Tiếng chuông nhà thờ rồi sẽ ngân lên. Tôi cầu mong chúa sẽ an ủi linh hồn những người bạn lớp E của tôi không còn nữa (Tôi viết tên riêng cho họ bằng các chữ cái in hoa). Chúa sẽ bạn phước lành cho những người lớp E còn lại. Hãy lạc quan lên các bạn.  

 Lớp E thân yêu của tôi.

__________________

*50 NĂM LỚP TOÁN ĐẶC BIỆT (LỚP E) 1966 - 2016.

Bài sử dụng tên thật của các bạn cùng lớp. Tôi sắp xếp sự ra đi của các bạn theo “nhóm “chứ không hẳn theo thời gian.

Cùng là bạn học lúc họ còn trẻ tôi viết “Nó", sau này tôi viết là "Anh"

Tôi không phải là người theo đạo thiên chúa. Đây chỉ là lời cầu nguyện trong bài viết này trước đêm giáng sinh.

 

23-12-2021 – TN

Theo Chuyện làng quê