Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 88)

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.                                                                                                                                

Kỳ 88

VI. Lý thuyết phân quyền và việc vận dụng trong thực tiễn ở các quốc gia trên thế giới      

1. Lý thuyết phân quyền                                                        

Cơ sở kinh tế xã hội của Lý thuyết phân quyền : Mọi hiện tượng trong lịch sử khi ra đời đều phải có các yếu tố, yếu tố thứ nhất là các tiền đề kinh tế xã hội, thứ hai là trong thời điểm đó lịch sử có nhu cầu đòi hỏi hiện tượng đó ra đời để giải quyết những nhiệm vụ mà thời đại đang đặt ra một các bức thiết. Lý thuyết về nhà nước, trong đó có lý thuyết phân quyền của giai cấp tư sản ra đời vào thế kỷ XVII-XVIII cũng không ngoài quy luật đó. Khoảng vào thế kỷ XI trở về sau, kinh tế tư bản, quan hệ tư bản chủ nghĩa ra đời trong lòng xã hội phong kiến ở các nước Tây Âu và Bắc Mỹ như Nêđéclan, Anh, Pháp và Mỹ, Đó là sự ra đời của các thành thị Tây Âu như Pa ri, Mác xây, Booc đô, Li ông ở pháp, Luân đôn, Manchestơ, Livơpun ở Anh; Amtesđam, Haaylen ở Hà Lan … Thành thị là trung tâm sản xuất, trung tâm giao dịch buôn bán, trung tâm ngân hàng. Thành thị còn là nơi ra đời lớn mạnh giai cấp tư sản và tầng lớp thị dân. Một trong những nhân tố quan trọng của chủ nghĩa tư bản là sự ra đời của công xưởng thủ công. Công xưởng thủ công là hình thức sản xuất, bóc lột đầu tiên của chủ nghĩa tư bản. Ở Anh và Hà Lan chủ nghĩa tư bản còn ra đời và phát triển trong nông nghiệp khi người ta thay vì trồng lúa mì bằng trồng cỏ nuôi cừu lấy lông phục vụ cho công nghiệp sản xuất len dạ, một loại hàng hóa đang bán chạy nhất châu Âu khi đó đến mức cung không đủ cho cầu.

Cùng với sự ra đời và phát triển kinh tế tư bản, quan hệ tư bản chủ nghĩa, Tây Âu phong kiến đang suy tàn cũng đang chuyển biến lớn lao về xã hội. Bên cạnh giai cấp cũ là nông dân và quý tộc phong kiến, xã hội đã xuất hiện những giai cấp mới và tầng lớp mới là tư sản và thị dân trên cơ sở những nhân tố mới về kinh tế. Giai cấp tư sản Tây Âu bao gồm những tầng lớp như chủ công xưởng, thương nhân, chủ ngân hàng và tầng lớp quý tộc tư sản hóa, đại diện cho ngành trồng cỏ nuôi cừu ở nông thôn. Giai cấp tư sản Tây Âu từ khi ra đời cho đến trước những năm 90 của thể XIX còn là giai cấp đóng vai trò tiến bộ trong lịch sử vì họ đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến tư bản chủ nghĩa. Giai cấp này sẽ đóng vai trò lãnh đạo cách mạng tư sản trong tương lại, đập tan xã hội phong kiến, xây dựng xã hội mới tiến bộ hơn xã hội phong kiến: Xã hội tư bản chủ nghĩa.

Là giai cấp đại diện cho lực lượng sản xuất mới, giai cấp tư sản muốn có một nền văn hóa và tư tưởng độc lập của mình. Văn hóa và tự tưởng mới, nền kinh tế tư bản chủ nghĩa và giai cấp tư sản đã phát sinh, phát triển và ngày càng hùng mạnh. Trên cơ sở đó trào lưu văn hóa Phục hưng đã ra đời ở Ý và làn tràn khắp các nước Tây Âu, về thời gian trào lưu này đã kéo dài suốt thế kỷ XV-XVI-XVII. Đó thực sự là một sự là một nền văn hóa tư tưởng mới của giai cấp tư sản. Nền văn hóa Phục hưng đã đạt được những thành tựu rực rỡ trong các lĩnh vực như văn học mà tiêu biểu là Đăng Tơ (Ý), Xéc van tét (Tây Ban Nha), Sếchspia (Anh). Trào lưu này cũng đạt được những thành tựu rực rỡ về nghệ thuật hội họa mà tiêu biểu là Lêôna Đơvanhxi (Ý), Miken lănggiơ (Ý)… Nền nghệ thuật đem lại cho nhân loại những kiệt tác về vẻ đẹp của con người. Trào lưu này cũng đạt thành tựu to lớn về khoa học tự nhiên, về thiên văn học, về triết học duy vật và duy lý. Thời đại văn hóa Phục hưng cần những con người khổng lồ và quả nhiên như Ph. Ăngghen nói đã sản sinh được những con người khổng lồ.

Văn hóa Phục hưng tấn công toàn diện vào chế độ phong kiến và giáo hội. Lần đàu tiên trong lịch sử các trí thức của giai cấp tư sản đã nêu lên và đặt vấn đề quyền con người, quyền công dân: Nhân quyền và dân quyền, đề cao chủ nghĩa nhân văn, đề cao những phẩm giá con người. Văn hóa Phục hưng thực sự là cuộc đấu tranh giai cấp, cuộc tuyên chiến đầu tiên của tư sản chống phong kiến và giáo hội chuyên chế. Chính Ph. Ăngghen đã nêu lên có ba hình thức đấu tranh giai cấp: Đấu tranh kinh tế, đấu tranh tư tưởng văn hóa và cao nhất là đấu tranh chính trị. Đấu tranh tư tưởng văn hóa có ý nghĩa to lớn trong việc thức tỉnh, giác ngộ nhân dân, đưa đường chỉ lối cho nhân dân để họ đứng dậy lật đổ chế độ phong kiến bằng bạo lực của những cuộc cách mạng rung trời chuyển đất. C. Mác cho rằng bước chuyển này là yếu tố tình thần đã biến thành sức mạnh vật chất.

2. Lý thuyết về nhà nước tư sản.

Cùng với sự lớn mạnh về kinh tế, về giai cấp và về tư tưởng văn hóa của giai cấp tư sản, mâu thuẫn giữa toàn thể nhân dân với chế độ phong kiến thối nát ngày càng trở nên gay gắt, các quốc gia phong kến Tây Âu ngày càng bước gần tới ngưỡng cửa những cuộc cách mạng tư sản, nhu cầu bức thiết của lý luận khi đó là phải trả lời cầu hỏi sau khi đánh đổ nhà nước phong kiến thì giai cấp tư sản phải thay vào đó bằng bộ máy nhà nước kiểu gì? Vào thế kỷ XVI và đặc biệt vào thế kỷ XVIII các lý luận gia của giai cấp tư sản đã đưa ra nhiều lý thuyết về nhà nước tư sản trong tương lại. Ở Anh Giôn lốc cơ đưa ra lý thuyết tam quyền phân lập nhưng chưa hoàn thiện. Vào thế kỷ XVIII Vônte, người được gọi là bộ bách khoa toàn thư của nước Pháp, đến mức thể kỷ XVIII được gọi là thế kỷ của Vôn te đã đưa ra mô hình nhà nước tư sản Pháp trong tương lai là theo thiết chế quân chủ nghị viện của nước Anh. Cùng đồng thời với Vônte, Môngteskie, người có tác phẩm nổi tiếng châu Âu khi đó: “Tinh thần pháp luật” cũng đồng quan điểm với Vônte. Trong thế kỷ ánh sáng của Pháp chỉ có Giăng Zắc Rutxô là người có tư tưởng tiên tiến nhất đã nêu lên nhà nước của giai cấp tư sản phải là nhà nước của nhân dân, các quan chức của nhà nước là những người đại diện cho nhân dân nắm giữ quyền lực và khi không hoàn thành nghĩa vụ đối với nhân dân thì bãi miễn họ đi. Tuy nhiên, tư tưởng tiến bộ này của Rutxô dựa trên học thuyết “Khế ước xã hội” là tư tưởng cũng là tác phẩm cơ bản nhất, nổi tiếng của ông làm nền tảng cho toàn bộ các quan điểm về chính trị xã hội của Giăng Zắc Rutxô. Theo đó mối quan hệ giữa nhân dân với nhà nước chỉ là một bản khế ước, trong đó nhân dân có quyền lợi và nghĩa vụ đối với nhà nước, ngược lại các quan chức nhà nước có quyền lợi và do đó cũng phải có nghĩa vụ đối với nhân dân.

(Còn nữa)

CVL