Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 1)

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.

cvl1ab-1698225997.jpg

Bìa sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên

 

Kỳ 1.

LTS:  Tạp chí điện tử Văn hoá và Phát triển (vanhoavaphattrien.vn) đã phát trọn bô 9 tập Tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” của PGS TS Cao Văn Liên được bạn đọc và công chúng mến mộ. Nay Tạp chí phát tiếp sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên cũng do NXB Hồng Đức ấn hành đề cập những vấn đề cơ bản của Lịch sử thế giới phục vụ cho nghiên cứu, học tập, trang bị những hiểu biết cần thiết về Lịch sử thế giới đang có những biến động sâu sắc. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.                                    

                                                 CHƯƠNG I

                           TỔNG   QUAN  LỊCH   SỬ  THẾ  GIỚI        

  I. Lịch sử và khoa học lịch sử:                                         

Lịch sử là những sự kiện xẩy ra trong quá khứ. Quá khứ có thể cách ngày nay hàng triệu năm khi loài người bắt đầu xuất hiện trên trái đất, cũng có thể mới là ngày hôm qua. Những sự kiện lịch sử bao gồm hầu hết các lĩnh vực trong đời sống xã hội như kinh tế, chính trị, văn hoá, nghệ thuật khoa học, quân sự. Những sự kiện trong các lĩnh vực đó đã bị phủ bụi thời gian, có thể bị quên lãng, tư liệu thành văn và tư liệu hiện vật bị mất mát, thời gian và nắng mưa tàn phá làm cho người đời sau không thể hiểu đúng được sự thật và bản chất của lịch sử. Ngay đến những sự kiện xẩy ra ngay ở thời đại mình đang sống người ta cũng hiểu không đầy đủ bản chất và hiện tượng, huống hồ là những sự việc qua đi hàng nghìn, hàng vạn, hàng triệu năm càng khó hiểu đúng sự thật. Chính vì thế khoa học lịch sử ra đời. Đối tượng của khoa học lịch sử là nghiên cứu tất cả những sự kiện lịch sử đã xẩy ra trong quá khứ, dựa vào văn hóa phi vật thể và văn hóa vật thể khôi phục lại tương đối đúng bộ mặt thật của lịch sử, giải thích các sự kiện, tìm ra được bản chất quy luật chung và quy luật đặc thù của từng quốc gia, của lịch sử toàn thế giới, tổng kết những kinh nghiệm lịch sử vẻ vang hay thất bại, dù là vinh quang hay bi thảm, tất cả đều có bài học cho người đời sau học tập suy ngẫm áp dụng. Khoa học lịch sử không chỉ nhằm thoả mãn khát vọng hiểu biết sự thật mà còn cung cấp những bài học kinh nghiệm có tính chất định hướng, soi đường cho thế hệ sau hành động đúng đắn để thành công trong cuộc đấu tranh, phục vụ cho chính nghĩa, cho giai cấp, cho dân tộc, xây dựng xã hội hiện tại, tương lai tốt đẹp hơn. Lịch sử cũng răn dạy cảnh báo cho các triều đại, các chính phủ, các lực lượng chính trị không được hành động chủ quan để thoả mãn khát vọng cá nhân, sử dụng vô nguyên tắc quyền lực mà đi trái quy luật. Lịch sử có những bước đi và cách đi của nó. Đúng quy luật thì thành công, chiến thắng, trái quy luật thì thất bại, sụp đổ. Các Mác nói: Lịch sử là triết học cụ thể. Nó cũng như triết học, vấn đề không chỉ là giải thích thế giới mà còn phải cải tạo thế giới. Các Mác cũng nhấn mạnh sức mạnh của quy luật lịch sử, nó sẽ giải quyết được tất cả những vấn đề cấp thiết mà thời đại đang đặt ra.

           Lịch sử là một bộ môn khoa học xã hội, nó mang tính giai cấp một cách đậm nét và sâu sắc, nghĩa là các giai cấp và các dân tộc đều sử dụng sử học như một công cụ phục vụ cho quyền lợi của giai cấp, của dân tộc mình trong cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc.Từ khi xã hội loài người phân chia thành giai cấp, tất cả các giai cấp cầm quyền từ chủ nô, phong kiến đến tư sản đều sử dụng sử học phục vụ cho giai cấp, cho nhà nước của mình. Tất cả những quan điểm của các giai cấp, các tầng lớp đều thể hiện đậm nét khi nhận định, đánh giá các sự kiện lịch sử. Nhưng sự kiện lịch sử là khách quan, nhưng đánh giá của các học giả đại diện cho các giai cấp, tầng lớp là chủ quan, lại có thể bóp méo xuyên tạc sự thật cho phù hợp với quan điểm, phục vụ cho mục đích chính trị của họ. Cho nên trong khoa học lịch sử tính khoa học (khách quan) đôi khi không đồng nhất với tính giai cấp (chủ quan). Điều đó làm cho chúng ta nhận biết sự thật lịch sử một cách hết sức khó khăn phiến diện. Những mưu đồ của các thế lực chính trị chỉ có thể tạm thời, còn không bao giờ có thể che dấu được sự thật lich sử. Thời gian sẽ bộc lộ bản chất sự kiện. Sự thật sống mãi với thời gian. Đó là chân lý vĩnh hằng như một bàn tay không che nổi ánh sáng mặt trời. Chỉ có các nhà kinh điển Mác-Lênin mới khẳng định tính khoa học và tính giai cấp trong khoa học lịch sử là đồng nhất với nhau.

           Vì nghiên cứu các sự kiện trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội nên sử học có liên quan đến tất cả các khoa học xã hội như khảo cổ học, dân tộc học, bảo tàng thư tịch học, ngôn ngữ học.v.v...

 (Còn nữa)

  CVL