Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 29)

PGS TS Cao Văn Liên

25/02/2024 06:08

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.

Kỳ 29.

VII. BẮC PHI CỔ ĐẠI - CUỘC CHIẾN TRANH CARTHAGE-LA MÃ

1.Một cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa thời kỳ cổ đại.

Chiến tranh là một phạm trù lịch sử, có nghĩa là ngay từ khi xã hội loài người xuất hiện không phải đã có chiến tranh. Trong xã hội đầu tiên, xã hội cộng sản nguyên thuỷ không có tư hữu về tư liệu sản xuất, không có giai cấp nên không có chiến tranh. Những cuộc xung đột bộ lạc không phải là chiến tranh vì nó không mang mục đích chính trị và kinh tế. Chiến tranh chỉ bắt đầu khi xã hội loài người xuất hiện chế độ tư hữu và giai cấp. Cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc buộc người ta phải dùng biện pháp chiến tranh, biện pháp bạo lực để đạt mục đích chính trị. Cho nên các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin nói chí lý rằng chiến tranh là thủ đoạn khác của chính trị: Thủ đoạn bạo lực. Chiến tranh là biện pháp giúp giai cấp thắng lợi thống trị, áp bức, bóc lột giai cấp chiến bại trong một quốc gia, một dân tộc. Nếu như chiến tranh giữa quốc gia này với quốc gia khác thì kẻ chiến thắng sẽ nô dịch dân tộc bị chiến bại. Sau khi đạt được mục đích chính trị là nô dịch thì kẻ chiến thắng sẽ cướp đoạt về kinh tế đối với dân tộc bị chiếm đóng. Vậy chiến tranh là nhằm mục đích chính trị và sau mục đích chính trị là mục đích kinh tế. Bản thân quyền lực không sản sinh ra kinh tế nhưng quyền lực giúp kẻ thống trị cướp đoạt được kinh tế và mọi thứ khác.( Engels).  Chiến tranh cũng là một biện pháp để ra đời một nhà nước, một chế độ, một đế quốc. Trong lịch sử rất hiếm khi thấy một nhà nước nào đó ra đời mà không cần đến chiến tranh và bạo lực.

          Các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác-Lênin chia chiến tranh làm hai loại: Chiến tranh chính nghĩa và chiến tranh phi chính nghĩa. Chiến tranh phi nghĩa là chiến tranh xâm lược của một quốc gia này đối với một quốc gia khác, là chiến tranh của giai cấp thống trị phản động chống lại giai cấp bị áp bức bóc lột. Chiến tranh chính nghĩa là chiến tranh bảo vệ tổ quốc, là chiến tranh giải phóng dân tộc, chiến tranh của giai cấp bị áp bức bóc lột chống lại giai cấp áp bức bóc lột. Muốn phân biệt được chiến tranh phi nghĩa hay chính nghĩa, thứ nhất, phải căn cứ vào giai cấp nào lãnh đạo chiến tranh. Chiến tranh do giai cấp tiến bộ lãnh đạo thì đó là cuộc chiến tranh chính nghĩa, chiến tranh do giai cấp phản động lãnh đạo thì đó là cuộc chiến tranh phi nghĩa. Thứ hai là phải căn cứ vào mục đích của cuộc chiến tranh, chiến tranh xâm lược, chiến tranh chống lại giai cấp bị áp bức bóc lột thì đó là chiến tranh phi nghĩa, chiến tranh nhằm mục đích bảo vệ tổ quốc, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp thì đó là chiến tranh chính nghĩa.

          Như vậy, trên thế giới từ cổ đại đến hiện đại không biết có bao nhiêu cuộc chiến tranh lớn nhỏ nhưng tựu trung lại có 3 loại chiến tranh: Nội chiến là chiến tranh giữa các giai cấp, các tập đoàn trong một quốc gia. Còn có chiến tranh giữa hai quốc gia và chiến tranh giữa nhiều quốc gia trên thế giới tạo nên những cuộc đại chiến, ví dụ như đại chiến thế giới thứ nhất 1914-1918 lôi kéo tới 36 nước tham chiến, 74 triệu người bị động viên vào quân đội,  đại chiến thế giới thứ II (1939-1945) thu hút tới 72 nước tham chiến, huy động 110 triệu người cầm súng bắn giết nhau trên chiến trường. Cả hai cuộc đại chiến làm chết hơn 70 triệu người, làm bị thương tàn phế hơn 110 triệu người, tàn phá cơ sở vật chất và văn hoá không sao kể xiết.

          Nói đến chiến tranh trong thời kỳ cổ đại của lịch sử thế giới (khoảng 3.000 năm TCN đến thế kỷ V SCN) chúng ta thường hiểu nôm na đó là chiến tranh giữa các quốc gia chiếm hữu nô lệ để giai cấp chủ nô mở rộng lãnh thổ đất đai, biến thêm nhiều bộ lạc bại trận thành nô lệ, đây là chiến tranh giữa những quốc gia nông nghiệp. Hiểu và tiếp cận lịch sử chiến tranh thời kỳ cổ đại như vậy là không sai nhưng chưa đầy đủ. Cuộc chiến tranh mà chúng tôi đang đề cập đến ở đây: Chiến tranh Carthage - La Mã là chiến tranh giữa hai quốc gia bên bờ Địa Trung hải nhưng ở hai châu lục, châu Âu và châu Phi. Đó là chiến tranh giữa hai quốc gia chiếm hữu nô lệ nhưng là những quốc gia không chỉ phát triển về nông nghiệp mà còn phát triển về thương mại bậc nhất thời kỳ cổ đại, điểm khác biệt thứ hai là cuộc chiến tranh La Mã-Carthage là cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa trong thời kỳ cổ đại, chiến tranh nhằm giành giật thị trường thuộc địa, giành giật miền Tây bộ Địa Trung Hải. Do đó chiến tranh Carthage-La Mã diễn ra ác liệt trên một không gian rộng lớn bao gồm Nam Âu, Địa Trung Hải và Bắc Phi, là một trong những cuộc chiến lâu dài trên thế giới với ba cuộc chiến đẫm máu và kéo dài hơn 100 năm, kết thúc với sự thắng lợi của đế quốc La Mã. Bàn về cuộc chiến tranh này, Lênin viết: “ Chiến tranh đế quốc chủ nghĩa có cả trong thời đại chế độ nô lệ, cuộc chiến tranh giữa La Mã với Carthage đứng về cả hai bên mà nói đều là chiến tranh đế quốc chủ nghĩa”[1].

2. La Mã và Carthage

   Đế quốc La Mã. Trung tâm của đế quốc La Mã cổ đại là bán đảo Italia. Bán đảo có diện tích 30 vạn km2. Chiều dài của bán đảo vươn ra Địa Trung Hải, ba mặt có biển bao bọc. Phía Bắc có dãy núi Alpes như bức tường thành ngăn cách Italia và châu Âu. Phía Nam bán đảo có đảo Sicily, phía Tây có đảo Corsia và đảo Sardinia. Trên bán đảo thời cổ đại có nhiều tộc người sinh sống. Vào thế kỷ VI TCN, xã hội cộng sản nguyên thuỷ tan rã, các tộc người trên bán đảo bước vào xã hội có giai cấp và nhà nước. Các tộc người lần lượt xây dựng nên những quốc gia nhà nước của mình. Tộc người Etrusca xây dựng nhà nước ở miền Bắc và miền Trung Italia, người Latin lập nước ở vùng hạ lưu sông Tiber,  người La Mã ban đầu gồm 300 thị tộc lập nên quốc gia của họ ở đồng bằng Latium. Người Hilạp (Greece) chiếm giữ các thành phố phía Nam của bán đảo Italia và đảo Sicily.

          Quá trình lập nước của người La Mã là một quá trình tiến hành những cuộc chiến tranh xâm lược, tiêu diệt các quốc gia của các tộc người khác, lập nên một trong những đế quốc rộng lớn nhất thời kỳ cổ đại. Đế quốc này có ảnh hưởng to lớn mọi mặt đến vùng Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ và vùng Bắc Phi, những vùng đất mà Tạp chí nghiên cứu châu Phi và Trung Đông thường  đề cập và nghiên cứu. Trong muôn vàn sự kiện của thời đại đó có cuộc chiến tranh kéo dài và khốc liệt, ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực Địa Trung Hải và Bắc Phi. Đó là cuộc chiến tranh giữa Carthage –La Mã, lịch sử gọi đó là cuộc chiến tranh Punic.

          Bước đầu tiên của chiến tranh xâm lược là người La Mã chiếm toàn bộ bán đảo Italia. Thế kỷ V TCN, người La Mã gây cuộc chiến tranh trong 10 năm (406TCN - 396 TCN) với người Etrusca, chiếm kinh thành Veii và tiêu diệt quốc gia của họ.

(Còn nữa)

CVL

 

[1] .Lênin. Toàn tập. T. 26. NXB Sự Thật. H.1963. tr. 180.

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 29)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn