Kỳ 67
CHƯƠNG IV. LỊCH SỬ THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI – MỘT VÀI GIẢI THÍC
I. Chủ nghĩa xã hội hiện nay
1. Sự sụp đổ của các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô
Từ trước đó, đặc biệt là vào những năm 80, Ban lãnh đạo Liên Xô đã nhìn thấy những yếu tố không lành mạnh trong sự phát triển của chủ nghĩa xã hội. Đó là sự phát triển chậm chạp của khoa học kỹ thuật, từ đó dẫn đến sự trì trệ trong đổi mới công nghệ, trong sản xuất, trong phát triển kinh tế, thiếu sự đáp ứng về nhu cầu chất lượng, thẩm mỹ hàng hóa của người tiêu dùng (ở những nước có nền kinh tế giàu có và hùng mạnh). Ở những nước xã hội chủ nghĩa khác ở châu Á và Cu Ba (ở Mỹ La tinh) thì nhân dân chưa thoát được cảnh nghèo khổ và kỹ thuật kinh tế lạc hậu. Cơ chế bao cấp xã hội chủ nghĩa làm cho nhiệt tình lao động cạn kiệt dần không còn nguồn động lực kích thích sản xuất. Cơ chế bao cấp xã hội chủ nghĩa trong tất cả các ngành, kể cả ngành sản xuất đã làm cho người ta phải chạy vào biên chế nhà nước bằng bất cứ giá nào. Hậu quả là hệ thống nhà nước ngày càng phình to lên, kém hiệu lực. Muốn được vào biên chế nhà nước, nhiều trường hợp phải có cống vật. Cơ chế bao cấp xã hội chủ nghĩa ở tất cả các ngành với khẩu hiệu chủ nghĩa tập thể thực tế là một kiểu chủ nghĩa bình quân, cào bằng mà không ai chịu trách nhiệm với ai trong phạm vi lĩnh vực mình công tác; Không ai kiểm soát được ai, không ai trừng phạt được ai. Do đó nạn tham nhũng của công, ăn hối lộ xâm nhập và lan tràn trong bộ máy nhà nước. Kiến trúc thượng tầng của chủ nghĩa xã hội thành tha hóa và quay lại cản trở chính xã hội và hạ tầng cơ sở nó phải phục vụ. Những nhà lãnh đạo Liên Xô đã nhìn thấy những khuyết tật của chủ nghĩa xã hội. Cho nên sau khi Brêgiênhép qua đời, Ang dơ rô pốp lên thay đã khởi xướng ra một loạt các quy định nhằm củng cố chấn chỉnh kỷ luật lao động ở khu vực hành chính và khu vực lao động sản xuất; đã bắt đầu truy lùng gắt gao bọn tham nhũng trong bộ máy nhà nước. Nhưng chỉ được một năm thì Ăng đơ rô pốp qua đời. Tréc nhen cơ già nua kế vị chỉ là bước quá độ chuẩn bị cho một nhân vật trẻ hơn, mạnh dạn đổi mới. Sau cái chết của Tréc nhen cơ, năm 1985 Goóc Ba Chốp được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng lúc 51 tuổi. Goóc Ba Chốp bắt đầu khởi xướng phong trào cải tổ. Cải tổ và đổi mới là một nhu cầu bức thiết, tất yếu và khách quan do đòi hỏi của sự tồn tại và phát triển của tất cả các chế độ kể cả của chủ nghĩa xã hội để thích ứng với những điều kiện mới của thời đại. Nhưng cải tổ ở Liên Xô không đạt được mục đích là củng cố xã hội chủ nghĩa cho có chủ nghĩa xã hội nhiều hơn mà ngược lại làm rung động và làm sụp đổ hoàn toàn chủ nghĩa xã hội ở các nước Đông Âu và ở Liên Xô.
Về sự kiện bi thảm của chủ nghĩa xã hội có tính chất dây chuyền này, báo chí và các cơ quan thông tin đại chúng đã thông báo đầy đủ. Tác giả bài này chỉ liệt kê một cách có tính chất hệ thống. Ở Ru ma ni vào năm 1989 đã phải trả một số nợ 21 tỉ đô la. Ngày 16-12-1989 quần chúng nhân dân ở thành phố Timixoara tiến hành biểu tình hòa bình phản đối chính phủ bắt giam một mục sư Tin Lành. Cảnh sát đàn áp. Ngày 22/12/1989 nhân dân đã nổi dậy lật đổ chính phủ Xeauxecu. 25/12/1989, vợ chồng Xeauxexcu bị xử tử. Chế độ xã hội chủ nghĩa độc tài gia đình trị của Xeaucexcu bị sụp đổ. Đảng Cộng sản Rumani tan vỡ, những người cộng sản bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Ở Ru ma ni không còn Đảng Cộng sản, không còn một tổ chức biến dạng nào khác. Tiếp đó, sau nhiều cơn sóng gió, ngày 3 tháng 11/1990 nhà nước xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc bị thủ tiêu, kẻ thù của chủ nghĩa xã hội lên nắm chính quyền, Đảng Cộng sản bị cấm hoạt động. Ở Ba Lan, sau cuộc bầu cử vào Thượng viện, Đảng Cộng sản không giành được một ghế nào, Công đoàn Đoàn kết lên nắm chính quyền vào tháng 11/1989, nhà nước xã hội chủ nghĩa Ba Lan sụp đổ. Ngày 6/12/1989, Hô Nếch Cơ ở Cộng hòa dân chủ Đức đàn áp cuộc biểu tình của nhân dân làm 100 người bị thương, cuộc khủng hoảng ở nước này do đó càng thêm trầm trọng. Toàn bộ Bộ Chính trị Đảng Xã hội thống nhất Đức từ chức. Hô Nếch Cơ bị quản thúc tại nhà. Đảng Xã hội thống nhất Đức thành lập năm 1946, trước 1989, Đảng có 2 triệu đảng viên nhưng khi khủng hoảng chỉ còn 5-6 chục vạn, có đổi tên nhưng cũng không duy trì được Đảng. Trong cuộc bầu cử quốc hội, Chính phủ cực hữu được thành lập, tán thành gia nhập Cộng hòa liên bang Đức theo điều 23 của Hiến pháp nước cộng hòa liên bang Đức. Ngày 3/10/1990, nước Cộng hòa dân chủ Đức bị xóa sổ để gia nhập vào Cộng hòa liên bang Đức. Nước Đức một lần nữa lại thống nhất theo xu thế thắng lợi của chủ nghĩa tư bản. Các chấn động dữ dội đó không thể không ảnh hưởng tới Bun ga ri, An ba ni, khiến cho hai quốc gia này lâm vào cuộc khủng hoảng triền miên. Ở Nam Tư, thiết chế chủ nghĩa xã hội bị phá vỡ mở đường cho cuộc nội chiến xung đột vũ trang đẫm máu giữa các dân tộc mở màn từ 27/7/1991.
Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu dẫn đến hậu quả tất nhiên là liên minh quân sự của phe xã hội chủ nghĩa, khối quân sự Vác xa va sụp đổ, liên minh kinh tế chính trị của phe này là Hội đồng tương trợ kinh tế cũng không còn lý do để tồn tại.
Cải tổ ở Liên Xô đã mở đường và bỏ mặc cho các nước Đông Âu sụp đổ, đến lượt mình, các sự biến ở Đông Âu lại dội ngược trở lại, cộng với những yếu tố bên trong dẫn tới sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô gồm 18 triệu đảng viên có gần 100 năm đấu tranh oanh liệt, với sự tan rã của Liên Xô, một siêu cường thế giới chấm dứt sự tồn tại ngày 25/12/1991.
(Còn nữa)
CVL