Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 86)

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.              

Kỳ 86

 V. Một vài đặc điểm trong sự hình thành các nhà nước Đông Nam Á cổ đại              

1. Quá trình hình thành các nhà nước cổ đại Đông Nam Á

           Những tính chất chung của sự ra đời các nhà nước. Đông Nam Á là một trong những nơi thực hiện bước đi đầu tiên của loài người, một trong những nơi vượn tiến hoá thành người, hay nói theo văn học là cái nôi, là quê hương của loài người. Dấu vết vượn chuyển biến thành người được tìm thấy ở Việt Nam (Lạng Sơn, Yên Bái), ở Dava (Inđônesia), ở Campuchia… Đông Nam châu Á trải qua hàng chục vạn năm dưới chế độ cộng sản nguyên thuỷ, tạo nên bề dầy văn hoá nguyên thuỷ, đặt cơ sở cho nền văn hoá thời kỳ xã hội có giai cấp, có nhà nước. Giống như lịch sử thế giới và lịch sử các nước phương Đông thời tiền sử, xã hội cộng sản nguyên thuỷ Đông Nam Á không có chế độ tư hữu, không có giai cấp nên không có nhà nước. Sự quản lý xã hội là do những người đại diện cho quyền lực xã hội điều hành, sự điều chỉnh các quan hệ xã hội là do những phong tục tập quán vì lúc này chưa có luật pháp. “Mọi vấn đề nảy sinh đều do tất cả những ai có liên quan đứng ra giải quyết và trong đa số các trường hợp tập quán hàng thế kỷ là nguyên tắc điều chỉnh”. (1). Còn sự quản lý xã hội thì như Ph. Ăngghen viết: “Chế độ thủ lĩnh với sự tồn tại song song của Hội đồng thủ lĩnh và Hội nghị nhân dân chính là nền dân chủ quân sự”. (2) Khi công xã nguyên thuỷ của các nước Đông Nam Á tan rã, kinh tế xuất hiện chế độ tư hữu, xã hội phân hoá thành những giai cấp cũng là nguyên nhân, tiền đề cho các nhà nước cổ đại xuất hiện. Vào những năm đầu công nguyên, ngoài đồ đồng, các nước Đông Nam Á đã bước vào thời đại đồ sắt. Công cụ kim loại đã làm cho năng suất lao động cao, sản phẩm dư thừa, nhất là trong nông nghiệp. Sản phẩm dư thừa làm xuất hiện gia đình một vợ một chồng, vì một tiểu gia đình bây giờ vẫn có khả năng lao động dư thừa mà không cần dựa vào sự hợp tác tập thể như trước kia. Gia đình một vợ một chồng xuất hiện dẫn tới kết quả tiếp theo là chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất xuất hiện và kèm theo đó là giai cấp và đẳng cấp ra đời. Các thủ lĩnh của thời kỳ thị tộc do có quyền thế đã chiếm đoạt được nhiều của cải ruộng đất hơn. Đại đa số cư dân chiếm được ít ruộng đất trở thành nông dân nghèo khổ. Còn một lớp người khác cùng khổ hơn bị biến thành nô lệ. Để có thể thống trị, áp bức, bóc lột được đại đa số dân cư, giai cấp giàu có liền phát minh ra một công cụ hoàn thành những chức năng đó. Nhà nước ra đời. Ph. Ăngghen viết : “Người ta đã phá vỡ trật tự xã hội cũ dựa trên sự liên hệ cá nhân về huyết thống và thay vào đó, người ta đã lập ra một cơ cấu nhà nước mới thực sự dựa trên cơ sở phân chia địa vực và sự chênh lệch về tài sản”. (3).

Trong lịch sử, một hiện tượng gì đó xuất hiện đều do yêu cầu bức thiết của thời đại đó đòi hỏi. Các nhà nước cổ đại Đông Nam Á ra đời là nằm trong tất yếu, giống như các nhà nước khác ở châu Á và trên toàn thế giới. Các nhà nước cổ đại Đông Nam Á ra đời còn do nhu cầu của công việc trị thuỷ các con sông lớn, phục vụ cho phát triển nền kinh tế nông nghiệp. Như việc trị thuỷ sông Mê Kông, con sông lớn đi qua đi qua Lào và Phù Nam, sông Hồng, sông Mã đi qua lãnh thổ Văn Lang-Âu Lạc…Nhà nước ra đời, quốc gia thống nhất còn do nhu cầu của chiến tranh: Chiến tranh xâm lược bành trướng lãnh thổ hoặc chiến tranh bảo vệ tổ quốc. Cả hai chức năng đó đều đòi hỏi phải tập trung quyền lực vào nhà nước trung ương, phải thống nhất các cộng đồng người để có sức mạnh. “Những nhóm tự nhiên bao gồm các công xã trong cùng bộ lạc đã đi đến chỗ thiết lập trong quá trình tiến triển của họ, ví như việc tưới nước ở Phương Đông và chế độ tự vệ chống kẻ thù bên ngoài thì từ nay trở đi cũng lại có luôn cả mục đích là duy trì bằng bạo lực những điều kiện tồn tại và thống trị của giai cấp thống trị chống lại gia cấp bị trị. (4) Nhà nước ra đời, thống nhất quốc gia còn để thoả mãn nhu cầu giao lưu kinh tế, văn hoá của các tộc người, còn để thoả mãn tham vọng quyền lực của các thủ lĩnh mà những người chiến thắng sẽ thống trị toàn bộ quốc gia, lãnh thổ. Như vậy, chiến tranh cũng là một biện pháp chủ yếu giúp cho các quốc gia Đông Nam Á ra đời.

Khi lịch sử đòi hỏi nhà nước ra đời, quốc gia ra đời nhưng phải có tiền đề thì nhà nước, quốc gia mới ra đời được. Đó là tiền đề kinh tế và tiền đề xã hội. Các nhà nước cổ đại Đông Nam Á hình thành trên cơ sở nền kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước. Người dân Đông Nam Á luôn luôn có tham vọng nâng cao năng suất lao động nên họ liên tục cải tiến công cụ sản xuất. Từ thời đại đồ đá chuyển sang thời đại kim khí là những bước tiến lớn lao trong lịch sử, thực sự là những nhân tố làm nên những cuộc cách mạng trong lĩnh vực sản xuất, trong phân công lao động ở Đông Nam Á. Công cụ sản xuất phát triển và những kinh nghiệm sản xuất được tích lũy qua nhiều thế hệ của cư dân đã đưa năng suất lao động cao tạo nên dư thừa sản phẩm. Nhà nước là bộ máy kiến trúc thượng tầng, phi sản xuất, ăn bám. Nó không thể ra đời khi năng suất lao động thấp. Ở những nước kinh tế nông nghiệp thì dư thừa sản phẩm ở đây là dư thừa trong sản xuất nông nghiệp. Cho nên hầu hết các nhà nước cổ đại Đông Nam Á đầu tiên đều ra đời ở đồng bằng do các con sông lớn tạo nên. Như nhà nước Phù Nam ở Biển Hồ, nhà nước đầu tiên ở Lào hình thành ở trung tâm nông nghiệp Luông Prabăng; Nhà nước đầu tiên của Inđônêxia hình thành ở hạ lưu sông Mu Xi (đảo Xumatara)… nhà nước là công cụ của một giai cấp, là một phạm trù xã hội chính trị nên cố nhiên nó ra đời còn dựa trên tiền đề xã hội. Sau khi công xã nguyên thuỷ tan rã thì công xã thị tộc chuyển thành công xã nông thôn. Có thể nói, công xã nông thôn là sự chuẩn bị tiền đề kinh tế, xã hội, văn hoá cho sự ra đời của các nhà nước Đông Nam Á cổ đại. Công xã nông thôn trở thành tế bào vững chắc cho chế độ quân chủ tập quyền phong kiến, là nơi để nhà nước thực hiện áp bức bó lột đối với nông dân và nô tì. Văn hoá, tôn giáo của công xã nguyên thủy và của công xã nông thôn trở thành công cụ tinh thần của toàn xã hội mới. Phong tục tập quán trở thành tiền lệ pháp, trở thành pháp luật để giai cấp thồng trị thực thi quyền lực; truyền thống cộng đồng của công xã bị nhà nước lợi dụng để trói buộc nhân dân. “Nhân dân chịu nghĩa vụ có tính chất tập thể”. (5). Những thủ lĩnh của công xã thị tộc được chuyển thành quan chức trong bộ máy nhà nước. “Sự an ninh của lãnh thổ đã chinh phục, phải được an ninh cả bên trong lẫn bên ngoài, đòi hỏi phải tăng cường quyền lực của người ấy. Đã đến lúc mà quyền chỉ huy quân sự phải chuyển hoá thành vương quyền. Sự chuyển hoá đó đã được thực hiện” (6). Tầng lớp chức sắc của công xã nông thôn chuyển thành những lực lượng cầm quyền trong bộ máy nhà nước, quyền lực xã hội trở thành quyền lực công cộng, phục vụ cho một giai cấp nhất định. Tuy nhiên để tồn tại, trong khi phục vụ giai cấp mình, nhà nước buộc phải phục vụ các giai cấp khác. Cho nên ngoài bản chất giai cấp nhà nước còn mang bản chất xã hội. Văn hoá nguyên thuỷ như tôn giáo, ngôn ngữ … được nhà nước tận dụng thành hình thái ý thức xã hội, phục vụ cho giai cấp mới, giai cấp thống trị. Nhà nước bóc lột giai cấp nông dân là chính. Là xã hội phong kiến nhưng quan hệ phong kiến ở Đông Nam Á không điển hình. Công xã nông thôn dù là mang tính chất tự trị cũng trở thành cơ sở là tế bào xã hội của nhà nước cổ đại Đông Nam châu Á. Phong tục tập quán nguyên thuỷ và công xã nông thôn nay được biến thành tập quán pháp, pháp luật cho nhà nước cai trị, thực hiện ý chí của giai cấp thống trị.

(Còn nữa)

CVL