Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 28)

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tiểu sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành

Kỳ 28

Những năm 70 của thế kỷ XX, Liên Xô đã đạt thế cân bằng quân sự với Mỹ và NATO cả về vũ khí thông thường và vũ khí hạt nhân. Những năm 60 của thế kỷ XX, Liên Xô đi tiên phong trong công cuộc chinh phục vũ trụ, phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên và đưa người lên vũ trụ đầu tiên. Những năm 70 của thế kỷ XX là đỉnh cao nhất, hưng thịnh nhất của chủ nghĩa xã hội thế giới. Chủ nghĩa xã hội thành niềm tin, hi vọng, ước mơ của toàn nhân loại.

           Nhưng cuối những năm 70 thế kỷ XX chủ nghĩa xã hội thế giới bắt đầu khủng hoảng và những năm 80 lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện về kinh tế, xã hội, chính trị. Lợi dụng tình hình đó, các lực lượng chống chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu được chủ nghĩa đế quốc quốc tế giúp đỡ tập hợp lực lượng, thành lập các tổ chức chính trị, đòi đa nguyên, đa đảng. Trong cơn khủng hoảng trầm trọng, chính phủ các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu buộc phải chấp nhận chế độ chính trị đa đảng. Trong bầu cử đa đảng, các đảng cộng sản Ba Lan, Cộng hoà dân chủ Đức, Tiệp Khắc, Hung ga ri, Bun ga ri, An ba ni do mất tín nhiệm trước nhân dân nên thất bại trong tuyển cử và mất chính quyền. Ở Liên bang Nam Tư diễn ra cuộc nội chiến sắc tộc và tôn giáo làm sụp đổ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Liên bang Nam Tư. Ở Ru ma ni nhân dân đã vùng dậy khởi nghĩa vũ trang lật đổ chính quyền Xeauxéccu. Ở Liên Xô năm 1985 M. Goóc ba chốp lên nắm chính quyền tiến hành cải tổ kinh tế, cải tổ đảng, cải tổ nhà nước nhưng tất cả đều thất bại làm cho nhà nước Liên Xô sụp đổ vào năm 1991. Nguyên nhân sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và Liên Xô cho đến ngày nay vẫn là một dấu hỏi lớn kinh hoàng. Các nhà nghiên cứu cho rằng chủ yếu là do mô hình chủ nghĩa xã hội do Sta lin định ra ở Liên Xô và sau đó áp dụng trong toàn bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa là một mô hình không phù hợp với khách quan lịch sử, thủ tiêu nền kinh tế hàng hóa thị trường, xây dựng thiết chế hành chính quan liêu mệnh lệnh bao cấp. Trong những hoàn cảnh lịch sử ban đầu, cơ chế này còn phát huy vai trò tích cực nhưng sau đó trở nên xơ cứng trì trệ. Các đảng cầm quyền ở các nước Đông Âu lại bảo thủ, không chịu điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh lịch sử đã thay đổi. Liên Xô thì cải tổ nhưng muộn và sai lầm. Từ mô hình không phù hợp đó dẫn tới nhiều nhược điểm khác: Bộ máy nhà nước cồng kềnh, kém hiệu lực, một bộ phận cán bộ lãnh đạo đảng, nhà nước tha hoá, hình thành một tầng lớp đặc quyền đặc lợi, xa rời nhân dân, xa rời những lý tưởng ban đầu, trái với bản chất một nhà nước cách mạng, tạo nên sự bất mãn sâu sắc trong nhân dân. Nhân dân không đi theo đảng nữa. Tất cả tạo cơ hội thuận lợi cho lực lượng chống chủ nghĩa xã hội thực hiện diễn biến hoà bình.

           Sau khi chủ nghĩa xã hội sụp đổ, các nước Đông Âu và Nga thay đổi chế độ chính trị theo thiết chế cộng hoà đại nghị tư sản, kinh tế theo chế độ tư bản, cơ chế kinh tế hàng hoá thị trường, thay đổi quốc hiệu, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca và ngày quốc khánh. Các nước Đông Âu đang làm hết sức để hoà nhập với thế giới Tây Âu. Trước đó, Ba Lan, Sec, Hung ga ri và tháng 3 năm 2004 thêm 7 nước nữa được kết nạp vào thành viên mới của NATO: Lát via, Litva, Estônia, Ru ma ni, Bun ga ri, Slôvenia, Slôvakia. Biên giới NATO đã tiến sát tới nước Nga. Liên bang Nga đang cố gắng lấy lại vị trí cường quốc của mình, phát triển kinh tế, quốc phòng, chống lại các thế lực đen tối, bảo vệ sự thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng Nga đã thu được nhiều thành tựu trên con đường mới. Một dân tộc vĩ đại như dân tộc Nga, một quốc gia đã từng là trung tâm của cách mạng thế giới, đóng vai trò quyết định trong việc tiêu diệt chủ nghĩa phát xít cứu loài người khỏi thảm hoạ, quốc gia ấy, dân tộc ấy sẽ vượt qua được những thử thách để nắm chắc vận mệnh của mình.

(Còn nữa)

 CVL