Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 16)

PGS TS Cao Văn Liên

12/02/2024 06:01

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.

Kỳ 16

Thời cơ cho Mỹ thi hành một chính sách công bằng trong khu vực đã có. Tuy nhiên, trong chính sách và hành động, Mỹ vẫn tiếp tục thiên vị, hậu thuẫn cho nhà nước Ixraen. Ixraen vẫn là đồng minh tin cậy nhất của Mỹ ở khu vực. Cựu Phó Tổng thống Mỹ Al.Gore phát biểu trong lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập nhà nước Ixraen: Chúng tôi cầu nguyện để những tâm trạng lưỡng lự nhường chỗ cho sự thật quan trọng nhất là Mỹ không bao giờ để các bạn (Ixraen) một mình. Trong chiến lược toàn cầu mới: “An ninh của Ixraen là mục tiêu then chốt của Mỹ ở Trung Đông”(3).Trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần 1 và lần 2 chống và lật đổ chính quyền của Xatđam Hutxen ở Irắc, gây căng thẳng với Xiri, Iran, Mỹ nhằm đạt nhiều mục đích trong đó có mục đích nhằm bảo vệ an ninh cho Ixraen, tiêu diệt và làm suy yếu những nhà nước mà Mỹ coi là kẻ thù của Ixraen.

   Trên trường quốc tế, Mỹ đã hơn 20 lần sử dụng quyền phủ quyết các nghị quyết của Liên Hợp quốc để bảo vệ ủng hộ Ixraen. Tháng 12 năm 1997 Mỹ đã bác bỏ nghị quyết của Hội Đồng bảo an LHQ lên án Ixraen xây dựng khu định cư mới Do Thái ở Halômma, dù nghị quyết đã được 14/15 phiếu thông qua. Mỹ cho chuyển sứ quán Mỹ về Giêrusalem, thành phố còn tranh chấp nóng bỏng giữa Ixraen và Paletstin. Với động thái này Mỹ đã thừa nhận Giêrusalem là thủ đô của nhà nước Ixraen. Mỹ đã nhiều lần gây sức ép với cố Tổng thống Paletstin Y.Araphát để ông có hành động ngăn chặn việc đánh bom cảm tử vào người Do Thái. Tháng 6-1995 đảng Licút lên cầm quyền phá vỡ tiến trình hoà bình Trung Đông, Mỹ không kiên quyết buộc các Thủ tướng cánh hữu Ixraen đi vào quĩ đạo hoà bình, thực hiện các hiệp định đã ký với Paléttin, bảo vệ lộ trình hoà bình và thúc đẩy nó tiến triển.

   Có nhiều lý do để giải thích sự thiên vị của Mỹ cho Ixraen: Ixraen là đồng minh tin cậy nhất của Mỹ trong và sau chiến tranh lạnh. Nguyên nhân quan trọng còn là do cộng đồng người Do Thái ở nước ngoài có nhiều thế lực để chi phối chính sách đối ngoại của Nhà Trắng. 6 triệu người do Thái sống ở Mỹ, 4 triệu người ở Tây Âu, 4 triệu người  ở Nga và Đông Âu. Cộng đồng người do Thái phần lớn là những nhà tài phiệt giầu có, họ là một trong các nguồn tài chính quan trọng trong các cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ, cho nên họ có thể chi phối chính sách đối ngoại của Mỹ.

   Tất nhiên, còn nhiều nhân tố khác tác động đến chính sách đối ngoại của Mỹ và lộ trình hoà bình Trung Đông như Mỹ phải đề phòng khả năng cạnh tranh, xâm nhập của Eu, của Trung Quốc, của Nga vào Trung Đông. Nhưng ngày nay với tư cách là người bảo trợ chính cho hoà Bình Trung Đông, chính sách thiên vị và thiếu công bằng của Mỹ vẫn là nguyên nhân chính làm cho lộ trình hoà bình bế tắc. Chính sách thiếu công bằng đó của Mỹ làm cho thế giới Hồi giáo tức giận. Chủ nghĩa khủng bố ra đời là do nhiều nguyện nhân, nhưng một phần là do thái độ thiếu công bằng của Mỹ ở Trung Đông mà then chốt là vấn đề Paletstin-Ixraen.

   Giải pháp tốt nhất và đúng đắn nhất cho nền hoà bình Trung Đông hiện nay là Mỹ phải có chính sách công bằng trong vấn đề Paléttin-Ixraen. Cả Mỹ và Ixraen phải tôn trọng quyền dân tộc độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của người Palestin, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ  của các quốc gia Ảrập, giải quyết vấn đề hòa bình Trung Đông cả gói và toàn diện. Đó còn là giải pháp chống khủng bố quốc tế hữu hiệu nhất, bảo đảm hoà bình và an ninh cho nhà nước Ixraen, bảo đảm hoà bình, ổn định, an ninh trong khu vực đã hàng nghìn năm đẫm máu và nước mắt trong lịch sử của mình.

(Còn nữa)

CVL

                                                                  

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 16)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn