Kỳ 68
2. Những hậu quả
Trước khi chủ nghĩa xã hội sụp đổ, nhân dân các nước đó hy vọng cải tổ sẽ làm cho chủ nghĩa xã hội tốt hơn, cuộc sống dân chủ hơn và tốt hơn, sẽ loại trừ được những tệ nạn xã hội. Chính vì thế đa số nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa, kể cả Liên Xô bước đầu hào hứng ủng hộ cải tổ. Chủ nghĩa cơ hội, bọn phản bội đủ màu sắc đã lợi dụng được tâm lý của nhân dân để hành động lật đổ chủ nghĩa xã hội. Một tầng lớp khác của nhân dân thì mơ hồ, tin vào sự hứa hẹn của Mỹ và các nước Tây Âu, tưởng rằng sau khi lật đổ được chủ nghĩa xã hội thì viện trợ của chủ nghĩa tư bản tràn vào như nước chảy, sẽ làm đổi đời; không cần phải bàn cãi gì nữa. Nhưng khi chủ nghĩa xã hội đã sụp đổ rồi thì ngược lại với sự chờ đợi của nhân dân, tai họa và hậu quả nặng nề giáng xuống đầu họ như một tất yếu không thể tránh khỏi của sự sụp đổ của một thể chế xã hội: Sụp đổ cả kiến trúc thượng tầng và cơ sở hạ tầng.
Hậu quả trước tiên là cơ chế sản xuất cũ bị phá vỡ, cơ chế sản xuất mới chưa hình thành, làm cho sản xuất giảm sút, hàng hóa khan hiếm, giá cả tăng vọt, nạn thất nghiệp lan tràn, đặc biệt là khi các chính phủ mới thả nổi giá cả và đồng tiền. Trước kia, nhân dân các nước Đông Âu và Liên Xô sống một cuộc sống sung mãn, đầy đủ tất cả những nhu cầu vật chất và tinh thần, bây giờ họ lâm vào cuộc sống thiếu thốn, đói khổ. Hậu quả thứ hai là nạn thất nghiệp: Việc ngừng trệ sản xuất là nguồn thứ nhất của sự thất nghiệp, nguồn thứ hai là sự sụp đổ của kiến trúc thượng tầng, những cán bộ công nhân viên của chế độ cũ bị thải hồi, bị mất việc làm, những quân nhân, sĩ quan, tướng lĩnh, chính trị gia, những giáo sư xã hội học theo quan điểm Mác xít trước đây nay cũng trở thành thất nghiệp. Hậu quả thứ ba là các tệ nạn xã hội, đặc biệt là nạn cướp bóc, khủng bố hoành hành, chính phủ không kiểm soát nổi. Hậu quả tai hại nhất là quốc gia thống nhất bị chia cắt làm nhiều quốc gia, cắt đứt những mối quan hệ về kinh tế, văn hóa, huyết tộc đã được xây đắp hàng mấy chục năm trời giữa các nước cộng hòa và các dân tộc. Các dân tộc trước kia là anh em một nhà nay bỗng chốc trở thành thù địch nhau. Vấn đề dân tộc bị những kẻ phiêu lưu chính trị lợi dụng lôi cuốn đẩy các dân tộc vào các cuộc xung đột đẫm máu để tranh giành đất đai, biên giới lãnh thổ.
Từ bỏ con đường chủ nghĩa xã hội, các chính phủ, các nước mong muốn chuyển ngay nền kinh tế sang kinh tế thị trường. Nhưng công cuộc tư nhân hóa các nhà máy, các cơ sở sản xuất không phải là một việc đơn giản. Ở trong nước, các cá nhân chưa đủ vốn để mua lại các nhà máy. Nhà nước không đủ vốn để giúp các tư nhân. Tư bản nước ngoài chưa chịu đầu tư vì nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân vì tình hình chính trị chưa ổn định, sự viện trợ ào ạt có điều kiện các nước Tây Âu, Mỹ và Nhật Bản hóa ra chỉ là cái bánh vẽ dụ dỗ nhân dân các nước này đứng dậy lật đổ chủ nghĩa xã hội. Như vậy ở các nước Đông Âu và Liên Xô, nhân dân đã mất thế giới cũ mà chưa kịp kiến tạo một thế giới mới, do đó nó mang những tính chất bi thảm đặc biệt. Vấn đề kinh tế thị trường cũng là những vấn đề khách quan, có quy luật của nó, cũng không thể muốn là có ngay. Nền tài chính các nước đó lâm vào nạn lạm phát chóng mặt, các chính phủ thì bất hòa. Cường quốc số 1 là Liên Xô , bây giờ là SNG phải bán cả bí mật quân sự và các thiết bị quân sự để lấy tiền. Những bí mật nguyên tử hạt nhân, vũ trụ của Liên Xô (cũ) có nguy cơ rò rỉ ra ngoài, nhiều nước do đó có thể sản xuất được hạt nhân. Kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của Liên Xô (cũ) đến nay có đặt được dưới sự kiểm soát của một trung tâm duy nhất hay không. Điều này vẫn còn là một sự lo ngại sâu sắc cho toàn thế giới.
Sự sụp đổ của các nước Đông Âu và Liên Xô là một đòn chí mạng giáng vào chủ nghĩa xã hội và phong trào cách mạng thế giới. Phong trào này chịu một tổn thất to lớn nhất trong lịch sử phát triển thăng trầm của nó. Về mặt tư tưởng và tâm lý, người ta vẫn tin rằng lý tưởng chủ nghĩa xã hội là tốt đẹp nhất trong lịch sử xã hội loài người; đó là một lý tưởng, xây dựng một xã hội mang lại ấm no, bình đẳng và dân chủ thực sự. Nhưng trên thực tiễn một vấn đề đặt ra là xây dựng xã hội đó như thế nào và làm thế nào để xây dựng được xã hội đó? Đó là những câu hỏi mà thực tiễn và lý luận đang đặt ra cho giới lý luận và các chính trị gia Mác xít một cách cấp bách.
Sự tan vỡ của Liên Xô làm thay đổi và đảo lộn toàn bộ cán cân lực lượng trên thế giới, phá vỡ thế cân bằng có lợi cho chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa tư bản thu được những thắng lợi to lớn chưa từng có. Sự tan rã của Liên Xô, cường quốc số 1 đã làm cho quan hệ quốc tế có những thay đổi về cơ bản. Sự đối đầu giữa hai siêu cường lớn nhất là Liên Xô và Mỹ đã chấm dứt, cuộc chiến tranh lạnh do chủ nghĩa tư bản chủ trương và phát động để chống phá chủ nghĩa xã hội cũng chấm dứt; trật tự thế giới hai cực Yanta được thiết lập từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay tan vỡ. Bây giờ trong quan hệ quốc tế đang là thời kỳ quá độ của sự phân cực nhằm hình thành một trật tự thế giới mới. Trong thời kỳ quá độ đó, Mỹ đang cố gắng vươn lên giành địa vị một siêu cường, chỉ huy trật tự thế giới mới đang được hình thành. Trong kế hoạch vươn lên, Mỹ vấp phải cuộc cạnh tranh của Tây Âu và Nhật Bản. Cuộc đấu tranh tay ba chưa ngã ngũ, song đường nét cơ bản trong quan hệ quốc tế ngày nay là bạo lực đang thắng thế, kẻ giàu mạnh như Anh, Pháp, Mỹ, Đức đặc biệt là Mỹ đang chi phối thế giới, đang khủng bố và tiêu diệt trừng phạt các thế lực chống đối, không nằm trong tầm chỉ huy của họ. Họ đã và đang biến Liên hợp quốc thành công cụ, quốc tế hóa, hợp pháp hóa những hành động của chúng. Sau Irắc là đến Libi, đang là nạn nhân của chính sách bạo lực, Cuba và một số nước đã và đang là nạn nhân của cuộc bao vây kinh tế, cấm vận của chủ nghĩa đế quốc Mỹ.
Sự đối đầu của hai siêu cường đứng đầu hai phe mất đi cũng tạo điều kiện hình thành xu hướng đối thoại trong quan hệ quốc tế, nó báo hiệu một thời kỳ mới, rằng có thể giải quyết các vấn đề quốc tế, giữa nước này với nước khác không phải bằng vũ lực mà bằng đàm phán, bằng biện pháp chính trị. Song trước mắt vẫn chưa có thể gạt bỏ được việc sử dụng vũ lực trong các vấn đề quốc tế. Như vậy, sau khi Liên Xô sụp đổ, thế giới đang bước vào thời kỳ quá độ của phân cực trong quan hệ quốc tế chưa hình thành rõ nét đa cực, cũng chưa trọn vẹn thế giới một cực. Các nước tư bản đang đấu tranh với nhau, kiềm chế nhau. Song, họ nhất trí với nhau trong hành động chống lại quốc gia nào không chịu khuất phục chúng. Xu hướng bạo lực đang hoành hành.
(Còn nữa)
CVL