Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 64)            

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.                     

Kỳ 64

Các nhà lãnh đạo Liên Xô cũng muốn chuyển ngay sang cơ chế thị trường, giao quyền tự chủ cho các xí nghiệp, giao đất cho nông dân nhưng vẫn giữ nguyên cơ chế quản lý nông trường, nông trang, các nhà máy, xí nghiệp rối loạn, tê liệt. Kinh tế Liên Xô từ đó vừa không có kế hoạch vừa không có thị trường và rơi vào trạng thái hỗn loạn. Kết quả kinh tế Liên Xô bắt đầu xuống dốc, tổng giá trị sản phẩm quốc dân giảm, hàng hóa khan hiếm, giá cả tăng vọt, tiền lương giảm sút và thất nghiệp, đời sống nhân dân khó khăn, các tệ nạn xã hội phát triển. Khó khăn tài chính, kinh tế làm chức năng chính phủ Liên bang bị giảm sút. Quyền lực của chính quyền trung ương bắt đầu suy yếu.

Cải tổ kinh tế thất bại, phái cải tổ quay sang cải tổ cơ cấu chính trị mà trước hết là cải tổ cơ cấu tổ chức của Đảng Cộng sản Liên Xô. Thực tế, đó là cuộc đấu tranh của Goocbachốp với các cá nhân và thế lực chống đối để củng cố hơn nữa quyền lực của ông, gạt bỏ những người đối lập ra khỏi chức vụ đảng và nhà nước, đưa những người đồng quan điểm, vây cánh thân cận vào thay thế. Nửa năm 1985 đã tiến hành ba đợt điều chỉnh nhân sự liên quan đến 12 người. Đến tháng 5-1987 Liên Xô đã thay thế 66% cán bộ cấp trưởng, 61% cán bộ cấp bí thư và Chủ tịch tỉnh, 63% cấp Bí thư quân ủy, thành ủy. Cho đến cuối 1988, trong bộ máy Đảng và nhà nước Liên Xô thay đổi 92, 5% cán bộ. Không ít bọn cơ hội đối lập “ủng hộ cải tổ” đã chui vào bộ máy lãnh đạo đảng và nhà nước các cấp. Cuộc cải tổ cơ cấu đảng làm cho Đảng Cộng sản Liên Xô mất tín nhiệm phân liệt về tư tưởng chính trị, tan rã về mặt tổ chức và bị hạ thấp xuống, không còn đóng vai trò hạt nhân lãnh đạo trong bộ máy nhà nước. Trước khi bị chính Tổng bí thư Goocbachốp giải tán, Đảng Cộng sản Liên Xô thực tế đã mất vai trò lãnh đạo, đã phân liệt và tê liệt hoàn toàn.

Cùng với việc cải tổ cơ cấu đảng là cải tổ cơ cấu nhà nước, biến hình thức nhà nước Liên Xô từ Đại biểu nhân dân thành hình thức Đại nghị Tổng thống.

Cùng với việc cải cách thể chế chính trị là chủ trương dân chủ không giới hạn, chủ trương đa nguyên, đa đảng, tạo điều kiện cho các đảng phái tổ chức thù địch chống chủ nghĩa xã hội tự do hợp pháp công khai hoạt động, chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa, chống lại nhà nước Liên Xô. Tất cả các công cụ để bảo vệ nhà nước như KGB, quân đội và hiến pháp bị làn sóng dân chủ vô hạn độ coi thường và bị vô hiệu hóa.

Trong mớ hỗn độn đó, nổi bật cuộc đấu tranh giành quyền lực của các thủ lĩnh, các đảng phái và các tổ chức là cuộc đấu tranh của các thủ lĩnh dân tộc đòi li khai khỏi Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết, thành lập các quốc gia độc lập và từ đó xảy ra cuộc chiến tranh “Các đạo luật”, một số nước cộng hòa tự đặt ra các đạo luật và không phục tùng các đạo luật và hiến pháp Liên bang. Ở các vùng Capcadơ và Trung Á, những cuộc xung đột dân tộc đẫm máu đã diễn ra.

Trong cuộc đấu tranh giành quyền lực cá nhân và đòi “độc lập” dân tộc, các thủ lĩnh đã lợi dụng chủ nghĩa dân tộc và dần hình thành nên những trung tâm quyền lực khác đối trọng lại trung tâm quyền lực trung ương, thúc đẩy sự sụp đổ của Liên Xô.

Như chúng ta đã biết Liên Xô là một Liên bang nhiều nước Cộng hòa. Mỗi nước Cộng hòa có một dân tộc đa số làm chủ thể và đầy đủ đặc trưng của một quốc gia. Trước cải tổ, sự hùng mạnh của chính quyền trung ương đã có được quyền lực tuyệt đối để điều hành quốc gia, bảo đảm cho các nước cộng hòa tài chính và cung cấp đầy đủ năng lượng, dầu khí, lương thực, thực phẩm, hàng hóa... Những nhà cầm quyền ở các nước cộng hòa được Matxcơva sủng ái, bảo đảm quyền lực lâu dài cho họ nên họ trung thành, thừa nhận quyền lực của trung ương. Hơn nữa KGB và lực lượng quân đội sẵn sàng can thiệp để bảo vệ hiến pháp, bảo vệ sự toàn vẹn của Liên Xô, bảo vệ quyền lực trung ương, sẵn sàng hành động bóp chết từ trong trứng tất cả những chính khách nào của nước cộng hòa muốn li khai khỏi Matxcova. Một nhân tố nữa bảo đảm cho Liên Xô tồn tại là Đảng Cộng sản Liên Xô, một đảng thống nhất vững mạnh trên toàn Liên bang, đóng vai trò lãnh đạo hệ thống chuyên chính vô sản, lãnh đạo toàn dân, lãnh đạo các nước cộng hòa, lãnh đạo toàn Liên bang theo một lý tưởng chung tốt đẹp. Đảng Cộng sản Liên Xô với tính chất quốc tế của mình, với tinh thần quốc tế vô sản và giáo dục cho nhân dân Liên Xô chủ nghĩa quốc tế đó là chất keo hữu hiệu giữ gìn sự thống nhất các dân tộc, các nước cộng hòa trong đại gia đình Liên bang Xô Viết.

Cuộc cải tổ sai lầm kinh tế, chính trị thất bại đã làm Liên Xô suy yếu toàn diện, chính quyền trung ương cũng suy yếu, Đảng Cộng sản Liên Xô bị phân liệt về tư tưởng chính trị, tan rã về tổ chức, quân đội Liên Xô và KGB hoàn toàn bị vô hiệu hóa trong chức năng bảo vệ chính quyền nhà nước, bảo vệ đảng. Với khẩu hiệu tự do dân chủ, quân đội không can thiệp vào chính trị... Tất cả những điều đó đã tạo những điều kiện thuận lợi cho các lực lượng chống chủ nghĩa xã hội, các lực lượng li khai dân tộc chủ nghĩa, các tham vọng quyền lực cá nhân phát triển mạnh mẽ chống lại chính quyền trung ương, tách ra khỏi Liên Bang Xô Viết. Việc tách khỏi Liên Xô, dần dần hình thành những trung tâm quyền lực chống lại chính phủ Liên bang dưới khẩu hiệu “Độc lập dân tộc”. Trong các trung tâm quyền lực địa phương, mạnh nhất là Ban lãnh đạo Cộng hòa Liên bang Nga. Nước Cộng hòa này chiếm hơn 50% diện tích, dân số và tổng thu nhập quốc dân của toàn Liên Xô, nghĩa là nhân tố quyết định số phận của Liên bang Xô Viết. Sau khi nhậm chức Tổng thống Nga, B. Enxin ra sắc lệnh phi đảng hóa trong bộ máy nhà nước, trong các nhà máy, trong quân đội rồi việc Liên bang Nga tuyên bố giành quyền kiểm soát tài chính riêng.... là những đòn giáng chí tử vào Đảng Cộng sản Liên Xô, vào chính quyền Liên bang, làm cho Đảng Cộng sản Liên Xô và nhà nước Liên Xô tê liệt. Chính quyền trung ương cố duy trì Liên bang bằng cách đề ra một hình thức cơ cấu Liên bang, một trong số đó là tăng cường quyền lực cho các nước Cộng hòa. Nhưng động tác này hoàn toàn không cứu vãn được tình thế.

Cuộc “chính biến” 19-8-1991 thất bại chỉ là cái cớ cho các trung tâm quyền lực địa phương kết liễu chính quyền trung ương đã quá suy yếu và bất lực. Sau cuộc đảo chính, Đảng Cộng sản Liên Xô bị giải tán. Thủ lĩnh các nước Cộng hòa Nga, Bê la rút, Ucaraina, tự động ký với nhau Hiệp ước thành lập SNG, tuyên bố Liên Xô chấm dứt tồn tại. Như vậy, cuộc đấu tranh giành quyền lực của các cá nhân và các phe phái, biểu hiện bằng cuộc đấu tranh giành quyền lực của chính phủ trung ương với các nước Cộng hòa kết thúc bằng sự thất bại của chính phủ Liên bang. Liên Xô sụp đổ: đúng như nữ Đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, phu nhân của đồng chí Mác Se) đã viết: “Cái bi kịch của chủ nghĩa xã hội là đấu tranh giành quyền lực của những người Cộng sản”.

(Còn nữa)

CVL