Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 70)

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.        

Kỳ 70

Sau khi giữ chức vụ Tổng bí thư ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, những lời lẽ của Goóc Ba Chốp rất cách mạng, rất là vì chủ nghĩa xã hội cả vì tương lai toàn nhân loại. Các quan điểm chính trị của Goóc Ba Chốp đã được trình bày trong hai tác phẩm chủ yếu: “Tháng Mười và cải tổ, cuộc cách mạng đang tiếp tục” và tác phẩm “Cải tổ tư duy chính trị mới đối với nước ta và thế giới”. Trong hai tác phẩm này Goóc Ba Chốp đã ca ngợi thành tựu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, ca ngợi chiến công bảo vệ tổ quốc của nhân dân Xô viết. Song phần chủ yếu của tác phẩm là phê phán, phủ nhận Stalin, từ đó phủ định toàn bộ một thời kỳ xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội của nhân dân Liên Xô trong thời kỳ lịch sử đó. Goóc Ba Chốp không thừa nhận quan điểm đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác – Lênin trong điều kiện hiện đại. Cơ sở của lập luận phủ nhận đấu tranh giai cấp là thổi phồng nguy cơ chiến tranh hạt nhân, nếu đấu tranh giai cấp nổ ra chiến tranh hạt nhân thì toàn bộ nhân loại sẽ bị tiêu diệt. Do đó, nhiệm vụ cấp bách của chúng ta là phải bảo vệ quyền lợi của toàn nhân loại chứ không phải bảo vệ quyền lợi giai cấp. Goóc Ba Chốp cho rằng trái đất là một mái nhà chung và cần phải bảo vệ ngôi nhà chung đó. Để bảo vệ ngôi nhà chung đó, Goóc Ba Chốp trong chính sách đối ngoại đã đơn phương giải trừ quân bị (kể cả vũ khí chiến lược). Cởi mở, thật thà nhân nhượng, lùi bước trước chủ nghĩa đế quốc, bất chấp chủ nghĩa đế quốc có cởi mở, trung thực hay không. Theo Goóc Ba Chốp, chỉ cần phe xã hội chủ nghĩa triệt thoái sự phòng thủ, huỷ bỏ các vũ khí thông thường và chiến lược thì thế giới sẽ hoà dịu, hoà bình được bảo đảm. Trên thực tế Goóc Ba Chốp đã phá vỡ thế cân bằng chiến lược bằng việc tước bỏ sự phòng thủ, tước bỏ sức mạnh tự bảo vệ của Liên Xô và cuối cùng tự làm tan vỡ Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa. Goóc Ba Chốp viết: “Chủ nghĩa xã hội bác bỏ không điều kiện những cuộc chiến tranh với tính cách là phương tiện giải quyết những mâu thuẫn chính trị và kinh tế, những cuộc tranh chấp tư tưởng giữa các nước. Lý tưởng của chúng ta là thế giới không có vũ khí và bạo lực, một thế giới trong đó mỗi dân tộc đều tự do lựa chọn con đường phát triển và lối sống của mình” (Liên Xô - số 4 – 1986, tr. 5). Trên thực tế nghiêm ngặt của lịch sử, Goóc Ba Chốp quên rằng, chủ nghĩa đế quốc còn là vật cản tự do lựa chọn con đường của các dân tộc bằng vũ lực và bằng các biện pháp khác nữa. Do đó Goóc Ba Chốp cũng quên rằng bạo lực cách mạng không phải do ý muốn của giai cấp vô sản và của các dân tộc, nó hoàn toàn do khách quan mang lại, mà hoàn cảnh khách quan đó là do việc sử dụng chiến tranh bạo lực từ phía chủ nghĩa đế quốc.

Áp dụng lý thuyết này vào thực tế, Goóc Ba Chốp đã phản bội, bỏ rơi các nước đồng minh trong cơn hoạn nạn để họ sụp đổ dưới sức ép của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản cách mạng; từ bỏ nghĩa vụ quốc tế đối với phong trào giải phóng dân tộc và phong trào công nhân quốc tế.

Goóc Ba Chốp đã vạch ra mục tiêu của công cuộc cải tổ ở Liên Xô cực kỳ to lớn. Về kinh tế đến cuối thế kỷ 20, tăng gấp đôi tiềm lực kinh tế của Liên Xô, thu nhập quốc dân tăng hai lần, đến năm 2000 bảo đảm mỗi gia đình một căn hộ, nâng cao phúc lợi của nhân dân, mở rộng nền dân chủ gắn với sự tự quản của nhân dân. Goóc Ba Chốp cho rằng phương tiện chủ yếu để thực hiện đường lối đó là sự tiến bộ khoa học kỹ thuật, cải tạo cơ bản lực lượng sản xuất.

Trong thực tiễn triển khai công cuộc cải tổ, Goóc Ba Chốp chủ trương thi hành chiến lược tăng tốc trong kinh tế, phá vỡ toàn bộ cơ cấu hệ thống sản xuất cũ hiện có để nhằm đưa công nghệ sản xuất mới vào thay thế. Song vốn và kỹ thuật máy móc không đủ. Cơ cấu sản xuất cũ bị phá vỡ, cơ cấu mới không tạo ra được, sản xuất ngưng trệ, đình đốn, chiến lược tăng tốc thất bại.

Goóc Ba Chốp cho rằng cải tổ trong kinh tế thất bại là do cơ chế chính trị cũ bảo thủ kìm hãm phá hoại. Từ đó Goóc Ba Chốp lại chuyển sang cải tổ chính trị mà mục tiêu là loại bỏ, đập tan những người Mác xít già nua chính thống. Những lực lượng chống chủ nghĩa xã hội được ngọn cờ nhân quyền nuôi dưỡng từ lâu ở Liên Xô nay ngóc đầu dậy đòi đa nguyên. Sau khi được chấp nhận đa nguyên, chúng tiến lên một bước nữa đòi đa đảng cùng tham gia vào công việc chính trị, bãi bỏ độc quyền của Đảng Cộng sản Liên Xô, xu hướng dân tộc chủ nghĩa đòi ly khai phát triển, các cuộc tranh chấp, xung đột dân tộc bắt đầu. Sự thiết lập chế độ Tổng thống của Goóc Ba Chốp cũng không cứu vãn được tình trạng xuống dốc của nền kinh tế, sự hỗn loạn về chính trị và trật tự xã hội. Liên Xô đứng bên bờ của sự sụp đổ. Để cứu vãn đất nước, chỉ còn một cách là sử dụng quân đội và bộ máy chuyên chính vô sản, đập nát tất cả các thế lực chống chủ nghĩa xã hội, khôi phục lại sản xuất và ổn định tình hình xã hội, đưa nó đi đúng vào sự nghiệp cải tổ đổi mới dần dần. Nhưng Goóc Ba Chốp trong quan điểm chính trị phủ nhận chuyên chính vô sản, đặt quân đội đứng ngoài chính trị, quân đội theo Goóc Ba Chốp chỉ trung thành và hành động theo hiến pháp. Dưới lá cờ “dân chủ”, Goóc Ba Chốp thực tế đã thả nổi tình hình và dường như không thể nào kiểm soát được nữa.

Trong quá trình diễn biến của cải tổ, nổi bật lên phái Ensin ở Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô Viết liên bang Nga. Ngày nay đã quá rõ ràng Ensin là người phụng sự cho chủ nghĩa tư bản kiên quyết đưa nước Nga trở lại con đường tư bản chủ nghĩa: Bước đầu Ensin chỉ là tay chân của Goóc Ba Chốp được sử dụng để chống và loại bỏ những người theo phái Mác xít chính thống bảo thủ già nua. Sau đó thế lực của Ensin mạnh lên, trở thành đối thủ chính trị của Goóc Ba Chốp. Thế lực của Ensin ngày càng mạnh mẽ khi y trở thành Tổng thống nước Cộng hoà liên bang Nga, nước lớn nhất và là trụ cột của Liên bang xô viết.

Cuộc đảo chính 19/8/1991 là một cuộc giao đấu cuối cùng giữa phái Mác xít chính thống già nua chống phái Goóc Ba Chốp với cả phái Ensin. Cuộc đảo chính thất bại, tất cả các thành viên trong “Ủy Ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp” đều bị bắt, bị cầm tù hoặc bị giết. Ensin trở thành ân nhân cứu mạng của Goóc Ba Chốp. Goóc Ba Chốp sau ba ngày bị cách ly với thế giới bên ngoài được trở về Matxcơva bằng máy bay của Ensin. Dưới sức ép của Ensin, Goóc Ba Chốp đã ký sắc lệnh tuyên bố giải tán Đảng Cộng sản Liên Xô, sau khi đã từ chức Tổng Bí thư Ủy ban Trung ương của Đảng này với lý do Đảng không ngăn chặn và hình như có dính líu vào cuộc đảo chính. Goóc Ba Chốp cũng đã giải tán chính phủ Liên Xô cũng vì tội tương tự, cho phép trước mắt những nhân vật trong chính phủ Liên bang Nga đóng vai trò của chính phủ Liên bang Xô Viết.

(Còn nữa)

CVL