Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 6)

PGS TS Cao Văn Liên

31/10/2023 06:06

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.

Kỳ 6

 Trong giai đoạn này, ngoài đấu tranh kinh tế giai cấp công nhân tiến lên đấu tranh chính trị, đoàn kết đấu tranh với công nhân trên toàn quốc và hiểu được sứ mệnh lịch sử của mình. Thời kỳ tự giác của công nhân thế giới bắt đầu từ những năm 40 thế kỷ XIX khi mà Các Mác và F. Ăngghen công bố bản “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” nêu lên cương lĩnh đấu tranh của giai cấp công nhân, khi mà công nhân thừa nhận chủ nghĩa Mác là tư tưởng chính trị, là thế giới quan và phương pháp luận của mình, khi công nhân các nước thành lập những tổ chức nghề nghiệp của mình, khi các đảng xã hội, đảng cộng sản ra đời với sự dìu dắt của hai lãnh tụ, hai người thầy vĩ đại của giai cấp vô sản: Các Mác -Ăngghen. Hiển nhiên trong xã hội tư bản, bên cạnh hai giai cấp chính là vô sản và tư sản, còn tồn tại nhiều giai cấp, nhiều tầng lớp như nông dân, thị dân, quý tộc phong kiến (nếu như cách mạng tư sản ở nước đó không triệt để), trí thức tư sản. Nông dân, thị dân cũng là đối tượng bóc lột của nhà nước tư sản nên họ là đồng minh của giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh chống tư sản.

Sau khi làm cách mạng lật đổ phong kiến lên nắm chính quyền, giai cấp tư sản thiết lập nhà nước tư sản để xây dựng một xã hội khác xã hội phong kiến. Cách mạng tư sản Anh năm 1640-1687 đã thành lập thiết chế quân chủ nghị viện. Trong thời kỳ cận đại, đây là mô hình của phần lớn nhà nước tư sản châu Âu. Tư sản còn thiết lập thiết chế cộng hoà tổng thống, cộng hoà đại nghị, cộng hoà lưỡng thể (vừa mang tính chất cộng hoà đại nghị vừa mang tính chất cộng hoà tổng thống), thậm chí có cả thiết chế quân chủ (nền quân chủ tư sản). Cho đến ngày nay thiết chế cộng hoà chiếm đa số các nước so với quân chủ và quân chủ nghị viện. Giai cấp tư sản đã xây dựng bộ máy nhà nước hoàn thiện hơn nhiều so với nhà nước nô lệ và phong kiến. Ở các thiết chế cộng hoà và quân chủ nghị viện đã thực hiện nguyên tắc tam quyền phân lập ba cơ quan nắm ba quyền lực: Quốc hội nắm quyền lập pháp, chính phủ nắm quyền hành pháp, toà án và viện công tố nắm quyền tư pháp và giám sát việc thi hành pháp luật. Ở cơ quan chính phủ chia thành các bộ để điều hành công việc chuyên ngành. Giám sát công việc và chi tiêu tài chính của các bộ ngoài những cơ quan pháp luật còn có các uỷ ban của quốc hội và các ủy ban của các bộ. Ở thiết chế quân chủ nghị viện, vua là người đứng đầu nhà nước nhưng ít quyền lực, chỉ là người đại diện cho tinh thần dân tộc, hợp pháp hoá những hoạt động của nhà nước. Tuy nhiên, vua và cả hoàng gia có nhiều quyền lợi, ngôi vua là thế tập cha truyền con nối. Quyền lực thực sự nằm trong tay chính phủ do thủ tướng đứng đầu. Ở thiết chế cộng hoà đại nghị, tổng thống do nhân dân bầu cử (có thể do quốc hội bầu cử), có nhiệm kỳ nhất định, đứng đầu nhà nước nhưng ít quyền lực. Quyền lực thực sự của thiết chế này nằm trong tay chính phủ do thủ tướng đứng đầu. Ở các nước cộng hoà lưỡng thể, tổng thống là nguyên thủ quốc gia nhưng ông cùng thủ tướng lãnh đạo chính phủ. Tổng thống chủ tọa hội đồng chính phủ vạch ra chính sách, thủ tướng có nhiệm vụ lãnh đạo chính phủ thực hiện. Ở thiết chế cộng hoà tổng thống, tổng thống đứng đầu nhà nước cũng là người đứng đầu chính phủ có toàn quyền hành pháp. Tổng thống ở thiết chế này còn tác động đến quá trình lập pháp nên quyền lực rất to lớn. Ở thiết chế quân chủ (tư sản) vua nắm tất cả ba quyền lực cơ bản của nhà nước. Vua đứng đầu nhà nước, đứng đầu quốc hội, chính phủ.

Có các hình thức nhà nước khác nhau như vậy là do hoàn cảnh cụ thể cuả từng nước, do tương quan lực lượng trong cuộc đấu tranh giai cấp giữa tư sản phong kiến và quần chúng nhân dân. Thiết chế quân chủ hoặc quân chủ nghị viện là kết quả của một cuộc cách mạng tư sản không triệt để. Giai cấp tư sản do lo sợ sức mạnh của quần chúng nhân dân sau khi nắm được chính quyền đã phản bội nhân dân, đã bắt tay liên minh với phong kiến, kẻ thù của cách mạng tư sản. Ngược lại thiết chế cộng hoà là kết quả của một cuộc cách mạng tư sản triệt để loại trừ quí tộc phong kiến khỏi bộ máy nhà nước, thủ tiêu tận gốc quyền sở hữu phong kiến về ruộng đất, tức là thủ tiêu quý tộc phong kiến với tư cách là một giai cấp.

Cùng với việc hoàn thiện thiết lập bộ máy nhà nước, giai cấp tư sản ra sức đẩy mạnh hoạt động trong lĩnh vực lập pháp. Cũng như xây dựng nhà nước, hoạt động lập pháp của chế độ tư bản phát triển và mở rộng vượt xa số lượng, chất lượng, kĩ thuật lập pháp dưới thời phong kiến. Hiến pháp, đạo luật cơ bản của nhà nước ra đời làm nền tảng cho toàn bộ các văn bản pháp luật sau này. Pháp luật tư sản đã chia thành các ngành luật phù ứng với các mối quan hệ xã hội mà ngành luật đó điều chỉnh như luật hình sự, dân sự, luật hôn nhân gia đình, luật tố tụng hình sự, tố tụng dân sự... Pháp luật tư sản tiến bộ hơn pháp luật phong kiến không chỉ ở kỹ thuật lập pháp, ở phát triển các ngành luật mà còn ở nội dung pháp luật quy định sự bình đẳng của công dân trước pháp luật, thừa nhận quyền của phụ nữ về chính trị và kinh tế, ghi nhận quyền tự do của con nguời và quyền của công dân, trong đó nhấn mạnh quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của quyền tư hữu tài sản. Dù là tiến bộ hơn chế độ nô lệ và phong kiến, nhà nước và pháp luật tư sản vẫn mang đậm bản chất giai cấp, là công cụ phục vụ đắc lực bảo vệ quyền lợi cho giai cấp tư sản, sẵn sàng đàn áp những giai cấp khác để bảo vệ trật tự tư sản. Tuy nhiên, nhà nước và pháp luật tư sản còn mang tính chất xã hội. Trong khi phục vụ cho tư sản, nó buộc phải phục vụ cho toàn xã hội, thực hiện chức năng quản lý xã hội, đưa xã hội vào khuôn khổ pháp luật tuân theo ý chí của giai cấp thống trị. Hai cường quốc có trình độ phát triển ở châu Âu mà pháp luật ảnh hưởng đến pháp luật hầu khắp thế giới tư bản là Anh và Pháp. Một loạt các nước chịu ảnh hưởng pháp luật nước Pháp, tức là chịu ảnh hưởng pháp luật La Mã cổ đại, một loạt các nước chịu ảnh hưởng pháp luật của Anh vốn là những tiền lệ pháp Ăng glô-Xắc xông, đến mức các nhà luật học tư sản chia luật pháp tư sản thành hai hệ thống: hệ thống pháp luật nước Pháp và hệ thống pháp luật Anh –Mỹ.

Không chỉ thực hiện cuộc cách mạng chính trị đoạt chính quyền lên nắm quyền thống trị, giai cấp tư sản do nhu cầu đẩy mạnh sản xuất, tăng năng suất lao động đã tiến hành cuộc cách mạng kinh tế, cách mạng công nghiệp, đưa lao động thủ công sang lao động máy móc cơ giới mà trọng tâm là việc áp dụng máy hơi nước của jêm oắt.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 6)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn