Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 10)

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.

Kỳ 10

Giai cấp tư sản Ai Cập trong thời gian chiến tranh đã ra sức phát triển kinh tế. Họ đã thành lập ngân hàng MISR dưới sự lãnh đạo của Talat Horb, một doanh nhân nổi tiếng của Ai Cập. Mục đích của ngân hàng là giúp cho sự tăng trưởng của nền kinh tế, phát triển công nghiệp, khuyến khích đầu tư vào doanh nghiệp, công ty của người Ai Cập. Năm 1921 thành lập Tập đoàn nông nghiệp Ai Cập nhằm cải thiện vị trí mua bán hàng hoá của các điền chủ Ai Cập trên thị trường bông, vải sợi thế giới. Suốt thời gian từ 1919 đến 1939 bông vẫn là hàng xuất khẩu chủ lực của Ai Cập, năm 1914 chiếm 90%, 80 % vào thập niên 1950[1].

Trong cuộc đấu tranh giành độc lập, Ai Cập đã dần dần thành lập những đoàn thể và những tổ chức chính trị. Ngày 12-1- 1920 đã thành lập Uỷ ban trung ương phụ nữ Wafd ở thánh đường ST. Mark. Hội nghị có hơn 1.000 phụ nữ thuộc giới thượng lưu tham gia. Đây là tổ chức phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Ai Cập. Tiếp theo đó năm 1922 Liên đoàn phụ nữ Ai Cập được thành lập, trong đó có nhân vật nổi danh của phong trào là bà Huda Sharawi. Tổ chức này đã thành lập các chi hội khắp Ai Cập, thực hiện cải thiện y tế và giáo dục. Lãnh đạo Liên đoàn này đã kêu gọi cải cách luật hôn nhân và di chúc, đòi nghiêm cấm lệ đa thê, bãi bỏ những đặc quyền của nam giới khi ly dị, đòi quyền bình đẳng về pháp luật và chính trị cho nữ giới.

Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc và đấu tranh giai cấp ở Ai Cập thời hiện đại phải kể đến đấu tranh của giai cấp công nhân. Do sự du nhập chủ nghĩa tư bản Anh, do sự phát triển của tư sản Ai Cập mà giai cấp công nhân ra đời. Họ vừa bị bóc lột về giai cấp vừa bị áp bức về dân tộc nên vừa mới ra đời công nhân đã tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh. Rèn luyện và trưởng thành trong đấu tranh, công nhân Ai Cập chuyển biến dần từ tự phát sang thời kỳ tự giác. Trên cơ sở đó ra đời các tổ chức của giai cấp công nhân. Năm 1920 Đảng xã hội chủ nghĩa Ai Cập được thành lập, sau này trở thành Đảng Cộng sản Ai Cập. Năm 1922 Đảng Cộng sản Ai Cập đã gia nhập Quốc tế Cộng sản. Đảng đã có nhiều tổ chức cơ sở ở các thành phố lớn như Alechxandria, Cairo, Đort, Said. Theo sáng kiến của Đảng Cộng sản, những tổ chức nghề nghiệp của công nhân cũng ra đời như thành lập Tổng liên đoàn lao động Ai Cập với 60.000 đoàn viên [2]. Đảng Cộng sản Ai Cập đã lãnh đạo cuộc đấu tranh của công nhân trong các năm 1921-1922, phong trào đòi độc lập dân tộc, chống thực dân Anh kết hợp với đòi cải thiện đời sống, dân sinh, dân chủ.

Phong trào nông dân Ai Cập chống đế quốc cũng bùng lên mạnh mẽ do đời sống khổ cực.

Sự phát triển của phong trào công nhân, phong trào nông dân làm cho tư sản Ai Cập vốn đã bạc nhược về kinh tế chính trị càng thêm lo sợ. Đại diện cho họ là Đảng Wafd phân hoá chia rẽ sâu sắc. Cánh hữu của đảng rời bỏ lập trường chống đế quốc, thực hiện đường lối thoả hiệp với Anh. Kết quả sự phân liệt là Ai Cập xuất hiện nhiều đảng của tư sản từ 1922 đến 1952. Đảng Hiến pháp tự do ra đời năm 1922 do Adli Yegen lãnh đạo,  Đảng Liên đoàn do Hasan Nashat lãnh đạo đại diện cho tấng lớp địa chủ giàu có. Từ năm 1925 đảng này đã quay lại hợp tác với triều đình phong kiến. Hội Hồi giáo được thành lập năm 1928. Nhiều nhân vật lãnh đạo Đảng Wafd đã tách ra thành lập đảng riêng như Ismail Sidqi thành lập Đảng nhân dân năm 1930, Đảng Ai Cập trẻ thành lập năm 1936. Ahmad maher và Mamud Fahmial Nugrashi thành lập Đảng Sadist năm 1937, Makram Ubayd thành lập Đảng Wafd độc lập năm 1942.

Trước sự đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân, thực dân Anh thấy không thể tiếp tục thống trị như cũ được, phải trao trả độc lập cho Ai Cập nhưng kèm theo những điều kiện để duy trì quyền lợi của Anh ở Ai Cập:

Anh vẫn nắm giữ đường giao thông liên lạc của Anh trên đất Ai Cập.

Anh bảo vệ Ai Cập khỏi sự xâm lược của nước ngoài.

3. Bảo đảm quyền lợi của Anh và cộng đồng người Anh ở Ai Cập.

 4.Duy trì quyền lợi cuả Anh ở Sudan.

5.Anh chi phối đối ngoại, quốc phòng Ai Cập và duy trì kiểm soát kênh đào Suez và đồng bằng sông Nile. Anh có quyền chiếm đóng bất cứ nơi nào trên đất Ai Cập, giữ quyền kiểm soát toàn bộ nguồn nước sông Nile. Anh vẫn duy trì những thoả ước bất bình đẳng mà Ai Cập ký trước đây trong đó qui định những luật lệ và toà án đặc biệt áp dụng cho người nước ngoài được hưởng quyền lãnh sự tài phán.

Cuối thập niên 30 của thế kỷ XX những vấn đề trên là nguyên nhân gây bất hoà giữa Anh và Ai Cập. Giới lãnh đạo Ai Cập không chấp nhận việc Anh không trao trả độc lập hoàn toàn cho Ai Cập.

(Còn nữa)

CVL

-------------------

[1] . Bách khoa thư lịch sử thế giới. Nxb Văn Hóa- Thông Tin. Hà Nội 2004.  Tr.1170.

[2] . Nguyễn Thị Thư, Nguyễn Hồng Bích, Nguyễn Văn Sơn. Sách đã dẫn. Tr.224.