Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 27)

PGS TS Cao Văn Liên

23/02/2024 06:07

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.

Kỳ 27.

2.3. Nhóm nước có thiết chế Cộng hoà đại nghị: gồm 9 nước.

A. Cộng hoà Ả rập Ai Cập (Arab Republic Of Egypt ): Ai Cập là quốc gia có lịch sử lâu đời ở Bắc Phi, từng là một trong những trung tâm của nền văn minh thế giới cổ đại. Năm 1517 Ai Cập bị đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ xâm lược và thống trị. Năm 1882 Ai Cập bị thực dân Anh xâm lược và năm 1914 Ai Cập thành xứ bảo hộ của Anh. Năm 1922 Anh trao trả độc lập cho Ai Cập nhưng vẫn phụ thuộc Anh. Năm 1952 Ai Cập hoàn toàn độc lập.

Theo hiến pháp 1971, Ai Cập thiết lập nhà nước Cộng hoà đại nghị.Tổng thống là người đứng đầu nhà nước. Tổng thống  do Quốc hội bổ nhiệm thông qua trưng cầu dân ý, nhiệm kỳ 6 năm. Tổng thống Ai Cập có nhiều quyền lực: Quyền bổ nhiệm 10 nghị sĩ vào Quốc hội, quyền bổ nhiệm Thủ tướng và Chính phủ, quyền chỉ định 88 đại biểu vào Hội đồng tư vấn. Quốc hội Ai Cập một viện gồm 464 nghị sĩ, trong đó 454 nghị sĩ do nhân dân bầu cử, 10 nghị sĩ do Tổng thống bổ nhiệm nắm quyền lập pháp, nhiệm kỳ 5 năm. Chính phủ do Thủ tướng đứng đầu nắm quyền hành pháp. Hội đồng tư vấn gồm 264 đại biểu. Toà án Tối cao nắm quyền tư pháp. Ai Cập có cơ cấu lãnh thổ đơn nhất gồm 26 đơn vị hành chính trực thuộc trung ương. Chế độ chính trị đa đảng.

B. Các Tiểu Vương quốc Hồi giáo Ả rập thống nhất (United Arab Emirates-UAE ): Thế kỷ XVI, các Tiểu Vương quốc Hồi giáo Ảrập thống nhất  bị đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ thống trị. Năm 1892 các Tiểu Vương quốc Hồi giáo Ả rập thống nhất bị biến thành thuộc địa của Anh. Ngày 2-12-1971 các Tiểu Vương quốc Hồi giáo Ả rập Thống nhất thành lập nhà nước liên bang độc lập bao gồm các Tiểu Vương quốc Abuđabi, Đibai, Agiơman, Anphuđgiaira, Umenaivain, Sác gia và Raanhaima.

Theo hiến pháp 1971, sửa đổi 1976, thiết chế chính trị các Tiểu Vương quốc Hồi giáo Ả rập thống nhất là cộng hoà đại nghị. Tổng thống là người đứng đầu nhà nước do Hội đồng tối cao mà thành viên gồm thủ lĩnh 7 tiểu quốc bầu ra, nhiệm kỳ Tổng thống 5 năm. Hội đồng tối cao gồm thủ lĩnh 7 tiểu quốc nắm quyền lập pháp. Chính phủ do Thủ tướng đứng  đầu nắm quyền hành Pháp. Hội đồng cố vấn Liên bang do Hội đồng tối cao bầu ra. Toà án tối cao liên bang nắm quyền tư pháp. Cơ cấu lãnh thổ là nhà nước Liên bang bao gồm 7 tiểu quốc. Chế độ chính trị đa đảng.

C. Cộng hòa Ả rập Xiri (Republic Of Syrian Araby ): Từ thế kỷ XV đến năm 1917 Xi ri nằm dưới sự cai trị của đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 1920 Pháp được Hội Quốc Liên trao cho quyền cai trị Xi ri. Ngày 20-9-1941 Xi ri tuyên bố độc lập.

     Theo hiến pháp năm 1948 thiết chế chính trị của Xi ri là cộng hòa đại nghị. Tổng thống là người đứng đầu nhà nước. Tổng thống do nhân dân bầu cử, nhiệm kỳ 7 năm. Quốc hội một viện gồm 250 nghị sĩ do nhân dân bầu cử nhiệm kỳ 4 năm. Chính phủ do Thủ tướng đứng đầu nắm quyền hành pháp. Thủ tướng do Tổng thống bổ nhiệm. Toà án Hiến pháp tối cao, Hội đồng hành pháp tối cao, các Toà án an ninh nắm quyền tư pháp. Cơ cấu lãnh thổ đơn nhất gồm 14 tỉnh là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Chế độ chính trị Xi ri đa đảng.

D. Cộng hoà Hồi giáo Iran ( Islamic Republic Of Iran): Iran là quốc gia có lịch sử lâu đời, từng là trung tâm của đế quốc Ba Tư thời cổ đại. Thế kỷ XIX Iran bị đế quốc Anh và Nga xâu xé, bị biến thành nước nửa thuộc địa nửa phong kiến. Sau đại chiến thế giới thứ II (1939-1945) Mỹ xâm nhập vào Iran với công cụ là chế độ quân chủ Palavi. Tháng 2-1979 một cuộc cách mạng Hồi giáo bùng nổ lật đổ chế độ Palavi thân Mỹ. Cộng hoà Hồi giáo Iran được thành lập.

          Theo hiến pháp 1979 thiết chế chính trị Iran là Cộng hoà Đại nghị. Tổng thống là nguyên thủ quốc gia do nhân dân bầu cử, nhiệm kỳ 4 năm. Quốc hội một viện gồm 274 nghị sĩ nắm quyền lập pháp. Chính phủ do Thủ tướng đứng đầu nắm quyền hành pháp. Thủ tướng do Tổng thống bổ nhiệm. Tòa án tối cao nắm quyền tư pháp. Cơ cấu lãnh thổ đơn nhất, gồm 24 khu vực hành chính trực thuộc trung ương.

Đ. Nhà nước Ixraen (State of Israen ): Từ thời cổ đại người Do Thái và người Paletstin sống trên một dải đất. Thế kỷ I TCN, quốc gia của hai dân tộc bị đế quốc La Mã xâm lược. Người Do Thái bỏ tổ quốc sống lưu vong ở các nước Bắc Phi, Trung Đông và châu Âu. Người Palestin tràn xuống ở gần hết đất đai của người Do Thái. Ngày 29-11-1947 Liên hợp quốc ra quyết định chia đất của người Palestin thành hai quốc gia: Quốc gia của người Paletstin và quốc gia của người Do Thái. Ngày 14-5-1948 nhà nước Do Thái được thành lập, lấy tên là nhà nước Ixraen, có diện tích 56,47% tổng diện tích của hai quốc gia. Việc thành lập nhà nước Ixraen là một bước tiến trong lịch sử của dân tộc Do Thái, đem lại cho người Do Thái một tổ quốc, chấm dứt 1.800 năm lưu vong của họ.

   Thiết chế chính trị của nhà nước Ixraen là Cộng hoà Đại nghị. Tổng thống đứng đầu nhà nước do Quốc hội bầu ra nhiệm kỳ 5 năm. Quốc hội một viện nắm quyền lập pháp gồm 120 nghị sĩ do nhân dân bầu cử theo tỉ lệ dân cư, nhiệm kỳ 4 năm. Chính phủ do Thủ tướng đứng đầu nắm quyền hành pháp. Thủ tướng do nhân dân bầu cử nhiệm kỳ 4 năm. Tòa án tối cao nắm quyền tư pháp. Cơ cấu lãnh thổ đơn nhất gồm 18 quận là khu vực hành chính trực thuộc trung ương. Chế độ chính trị đa đảng.

E. Nhà nước Paletstin (State Of Palestin ): Paletstin là quốc gia có lịch sử lâu đời. Từ năm 1561 Paletstin bị đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ thống trị. Sau đại chiến thế giới thứ nhất (1914-1918) Anh được Hội quốc liên uỷ trị cai trị Paletstin. Sau đại chiến thế giới thứ hai (1939-1945), theo nghị quyết ngày 29-11-1947 của Liên hợp quốc, đất đai của người Paletstin và của người Do Thái trước kia được chia thành hai quốc gia: Quốc gia của người Do Thái và của người Paletstin. Ngày 15-5-1948 nhà nước Ixraen của người Do Thái ra đời. Từ 1948 cho đến 1973 bốn cuộc chiến tranh Trung Đông bùng nổ, người Do Thái chiến thắng và chiếm đất đai của người Paletstin. Đến lượt người Paletstin không có tổ quốc phải sống lưu vong ở các nước Ảrập. Nhân dân Paletstin kiên cường đấu tranh chống Ixraen để giành độc lập dân tộc. Theo những hiệp định hoà bình quốc tế, Ixraen trả lại cho Paletstin giải Gaza, thành phố Zericô thuộc bờ Tây sông Gioóc đăng, thừa nhận quyền tự trị của người Paletstin ở những vùng đất trên.

          Chính quyền tự trị của người Paletstin là thiết chế Cộng hoà đại nghị. Tổng thống là người đứng đầu nhà nước do nhân dân bầu cử. Chính phủ do Thủ tướng đứng đầu nắm quyền hành pháp. Thủ tướng do Tổng thống bổ nhiệm. Cơ cấu lãnh thổ đơn nhất.

G. Cộng hoà Li Băng (Republic Of Lebanon ): Năm 1561 Li Băng bị Thổ Nhĩ Kỳ xâm lược và sáp nhập vào lãnh thổ Xiri. Sau đại chiến thế giới thứ nhất (1914-1918) Pháp thống trị Li Băng theo sự uỷ trị của Hội quốc liên. Ngày 26-6-1926 Li Băng tuyên bố Độc lập. Năm 1946 quân đội Pháp rút khỏi Li Băng. Li Băng thực hiện một nền chính trị chia sẻ quyền lực giữa Thiên Chúa giáo và Hồi giáo.

Theo hiến pháp 1926, sửa đổi 1995, thiết chế chính trị Li Băng là nhà nước Cộng hoà đại nghị. Tổng thống là người đứng đầu nhà nước do Quốc hội bầu, nhiệm kỳ 6 năm, hai nhiệm kỳ. Quốc hội một Viện nắm quyền lập pháp gồm 128 nghị sĩ do nhân dân bầu cử, nhiệm kỳ 4 năm. Chính phủ do Thủ tướng đứng đầu nắm quyền hành pháp. Thủ tướng do Tổng thống bổ nhiệm. Nắm quyền tư pháp là 4 Toà án phủ quyết, 3 Toà án dân sự, Tòa thương mại và Tòa hình sự. Cơ cấu lãnh thổ đơn nhất gồm 5 vùng hành chính  trực thuộc trung ương. Chế độ chính trị đa đảng.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 27)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn