Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 39)

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành

Kỳ 39

 Cách mạng khoa học - công nghệ đã tác động trực tiếp đến mọi ngành kinh tế quốc dân, ảnh hưởng đến sự phát triển chính trị, xã hội vô cùng to lớn. Nó làm cho phân công lao động của loài người tiến lên một bước. Chuyên môn hóa cao, đẩy mạnh sự hợp tác, thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển giúp cho nhà tư bản thu nhiều lợi nhuận, tăng trưởng kinh tế. Nhà nước tư bản bấy giờ đóng một vai trò mới như là trung tâm điều tiết vĩ mô, như người tổ chức đời sống kinh tế, xã hội. Chủ nghĩa tư bản bước sang một giai đoạn mới - Chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước. Chủ nghĩa tư bản thích ứng với cơ sở vật chất mới, với lực lượng sản xuất phát triển mà nguyên nhân là ở cuộc cách mạng khoa học - công nghệ.

 Vào những năm 60 của thế kỷ này, các nước tư bản đã thay thế công nghệ mới. Công nghệ cũ được tháo dỡ và giao cho các nước đang phát triển, khiến các nước này nợ đến 1.500 tỉ đô la với số lãi tính đến 1990 là 90 tỉ đô la, một khỏan nợ không dễ gì thanh toán được. Trên cơ sở đó, các nước tư bản chuyển mạnh sang sản xuất chiều sâu, chuyển sang tiết kiệm nguyên liệu. Ví như nước Mỹ trước kia mỗi năm sản xuất 95 triệu tấn thép, những năm 60 chỉ sản xuất 75 triệu tấn. Khi đầu tư vào khoa học - công nghệ, chất xám đã kết tinh ở hàng hóa tới 70%. Kết cấu công nghiệp cũng thay đổi, trước kia 70% công nghiệp nặng, nay lại ngược lại, công nghiệp nhẹ, nông nghiệp và dịch vụ lại chiếm 70%. Trọng lượng máy ở các nước tư bản, chỉ số tiêu thụ năng lượng giảm 4 lần so với Liên Xô. Do ứng dụng vật liệu mới nên một chiếc máy tính Nhật Bản nặng 20kg vào những năm 80 có thể đổi được 30 tấn hàng của Liên Xô.

   Như vậy, xu hướng đặc trưng của nền sản xuất vật chất dựa trên cơ sở công nghệ mới là tiết kiệm nguyên liệu, tài nguyên, sức lực, trí tuệ, đề cao chất lượng. Những yếu tố đó đã làm cho tốc độ phát triển kinh tế của chủ nghĩa tư bản tăng nhanh. Nếu lấy mốc 1950 sự tăng trưởng là 100 thì năm 1955 tăng 134, năm 1960 là 162, 1965 là 215, 1968 là 250[1]. Trong 18 năm nền kinh tế tư bản chủ nghĩa tăng 2,5 lần, một tốc độ chưa từng có trong lịch sử chủ nghĩa tư bản. Từ năm 1971 đến 1980, tốc độ phát triển bình quân của kinh tế chủ nghĩa tư bản tăng 3,2%[2]. Nếu lấy chỉ số năm 1975 là 100 thì năm 1978 tăng 177, năm 1979 là 122, 1980 là 121 và 1981 là 124[3]. Tiêu biểu cho chỉ số này là Cộng hòa Liên bang Đức và Nhật Bản. Từ giữa những năm 50 đến giữa những năm 70 nền kinh tế các nước tư bản bình quân hàng năm tăng 5, 5%, gấp hơn hai lần tốc độ tăng trưởng bình quân trong 20 năm giữa hai cuộc đại chiến[4]. Tốc độ tăng trưởng của công nghiệp càng nhanh, từ 1956 đến 1970 tỉ lệ tăng bình quân hàng năm của Nhật Bản là 13,6% trong 18 năm, sản xuất công nghiệp tăng 8,6 lần, tỉ lệ tăng trưởng bình quân trong thời gian này là 8%[5].

  Từ năm 1948 đến 1980, chủ nghĩa tư bản trải qua 7 lần khủng hoảng. Nhưng khủng hoảng trong thời gian này không dài và không sâu sắc nhờ áp dụng thành quả của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ và nhờ chuyển thành chủ nghĩa tư bản lũng đoạn độc quyền nhà nước.

 Để đáp ứng đòi hỏi của khoa học công nghệ, hầu hết các nước tư bản đã tiến hành cải cách giáo dục, nâng cao tính hiệu quả của giáo dục đối với sự tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Ở Mỹ, chi tiêu cho giáo dục chiếm 4, 8% tổng sản phẩm quốc dân chiếm 13,5%  tổng chi tiêu của nhà nước; Cộng hòa Liên bang Đức: 4, 2% và 8, 7%, Anh (1985): 4, 4% và 9, 7%, Nhật Bản (1985): 4, 2% và 12, 8%[6]. Nhật Bản giáo dục miễn phí cho lứa tuổi từ 6 đến 15 tuổi. Mỹ: 50% học sinh phổ thông được vào đại học, các nước Tây Âu con số này là 20 đến 30%.

Số lượng các nhà nghiên cứu cũng tăng lên. Ở Mỹ cứ 1 vạn người làm việc thì có 77 nhà nghiên cứu, Nhật Bản 87, Cộng hòa Liên bang Đức (1989): 56, Pháp (1989): 48, Anh (1987): 46[7]

  Dưới chủ nghĩa tư bản hiện đại, tiền lương giờ danh nghĩa của công nhân công nghiệp đã tăng mạnh, từ 1983 đến 1987, tiền lương của công nhân Mỹ, Nhật Bản tăng 12%, Pháp 22%, Anh 37%, Cộng hòa Liên bang Đức 23%[8].

  Cùng với tiến bộ khoa học - công nghệ,  chính sách xã hội và chế độ sở hữu xuất hiện chế độ sở hữu công nghiệp, trí tuệ mở rộng cho việc áp dụng nhanh chóng các phát minh, sáng chế và chuyển giao dần sở hữu tư liệu cho người lao động để tư sản rảnh tay nắm lấy tài sản thông tin và bóc lột giá trị thặng dư trong điều kiện mới.

  Chủ nghĩa tư bản hiện đại thời khoa học - công nghệ là chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước đạt trình độ cao về xã hội hóa và quốc tế hóa.

       (Còn nữa)

CVL

 

[1] Tạp chí nghiên cứu của kinh tế số 56, tháng 8-1970, trang 42

[2] Những số chủ yếu về kinh tế các nước tư bản chủ nghĩa năm 70-80, TTLL, 1982, trang 55

[3] Tài liệu đã dẫn, trang 33

[4] Viện kinh tế thế giới: Chủ nghĩa tư bản hiện đại, tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, trang 137

[5] Sách đã dẫn, trang 137

[6] Viện kinh tế thế giới: Chủ nghĩa tư bản hiện đại, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, trang 21.

[7] Viện kinh tế thế giới: Chủ nghĩa tư bản hiện đại, tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, trang 22.

[8] Viện kinh tế thế giới: Chủ nghĩa tư bản ngày nay, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1991, trang 29.